• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 25/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Một bệnh nhân đậu mùa khỉ ở TPHCM tử vong; Những ai được BHYT chi trả tăng từ 80% lên 100% theo quy định mới?; Chuyên gia cảnh báo hệ luỵ cho trẻ khi cha mẹ tự tăng, giảm liều thuốc, sử dụng theo đơn cũ; Cùng lúc bị nhồi máu cơ tim và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, cụ ông may mắn được cứu sống; Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con; Trạm y tế ở TPHCM 'thay áo mới', thu hút bệnh nhân đến khám; Cứu sống trẻ sơ sinh bị dị tật tịt lỗ mũi sau hai bên hiếm gặp

 

Một bệnh nhân đậu mùa khỉ ở TPHCM tử vong

TPHCM vừa có một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tử vong do tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh. Sở Y tế thành phố cho biết đã chỉ đạo lập Hội đồng chuyên môn để phân tích và có kết luận chính thức về ca bệnh.

Cụ thể, ca bệnh là người đàn ông 30 tuổi, được điều trị đậu mùa khỉ hơn 10 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Đây là 1 trong 18 trường hợp mắc đậu mùa khỉ bị HIV hiện đang điều trị ở bệnh viện này. Trong hôm nay, Hội đồng chuyên môn sẽ họp để phân tích, kết luận về trường hợp tử vong này.

Theo báo cáo tóm tắt của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân nam, sinh năm 1994, địa chỉ ở Mộc Hóa, tỉnh Long An, nhập viện ngày 2/10/ 2023 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày. Bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với Mpox. Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL. 

Bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng. Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, tình trạng diễn tiến nặng và tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, hiện có 20 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Đáng lưu ý, có 18 trường hợp dương tính HIV. Trong đó có 2 ca diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính; áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da, nhiễm trùng tầng sinh môn…

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng.

Bệnh đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.

Bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường,…). Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm các tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có hai đặc điểm quan trọng và đây sẽ là cơ sở kiến thức để người dân hiểu, biết cách phòng bệnh cũng như bình tĩnh, không hoang mang quá mức nếu không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Thứ nhất, hầu hết các trường hợp trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ trên hơn 100 quốc gia vào năm 2022 - 2023 được xác định là những người đồng tính nam (MSM), song tính (bisexual) và chú ý những người có nhiều bạn tình hoặc người mới có bạn tình là nhóm có nguy cơ cao. Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua quan hệ tình dục.

Thứ hai, đa số bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục: dương vật, tinh hoàn, môi âm hộ, âm đạo, hậu môn… do liên quan đến đường lây là quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su bảo vệ. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Những ai được BHYT chi trả tăng từ 80% lên 100% theo quy định mới?

Tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, Nghị định mới này có những quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nhằm tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT... Bổ sung và hỗ trợ mức đóng BHYT, sửa đổi mức hưởng BHYT và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Bà Trang cho hay, Nghị định 75 đã bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Đồng thời, Nghị định đã bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023.

Đây là các đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong thực tế vẫn còn đang rất khó khăn, được Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân một số tỉnh và cử tri phản ánh kiến nghị. 

"Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ"- Bà Trang nhấn mạnh.

Bà Trang cũng thông tin thêm, tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dân công hỏa tuyến.

Cùng đó, Nghị định này cũng đã bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và nhóm đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023. 

Ước tính đến hết tháng 7/2023, cả nước đã có 91,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số. Trong những năm qua, chính sách BHYT luôn dành sự quan tâm đến người tham gia, thụ hưởng, BHYT đã góp phần quan trọng vào chính sách an sinh xã hội, trở thành chiếc 'phao cứu sinh' cho người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi phải đi khám chữa bệnh. Nhiều người mắc bệnh trọng đã được BHYT chi trả kinh phí điều trị bệnh lên đến hàng tỷ đồng (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

 

Chuyên gia cảnh báo hệ luỵ cho trẻ khi cha mẹ tự tăng, giảm liều thuốc, sử dụng theo đơn cũ

Khi thấy con ốm, sốt, nhiều cha mẹ có thói quen tự mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của bản thân, nhiều trường hợp còn tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống...

Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Nhi TW đã tiếp nhận một số trẻ phải vào cấp cứu do uống nhầm thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, dầu hỏa, hóa chất tẩy rửa,… hay uống nhầm các chất gây nghiện, thuốc ngủ, thuốc an thần của người lớn,… dẫn đến các tổn thương rất nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch tính mạng.

