• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 20/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Thí điểm đưa chăm sóc sức khỏe ban ngày vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Bộ Y tế diễn tập an toàn thông tin để sẵn sàng ứng phó sự cố an ninh mạng; Ưu tiên tiêm trước vaccine DPT-VGB-Hib cho nhóm tuổi nhỏ nhất; Khẳng định vai trò là một trong hai trụ cột quan trọng nhất của ngành Y tế; Cứu sống bệnh nhân trẻ sốc mất máu do vỡ khối u gan; Chích máu dái tai chữa đột quỵ, người đàn ông suýt gặp họa.

Thí điểm đưa chăm sóc sức khỏe ban ngày vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, việc chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi là rất cần thiết và xã hội đang có nhu cầu rất cao.

Chiều ngày 19/12, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi họp của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi về tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi, chính sách đối với người cao tuổi năm 2023 tại TP Tân An, tỉnh Long An.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, công tác chăm lo cho người cao tuổi tại TP Tân An rất được coi trọng và được quan tâm. Thời gian qua địa phương đã triển khai rất nhiều hoạt động và đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, dân số TP Tân An đang có xu hướng già hóa, tỷ lệ người cao tuổi rất cao, vậy nên chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi là rất cần thiết và xã hội đang có nhu cầu rất cao. Theo đó, trung bình mỗi người cao tuổi sẽ mắc ít nhất 3 căn bệnh. Đồng thời, sức khỏe của người cao tuổi thường bị ảnh bởi những yếu tố như: Do điều kiện kinh tế không thể thuê người chăm sóc, không có người thân chăm sóc sát sao... Thực tế, nhu cầu sáng đưa người cao tuổi tới trung tâm để được theo dõi, giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, chiều con cái, người thân đón về rất là cao.

TP Tân An có đặc thù là tỷ lệ người cao tuổi rất cao và dự đoán tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng cao do tỷ lệ sinh ngày càng thấp. Vậy nên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, TP Tân An cần quan tâm tới vấn đề này, nghiên cứu để có thể bổ sung thêm kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi phù hợp với đặc thù của địa phương.

Theo báo cáo của TP Tân An, hiện trên địa bàn thành phố đang có 2 bệnh viện thực hiện chế độ khám bệnh ưu tiên cho người cao tuổi, bố trí giường bệnh phù hợp với người cao tuổi khi điều trị nội trú đó là Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An và Bệnh viện Y học cổ truyền.

Hầu hết người cao tuổi trên địa bàn đều được hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo... đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ khám bệnh miễn phí tại các đơn vị khám chữa bệnh của công lập. Tính tới nay, TP Tân An đã cấp thể bảo hiểm y tế cho 8.341 người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Đồng thời, các ban ngành, đoàn thể thành phố và xã, phường đã phối hợp trong công tác triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hội Người cao tuổi và trưởng trạm y tế xã, phường thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh, tự chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thông qua các buổi sinh hoạt BCH Hội Người cao tuổi.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố cũng đã tổ chức các đoàn khám lưu động cho người cao tuổi, xây dựng kế hoạch và triển khai khám sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi cấp xã, phường.

Để đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và các chế độ chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Hội Người cao tuổi phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các ban, ngành liên quan tiến hành rà soát lại số liệu để báo cáo lên Bộ Nội vụ.

Địa phương cần tiến hành rà soát lại các đối tượng người cao tuổi trên địa bàn, tuyệt đối không được bỏ sót đối tượng nào. Cần đặc biệt chú ý tới các đối tượng người cao tuổi thường xuyên thay đổi chỗ ở để tránh bị bỏ sót. Ngoài ra, cần đảm bảo tất cả những người cao tuổi được hưởng các chính sách, quyền lợi về BHXH, BHYT, chăm sóc sức khỏe...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, các hướng dẫn về khám bệnh, chữa bệnh, khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc cho người cao tuổi cần thực hiện đầy đủ. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng và chuẩn bị ban hành thông tư về các gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã trong đó có gói chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và khám sức khỏe định kỳ.

"Chúng tôi mong muốn căn cứ vào các nghị định này để tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đặc biệt, trong kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có nội dung thí điểm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những thành tựu mà Hội Người cao tuổi TP Tân An đã thực hiện được trong thời gian qua và hy vọng rằng, người cao tuổi sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Đồng thời được hưởng thêm nhiều chế độ, chính sách và được tham gia nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe hơn nữa trong thời gian tới. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Bộ Y tế diễn tập an toàn thông tin để sẵn sàng ứng phó sự cố an ninh mạng

Các mối đe dọa về an toàn thông tin đối với công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành Y tế nói riêng phải đối mặt là rất nhiều như: phần mềm độc hại, tấn công đánh cắp dữ liệu, tấn công vào các hệ thống; các vấn đề về chuỗi cung ứng và đầu tư hệ thống bảo vệ...

