• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 30/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: - 74 bệnh viện miền Tây mỏi mòn chờ máu; Thành công chống dịch Covid-19 cho thấy bản lĩnh Việt Nam; Cảnh báo tình trạng suy thận nặng do uống cỏ mực

74 bệnh viện miền Tây mỏi mòn chờ máu

Gần 15 năm chưa từng xảy ra tình trạng thiếu máu phục vụ cấp cứu, điều trị kể từ khi thành lập ngân hàng máu vào năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, 8 tháng qua, khắp 11/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng khiến không chỉ bệnh nhân mà cả bác sĩ cũng sốt ruột.

Đang điều trị thì hết máu

Nhập viện tại BVĐK Trung ương Cần Thơ từ ngày 23.10 điều trị suy thận mạn, đến nay bệnh nhân Trần Văn Hợp (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), vẫn chưa thể truyền máu vì bệnh viện không có máu để truyền. Ông Hợp cho biết, bệnh của ông phải vào viện mỗi tuần 1 lần để truyền máu. Trước đây, khi vào, bác sĩ chỉ định cho truyền máu, sau đó khoảng 1 tuần sẽ được xuất viện. Còn lần nhập viện này đã 1 tuần chờ đợi vẫn chưa có máu để truyền. Do thể bệnh nặng nên ông Hợp được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tạo máu với giá gần 300.000 đồng/ống. “Việc nằm viện chờ đợi có máu làm phát sinh thêm nhiều chi phí khác như viện phí, ăn uống, sinh hoạt. Tôi là lao động chính của gia đình mà giờ bệnh như thế này. Vợ cũng phải theo để nuôi dưỡng. Sử dụng thuốc tạo máu kéo dài thì gia đình không đủ khả năng chi trả, mà đợi có máu truyền cũng không biết đến bao giờ mới có” - ông Hợp buồn rầu nói.

Cũng nhập Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ 1 tuần, anh Huỳnh Văn Lộc ở thị trấn An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) được bác sĩ chẩn đoán là suy thận cần phải truyền máu. Tuy nhiên, chẩn đoán là thế, nhưng chờ mãi đến nay cũng chưa có máu để truyền. Ông Huỳnh Văn Thái - cha của anh Lộc - cho biết: "Lộc là trụ cột chính trong gia đình và nuôi cha mẹ già bằng nghề làm phụ hồ thu nhập trên 200.000 đồng mỗi ngày. Giờ không may bệnh tình ập đến, vợ chồng tôi già cả không làm gì ra tiền. Không có BHYT nên chưa đầy 1 tuần mà tốn cả chục triệu đồng. Chờ đợi đến mòn mỏi mà không biết bao giờ có máu truyền để được về nhà”.

Bác sĩ Ngô Huỳnh Quang - Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng - thông tin thêm: Vừa rồi, có trường hợp sản phụ bị băng huyết sau sinh do đờ tử cung, có dấu hiệu xấu. Ngay lập tức, y bác sĩ đã truyền 4 đơn vị hồng cầu lắng, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 5 tủa lạnh. Sau khi truyền máu, huyết áp bệnh nhân ổn định nhưng lại mất tiểu cầu và rối loạn đông máu. Nhưng bệnh viện không còn máu để truyền nên phải liên hệ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ hỗ trợ nhận chuyển viện khẩn cấp”.

Đó là 3 trong số rất nhiều trường hợp điển hình mà phóng viên Báo Lao Động ghi nhận được do hệ lụy từ việc thiếu máu trầm trọng trong thời gian dài ở khắp 74 bệnh viện tại 11 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Bác sĩ cũng sốt ruột

Bác sĩ La Thị Phương Dung - Trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu (BVĐK tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: Trung bình bệnh viện cần từ 800 - 1.000 đơn vị/tháng. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn cung máu bị gián đoạn, bệnh viện chỉ nhận được khoảng 200 đơn vị/tháng: “Số máu được tiếp nhận này chỉ để sử dụng cho những trường hợp cấp cứu hoặc những bệnh nhân có bệnh mạn tính thật sự cần thiết. Đối với những trường hợp cần nguồn máu nhiều, bệnh viện sẽ kết nối các bệnh viện khác để chuyển tuyến”.

Tương tự tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng, theo thống kê đến ngày 17.10.2023, bệnh viện chỉ còn 25 khối hồng cầu, 40 đơn vị huyết tương tươi và 20 đơn vị tủa lạnh. Với số lương dự trữ này chỉ đủ dùng cho một vài ca bệnh cấp cứu và phải tiết kiệm đến mức tối đa, hạn chế chỉ định truyền máu để ưu tiên máu cho các trường hợp cấp cứu. Bác sĩ CK2 Chung Tấn Định - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng - cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng máu từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cung ứng chỉ đủ để sử dụng cho khoảng 50 - 60% các trường hợp cấp cứu. Riêng các chế phẩm máu như tiểu cầu thì rất hiếm. “Việc thiếu máu như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân có chỉ định mổ phải đình lại vì không có máu để truyền, hoặc các bệnh nhân có bệnh lý về máu cũng không đủ máu để điều trị”, bác sĩ Định cho biết thêm. Không riêng gì các bệnh viện tỉnh mà ngay tại BVĐK Trung ương Cần Thơ cũng rơi vào tình cảnh tương tự trong nhiều tháng qua. Bác sĩ Lê Hoàng Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, BVĐK Trung ương Cần Thơ - cho biết: Bệnh viện nhận nguồn máu chủ yếu từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ với số lượng từ 6.000 - 7.000 đơn vị máu/tháng. Tuy nhiên 6 tháng nay, số lượng giảm chỉ còn khoảng 40 - 50%. Vì vậy, đơn vị này phải liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy, BVĐK tỉnh Kiên Giang để hỗ trợ. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, nguồn cung máu từ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bắt đầu hạn chế. Sắp tới BVĐK Trung ương Cần Thơ tiếp tục liên hệ với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chi viện thêm nguồn máu (Lao động, trang 1).