Chuyên gia chỉ nguyên nhân khiến trẻ bị ngộ độc hoá chất, thuốc...

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, theo BSCKI Phạm Văn Tuấn – Khoa Cấp cứu và Chống độc- Bệnh viện Nhi TW, người lớn bất cẩn không để thuốc và hóa chất ở nơi an toàn khiến trẻ ăn, uống nhầm. 

"Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ngộ độc. Việc cha mẹ bất cẩn, chủ quan đựng các dung dịch cọ rửa, thuốc chuột, cồn, xăng dầu,… vào các vỏ chai nước suối, nước ngọt, các chai lọ với màu sắc bắt mắt, hay để thuốc (giảm đau, an thần,…) ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ (bàn ăn, bàn trang điểm, bàn làm việc,…) chính là mối nguy hiểm tiềm tàng về ngộ độc thuốc, hóa chất cho trẻ"- BS Tuấn nêu thực trạng.

Bệnh nhân ngộ độc gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi, đây là nhóm tuổi thích tò mò, khám phá nhưng lại chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. 

Một nguyên nhân khác được BS Tuấn chỉ ra là do người lớn thiếu kiến thức trong việc dùng thuốc cho trẻ. Khi thấy con ốm, sốt, nhiều cha mẹ có thói quen tự mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của bản thân hoặc nghe theo lời mách bảo của người xung quanh, tự dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc... 

"Nhiều trường hợp còn tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống,… Những điều này đều dẫn đến nguy cơ khiến trẻ ngộ độc thuốc"- BS Tuấn nói.

Ngoài ra, BS Tuấn cũng nêu thực trạng ngộ độc có chủ đích do trẻ có ý định tự tử. Tình huống này thường xảy ra ở tuổi tiền dậy thì (trên 10 tuổi), khi tâm sinh lý của trẻ bắt đầu có sự thay đổi, áp lực về học tập, xung đột với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người xung quanh có thể khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương nhưng không được giãi bày, chia sẻ để có định hướng đúng đắn, khiến trẻ có những suy nghĩ tiêu cực.

Biểu hiện trẻ bị ngộ độc: Cha mẹ, người chăm sóc cần biết

Theo BSCKI Phạm Văn Tuấn - thông thường trẻ bị ngộ độc qua 3 con đường: thứ nhất, qua da và niêm mạc do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất; thứ hai, qua đường tiêu hóa do uống và thứ ba qua đường hô hấp do hít phải chất độc. 

Với mỗi con đường nhiễm độc, trẻ sẽ có những biểu hiện như sau:

Biểu hiện ngoài da: trên da xuất hiện nhiều nốt sưng đỏ và nốt phỏng Biểu hiện về tiêu hóa: nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, quấy khóc Biểu hiện về hô hấp: ho, kích thích, khò khè, khó thở Biểu hiện toàn thân khi trẻ bị nhiễm độc nặng: thở nhanh hoặc thở chậm hơn bình thường, tím tái, co giật, li bì, hôn mê.

"Ngay khi phát hiện/nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc hoặc hóa chất độc hại, cha mẹ và người trông trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc. Gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất"- BS Tuấn khuyến cáo, đồng thời lưu ý: Khi đi cha mẹ nhớ cầm theo thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc cho trẻ, điều này sẽ giúp cho bác sĩ gợi ý được nguyên nhân và có phương án giải độc phù hợp.

Sơ cứu trẻ ngộ độc bằng cách nào?

Chuyên gia của Bệnh viện Nhi TW khuyến cáo, trong khi chờ đợi đưa trẻ đến cơ sở y tế, cha mẹ nên sơ cứu ban đầu cho trẻ bằng cách:

Nếu bị nhiễm độc qua da và niêm mạc: Tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất, đồng thời rửa vùng cơ thể tiếp xúc với hóa chất của trẻ liên tục dưới vòi nước sạch. Trường hợp hóa chất vào mắt, cần rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục, nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ. 

Nếu bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa: Kê cao đầu hoặc giữ trẻ ở tư thế ngồi nếu trẻ còn tỉnh táo, trường hợp trẻ bị bất tỉnh thì cho nằm nghiêng bên trái. Điều này sẽ giúp trẻ đỡ bị sặc, đồng thời khi trẻ nôn ói nhiều, các chất trong dạ dày sẽ không trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi gây nguy hiểm cho trẻ. 