Để tăng cường khả năng phát hiện ứng phó sự cố an toàn thông tin cho hệ thống Giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế, hôm nay - 19/12, tại trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức diễn tập an toàn thông tin thực chiến trên một hệ thống công nghệ thông tin, với sự tham gia của đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an; cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các đơn vị thuộc và trực Bộ Y tế; một số Sở Y tế...

Diễn tập nhằm nâng cao năng lực, rèn luyện kỹ năng thực tế về phát hiện, giám sát, thu thập, xác minh, phân tích hành vi mã độc; tăng cường khả năng phát hiện ứng phó sự cố an toàn thông tin cho hệ thống Giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế nói riêng và các hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu Bộ Y tế nói chung. Qua đó, hoàn thiện các phương án ứng phó sự cố, quy trình phát hiện và ứng phó sự cố về công nghệ thông tin

Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia nhấn mạnh: Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ với quyết tâm của Chính phủ và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp. Bộ Y tế đặt chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công.

Lĩnh vực y tế là một trong mười một lĩnh vực quan trọng ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng. Bên cạnh các hệ thống thông tin quan trọng phục vụ quản lý điều hành của Bộ Y tế, Hệ thống Dịch vụ công và Giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế, hệ thống thông tin khám chữa bệnh, nền tảng số y tế là những hệ thống, nền tảng số có quy mô lớn, triển khai toàn quốc và đặc biệt chứa nhiều thông tin, dữ liệu của người dân, doanh nghiệp nên việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng cần phải được quan tâm, bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng ngày tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng. 

"Bộ Y tế luôn chú trọng quan tâm công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng. Hàng năm, Bộ Y tế thường xuyên tổ chức đợt diễn tập an toàn thông tin ngành y tế nhằm cung cấp cho cán bộ kỹ thuật làm về công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các đơn vị thuộc các quy trình ứng phó, xử lý sự cố an toàn thông tin; sử dụng các công cụ, kỹ năng khai thác lỗ hổng bảo mật và kịp thời phát hiện, ứng phó, giải quyết các sự cố gây mất an toàn thông tin mà các đơn vị có thể gặp phải; thực hiện diễn tập thực chiến trên 1 hệ thống thông tin Bộ Y tế"- ông Đỗ Trường Duy nói.

Tình huống diễn tập có hai đội tham gia. Trong đó, nhiệm vụ của đội phòng thủ (Blueteam) là phát hiện mối đe dọa. Đội phòng thủ cần theo dõi và phân tích các hoạt động trên hệ thống để phát hiện bất kỳ hoạt động không bình thường nào có thể chỉ ra sự tấn công hoặc mối đe dọa đang diễn ra. 

Khi phát hiện các hoạt động bất thường, đội phòng thủ phải nhanh chóng xác định liệu đó có phải là một tấn công thực sự hay chỉ là sự cố kỹ thuật. Điều này đòi hỏi khả năng phân tích sâu về các phương pháp tấn công và kỹ thuật thường được sử dụng bởi các hacker.

Để ngăn chặn tấn công, đội phòng thủ phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn để ngăn chặn sự tiến xa của tấn công và ngăn chặn hacker tiếp cận hệ thống hoặc dữ liệu quan trọng. Trong trường hợp tấn công thành công, đội phòng thủ phải có kế hoạch đối phó để khắc phục hệ thống, khôi phục dữ liệu và thiết lập lại môi trường an toàn. Nhiệm vụ của đội tấn công (Redteam) là thu thập thông tin liên quan của đơn vị như địa chỉ IP, các bản ghi DNS của hệ thống mục tiêu. 

Đội tấn công thực hiện dò quét hệ thống, xác định các dịch vụ đang chạy, phiên bản máy chủ ứng dụng, hệ điều hành. Đồng thời thực hiện tìm kiếm lỗ hổng hệ thống đối với các máy chủ, ứng dụng, hệ điều hành; xây dựng các chiến thuật tấn công, khai thác lỗ hổng bảo mật trên mục tiêu diễn tập. Thực chiến các kỹ thuật tấn công trên hệ thống mục tiêu diễn tập (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Ưu tiên tiêm trước vaccine DPT-VGB-Hib cho nhóm tuổi nhỏ nhất

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023”, với sự tham dự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Hà Nội.

