Nhiều người bệnh được cứu sống nhờ Quy trình báo động đỏ
Quy trình báo động đỏ (BĐĐ) nội viện là sự phối hợp khẩn cấp cùng lúc nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức của bệnh viện. Còn quy trình BĐĐ liên viện là sự phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các bệnh viện với nhau, nhằm cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch cần sự phối hợp can thiệp của nhiều chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Ngành Y tế Hà Tĩnh thời gian qua đã thực hiện tốt quy trình BĐĐ nội viện và liên viện nên nhiều bệnh nhân được thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Ngày 23/7/2019, bệnh nhân Vũ Chí Bền, 68 tuổi, tỉnh Hải Dương được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hương Khê trong tình trạng: liệt 1/2 người trái, nói ngọng, rối loạn cơ tròn (ỉa, đái không tự chủ)... Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não diện rộng. “Xác định đây là một ca bệnh nặng cần phải được cấp cứu khẩn trương. Bệnh viện tiến hành kích hoạt Quy trình BĐĐ nội viện và liên viện. Ngay khi nhận được tin, kíp bác sỹ khoa cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh đã vượt gần 50 cây số mang theo thuốc tiêu sợi huyết về BVĐK Hương Khê cấp cứu cho bệnh nhân. Sau khi dùng thuốc bệnh nhân đã tiến triển rất khả quan, nói rõ hơn, nhận diện được người thân, sử dụng được điện thoại, tay và chân trái đã cử động tốt... Bệnh nhân Bền tiếp tục được chuyển vào BVĐK tỉnh tập luyện, phục hồi chức năng, sau hơn 10 ngày được phục hồi sức khỏe và xuất viện” - Bác sĩ Phạm Mạnh Hà, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK Hương Khê bộc bạch.
Ths. Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc, BVĐK tỉnh cho biết: “Bệnh nhân Bền bị đột quỵ do nhồi máu não diện rộng. Nhưng nhờ bệnh viện kích hoạt Quy trình BĐĐ kịp thời nên bệnh nhân được cứu sống. Nếu không được cấp cứu và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết bệnh nhân đã bị hôn mê và nguy cơ tử vong rất cao”.
Ngoài bệnh nhân Bền từ đầu năm 2019 đến nay, nhờ thực hiện quy trình BĐĐ mà có nhiều bệnh nhân được cứu sống. Bệnh nhân Trần Thị D. và bệnh nhân Nguyễn Thị T. đều ở Thành phố Hà Tĩnh, vào Bệnh viện đa khoa Thành phố mổ lấy thai. Trong quá trình mổ lấy thai cả hai bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu. Tuy nhiên, sau đó nhờ có sự trợ giúp kịp thời của các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nên cả hai bệnh nhân đều được an toàn cho cả mẹ và con.
Tại tuyến huyện, một số bệnh viện đã thực hiện tốt Quy trình BĐĐ nội viện, kịp thời cấp cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch: Tháng 9/2019, Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đã phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân Th. (Yên Hồ-Đức Thọ) trụy mạch do chửa ngoài tử cung vỡ. Tháng 3/2019, Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà đã cứu sống bệnh nhân Bùi Thị Phin (76 tuổi, xóm Trung Sơn, xã Hồng Lộc) bị suy hô hấp cấp nguy kịch. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã cứu sống bé trai sơ sinh từ bụng người mẹ chết lâm sàng do tai nạn giao thông…
Khi Quy trình BĐĐ kích hoạt cũng là lúc bác sĩ chạy đua với tử thần bởi sự sống của bệnh nhân chỉ còn đếm ngược từng phút. Quyết định sống còn ngay trên bàn mổ của bác sĩ đã giúp nhiều bệnh nhân từ cõi chết trở về. “Trước đây, nếu gặp tình huống ngoài khả năng của bệnh viện, thì chúng tôi cũng được sự hỗ trợ của Bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, thời gian chậm hơn, vì còn lúng túng, không nắm được đầu mối rõ ràng. Nhưng sau khi thực hiện Quy trình BĐĐ đã tận dụng được “thời gian vàng” cho bệnh nhân. Khi gặp tình huống ngoài khả năng của bệnh viện thì vừa thực hiện quy trình BĐĐ nội viện, đồng thời kích hoạt quy trình BĐĐ liên viện. Sau 5 đến 15 phút các chuyên gia của Bệnh viện tỉnh có mặt để cấp cứu cho bệnh nhân” - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Thành phố chia sẻ.
Theo Bác sĩ Lê Ngọc Thắng, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện đa khoa tỉnh: “Hiện tại BVĐK tỉnh là đơn vị chủ lực trong BĐĐ liên viện. Khi các bệnh viện tuyến dưới kích hoạt Quy trình BĐĐ, thì lập tức bệnh viện sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn máu…., trong thời gian từ 10 đến 20 phút là xuất phát để đến nơi cần hỗ trợ. Tuy nhiên, để tận dụng “thời gian vàng” cho người bệnh, cùng lúc các bác sĩ BVĐK tỉnh di chuyển thì đối với những bệnh viện ở xa như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang nên trung chuyển người bệnh đến Bệnh viện Đức Thọ; ở Kỳ Anh thì trung chuyển người bệnh đến Bệnh viện Cẩm Xuyên. Như thế cơ hội cứu sống người bệnh sẽ cao hơn”.
Thực hiện Quy trình BĐĐ liên viện, đã giải quyết được những bất cập trước đây trong cấp cứu bệnh nhân nguy kịch tại một số bệnh viện. Các kỹ thuật cấp cứu như đặt nội khí quản, cấp cứu ngừng tim/ngừng thở, chống sốc... chủ yếu là do các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu/Hồi sức tích cực thực hiện. Nhiều ca bệnh như: sốc mất máu, đa chấn thương, diễn biến nặng đột ngột trong chuyển dạ... nếu không được cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, vì vậy cần sự phối hợp khẩn trương của nhiều chuyên khoa. Có thể thấy, quy trình BĐĐ góp phần tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng các y, bác sĩ và người dân, bởi đã “hồi sinh” được những ca bệnh nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi.
Ngày 5/6/2019 Sở Y tế đã ban hành Quy trình BĐĐ liên viện và khuyến cáo các bệnh viện triển khai Quy trình BĐĐ nội viện và liên viện nhằm tăng khả năng cứu sống người bệnh. Theo đó, yêu cầu 03 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Đức Thọ và Hương Sơn) hỗ trợ cấp cứu liên viện, lập danh sách các chuyên gia và sẵn sàng hỗ trợ kịp thời khi nhận được yêu cầu khẩn cấp từ bệnh viện khác. Tất cả các bệnh viện xây dựng Quy trình BĐĐ nội viện, liên viện và hướng dẫn triển khai quy trình BĐĐ đến tất cả cán bộ y tế. Lập danh sách, số điện thoại của các đội cấp cứu BĐĐ nội viện, liên viện và thông báo tại các vị trí dễ quan sát, vị trí thường trực, phòng hành chính của tất cả khoa, phòng; có phương án chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị, nguồn máu, thuốc để cấp cứu người bệnh... Quy trình BĐĐ liên viện yêu cầu toàn bộ kíp hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất và có thể bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu thông thường (như hội chẩn, chờ hồi sức nội khoa ổn định, xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm…). Quy trình BĐĐ liên viện được kích hoạt khi có đủ 2 điều kiện: Người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch hoặc đang điều trị nội trú đột ngột rơi vào tình trạng nguy kịch hoặc cần phải can thiệp phẫu thuật/thủ thuật khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện. |
Nguyễn Duy