Nếu thấy trẻ tỉnh táo, chưa bị nôn trớ, còn phản ứng tốt, cha mẹ dùng ngón tay của mình (tốt nhất nên quấn thêm miếng gạc mềm, sạch) kích thích vào vùng sàn họng trẻ (chỗ lưỡi gà), giúp trẻ có thể nôn để loại bớt chất độc hại ra ngoài cơ thể. Chú ý động tác kích thích gây nôn cần nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương vùng họng của trẻ. Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.

"Cha mẹ tuyệt đối không gây nôn cho trẻ trong trường hợp trẻ hôn mê, li bì, co giật hoặc nghi ngờ uống phải các hóa chất có tính chất ăn mòn như axit, bazơ, xăng dầu,…"- Chuyên gia lưu ý.

Nếu bị nhiễm độc qua đường hô hấp: nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi khu vực có hóa chất gây độc, xịt mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, sau đó cho trẻ súc miệng nhiều lần.

Chuyên gia nhấn mạnh người lớn, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.

Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn.

Không để chung thuốc uống với thuốc khử khuẩn hay các loại chai lọ hóa chất khác.

Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Phải dùng thuốc theo đúng đơn và đúng liều lượng của bác sĩ cho mỗi lần khám.

Thuốc nên được bảo quản trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng.

Định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, vứt bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.

Các bé ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc khi vui chơi.

Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cần dạy trẻ về những loại hóa chất độc hại và cách nhận diện, phân biệt với các loại đồ ăn có hình dáng tương tự (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Cùng lúc bị nhồi máu cơ tim và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, cụ ông may mắn được cứu sống

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa cứu sống cụ ông 75 tuổi cùng lúc bị nhồi máu cơ tim và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Trước đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), đối mặt nguy cơ tử vong cao khi cùng lúc mắc 2 tổn thương tim nặng nề là nhồi máu cơ tim và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Người bệnh L.X.D, trú tại huyện Lâm Thao trước khi vào viện bị sốt nhiều ngày không dứt. Sang ngày thứ 6, người bệnh xuất hiện thêm đau ngực trái, đau bụng thượng vị.

Qua thăm khám, người bệnh được chẩn đoán: Sốt chưa rõ nguyên nhân, theo dõi viêm phổi, suy tim, tăng huyết áp, đau ngực không ổn định, viêm dạ dày cấp.

Trong quá trình theo dõi điều trị, người bệnh xuất hiện cơn đau ngực điển hình nên đã được làm các cận lâm sàng phù hợp và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành dưới DSA.

Kết quả chụp động mạch vành cho thấy CTO LCX3, hẹp 90-99% LCX2- OM2, có huyết khối nhiều, hẹp 70% LAD2, hẹp 80% RCA2. Người bệnh đã được ekip bác sĩ của Trung tâm Tim mạch tiến hành can thiệp hút huyết khối, nong, đặt stent động mạch vành.

Sau đó, người bệnh vẫn xuất hiện những cơn sốt với nhiệt độ dao động khoảng 38 – 38,5 độ C, nên đã được siêu âm hội chẩn lại.

Trên siêu âm qua thực quản phát hiện hình ảnh khối sùi van động mạch chủ. Những khối sùi này (vi khuẩn và các mảnh tế bào bám trong tim tại vị trí nhiễm trùng) nằm trên van động mạch chủ có thể gây ra các vấn đề về tim, tổn thương van tim, cột cơ hoặc dây chằng, dẫn đến biến chứng suy tim, thậm chí gây tử vong.

Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm và cận lâm sàng khác, người bệnh được chẩn đoán xác định viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Người bệnh được chỉ định điều trị kháng sinh theo phác đồ, theo dõi diễn biến các cơn sốt thưa dần, giảm nhiệt độ, sau đó cắt hẳn sốt, các dấu ấn nhiễm trùng cải thiện dần. Lâm sàng ổn định, các cơ quan không có biểu hiện tổn thương.