Tại hội nghị, chia sẻ về một số kết quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Từ năm 1994, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được bao phủ 100% xã, phường trên toàn quốc. Đây là điểm sáng của ngành y tế trong việc thực hiện công bằng về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiêm chủng đã đến được với tất cả trẻ em từ thành thị, nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Nhờ nỗ lực của toàn ngành y tế, Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000; năm 2005, Việt Nam được quốc tế công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh. Hiện Việt Nam vẫn đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trên phạm vi toàn quốc đạt cao hơn 95%; bệnh sởi đã được khống chế và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi thời gian tới.

Đáng chú ý, kết quả tiêm chủng trong 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy: tỷ lệ huyện duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh đạt 100%; tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 66,4%; tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh dưới 24 giờ đạt 70,5%; tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine sởi rubella đạt 77,1%; tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đạt 68,3%... so với chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu nhân lực tạm thời trong giai đoạn cao điểm triển khai các biện pháp chống dịch và triển khai vaccine phòng Covid-19 đến hầu hết các hoạt động tiêm chủng thường xuyên; tích lũy các trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine sởi mũi 1 và sởi-rubella có nguy cơ gây dịch thời gian tới trong bối cảnh bệnh sởi vẫn diễn biến chu kỳ 3-4 năm; nguồn kinh phí địa phương cho công tác tiêm chủng mở rộng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác tiêm chủng mở rộng; nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác tiêm chủng thường xuyên có xu hướng giảm và không được cam kết, vận động từng năm, thiếu kinh phí cho giám sát bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng cho biết thêm: Ngày 15/12/2023, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (một loại vaccine phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib, viêm màng não mủ do Hib) do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ trong các tháng đầu năm 2024.

Theo kế hoạch, quý I/2024, Chương trình sẽ ưu tiên cho trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất; tiêm trả mũi 2, mũi ba cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi vaccine DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, trong quý I/2024, Chương trình tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vaccine phòng chống dịch trong mùa đông-xuân như sởi, rubella...; tiếp tục tăng cường giám sát các bệnh tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do vi-rút Rota; chuẩn bị triển khai tiêm vaccine Rota là một vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng tại 33 tỉnh, thành phố từ quý II/2024.

Đồng thời, Chương trình tiếp tục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi, qua đó giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch tại cộng đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về công tác truyền thông vaccine hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các cơ quan báo chí để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về truyền thông chính sách về y tế thời gian tới... (Theo báo nhandan.vn)

 

Khẳng định vai trò là một trong hai trụ cột quan trọng nhất của ngành Y tế

Ngày 19/12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức diễn đàn Quốc gia chất lượng bệnh viện lần thứ V; kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Cục Quản lý khám, chữa bệnh và 70 năm hệ thống khám bệnh, chữa bệnh Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Bộ trưởng Y tế Đào Hồ Lan, khẳng định, lĩnh vực khám, chữa bệnh là một trong hai trụ cột chuyên môn quan trọng nhất của ngành Y tế.

Qua 70 năm xây dựng, phát triển, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh đã khẳng định vị trí trọng yếu trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử, với các tên gọi khác nhau nhưng vẫn với chức năng, nhiệm vụ là chỉ đạo công tác khám, chữa bệnh của ngành Y tế; tham mưu Bộ Y tế trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo chuyên môn. Cục đã tham gia xây dựng nhiều văn bản quan trọng, tiêu biểu như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các Quy chế, Pháp lệnh và nhiều văn bản dưới Luật khác; triển khai nhiều Đề án góp phần nâng cao năng lực hệ thống khám, chữa bệnh các tuyến, nhất là tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Mặt khác, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, mở rộng mạng lưới bệnh viện, giường bệnh cả ở khu vực nhà nước và tư nhân; giải quyết tình trạng quá tải, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đáng chú ý, hệ thống các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập được phát triển rộng khắp; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ; kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế có bước chuyển biến tích cực.

Việt Nam được coi là một trong những điểm sáng trong triển khai các kỹ thuật khám, chữa bệnh chuyên sâu, mang tầm quốc tế, không thua kém các nước phát triển; nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa do chính các bác sĩ Việt Nam hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước trên thế giới.

Hệ thống đã đổi mới phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện, từ việc triển khai thí điểm 83 tiêu chí chất lượng năm 2013, đến năm 2023 thì nội dung đánh giá, công nhận chất lượng đã được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc đổi mới này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các bệnh viện trên toàn quốc đa số đã triển khai áp dụng và tích cực cải tiến. Thành quả lớn nhất chính là niềm tin và sự hài lòng của người bệnh và 100 triệu người dân vào hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam.

