Khó khăn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Hà Tĩnh
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá và đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc thực thi Luật PCTHTL và xây dựng môi trường không khói thuốc trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh, kể từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hút thuốc lá tại Hà Tĩnh đã giảm đáng kể ở cả 2 giới, từ 22,4% giảm xuống còn 15,7%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc và các địa điểm công cộng giảm xuống từ 45% xuống 36,8% và từ 70% xuống 55,2%. Có 100% đơn vị, cơ sở giáo dục cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. 100% trường học trong toàn tỉnh có gắn bảng cấm hút thuốc lá trong khuôn viên, phòng họp chung. 100% các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ký cam kết về PCTHTL. Tất cả các cơ quan, đơn vị đã triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Niêm yết biển “Cấm hút thuốc lá” tại các cơ quan, đơn vị, phòng chờ bến xe và trên các phương tiện vận tải hành khách theo quy định. Các cán bộ, nhân dân đã cơ bản chấp hành tốt các quy định tại các cơ quan, đơn vị và những nơi công cộng.
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thuốc lá tuân thủ đầy đủ các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, tài trợ. Trong 05 năm triển khai thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có cơ sở kinh doanh thuốc lá vi phạm.
Ths. Nguyễn Hồng Phúc – Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế, thư ký Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh cho biết: “để có được những kết quả như trên, BCĐ tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động, như: nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của Luật PCTH thuốc lá và các văn bản hướng dẫn; nâng cao năng lực PCTH thuốc lá cho cán bộ tham gia hoạt động PCTH thuốc lá, đưa nội dung giảng dạy về PCTH thuốc lá vào trường học và nhân rộng việc thực hiện các mô hình môi trường không khói thuốc; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật PCTH của thuốc lá”.
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận nhưng hiện nay công tác phòng chống THTL trên địa bàn tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật PCTH thuốc lá,... mặc dù đã được đẩy mạnh và thường xuyên được cập nhật bằng các hình thức trực tiếp, gián tiếp, đăng tải trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tỷ lệ hút thuốc lá vẫn cao; vẫn còn rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân biết quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá nhưng vẫn cố tình vi phạm, xem nhẹ hình thức xử lý, nhiều cán bộ, lãnh đạo không nêu gương, đặc biệt là việc hút thuốc lá tại công sở, nơi công cộng,... Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật PCTH thuốc lá chưa được thường xuyên, chế tài và cách thức xử phạt vi phạm hành chính đối với Luật PCTH thuốc lá chưa phù hợp với thực tiễn, tính răn đe không cao, chưa nghiêm.
Cán bộ tham gia Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm nên quỹ thời gian thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả. Chưa đề cập và thiếu chế tài quản lý một số loại sản phẩm thay thế sản phẩm thuốc lá truyền thống như thuốc lá điện tử. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phối hợp, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Thị trường thuốc lá rất đa dạng về chủng loại thuốc và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người trong xã hội; chính vì tính sẵn có và giá cả phù hợp với từng loại túi tiền nên rất khó kiểm soát hành vi hút thuốc của người dân. Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe không phải là ngay lập tức, mà nó diễn ra chậm, từ từ và âm ỉ, kéo dài nên đại bộ phận những người đang hút thuốc lá xem nhẹ, thậm chí phủ nhận tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe để bảo vệ cho hành vi hút thuốc của bản thân. Tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng bắt đầu nên nhiều hoạt động đã được phê duyệt nhưng phải cắt và không thể triển khai.
Vì vậy để thực thi nghiêm Luật Phòng chống THTL và xây dựng môi trường không khói thuốc, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, các ngành, chức năng cũng cần xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng, và quản lý chặt thuốc lá làm nóng. Đồng thời, sớm sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá; kiểm soát chặt chẽ môi trường Internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ… Cần xây dựng đường dây nóng riêng theo từng khu vực vùng miền, để người dân thuận tiện hơn trong quá trình tiếp cận thông tin và hướng cai nghiện phù hợp với đặc điểm địa phương. Tập trung các biện pháp thông tin, tuyên truyền tại hộ gia đình hiệu quả; xây dựng các hệ thống câu lạc bộ không khói thuốc tại từng địa phương cấp xã, phường, trong đó lực lượng chính là Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên,…
Thu Hòa