• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 24/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Thứ trưởng Bộ Y tế: Dù mô hình quản lý nào, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn thực phẩm; Kịp thời đưa 2 bệnh nhân nguy kịch từ đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn về đất liền điều trị; Cực hiếm: Cụ bà 71 tuổi bị u phổi nặng 3 kg; 18/20 ca mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM nhiễm HIV, 2 ca diễn tiến nặng; Nhiều phụ nữ bị loét da, phù mặt do muốn làm đẹp nhanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dù mô hình quản lý nào, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Tư pháp; lãnh đạo UBND 3 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm gồm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh.

Hội nghị nhằm thực hiện Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện 3 địa phương thực hiện thí điểm Ban Quản lý ATTP báo cáo về quá trình thành lập, mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức…

Kết quả hoạt động công tác đảm bảo ATTP của 3 thành phố/tỉnh khi nhập 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp thành Ban Quản lý ATTP cho thấy hiệu quả hơn.

Các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm, xử lý sự cố về ATTP giám sát mối nguy như: hoạt động truyền thông được triển khai có trọng tâm, trọng điểm tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể so với khi còn tổ chức riêng lẻ tại 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp như trước đây...

Chủ động, kịp thời trong xử lý sự cố về ATTP, điều tra ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; hiệu quả trong giám sát các mối nguy để cảnh báo cho cộng đồng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được phát huy hiệu quả, tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra, thuận lợi cho doanh nghiệp khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tần suất theo qui định, tránh chồng chéo giữa các nghành, các cấp, thuận lợi hơn so với trước khi thành lập Ban. Công tác hậu kiểm được tăng cường…

Kết quả thanh, kiểm tra của Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động kiểm tra được triển khai ở 3 cấp (thành phố, quận/huyện, phường/xã). 

Trong giai đoạn 2017- 9/2023, số cơ sở được kiểm tra: 376. 517; cơ sở phát hiện vi phạm: 58.562; cơ sở bị xử phạt: 17.320; số tiền xử phạt: 181.794.539.062 đồng.

Tại Đà Nẵng, Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng cho biết, công kiểm tra ATTP cũng được triển khai ở 3 cấp (thành phố, quận/huyện, xã/ phường). Trong giai đoạn 2018 – 2021 đã kiểm tra 7.404/ 7.892 cơ sở, đạt tỷ lệ 93,81%, số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 192 (2,59%) với số tiền 1.500.570.000 đồng. So sánh với giai đoạn 2013 – 2017, tỷ lệ cơ sở qua thanh tra, kiểm tra tuân thủ quy định về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 13,88%.

Kết quả thanh, kiểm tra của Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cho thấy, từ tháng 4/2018 - 9/2023, các đoàn thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã thanh, kiểm tra 15.759 lượt cơ sở. Số cơ sở đạt về ATTP là 12.290 (chiếm 78%); cơ sở không đạt là 3.469 (chiếm 22%); xử phạt vi phạm hành chính 395 cơ sở với tổng số tiền 2.609.838.000 đồng.

Giải quyết thủ tục hành chính được tập trung một đầu mối trong giải quyết các thủ tục hành chính liên vực An toàn thực phẩm đã tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm.

Việc đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, làm tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện như Ban quản lý ATTP chưa phải là cơ quan hành chính nhà nước chính thức nên việc sắp xếp về tổ chức nhân sự, đầu tư về trang thiết bị, việc phối hợp công tác với các cơ quan hành chính khác còn gặp nhiều vướng mắc.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ thành lập Sở ATTP TP Hồ Chí Minh.

UBND TP Đà Nẵng có tờ trình Chính Phủ để trình Quốc hội phê duyệt chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng trong đó đề xuất thành lập sở ATTP TP Đà Nẵng. Hiện nay, Thủ tướng đã ban hành Quyết định Số: 998/QĐ-TTg ngày 27/8/2023 về việc kéo dài thời gian hoạt động thí điểm của Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng đến khi có mô hình mới.

UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đến khi có hướng dẫn của Trung ương về mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước làm công tác bảo đảm an ninh, ATTP theo tinh thần Chỉ thị số 17CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư.

