• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hãy từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay, vì sức khỏe của bạn và người thân

Chúng tôi có mặt tại Khoa nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh một ngày đầu mùa hè, các buồng bệnh rất đông bệnh nhân điều trị, qua hỏi thăm một số sản phụ sinh con non tháng, nhẹ cân và các mẹ có con điều trị bệnh viêm phổi, viêm phế quản tại khoa được biết phần lớn những trẻ này có người thân trong gia đình đang hút thuốc lá, thuốc lào.

Chị Trần Thị  Ngọc Th., 31 tuổi, ở xóm Bắc Thượng, xã Thạch Đài huyện Thạch Hà cho biết: Tôi mang thai chưa đầy 8 tháng, nhưng mấy ngày trước đau bụng nhiều, được người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời để sinh trước tháng, nay đã được 4 ngày, cháu chỉ nặng 2 kg nên giờ đang nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt”. Khi được hỏi trong gia đình có ai hút thuốc lá, thuốc lào không?, Chị ngập ngừng chia sẽ: Trong gia đình có 6 người, thì có 3 hút đang hút thuốc, trong đó người hút nhiều nhất là bố chồng và chồng chị. Mặt khác trong xóm rất nhiều người cũng đang sử dụng thuốc lá, thuốc lào nên có thể đó là nguyên nhân từ hít khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi, xẩy ra tình trạng sinh non như hôm nay.

Không ít trẻ em bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp là do hít phải khói thuốc.

 

Bác sỹ Đặng Quang Minh – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Nếu người mẹ khi mang thai sống trong môi trường hít phải nhiều khói thuốc lá thì đồng nghĩa với việc thai nhi hít phải khói độc mỗi ngày. Các biến chứng nghiêm trọng nhất mà khói thuốc có thể gây ra cho thai nhi là hiện tượng thai chết lưu, sinh non, bé sinh nhẹ cân; trẻ sơ sinh có nguy cơ đột tử cao; trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi..  Bên cạnh đó, những trẻ lớn hơn khi sống trong gia đình có người hút thuốc thì trẻ sẽ có khuynh hướng hút theo. Trẻ hút thuốc hay hút thuốc lá thụ động đều mang đến hậu quả nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, tim mạch, đục thủy tinh thể, bệnh tai mũi họng..

Còn tại Khoa Ung Bướu – Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 2 năm 2019 và  2020 có 1.429 bệnh nhân ung thư vào điều trị, trong đó ung thư phổi chiếm tỷ lệ 29%. Trong số bệnh nhân bị ung thư phổi vào điều trị tại đây thì có đến 80% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá, thuốc lào. Nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Đây là căn bệnh có thể phòng ngừa nếu thay đổi lối sống, tuy nhiên đa số người dân còn chủ quan và thiếu kiến thức về căn bệnh này.

Trên 80% bệnh nhân bị ung thư phổi vào điều trị tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân đều có liên quan đến hút thuốc lá, thuốc lào.

 

Anh Ngô Đức Q., 52 tuổi, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc là một trong những bệnh nhân bị ung thư phổi đang điều trị tại Khoa Ung bướu – y học hạt nhân cho hay: Anh bắt đầu hút thuốc lá, thuốc lào từ năm 14 tuổi. Lúc đầu hút chơi cho vui sau đó nghiện, cứ 15 đến 20 phút là lại thèm. Nhiều lần bị ho, đi kiểm tra sức khỏe thì thấy bác sĩ bảo phổi của anh đen kịt và khuyên anh về bỏ thuốc lá, thuốc lào nhưng bỏ được mấy bữa thì hút lại. Cứ thế đến khi thấy cổ có biểu hiện nổi hạch như chùm nho, anh Q. đi khám thì ngã ngửa ra vì kết quả bị ung thư phổi đã di căn sang nhiều nơi, bây giờ hối hận cũng không kịp nữa, biết được cái chết đến rất gần. Anh chỉ biết khuyên người thân và bạn bè lánh xa với thuốc lá, thuốc lào, không làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Bác sĩ Võ Văn Phương – Trưởng khoa U bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong thuốc lá không chỉ chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư và các bệnh về tim mạch như chất: nicotine, benzen, formaldehyde, vinyl clorua..  cho nên những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi. Vì phổi ở người bao gồm nhiều sợi lông mao nhỏ, những sợi lông này bảo vệ phổi quét sạch các độc tố, vi khuẩn từ bên ngoài vào đường hô hấp. Khi hút thuốc, khói thuốc lá làm các lông mao bị vô hiệu hóa chức năng của mình, các hóa chất trong thuốc lá xâm nhập vào phổi và gây bệnh.

Bác sỹ Phương cũng cho biết thêm: Người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người hút cũng mắc các bệnh như người hút thuốc. Khói thuốc lá đặc biệt ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người không hút thuốc lá như phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng là nguyên nhân gây vô sinh cho cả hai giới và 25 bệnh khác liên quan như: bệnh hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Bác sỹ Khoa Ung Bướu-Y học hạt nhân thăm khám cho một bệnh nhân bị ung thư có tiền sử hút thuốc lá trong thời gian dài.

 

Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu dẫn đến dương vật gây liệt dương.

Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc.

Chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế và tránh được các nguy cơ bệnh lý do làn khói độc từ thuốc lá gây ra cho chính bản thân và thế hệ tương lai. Nếu bạn đang hút thuốc, thì điều quan trọng cho sức khỏe của bạn và con bạn, người thân trong gia đình bạn là từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay, có như vậy người thân của bạn mới tránh được hút thuốc lá thụ động,, mọi người được sống trong môi trường trong lành không khói thuốc, vì sức khỏe cộng đồng.

Nhật Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.218
Tháng 04 : 138.478
Năm 2024 : 635.697
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.434.211