• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người mẹ hiền của những “bệnh nhân đặc biệt”

Kỹ thuật viên Đoàn Thị Ái, thường được gọi trìu mến là “cô Ái”, tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, về công tác tại khoa Vật lý trị liệu đã 3 năm nay. Để đáp ứng được với công tác chăm sóc, dạy dỗ bệnh nhi tự kỉ, cô Ái đã học thêm các chuyên khoa  đặc thù như: tâm thần nhi, hoạt động trị liệu, rối loạn xử lý giác quan, rối loạn âm lời nói, quản lý hành vi…Ai cũng gọi cô Ái là người mẹ hiền của những “bệnh nhân đặc biệt”.

Nhìn cách cô Ái ân cần hướng dẫn các bạn nhỏ trong lớp từng bước vận động, nghiêm khắc và nhẫn nại nhắc nhở các con chú ý thực hiện một hoạt động nào đó mới thấy hết được tấm lòng của chị - người mẹ thứ hai của những bạn nhỏ kém may mắn. Chị bảo: Dạy trẻ tự kỷ là dạy từng kỹ năng, việc tưởng chừng như rất đơn giản, trẻ bình thường chỉ cần nhìn qua là biết cách làm theo, nhưng với trẻ tự kỷ phải mất thời gian dài, có khi là cả cuộc đời. Từ việc học cách mặc quần áo, vệ sinh cá nhân đều phải được hướng dẫn làm liên tục, tỉ mỉ, chi tiết thì các con mới có thể ghi nhớ và thực hiện. Cũng chẳng hề lạ lẫm khi cả tháng trời có bạn chỉ học một kỹ năng, để có thể tự làm một mình. Nói cách khác, một công việc, một hành động bắt buộc mình phải chia nhỏ từng bước, hướng dẫn từng chút một để tạo cơ hội cho các con thực hiện thành công. Nếu chính mình kiên trì, nhẫn nại thì chắc chắn các con sẽ học được và làm được.

Kỹ thuật viên Đoàn Thị Ái đang hướng dẫn các em phương pháp vận động

 

Đối với một công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn như chăm sóc, giáo dục những bạn nhỏ đặc biệt này, áp lực từ nhiều phía, từ bé, từ phụ huynh là điều không thể tránh khỏi. “Nản lòng có, cảm giác bất lực có nhưng rồi sau mỗi lần như vậy, chỉ cần được nghe thấy các con gọi “cô Ái ơi”, tiếng các bạn ấy cười đùa, thì niềm vui và hạnh phúc giản đơn lại nhen nhóm, khiến mọi khó khăn đều có thể được gác lại để nhường chỗ cho hành trình cố gắng, bền bỉ, tiếp tục đồng hành với các con đạt được những mục tiêu đã đặt ra" - chị Ái bộc bạch.

Chị T.T.H.T (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh), phụ huynh học sinh có con từng học tập tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, nay đã có thể hòa nhập theo học lớp 1 tại trường tiểu học trên địa bàn, tâm sự: Với sự tận tụy của chị Ái và các cô giáo ở Bệnh viện, chúng tôi có thêm những kiến thức đầy đủ hơn về con mình để cùng thầy cô tìm ra cách dạy con tốt nhất. Mặc dù sự tiến bộ của các con không thể đong đếm mỗi ngày, nhưng ở ngôi nhà thứ hai luôn ấm áp bởi tình thương và trách nhiệm này đã giúp các con có thêm kỹ năng, tự tin để sớm hòa nhập với cộng đồng.

Để ngày hôm nay trẻ nhận thức tốt hơn ngày hôm qua, một trong những công việc hàng ngày của “cô” Ái  là trao đổi thông tin 2 chiều với phụ huynh để xây dựng giáo án giảng dạy riêng cho từng trẻ. Đồng thời phải đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể, ví dụ đến 3 tuổi trẻ có thể nói, giao tiếp, tiến tới đi học lớp 1; trẻ 10 tuổi có thể nhận biết giới tính và phục vụ bản thân mình... Từ đó có kế hoạch hướng dẫn nề nếp học tập, sinh hoạt cho từng trẻ.

Bác sỹ Phạm Thị Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng chia sẻ: Chăm sóc và hướng dẫn trẻ tự kỷ là một nhiệm vụ đặc biệt,đòi hỏi gấp nhiều lần thời gian, công sức, năng lượng và hơn hết chính là tâm huyết, trái tim thương yêu của người thầy. “Cô Ái” không những được ban lãnh đạo, đồng nghiệp yêu mến, công nhận mà còn nhận được rất nhiều tình cảm của chính phụ huynh các em trong quá trình làm việc.

Mỗi ngày qua đi, cả cô và trò nơi đây đều đang nỗ lực, cố gắng từng chút một với hy vọng chưa bao giờ tắt về một ngày các em có thể hòa nhập, trở thành những đứa trẻ có thể đến trường để học tập, vui chơi như biết bao trẻ em khác.

Bình An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.684
Tháng 12 : 165.561
Năm 2024 : 2.966.149
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.764.663