Hiện nay, Chính phủ ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao các ý kiên thảo luận của các đại biểu bộ, ban ngành và các tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh dù cho mô hình quản lý ATTP theo hình thức nào (Ban quản lý ATTP hay Sở ATTP hoặc Chi cục vệ sinh ATTP) quan trọng nhất vẫn là đảm bảo công tác quản lý về ATTP cho nhân dân, đồng thời phải đạt được mục đích quan trọng là sắp xếp bộ máy, mô hình tinh gọn và hiệu quả, không chồng chéo.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và 3 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện báo cáo về mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP để báo cáo Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ...  (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Kịp thời đưa 2 bệnh nhân nguy kịch từ đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn về đất liền điều trị

Đây là chuyến bay đặc biệt do hai bệnh nhân được cấp cứu từ 2 đảo khác nhau, là đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn.

Tối 23/10, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, vào 14h chiều cùng ngày, bệnh viện đã kịp thời đưa hai bệnh nhân nặng từ đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn (Trường Sa) về đất liền điều trị.

Đây là một chuyến bay đặc biệt do hai bệnh nhân được cấp cứu từ 2 đảo khác nhau vì vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác điều trị tại chỗ và tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175, nhất là trong quá trình vận chuyển để đảm bảo an toàn cao nhất cho 2 bệnh nhân.

Trước đó, vào 1h sáng ngày 22/10, ngư dân N.S., 39 tuổi, sau khi lặn sâu 30m trong 120 phút lên bờ thì thấy mệt mỏi nhiều, đau nhức cơ 2 chân, chóng mặt, bí tiểu, không khó thở. 

Khoảng 4h sáng cùng ngày, anh N.S. tự lặn xuống biển để tái tăng áp trong khoảng 4 giờ nữa. Khi lên lại bờ, bệnh không đỡ, bệnh nhân đã tự giảm áp tại thuyền bằng cách lặn trong thùng nước từ 8h sáng đến 12 giờ trưa thì bệnh nặng lên. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây lúc 15h25 cùng ngày trong tình trạng đau toàn thân, liệt tứ chi, sức cơ 3/5, rối loạn cơ tròn, bí đại tiểu tiện, vô niệu.

Đồng thời da bệnh nhân xuất hiện các mảng vân đá, thiếu oxy tổ chức, bụng chướng, mạch 120 lần/phút, HA: 100/70 mmHg, SpO2: 95% (thở oxy hỗ trợ). 

Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ của Viện Y học Hải quân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị giảm áp do lặn sâu 30m giờ thứ 18 mức độ nặng, tắc mạch khí đa cơ quan, tiên lượng rất nặng và vượt quá khả năng điều trị của quân y đảo. Do đó các bác sĩ đã quyết định vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 để kịp thời điều trị.

Trong quá trình bay ra đảo Song Tử Tây để vận chuyển bệnh nhân, tổ cấp cứu đường không nhận được lệnh của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng vận chuyển thêm 1 bệnh nhân ở đảo Sinh Tồn bị đa chấn thương, chấn thương sọ não nặng, gãy kín 1/3 xương giữa đòn trái do ngã cao giờ thứ 1. 

Khi tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và vận chuyển cùng bệnh nhân N.S. trên một chuyến bay về đất liền điều trị.

Trực thăng đưa bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175 – kíp trưởng Tổ Cấp cứu đường không cho biết, điều khó khăn nhất trong chuyến bay cấp cứu lần này là phải di chuyển qua 2 đảo khác nhau. Bệnh nhân cũng phải tham gia vào quá trình cất cánh, hạ cánh nhiều lần, cụ thể là 3 lần và mỗi lần như vậy do thay đổi về áp suất, có nguy cơ tái hình thành các bóng khí trong lòng mạch làm nặng hơn tình trạng tắc mạch của bệnh nhân mắc bệnh giảm áp.