 

Thành công chống dịch Covid-19 cho thấy bản lĩnh Việt Nam

Thủ tướng cho rằng dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ giao phó.

Sáng 29.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid- 19. Theo Thủ tướng, VN đã trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước từ 11.10.2021 và mở cửa với quốc tế từ 15.3.2022.

Dù trong phòng, chống dịch có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, VN đã làm được những điều tưởng như không làm được, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Thủ tướng cũng xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng chống dịch, trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở trong tình huống dịch bệnh chưa có tiền lệ, không dự báo được tình hình. VN đã đưa ra chiến lược vắc xin với 3 thành tố quan trọng là quỹ vắc xin, ngoại giao vắc xin và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid- 19 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình diễn biến phức tạp hơn.

Tuy có những lúc bị động, lúng túng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, song công tác chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm chắc tình hình, chuyển trạng thái phù hợp từ "Zero Covid" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19" khi đã bao phủ vắc xin và có nhiều kinh nghiệm hơn.

"Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần VN, bản lĩnh VN không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực", Thủ tướng khẳng định. Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid- 19. Tri ân sự hy sinh, đóng góp của các lực lượng, người dân tham gia phòng chống dịch, các nhà hảo tâm; sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế...

Thủ tướng cho rằng dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid- 19 và ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ giao phó.

Phát biểu tại hội nghị, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN, cho biết VN đã kiểm soát được số ca tử vong và ca mắc mới nhờ triển khai một loạt biện pháp về xã hội và y tế công cộng kịp thời, hiệu quả. "VN cũng phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực. Cách thức ứng phó Covid-19 của VN đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện", TS Pratt nêu.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo tích hợp việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 vào hệ thống tiêm chủng định kỳ (Thanh niên, trang 4).

 

Cảnh báo tình trạng suy thận nặng do uống cỏ mực

Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cảnh báo về việc gần đây một số bệnh nhân suy thận nặng phải lọc máu vì uống cỏ mực, dùng viên uống đẹp da không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân (BN) P.V.H (47 tuổi, ngụ Vĩnh Long) vốn bị suy thận độ 3 được điều trị tại Bệnh viện (BV) Bình Dân. Tuy nhiên, BN sau đó không tái khám theo lịch hẹn. Đầu tháng 10.2023, BN quay lại BV khám vì ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức không rõ nguyên do và cơ thể mệt mỏi. 

Kết quả xét nghiệm đánh giá chức năng thận cho thấy BN đã rơi vào suy thận cấp trên nền suy thận mạn, giai đoạn nghiêm trọng nhất và tính mạng đang rất nguy hiểm.

BN được chỉ định nhập viện để lọc máu tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng suy thận cấp gây ra. BN tiết lộ bỏ điều trị ở BV để uống cỏ mực và đậu đen vì tin lời truyền miệng rằng chúng giúp trị bệnh thận, mỗi ngày uống khoảng một nắm tay cỏ mực và 2 - 3 muỗng đậu đen. BN uống liên tục trong hơn 3 tháng thì rơi vào suy thận mức độ nặng. Trường hợp khác là nữ BN L.T.T (45 tuổi, ngụ Đồng Nai) sử dụng một loại thuốc làm đẹp da nên đặt hàng về uống và không rõ nguồn gốc. Mỗi ngày BN uống 6 viên, khi uống đến lọ thứ 7 thì BN thấy đau bụng dữ dội, mệt, khó thở, nôn ói liên tục, phải đi cấp cứu tại một BV địa phương. Sau đó, BN được chuyển đến BV Bình Dân, phải lọc máu cấp cứu vì rơi vào suy thận cấp, tổn thương thận mức độ 5. Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Nội thận - lọc máu BV Bình Dân, cho biết BN H. là một trong 7 ca điển hình phải nhập viện điều trị chỉ trong vài tháng qua tại BV Bình Dân vì suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn có liên quan tới việc uống cỏ mực.

Theo bác sĩ Thùy, có những BN tự ngưng điều trị, tự thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo trên mạng. Điều này dẫn tới hậu quả đáng tiếc là BN rơi vào suy thận không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.

Ngoài cỏ mực, hiện nay trên mạng còn lan truyền nhiều bài thuốc lợi tiểu, tốt cho thận như cây rễ gió, cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ... Tất cả các cây này đều có chứa chất độc a xít aristolochic gây tổn thương thận, suy thận. Điều đáng ngại là những loại cây này đang được một số người lấy ngâm rượu uống với mục đích chữa bệnh, tẩm bổ...

Bác sĩ Thùy khuyến cáo người suy thận cần tuân thủ điều trị và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý thì mới kiểm soát tốt biến chứng trên thận. Những BN tuân thủ điều trị có thể bảo tồn chức năng thận ổn định dù phát hiện suy thận nhiều năm.

Mặt khác, với viên uống đẹp da, người dân cần phải chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và nên có sự tư vấn của các bác sĩ để sử dụng sản phẩm phù hợp cho thể trạng của mỗi người (Thanh niên, trang 15).

Thanh Loan tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.927
Tháng 11 : 74.769
Năm 2024 : 2.656.271
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.454.785