Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm
Sáng 11/01, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2016-2019 và định hướng trong thời gian tới tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có đồng chí Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh; đại diện một số tổ chức Hội, đoàn thể cấp tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2016-2019, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, công tác ATTP đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây là một điểm mới trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm so với trước khi có Chỉ thị 13. Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân, như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham luận về các nội dung: Bộ NN và PTNT với vấn đề vật tư, đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; Bộ Công thương với vấn đề nâng cao khâu chế biến, khâu bán hàng, hệ thống bán lẻ; Bộ Công an kiểm soát ngăn chặn tình hình nhập lậu, đấu tranh phòng chống tội phạm; các thành phố, doanh nghiệp về tăng cường công tác quản lý, xây dựng mô hình thí điểm địa phương, doanh nghiệp thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ý thức về an toàn thực phẩm của người dân có sự chuyển biến, tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống” đã giảm. Những năm qua, không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỉ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh... Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng trong năm 2020-2021, cần phải chuyển biến mạnh mẽ hơn, thực chất hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm, không bỏ qua vụ việc nào về vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu “đứng mũi chịu sào” của từng địa phương để có được sự chuyển biến đồng bộ...Từ năm 2020, nước ta cần có sự chuyển biến tích cực hơn, rõ nét hơn, đẩy mạnh công nghiệp 4.0 vào sản xuất để tạo nên quy trình chuỗi sản phẩm khép kín, an toàn. Để làm được điều đó các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế ATTP, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm. Quản lý tốt đầu vào sản phẩm, khâu chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm vệ sinh ATTP, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm ATVSTP. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc, không những người dân Việt Nam sẽ là những người được hưởng lợi, mà uy tín, vị thế của nước ta sẽ được nâng lên trong các quan hệ kinh tế, ngoại giao, thương mại, du lịch.
Ngân Khánh