"Khi nhận được lệnh bay ra đảo Song Tử Tây để đón bệnh nhân bị bệnh giảm áp, kíp cấp cứu mặc dù đã chuẩn bị trang thiết bị cho tình huống xấu nhất, tuy nhiên việc đảm bảo trang bị cho bệnh nhân thứ 2 là một thách thức với kíp bay, đặc biệt là thuốc và oxy cho vận chuyển. Thêm vào đó, điều kiện thời tiết xấu, trời mưa lớn ảnh hưởng đến tổ bay và tổ cấp cứu cũng như tình trạng bệnh nhân. Và để đảm bảo nhiên liệu cho chuyến bay, máy bay phải tiếp nhiên liệu tại đảo Trường Sa lớn cũng ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175", bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa cho biết thêm.

Hiện tại, hai bệnh nhân đã có dấu hiệu sinh tồn tạm ổn. Ngay khi chuyển về Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu, tiến hành hội chẩn viện để điều trị tiếp theo (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Cực hiếm: Cụ bà 71 tuổi bị u phổi nặng 3 kg

Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp – BVĐK Đức Giang (Hà Nội) đã phẫu thuật thành công bóc tách khối u phổi nặng 3 kg ra khỏi lồng ngực nữ bệnh nhân 71 tuổi.

Bệnh nhân P.T.N, nữ, 71 tuổi trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có tiền sử hen COPD. Trước khi vào viện khoảng 4 tháng bệnh nhân xuất hiện khó thở, đi khám phát hiện khối u to bên phải, có chỉ định mổ, nhưng chức năng hô hấp ko đảm bảo nên chưa thực hiện phẫu thuật.

Cách 1 tháng trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở được người nhà đưa tới khám tại BVĐK Đức Giang. 

Tại đây bệnh nhân được khám, làm tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng chụp CT ngực, nội soi dạ dày đại tràng, chụp công hưởng từ não, phát hiện khối u bên phổi bên phải có kích thước lớn khoảng 20x23 cm. 

Khối u đè đẩy toàn bộ nhu môi phổi, kết quả sinh thiết xuyên thành chẩn đoán u xơ đơn độc (là 1 khối u độc lập trong phổi). 

Tuy nhiên, do khối u với kích thước quá lớn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp – BVĐK Đức Giang đã chỉ định phẫu thuật sớm để loại bỏ hoàn toàn khối u cho bệnh nhân, cuộc mổ được lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ các phương án tốt nhất cho bệnh nhân

Kíp phẫu thuật do BS Nguyễn Văn Lâm – Khoa Ngoại tổng hợp cùng kíp bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức tiến hành. 

Ca mổ được tiến hành trong khoảng thời gian 2 giờ vì khối u quá lớn nên các phẫu thuật viên cắt từng phần u, gỡ dính và lấy toàn bộ khối u. 

Sau đó, các phẫu thuật viên tiến hành kiểm tra sau khi lấy toàn bộ khối u. Gỡ dính di động các thùy phổi, các thùy phổi đc giải phóng nở tốt. 

Tình trạng bệnh nhân sau mổ 3 giờ, người bệnh tỉnh táo, tự thở, không đau. Hậu phẫu ngày thứ 3, bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở ko cần oxy hỗ trợ. Dự kiến, bà N. có thể ra viện sau 7 ngày.

Theo BS Nguyễn Văn Lâm – Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK Đức Giang: Đây là 1 ca u phổi rất lớn đè nén dính vào thành phổi khiến quá trình bóc tách khối u khó khăn, bên cạnh đó khối u phát triển lớn chèn ép vào tim nếu không can thiệp sớm sẽ nguy hiểm tới tình mạng bệnh nhân.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh mãn tính COPD, chức năng hô hấp kém và đã được tiến hành phẫu thuật thành công tại bệnh viện đa khoa Đức Giang. 

Trường hợp này may mắn nhu mô phổi còn giãn nở tốt nếu trường hợp khác bị đè đẩy nhu mô phổi trong 1 thời gian dài dẫn đến nhu mô phổi xẹp phổi ko hồi phục thì phải tiến hành cắt phần nhu mô phổi hoặc cắt 1 phân thùy phổi thậm chí cả phổi" (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

18/20 ca mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM nhiễm HIV, 2 ca diễn tiến nặng

Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 20 ca mắc đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong đó có 18 ca chẩn đoán B20 (mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra). Hiện có 2 ca diễn tiến nặng, chẩn đoán nhiễm trùng huyết, giang mai ác tính...

