Khoa Cấp cứu Chống độc - nơi “đầu sóng ngọn gió”
Có đến khoa Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Đa khoa (CCCĐ - BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh mới thấy nơi đây đúng là “đầu sóng ngọn gió” với bao căng thẳng, nhọc nhằn của đội ngũ y, bác sĩ.
Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu Chống độc luôn đa dạng về mặt bệnh và thường là rất nặng. Để tiếp nhận, cấp cứu ban đầu, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, các thầy thuốc nơi đây đã không ngừng trau dồi y khoa, bồi đắp y đức, nỗ lực hết mình để mang lại niềm vui và sự sống cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Chị Nguyễn Thị Thanh 54 tuổi ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, người nhà của bệnh nhân Võ Hồng Toàn đang điều trị tại Khoa CCCĐ cho biết: "Chồng tôi bị tai biến mạch máu não rất nặng vào khoa điều trị trong tình trạng hôn mê không biết gì, hơi thở khi có, khi không. Trước khi vào viện anh em, làng xóm đều cho rằng đưa anh Toàn đi bệnh viện cho thỏa mản gia đình chứ không thể cứu được nữa. Tuy nhiên sau 5 ngày được các y, BS tích cực điều trị thì chồng tôi cũng đã bắt đầu có những cảm nhận và biểu hiện tích cực. Đến nay đã đỡ rất nhiều có thể tự ngồi dậy và nhận biết được người nhà, anh em, bạn bè đến thăm. Chúng tôi rất cảm ơn các y, BS của khoa đã nhiệt tình cứu chữa cho chồng tôi”.
BS. Nguyễn Xuân Thái - Trưởng khoa CCCĐ, BVĐK Hà Tĩnh cho biết “Khoa hiện có 32 cán bộ trong đó có 07 bác sĩ, 22 điều dưỡng và 03 Hộ lý, chủ yếu là nữ, trong khi số bệnh nhân được đón nhận, xử trí và cấp cứu hàng ngày lên tới gần 150 người, cao điểm có thể lên đến 200 bệnh nhân. Sự quá tải trường kỳ của bệnh viện nói chung và của Khoa nói riêng đã khiến cho các nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng mình, vận hành hết công suất”.
Xác định được vai trò quan trọng của khoa đối với việc cấp cứu cho người bệnh, trong những năm gần đây, Khoa CCCĐ - BVĐK Hà Tĩnh không ngừng học tập, cập nhật các ứng dụng kiến thức mới vào công tác điều trị bệnh nhân như: Sử dụng máy thở đa năng trong điều trị bệnh nhân suy hô hấp nặng; sử dụng thuốc và các thiết bị máy móc trong theo dõi và điều trị cấp cứu bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân ngộ độc… Một số các trang thiết bị hiện đại cũng đã được trang bị tại khoa để phục vụ bệnh nhân tại giường bệnh, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị như: Máy siêu âm tại giường; máy xét nghiệm đường máu mao mạch; máy siêu âm Doppler màu xuyên sọ; máy thăm dò huyết động không xâm lấn (USCOM) . …Đặc biệt khoa đã tiếp nhận và triển khai bốn máy lọc máu tiên tiến nhất hiện nay là HDF online của hãng Fresinus do tập đoàn dầu khí và Tập đoàn Vingroup tài trợ để phục vụ bệnh nhân. Những kỹ thuật này đã được các Giáo sư, bác sỹ đầu ngành đánh giá rất cao. Bên cạnh đó Khoa cũng đã triển khai và thực hiện các kỹ thuật mới trong cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu thần kinh như: Dẫn lưu não thất trong tăng áp lực nội sọ từ; triển khai áp dụng kỹ thuật sử dụng tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não cấp tính. Bên cạnh đó Khoa CCCĐ còn đảm nhiệm việc lọc máu cho các bệnh nhân suy thận mãn và cấp tính... Mỗi năm khoa đã thực hiện hơn 35 ngàn lượt chạy thận nhân tạo chu kỳ và hàng chục ngàn cuộc lọc máu cấp cứu; tiếp nhận và cấp cứu cho hơn 50 ngàn lượt bệnh nhân, nhất là cấp cứu các bệnh nhân nặng như: hôn mê, tai biến mạch máu não, trụy tim mạch, sốc các loại, chấn thương, nhi khoa…
Bà Nguyễn Thị Vinh vợ của bệnh nhân Phạm Văn Tuấn 69 tuổi ở Phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh cho biết “Chồng tôi bị Trụy tim và ngã xuống đột ngột. Khi đưa vào viện với các triệu chứng khó thở, đau thắt lồng ngực và choáng các BS đã tiến hành khai thông đường thở, thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực, sau một hồi cấp cứu, chồng tôi đã dần tỉnh lại tuy nhiên do sức khỏe giảm sút nên phải nằm điều trị dài ngày tại Khoa CCCĐ. Mặc dù ông nằm một chỗ và phải thở bằng máy nhưng các y, bác sĩ ở đây luôn tận tình chăm sóc. Gia đình tôi rất cảm ơn và tin tưởng ở bệnh viện và khoa CCCĐ”.
Làm việc tại Khoa CCCĐ cũng đồng nghĩa với nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân vừa nhập viện, đang trong giai đoạn nặng. Áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, thậm chí cả bạo hành, làm trĩu nặng thêm đôi vai của người thầy thuốc. Đối mặt với sự nóng giận thái quá của người nhà bệnh nhân, các bác sĩ nơi đây cùng nhau chọn cách kiềm chế cảm xúc, giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu và tìm biện pháp xử lí hài hòa nhất. Từng ngày từng giờ căng thẳng chiến đấu với tử thần, quyết tâm dành sự sống cho những bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch. Các y, bác sĩ nơi đây cảm nhận rất rõ sứ mệnh vinh quang mà gia đình, người nhà bệnh nhân trao cho mình. Niềm vui tràn đầy của người thân khi đón con cái, cha mẹ mình khỏe mạnh, thậm chí là từ cỏi chết trở về đã tiếp thêm sức mạnh cho những người thầy thuốc. “Những ngày nghỉ lễ, tết với các nhân viên y tế, đặc biệt là ở khoa CCCĐ, luôn không trọn vẹn với gia đình, người thân và bạn bè đồng nghiệp”, BS Thái cho biết thêm.
Theo BS. Hoàng Song Hào - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, “Để có thể giành giật sự sống của bệnh nhân, ngoài việc yêu cầu mỗi bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế luôn luôn tích cực học hỏi nâng cao trình độ, mạnh dạn tiếp nhận và ứng dụng các kỹ thuật mới vào điều trị; chấp hành tốt quy chế chuyên môn, quy chế cấp cứu, bảo đảm đúng các quy trình kỹ thuật trong khám và chữa bệnh thì lãnh đạo BV và Khoa CCCĐ thường xuyên chỉ đạo mỗi cán bộ, nhân viên phải hết sức nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử và luôn trau dồi y đức, tuyệt đối không gây phiền hà cho bệnh nhân”.
Với một đội ngũ y bác sỹ nhiều năm kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với nghề, hết lòng, dốc sức phục vụ bệnh nhân cùng với trang thiết bị hiện đại, thời gian qua, những người thầy thuốc Khoa CCCĐ, BVĐK Hà Tĩnh đã cấp cứu, điều trị thành công hàng ngàn ca bệnh khó, tạo sự tin tưởng cho người nhà bệnh nhân và là nơi bệnh nhân gửi gắm niềm tin.
Huy Ngân