• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 26/10

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các doanh nghiệp dược; Người thứ 4 tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội; Bác sĩ vùng cao chạy đua cứu bệnh nhân bị lưỡi dao cắm sâu vào ngực; Cứu sống bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore

Bộ Y tế tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các doanh nghiệp dược

Lần thứ 2 đối thoại với doanh nghiệp dược, Bộ Y tế cho biết sẽ cố gắng tháo gỡ về thủ tục hành chính để tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp dược, giúp người dân được tiếp cận thuốc nhanh nhất với giá thành phù hợp.

Ngày 26/10, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2023 tại Đà Nẵng. Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng thường trực Y tế, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có ông Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng; ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Y tế; ông Nguyễn Chí Thành Chủ tịch Hội đồng thành viên-Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); ông Trịnh Văn Lẩu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam; và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực dược để trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tại cuộc đối thoại lần đầu tiên của Bộ Y tế với doanh nghiệp dược năm 2022 đã cơ bản giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất là tiến độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, đặc biệt cấp mới và gia hạn.

Sau hội nghị, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Nhờ đó, đã tháo gỡ được việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, giúp người dân được tiếp cận thuốc nhanh nhất, giá cả phù hợp nhất.

Điểm nghẽn thứ 2 là cải cách thủ tục hành chính, hiện Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Theo Dược sĩ chuyên khoa II Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này của Bộ Y tế đã kịp thời giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt và thuốc viện trợ, thuốc phòng chống dịch bệnh (sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, dịch Covid-19); chủ động bảo đảm nguồn cung đối với một số thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế.

Cục Quản lý dược đã tiếp nhận và xử lý 9.573 đơn hàng đề nghị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì, vỏ nang; thực hiện đánh giá GSP đối với 86 cơ sở. Đồng thời, thực hiện cấp mới, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho 82 cơ sở với phạm vi xuất nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc.

Cục Quản lý dược cũng đã công bố khoảng 11.703 thuốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được phép sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, Cục cũng đã trình Chủ tịch và Hội đồng tư vấn cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 4.087 thuốc, đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc.

Giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dược, Cục đã giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành thuốc trong đó phần lớn là các hồ sơ thay đổi, bổ sung nguồn nguyên liệu thuốc.

Giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dược, Cục đã giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành thuốc trong đó phần lớn là các hồ sơ thay đổi, bổ sung nguồn nguyên liệu thuốc.

Để giảm tải cho Bộ Y tế và bảo đảm cung ứng thuốc kịp thời, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đề xuất Bộ Y tế trình Ủy viên thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong lúc chờ sửa đổi Luật Dược 2016, cho phép hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn trước ngày 31/12/2024 tiếp tục được gia hạn đến khi Luật Dược mới có hiệu lực. Việc gia hạn này thực hiện 1 lần sau khi cấp mới 5 năm theo hình thức quản lý của các quốc gia có quy trình quản lý thuốc chặt chẽ như EMA - Cơ quan quản lý thuốc châu Âu.

Một số doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét báo cáo Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế cho những loại nguyên liệu, bao bì dùng trong dược phẩm mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được để áp thuế nhập khẩu bằng 0%, nhằm giảm giá thành thuốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội phát triển.

Chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, gần đây nhất, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Về công nghiệp dược, triển khai thực hiện Quyết định 376/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã sát sao làm việc với UBND tỉnh Thái Bình, UBND TP Hồ Chí Minh để xúc tiến việc xây dựng 2 khu công nghiệp dược tại 2 địa phương này.

Hiện tại, Bộ Y tế đang hết sức khẩn trương để hoàn thành Dự thảo Luật Dược sửa đổi, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2017/NĐ- CP… tạo cơ sở pháp lý sửa đổi các thông tư liên quan để giải quyết bất cập, khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển.

Đối với một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do các văn bản này chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian tới đây, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ Y tế tiếp tục tiếp thu, đồng thời là cầu nối, đồng hành cùng các doanh nghiệp chuyển các kiến nghị này tới các bộ, ban ngành liên quan để xem xét, giải quyết. (Theo Nhân dân online)

 

Người thứ 4 tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội từ đầu năm đến nay rất cao, đã có 4 trường hợp tử vong do bệnh này.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội là 23.314 trường hợp.

Số ca mắc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của Hà Nội phân bổ ở 30/30 quận, huyện, thị xã, 572/579 xã, phường, thị trấn.

Quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết là Hoàng Mai, Phú Xuyên, Hà Đông...

Hiện nay ổ dịch ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội còn 239 ổ dịch ở 28 quận, huyện, thị xã. Một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như Thạch Thất, Thanh Oai...

Nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết trong kỳ báo cáo đã tăng rõ rệt, kết quả giám sát tại một số ổ dịch có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, một số ổ dịch phức tạp, kéo dài. dự báo thời gian tới số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch phức tạp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục cảnh báo, bệnh nhân tay chân miệng có thể tiếp tục tăng, các bệnh truyền nhiễm khác như dại, rubella, liên cầu lợn...có thể tiếp tục ghi nhận trên địa bàn.(Theo báo Sức khỏe và đời sống)

 

Bác sĩ vùng cao chạy đua cứu bệnh nhân bị lưỡi dao cắm sâu vào ngực

Sau nhiều ngày đêm chạy đua với thời gian, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông đã cứu thành công bệnh nhân bị lưỡi dao cắm sâu vào ngực, mất máu nhiều.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông, đến nay, bệnh nhân là Ma Văn D. (trú xã Đăk Som, Đăk Glong) sức khỏe đã ổn định.

