Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo báo cáo tổng kết giai đoạn 2001 – 2015 của Bộ Y tế, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã tránh cho 15.000 trẻ sinh ra từ những người mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV. Đây được đánh giá là chương trình can thiệp hiệu quả nhất trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đồng thời mang đậm tính nhân văn sâu sắc, góp phần đem lại cho thế hệ mai sau một tương lai tươi sáng hơn.
Đã nhiều năm nay, mẹ con chị Hoàng Thị Tịnh ở Cẩm Quan – Cẩm Xuyên coi cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS như những người thân của mình. Hàng tháng chị lên Trung tâm lấy thuốc, được cán bộ y tế khám sức khỏe và tư vấn thêm trong quá trình điều trị. Phát hiện nhiễm HIV từ chồng năm 2006, những tưởng cuộc sống của mẹ con chị sẽ đi vào ngõ cụt. Nhưng được sự động viên, tư vấn của gia đình, cán bộ y tế, chị đã theo sát quá trình điều trị, dùng thuốc đúng liều và đến nay sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, thẳm sâu trong lòng chị vẫn là nỗi đau, sự day dứt không nguôi đối với đứa con trai út. Cháu đã 11 tuổi, nhưng mới học lớp 2 và cháu mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Chị cho biết: do không biết mình mắc bệnh nên khi sinh con ra, cháu cũng lây truyền bệnh của mẹ. Sức khỏe của cháu yếu hơn rất nhiều so với các bạn cùng lứa. Hiện cháu 11 tuổi mà nhỏ như cậu học sinh lớp 2. Tuy nhiên hiện nay do tuân thủ liệu trình điều trị nên sức khỏe 2 mẹ con đã ổn định. Cháu đã học lớp 2 và học tập tốt.
May mắn hơn chị Tịnh, vợ chồng chị Tô Thị Thu ở Kỳ Bắc – Kỳ Anh mang trong mình căn bệnh HIV, nhưng các con chị sinh ra đều được dự phòng trước nên không bị lây truyền bệnh từ mẹ. Theo chị Thu: Thời kỳ đầu mong muốn có con, anh chị đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. May mắn đúng dịp này chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại tỉnh ta. Sau khi được tư vấn, chị đã quyết định thực hiện liệu trình điều trị dự phòng này. Niềm vui như nhân lên khi các con sinh ra không bị lây truyền bệnh từ mẹ. Và lần mang thai này, chị vẫn yên tâm điều trị dự phòng, sức khỏe ổn định và tham gia lao động, sản xuất như bình thường.
Tại tỉnh ta, lũy tích hiện có 1566 người nhiễm HIV, trong đó có 293 nữ, có 32 trường hợp phụ nữ mang thai và 21 trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ. Tính từ năm 2009 đến nay, nhờ triển khai chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 100% trẻ ra đời từ những người mẹ nhiễm HIV đã không mang bệnh, chất lượng cuộc sống cho người phụ nữ mang thai nhiễm HIV được nâng cao. Hiện chương trình đã được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, một số huyện triển khai hiệu quả như: Hương Sơn, Nghi Xuân, Đức Thọ, Kỳ Anh… Tại đây, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; các cặp vợ chồng có HIV được tư vấn và cung cấp đầy đủ các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bs. Nguyễn Du – Khoa Điều trị - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ mang thai (do máu mẹ qua màng nhau thai bị tổn thương sang máu con), 15-20% trong thời kỳ chuyển dạ (tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV) và 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...). Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và tiến hành xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết mình có bị nhiễm HIV hay không và nếu bị nhiễm HIV sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Gói dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con gồm: phụ nữ được tư vấn xét nghiệm HIV; cung cấp điều trị ARV, theo dõi, hướng dẫn tư vấn các biện pháp an toàn cho trẻ trước trong và sau sinh.
Theo số liệu giám sát trọng điểm, tại Việt Nam tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%, mỗi năm có khoảng 6000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36%. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai, hay tình trạng mang thai ở phụ nữ nhiễm HIV và áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn khoảng 5%, điều này đồng nghĩa với mỗi năm chúng ta có thể cứu được trên 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ của mình.
Bs. Phùng Bình Văn – Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: tỉnh ta, hiện có 101 phụ nữ bị nhiễm HIV đang điều trị, có 21 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Tính từ năm 2009 đến nay Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 18 phụ nữ, 21 trẻ sinh ra từ những người mẹ đã điều trị gói dự phòng đều không bị nhiễm HIV. Trong thời gian tới, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tiếp tục tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương. Song song với đó là cung cấp dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, như đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế. Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã. Tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao, đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV…
Tháng hành động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được diễn ra từ ngày 1-30/6 với mục tiêu tăng cường truyền thông, tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Với những nỗ lực triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của ngành Y tế và sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các cấp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Hà Tĩnh sớm hoàn thành mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con“ trong thời gian không xa, góp phần cho thế hệ mai sau một tương lai tươi sáng hơn.
Thu Hòa