“Mùa cúm”, chăm sóc sức khỏe như thế nào?
Những biến đổi khí hậu đột ngột trong mùa đông năm nay càng khiến mọi người dễ mắc phải bệnh cảm cúm. Phòng ngừa và chăm sóc người thân như thế nào trong “mùa cúm” là điều nhiều chị em trăn trở.
Công việc ở cơ quan những ngày cuối năm tất bật, chị Trần Thanh Nga (nhân viên văn phòng ở TP Hà Tĩnh) cố gắng thu xếp mà vẫn không hết việc. Có những ngày chị phải mang việc về nhà làm. Hai hôm nay, bé Bông nhà chị ho, sổ mũi và sốt cao khiến chị càng thêm quay cuồng.
“Mùa cúm”, người già và trẻ nhỏ là những đối tượng cần được chăm sóc, phòng bệnh
Chị Nga thở dài: “Cháu nhà tôi vốn hệ hô hấp trên yếu nên cứ thay đổi thời tiết là ốm. Công việc của mẹ đã nhiều, lại thêm con ốm, quấy khóc liên tục nên tôi bù đầu bù tai”.
Trẻ nhỏ ốm đã đành, các bé lớn cũng thi nhau ốm đợt giao mùa này. Buổi chiều vẫn đi học bình thường, chơi đùa vui vẻ với các bạn, thế nhưng, đêm về, cậu con trai 8 tuổi nhà chị Nguyễn Ngọc Hà (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) than mệt, đau đầu, đau họng và sốt 40oC. Khi đi khám, bác sỹ cũng kết luận cháu mắc vi-rút cúm.
Cô Nguyễn Thị Hào - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1 - Trường Hội nhập Quốc tế Ischool Hà Tĩnh cũng cho biết: “Đợt này, học sinh ốm rất nhiều. Hầu như tuần nào lớp tôi cũng có bạn phải nghỉ học vì sốt, cúm, thậm chí có ngày 4-5 bạn nghỉ”.
Cam là loại quả giúp tăng sức đề kháng cho người mắc cúm.
Trong nhà chỉ một người ốm đã vất vả, cả nhà thi nhau ngã bệnh thì càng vất vả hơn bội phần. Con trai chị Nguyễn Ngọc Hà sốt hai hôm thì bố và bà nội cũng bị lây bệnh với các triệu chứng tương tự. Một mình chị Hà xoay xở từ thuốc thang, cơm cháo, vắt nước cam, pha sữa. Ngày thường chị bận một thì nay lại tất bật mười.
Bác sỹ Trần Anh Pháp - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh khuyên các mẹ nên chú ý hai điều cơ bản khi thành viên trong gia đình ốm là giải quyết căn bệnh cho từng thành viên và ngăn ngừa bệnh lây lan.
Theo bác sỹ Pháp, bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.
Thói quen sử dụng khăn xô để vệ sinh dịch mũi họng cho bé khiến bệnh cúm kéo dài.
Vì vậy, bác sỹ lưu ý, mọi người cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước; vệ sinh nhà cửa, giường chiếu sạch sẽ; hạn chế tụ tập những chỗ đông người để tránh lây lan bệnh. Khi có các dấu hiệu của bệnh cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu phải đi khám bác sỹ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị khi chưa có hướng dẫn của bác sỹ.
Đặc biệt với trẻ nhỏ, ngoài áp dụng các hướng dẫn trên, các mẹ lưu ý không nên dùng khăn xô vệ sinh dịch mũi họng cho bé mà nên thay bằng khăn giấy dùng một lần. Vì tính tiện dụng nên khăn xô được hầu hết các bà mẹ sử dụng vệ sinh cho con, tuy nhiên dù được giặt sạch thì virus cúm vẫn tồn tại trên khăn. Tái sử dụng khăn sẽ khiến bệnh chồng bệnh, cúm dai dẳng và không khỏi được.
Mùa cúm, các mẹ nên hạn chế cho trẻ tập trung chỗ đông người để tránh lây bệnh
Dù chăm sóc gia đình nhưng các chị em cũng nhớ đừng quá lao lực, tất tả lo cho mọi người rồi mình cũng đổ bệnh theo. Chị em có thể tìm đến các giải pháp tạm thời là sử dụng dịch vụ để việc chăm thành viên gia đình trong “mùa cúm” trở nên nhàn hơn như thuê giúp việc dọn dẹp, mang chăn ga đến cửa hàng giặt sấy…
Hy vọng, với những kiến thức bác sỹ cung cấp, sự khéo léo của mẹ, cả gia đình sẽ có một cơ thể khỏe mạnh để chiến đấu với các bệnh giao mùa.