• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điều trị sớm HIV tránh lây lan sang cộng đồng

Những năm gần đây, hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV⁄AIDS đã được tăng cường, số người nhiễm HIV và người chết do AIDS đã giảm. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, tính đến nay gần 400 người điều trị ARV. Tuy nhiên, hiện vẫn còn bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị do sợ lộ thông tin, danh tính và bị kỳ thị của xã hội. Điều này đồng nghĩa nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng cao do không điều trị để kiểm soát lượng virus trong cơ thể.

Tại Hà Tĩnh, hiện nay cả 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 194/262 xã, phường (tỉ lệ trên74%) đã có người nhiễm HIV. HIV/AIDS không chỉ tập trung trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm mà đã xuất hiện ở phụ nữ mang thai, trẻ em,...

Hiện nay, nhiều người vẫn thiếu hiểu biết và cho rằng, HIV/AIDS có thể lây qua tiếp xúc, ăn uống, giao tiếp nên càng có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đây là nguyên nhân chính khiến người bệnh lo sợ, che giấu và nguy cơ lây lan càng cao, sự kiểm soát, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Một buổi tập huấn truyền thông về phòng chống HIV được tổ chức tại huyện Nghi Xuân

 

Cũng có những người nhiễm HIV dũng cảm công khai tình trạng bệnh tật của mình cho người thân, bạn bè biết song đa số những người nhiễm HIV/AIDS đều không dám tiết lộ thông tin về tình hình bệnh của mình. Nhiều người còn e ngại không dám đến những cơ sở y tế để xét nghiệm nên không thể có được những phương pháp điều trị kịp thời để tránh lây nhiễm HIV. Mặt khác, chính sự kỳ thị từ cộng đồng sẽ làm cho những người nhiễm HIV có suy nghĩ tiêu cực, nghiêm trọng hơn có thể gây tổn hại cho người xung quanh bằng việc họ “vô tình” làm lây lan dịch bệnh này. Không những vậy, việc phân biệt đối xử đối với những người có HIV sẽ làm cho họ không thể hòa nhập với cộng đồng dẫn đến tình trạng thất nghiệp hoặc phải thay đổi công việc thường xuyên dẫn đến tệ nạn xã hội ngày một gia tăng…

Bác sỹ Phùng Bình Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Việc những người nhiễm HIV giấu tình trạng bệnh của mình khiến gia tăng nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Vì vậy,  thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với người nhiễm HIV, mà còn rất ý nghĩa đối với những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Thông điệp K=K làm thay đổi quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được. Điều này cũng khuyến khích người nguy cơ cao nhiễm HIV tiếp cận với xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị ARV sớm. Bên cạnh đó, khuyến khích tuân thủ, duy trì điều trị để đạt ngưỡng virus ức chế, giúp loại bỏ nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục, bảo vệ người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, không bị nhiễm trùng cơ hội và làm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử.

Trên thế giới đã có sự đồng thuận rất lớn, rộng rãi về thông điệp K=K. Tính đến tháng 8/2019, đã có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K. Chiến dịch này đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, bao gồm U=U theo tiếng Anh; K = K theo tiếng Việt, N = N theo tiếng Hà Lan; B = B theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và I = I theo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha.

Cán bộ Khoa phòng chống HIV/AIDS chấm bài thi tìm hiểu kiến thức về HIV trong học sinh PTTH

 

Tại Việt Nam, thông điệp K=K đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế xem xét các bằng chứng khoa học và đồng ý với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, CDC Hoa Kỳ và UNAIDS cũng như sự đồng thuận rộng rãi và ngày càng tăng trên toàn cầu về K=K.

Khi điều trị ARV liên tục để đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, định nghĩa là dưới 200 bản sao/ml máu, sẽ không làm lây truyền HIV qua đường tình dục. Kết luận này dựa trên bằng chứng khoa học, được hơn 700 tổ chức, cơ quan ở 75 quốc gia trên thế giới công nhận. Điều này mang lại hy vọng cho những người sống chung với HIV, giúp người nhiễm cũng như bạn bè và gia đình họ hiểu rằng tiếp cận điều trị ARV sớm, duy trì điều trị và tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ giúp họ sống lâu hơn, sống khỏe mạnh hơn, có thể sinh con và phòng tránh lây nhiễm HIV cho bạn tình.

Bác sỹ Phùng Bình Văn cho biết thêm, đối với những người không lây nhiễm HIV, việc hiểu biết về thông điệp K=K là công cụ tốt để có thể dự phòng. Điều quan trọng là họ cần phải động viên, khuyến khích, hợp tác với những người đang sống với HIV để họ điều trị thật tốt. Những người sống chung với HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, sống có ích cho cộng đồng và cho xã hội.

Viên Phan - Phan Sang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 704
Tháng 05 : 47.434
Năm 2024 : 766.733
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.565.247