Theo BSCKII Ngô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết, đây là một ca bệnh hiếm gặp và đặc biệt phức tạp. Người bệnh cùng lúc gặp hai vấn đề tim mạch nguy hiểm: nhồi máu cơ tim và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Điều này tăng nguy cơ và khó khăn trong quá trình điều trị. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Khoa của Trung tâm Tim mạch trong suốt quá trình chẩn đoán và điều trị, người bệnh đã được điều trị thành công, sức khỏe ổn định và được ra viện (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con kịp thời giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị mắc bệnh. Thậm chí phụ nữ có thai hoàn toàn có thể sinh ra những đứa trẻ không có HIV.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 1.400 trẻ bị nhiễm HIV.  Đến nay, nhiễm HIV hoàn toàn không còn là căn bệnh "vô phương cứu chữa", phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con không nhiễm HIV. Điều đó chỉ có thể có có được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý và điều trị dự phòng cho phụ nữ có thai.

Phụ nữ có thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt

Xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai là một xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai. Việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Lợi ích của xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai bao gồm:

Giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con: Khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus sớm và hiệu quả, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 1%, thậm chí là 0%.

Tăng cường sức khỏe cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Điều trị bằng thuốc kháng virus có thể giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác và tăng khả năng sống sót cho cả mẹ và con.

Giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình: Điều trị bằng thuốc kháng HIV có thể giúp giảm chi phí điều trị cho cả mẹ và con.

TS.BS Cao Thị Thanh Thuỷ, Trung tâm Y khoa số 1 Tôn Thất Tùng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, những xét nghiệm này hiện đều được bảo hiểm y tế chi trả.

Bộ Y tế đã ra Thông tư hướng dẫn quy định về việc xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai. Theo đó,  phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV và đồng ý làm xét nghiệm HIV được chỉ định xét nghiệm HIV trong những lần khám thai định kỳ hoặc khi chuyển dạ, sinh con theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai của Bộ Y tế. Cụ thể:

Xét nghiệm HIV lần thứ nhất càng sớm càng tốt.

Xét nghiệm HIV lần thứ hai cho các trường hợp có hành vi nguy cơ cao quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng chống HIV/AIDS số 64/2006/QH11 như sau:

+ Có hành vi nguy cơ cao trong vòng 3 tháng trước khi xét nghiệm HIV lần thứ nhất;

+ Có hành vi nguy cơ cao sau khi được xét nghiệm HIV lần thứ nhất.

Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được thực hiện ở hầu khắp các tỉnh, kể cả vùng khó khăn

Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa, việc đi lại của người dân rất khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV còn nhiều hạn chế. Các bà mẹ mang thai ở các khu vực này bên cạnh thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, họ còn có tâm lý e ngại đi xét nghiệm. Họ lo sợ rằng kết quả xét nghiệm HIV sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và gia đình.

Về vấn đề này, TS. BS Cao Thị Thanh Thủy khuyên, đối với phụ nữ mang thai muốn biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, chị em có thể đến các cơ sở y tế gần nhất.  Tất cả các cơ sở y tế công từ tuyến quận/huyện, cơ sở y tế tư nhân đều có thể xét nghiệm HIV.

TS. BS Cao Thị Thanh Thủy  cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đã phê duyệt Dự án số 7, theo đó tất cả phụ nữ mang thai ở những khu vực miền núi, vùng khó khăn sẽ được xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai miễn phí. Phụ nữ mang thai  khu vực miền núi, dân tộc thiểu số có thể xét nghiệm HIV ngay tại  trạm y tế xã, ở những nơi không có điều kiện sẽ chuyển mẫu lên tuyến tỉnh để xét nghiệm. Dự án này hướng tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con theo kế hoạch hành động loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018- 2030.

TS.BS Cao Thị Thanh Thuỷ  cho rằng, có nhiều phương pháp xét nghiệm HIV. Phương pháp xét nghiệm HIV hiện nay là xét nghiệm huyết thanh học. Bản chất của loại xét nghiệm này là để phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng HIV và hoặc kháng nguyên HIV trong máu.

"Hiện nay có 2 kỹ thuật chủ yếu để phát hiện HIV gồm:  xét nghiệm nhanh, đơn giản và phương pháp thứ 2 dùng kỹ thuật miễn dịch đánh dấu  ELISA, hóa pháp quang, điện hóa phát quang.

Ngoài ra còn có những kỹ thuật khác để xét nghiệm HIV như Western blot hoặc phát hiện kháng nguyên P24", TS. BS Cao Thị Thanh Thủy nói (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

 

Huy Hoàng tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.154
Tháng 05 : 136.402
Năm 2024 : 855.701
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.654.215