Trước đó, trong lúc đi cắt cỏ, bệnh nhân D. không may bị lưỡi dao va mạnh vào đá, lưỡi dao gãy rồi văng lên cắm sâu vào thành ngực trái.

Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đăk Glong trong tình trạng nguy kịch nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông.

Lúc này, huyết áp của bệnh nhân không đo được, đau tức ngực dữ dội, khó thở và lịm dần đi.

Sau thăm khám, siêu âm và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng các y bác sĩ xác định bệnh nhân bị dị vật kim loại cắm sâu vào thành ngực trái (khoang liên sườn 5,6, cạnh xương ức bên trái) gây tràn máu màng tim lượng lớn.

Từ chẩn đoán trên, bệnh viện đã tức tốc tiến hành kích hoạt báo động đỏ toàn viện để chạy đua cứu bệnh nhân D. Hàng chục bác sĩ đã được huy động thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân.

Sau hơn 3 giờ mổ mở ngực lấy dị vật, giải phóng chèn ép tim, cầm máu vết thương màng tim, bệnh nhân đã thoát khỏi 'cửa tử'.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông, đối với ca cấp cứu này nếu không xử lý khẩn trương sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Quá trình mở ngực lấy dị vật, ông D. được truyền 1.000ml máu từ nguồn máu dự trữ của bệnh viện.

Sau ca phẫu thuật ít ngày, bệnh nhân tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không đau và khó thở, ăn uống tốt. Đây được xem là trường hợp khó được cứu sống hy hữu ở một bệnh viện vùng cao.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông cảnh báo người dân cần hết sức cẩn thận trong quá trình đi lao động, sản xuất. Nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nếu người dân bất cẩn.

Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, trang bị tốt và đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động nhằm tránh khỏi các tai nạn đáng tiếc như trường hợp bệnh nhân D.(Theo báo Sức khỏe và đời sống)

 

Cứu sống bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa cứu bệnh nhân bị sốt do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - vi khuẩn ăn thịt người, nguy cơ tử vong lên tới gần 100%.

Nam bệnh nhân 38 tuổi là thầy giáo ở một trường tiểu học vùng cao tại Sơn La vào nhập viện tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sau 2 ngày sốt, đau khớp hai bên, mệt mỏi nhiều.

Ngay lúc vào viện, bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tim, suy thận. Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp tối ưu như thở máy, lọc máu liên tục cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, nam bệnh nhân đáp ứng rất kém với các biện pháp điều trị tích cực ban đầu, tình trạng nhiễm trùng tiến triển toàn thân. Kết quả cấy máu của bệnh nhân ra vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore.

Theo y văn, những trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomallei có sốc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, vi khuẩn sẽ lan tràn khắp cơ thể tạo thành nhiều ổ áp xe toàn thân, đáp ứng rất kém với kháng sinh. Cũng vì lý do đó mà Burkholderia pseudomallei được mệnh danh là vi khuẩn "ăn thịt người".

Nam bệnh nhân tiếp tục đi vào sốc nặng hơn, suy hô hấp không đáp ứng với thở máy. Bên cạnh những ổ áp xe toàn thân, huyết khối bắt đầu hình thành ở chi dưới và động mạch phổi, kèm theo bệnh nhân bị sốc mất máu do chảy máu từ dạ dày.

Gia đình thầy giáo có hoàn cảnh rất khó khăn, bố bệnh nhân vừa mất do ung thư, trong khi chi phí hồi sức hàng ngày có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

Trước hy vọng sống của người bệnh rất mong manh, bệnh viện tiến hành cuộc hội chẩn dưới sự chủ trì của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc bệnh viện, cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải và các thầy thuốc nhiều chuyên khoa. Các chỉ số lâm sàng và các thang điểm tiên lượng trong y văn đều cho thấy tỷ lệ tử vong gần như là 100%.

Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm được hơn 100 triệu đồng ủng hộ thầy giáo nghèo. Dưới sự chỉ đạo chuyên môn của lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo khoa, các bác sĩ điều chỉnh phác đồ kháng sinh, tiến hành kỹ thuật tim phổi nhân tạo -ECMO cho bệnh nhân.

Theo chia sẻ của các bác sĩ, khi đang chạy ECMO, điều trị huyết khối bằng chống đông, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, sốc mất máu do chảy máu dạ dày nhiều lần. Có những tua trực phải tiến hành nội soi cầm máu lúc nửa đêm, truyền nhiều lít chế phẩm máu, tưởng như bệnh nhân không thể vượt qua được.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã hồi sức thành công rất nhiều bệnh nhân nặng trong hàng tháng trời, các bác sĩ đều không bỏ cuộc, quyết tâm cứu bệnh nhân tới cùng.

Sau hơn 20 ngày chạy ECMO, 5 lần soi dạ dày cấp cứu, bệnh nhân bắt đầu được kết ECMO và cai dần thở máy.

Sau 1 tháng rưỡi điều trị, bệnh nhân đã bỏ được máy thở, thở khí phòng. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để tiếp tục điều trị thuốc kháng sinh uống và chăm sóc trong giai đoạn phục hồi.

Theo các bác sĩ, trong 1 tháng qua, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực đã cứu sống 3 bệnh nhân nặng bằng kỹ thuật ECMO thành công. (Theo Nhân dân online).

Thu Hòa tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.503
Tháng 05 : 136.751
Năm 2024 : 856.050
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.654.564