• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tác hại của hút thuốc thụ động đối với trẻ em

Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Thực trạng ở nhiều gia đình hiện nay, hút thuốc là thói quen của nam giới và họ thường hút thuốc trong nhà, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ.

Hiện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có trên 90 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có gần 80% trẻ bị viêm phổi. Trong số trẻ bị viêm phổi có một số trẻ phải chuyển lên tuyến trên vì bệnh nặng. Một trong những nguyên nhân gây ra là do trẻ sống trong môi trường có khói thuốc.

Hãy bỏ thuốc lá, vì sức khỏe của trẻ

 

Anh Nguyễn Minh L. ở huyện Cẩm Xuyên là bố của cháu T. bộc bạch: “Trước đây tôi hút thuốc lá, nhưng từ khi vợ có bầu tôi đã bỏ. Thời gian gần đây vì áp lực công việc nên tôi hút nhiều hơn và thường hút trong nhà nên đã ảnh hưởng tới vợ con. Con mới được hơn 1 tuổi mà bị viêm phổi, may đến viện điều trị kịp thời nên sau 5 ngày điều trị cháu có đỡ hơn. Lần này tôi quyết tâm bỏ thuốc lá”.

Tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, trong số 40 trẻ đang điều trị nội trú thì có đến hơn 70% trẻ bị các bệnh lý về đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa. Chị Trần Thị N. Thị trấn Thạch Hà, mẹ của cháu V. chia sẻ: “ở nhà bố thường xuyên hút thuốc lá, thế nên cháu mới được 2 tuổi mà bị viêm phổi 3 lần rồi. Tôi đã khuyên chồng bỏ vì sức khỏe của gia đình nhưng rất khó khăn, tôi đành phải chịu vậy”.

Theo bác sỹ Phan Quang Thỏa, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: nhiều nghiên cứu cho rằng, tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần. Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam. Bên cạnh đó trẻ hút thuốc lá thụ động còn bị ảnh hưởng đến các vấn đề về hô hấp, khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm. Các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Ngoài ra, trẻ tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ bị bệnh viêm tai giữa. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Bệnh viêm tai giữa có thể dẫn tới mất khả năng nghe. Một vấn đề khác nữa là hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ, nó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%. Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai cũng có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ…

Khói thuốc lá tác hại rất lớn đối với trẻ em

 

Tiến sỹ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban quản lý quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Thuốc lá và khói thuốc lá đe dọa sức khỏe, sự phát triển của trẻ em. Trong thuốc lá có tới hơn 7.000 chất độc và rất nhiều chất gây ung thư. Đặc biệt, thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ em trong suốt quá trình từ lúc các em nằm trong bụng mẹ đến lúc lớn lên. Người mẹ mang thai sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng khả năng sảy thai và tử vong thai nhi. Cha mẹ hút thuốc khi ở nhà sẽ làm tăng tỷ lệ trẻ bị bệnh hô hấp và các bệnh lý khác”.

Để hạn chế việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt ngăn chặn tình trạng trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá, theo tiến sỹ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban quản lý quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Hà Tĩnh: cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trong đó, tập trung vào các vi phạm về hút thuốc, về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo giá thuốc lá đắt hơn, ngăn chặn việc gia tăng mua thuốc lá, biện pháp này chi phí thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Cần ban hành chính sách cấm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cha mẹ và những người sống cùng trẻ, nhằm ngăn ngừa việc trẻ hít phải khói thuốc lá.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.167
Tháng 05 : 123.995
Năm 2024 : 843.294
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.641.808