Ngày 23/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến tối 22/10, ngành y tế thành phố ghi nhận có 20 ca mắc đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong đó có 18 ca chẩn đoán B20 (mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra), trong đó có 17 nam, 1 nữ.

Hiện có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da, nhiễm trùng tầng sinh môn...

Cũng theo Sở Y tế, tuần qua (từ ngày 16 đến ngày 22/10), TPHCM ghi nhận 371 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10 ca so với tuần trước đó. Trong đó có 103 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,76%). Trung bình số ca nặng điều trị là 13 ca/ngày, tăng so với trung bình tuần trước (12 ca).

Tính đến ngày 22/10, TPHCM ghi nhận 172 ca sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại bệnh viện (có 56 ca địa chỉ lưu trú tại tỉnh khác, chiếm 32,56%), có 5 ca nặng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 3 ca, Nhi đồng 2: 1 ca, Nhi đồng Thành phố: 1 ca), trong đó có 2 ca nặng địa chỉ lưu trú tại tỉnh (chiếm 40%). Trong các ca nặng, có 2 ca thở máy đều có địa chỉ tại thành phố (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: 1 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 1 ca).

Đối với bệnh tay chân miệng, tổng số ca nhập viện từ ngày 15 đến 21/10 là 553 ca, giảm 26 ca so với tuần trước đó (579 ca), trong đó có 170 ca địa chỉ thành phố (chiếm 30,7%). Tổng số ca xuất viện trong tuần là 572 ca. Số ca nặng ở thành phố dao động từ 1-4 ca/ngày, trung bình tăng 1,14 lần.

Trong các ca nặng của tuần qua, ghi nhận 1 ca điều trị ECMO, 2 ca điều trị lọc máu hiện các ca đã cải thiện, lâm sàng ổn định. Không ghi nhận trường hợp tử vong.

Về bệnh viêm kết mạc  (đau mắt đỏ), tuần qua thành phố ghi nhận 2.407 ca, giảm 33,4% so với tuần trước đó, trong đó có 386 ca tại tỉnh khác (chiếm 16%). Trung bình số ca biến chứng là 2 ca/ngày, giảm so với trung bình tuần trước (17 ca/ngày).

Trong 2.407 ca viêm kết mạc trên có 656 ca trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 27,3%), giảm 39% so với tuần trước đó, trong đó có 148 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm 22,6%). Trung bình số ca biến chứng ở trẻ em dưới 16 tuổi là 0,1 ca/ngày, giảm so với trung bình tuần trước (7 ca/ngày).

Hiện tổng số ca mắc mới viêm kết mạc tại thành phố ngày 21/10 ghi nhận có 152 ca, (có 29 ca có địa chỉ tại tỉnh khác, chiếm 19.1%), trong đó có 1 ca biến chứng. Trong 152 ca viêm kết mạc có 56 ca trẻ em dưới 16 tuổi (có 10 ca có địa chỉ tại tỉnh khác, chiếm 17.9%), trong đó không có ca biến chứng.

Về dịch Covid-19, tính đến ngày 22/10, số ca nhập viện trong tuần là 1 ca (bằng số ca so với tuần trước đó). Ngày 22/10, có 4 ca đang cách ly tại nhà, 1 ca đang điều trị tại bệnh viện. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Nhiều phụ nữ bị loét da, phù mặt do muốn làm đẹp nhanh

Sau khi đi làm đẹp cấp tốc bằng phương pháp tiêm meso, filler... nhiều phụ nữ bị biến chứng phải nhập viện trong tình trạng đau đớn và lo âu.

Đi làm đẹp xong thì... nhập viện

Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (đóng chân tại TP. Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trường hợp biến chứng về thẩm mỹ, hầu hết là phụ nữ, sau khi đi làm đẹp thì gặp sự cố.

Điển hình như bệnh nhân N.T.N.H (35 tuổi, trú huyện Tuy Phước, Bình Định) hiện đang được chăm sóc, điều trị tại Khoa Da tổng hợp (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa).

Vì muốn có làn da căng bóng, mịn, đồng thời xóa các quầng thâm quanh mắt nên bệnh nhân H. đã đến một spa tiêm meso để làm đẹp.

24 giờ sau tiêm, bệnh nhân có các dấu hiệu: căng tức vùng mặt, quanh mắt sưng nề, đỏ tấy, các nốt sần tại vị trí tiêm sưng to hơn. Thương tổn càng ngày nặng và có dấu hiệu loét da nên phải nhập viện.

Bệnh nhân H. kể lại, thấy trên mạng xã hội nói nhiều về công dụng của làm đẹp của meso (mesotherapy), tiêm xong có thể đẹp lên nên chị đã đi tiêm và xảy ra sự cố. Đến bệnh viện khám và điều trị mới biết mình đã bị biến chứng do tiêm meso.

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.T.T (trú TP. Quy Nhơn). Bệnh nhân T. có bạn đang học phun xăm tại một spa ở TP Quy Nhơn và spa này có dịch vụ tiêm filler nên T. đã đến để tiêm filler xóa rãnh cười.

Tuy nhiên, sau khi tiêm, vị trí tiêm của bệnh nhân T. bị sưng phồng, nề đỏ nên đã tức tốc đến Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa điều trị.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, nhiều trường hợp sau khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội về việc tiêm filler để làm đẹp, xóa rãnh cười, giúp khuôn mặt trẻ ra cấp tốc liền đi tiêm ở các cơ sở không uy tín hoặc nhờ người tiêm.

Hậu quả là vết tiêm liên tục chảy máu, sưng tấy, đau nhức, phù mặt, các y bác sĩ của bệnh viện phải rất kỳ công mới có thể điều trị ổn định trở lại.

Chuyên gia cảnh báo gì?

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia về da liễu, TS.BS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: "Bệnh nhân N.T.T khi nhập viện còn bị tắc động mạch mặt và mạch nhánh ở góc mũi, khuôn mặt biến dạng, sưng vù một bên. Quanh mũi bệnh nhân còn có mủ và bị hoại tử mô 1 bên mũi".

Qua kinh nghiệm tiếp nhận và điều trị các ca biến chứng do tiêm filler, meso, TS.BS Vũ Tuấn Anh đánh giá: "Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng là do người tiêm không có chuyên môn hoặc chuyên môn quá yếu nên khi tiêm vào động mạch sẽ gây tắc mạch hoặc tiêm quá liều sẽ dẫn đến chèn mạch.

Hậu quả cuối cùng không chỉ là loét da, sưng mặt mà có khi hoại tử cả vùng mặt. Điều trị những ca này thường khó khăn, thời gian điều trị dài, nhiều trường hợp dù đã cố gắng nhưng không thể hồi phục khuôn mặt như ban đầu".

Từ các ca biến chứng do làm đẹp đang được điều trị tại bệnh viện, TS.BS Vũ Tuấn Anh khuyến cáo: "Tất cả các phương pháp làm đẹp xâm lấn vào da thịt như tiêm filler, meso… dù ít hay nhiều đều có thể gặp biến chứng. Biến chứng càng nặng nếu được thực hiện bởi những người không có chuyên môn về da liễu, chưa có chứng chỉ thực hiện kỹ thuật, làm tại cơ sở thẩm mỹ không có phép.

Bất kỳ phương pháp hay kỹ thuật làm đẹp nào đều phải được bác sĩ khám, đánh giá và chỉ định phù hợp với từng người, từng thể trạng cụ thể chứ không thể làm cấp tốc được. Việc thực hiện các biện pháp làm đẹp (thẩm mỹ) phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, vô khuẩn và trang thiết bị đúng tiêu chuẩn theo quy định của ngành y tế". (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 57
Tháng 11 : 134.538
Năm 2024 : 2.716.040
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.514.554