Chặng đường sắp tới còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 cũng như nhiều dịch bệnh khác có nguy cơ xâm nhập, bùng phát cũng như nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng, đòi hỏi cả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh cần nỗ lực hơn nhiều nữa. Do vậy người đứng đầu ngành y tế đề nghị hệ khám chữa bệnh trong cả nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về khám, chữa bệnh, hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng văn bản hướng dẫn Luật khám bệnh, chữa bệnh. Hoàn thiện xây dựng Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản như Luật đã quy định. Nâng cao chất lượng không chỉ về mặt quản lý mà cần quan tâm chú trọng chất lượng lâm sàng, chất lượng các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật.

Quan tâm phát triển toàn bộ các lĩnh vực như cấp chứng chỉ hành nghề, điều dưỡng, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phục hồi chức năng, giám định, đặc biệt là công tác an toàn người bệnh. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện người bệnh.

Tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao năng lực tuyến dưới thông qua phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam tăng từ 883 bệnh viện (năm 2004) 1.552 bệnh viện (năm 2023). Từ một nền y học còn lạc hậu, gặp nhiều khó khăn, đến nay đã có những bước phát triển vượt bậc, ứng dụng và làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới như các kỹ thuật phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi; phẫu thuật nội soi nhi khoa; ghép giác mạc; các kỹ thuật can thiệp tim mạch; thụ tinh trong ống nghiệm; ghép tạng, ghép tế bào gốc, ghép đa tạng lấy từ người cho chết não; kỹ thuật mổ cột sống có sử dụng Robot; kỹ thuật cấy tim nhân tạo; kỹ thuật sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư…

Trong đó, có nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, do chính các bác sĩ Việt Nam làm thầy, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước trên thế giới. Các kỹ thuật này đã và đang tiếp tục được chuyển giao từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến trên tới bệnh viện các địa phương trong cả nước (Theo báo nhandan.vn).

 

Cứu sống bệnh nhân trẻ sốc mất máu do vỡ khối u gan

Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa- Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân trẻ sốc mất máu do vỡ khối u gan.

Theo đó, trường hợp bệnh nhân N.T.H, 16 tuổi, tiền sử khỏe mạnh (thường trú tại Xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốc mất máu với biểu hiện: ý thức chậm, da xanh tái, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được, bụng chướng căng, đau khắp bụng, chọc dò dịch ổ bụng ra dịch máu (không có tiền sử chấn thương trước đó).

Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc mất máu do chảy máu trong ổ bụng. Ngay lập tức, kíp trực ngoại kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện, tiến hành vừa hồi sức, truyền máu cấp cứu, vừa chuyển bệnh nhân lên phòng mổ thực hiện phẫu thuật tối khẩn cấp.

Trong mổ, các bác sĩ cho biết: ổ bụng có rất nhiều máu tươi, máu cục (khoảng 3,5 lít máu), kiểm tra đánh giá tổn thương phát hiện thấy nguyên nhân chảy máu là khối u gan hạ phân thùy 5 (gan phải) có kích thước 5x4 cm, nặng khoảng 500g, xâm lấn túi mật.

Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành khống chế cuống gan, cắt bỏ khối u gan (khối u xâm lấn một phần nhánh phải tĩnh mạch cửa gây chảy máu ồ ạt), cắt túi mật, dẫn lưu đường mật. Khối u được lấy ra gửi khoa giải phẫu bệnh làm xét nghiệm. Sau 3 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển phòng hồi tỉnh theo dõi tiếp. Trong và sau mổ bệnh nhân được truyền tổng cộng 9 đơn vị máu.

Hiện tại ngày thứ 7 sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, da niêm mạc bình thường, bụng mềm, vết mổ khô, dẫn lưu ổ bụng đã được rút, trung đại tiện bình thường.

Khối u gan được chuyển xuống khoa Giải phẫu bệnh để tiến hành giải phẫu nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của khối u. Kết quả cho thấy đây là một khối u tổn thương ác tính ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (HCC).

Theo bác sĩ Ngô Văn Tiến - Khoa Ngoại Tiêu hóa- BVĐK Hà Đông: Đây là ca bệnh rất đặc biệt. Bệnh nhân còn trẻ tuổi tiền sử chưa phát hiện bệnh lý gì trước đây, không đi khám thường xuyên nên khối u gan phát triển âm thầm và gây biến chứng. Có thể thấy hiện nay, bệnh lý ung thư gặp ở cả những bệnh nhân trẻ tuổi. 

Chúng ta cần nhận thức tầm quan trọng của việc thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các triệu chứng, dấu hiệu bất thường để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm và hiệu quả nhất (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Chích máu dái tai chữa đột quỵ, người đàn ông suýt gặp họa

Cách vào viện 2 tiếng, người bệnh đột ngột xuất hiện mệt mỏi sau đó liệt hoàn toàn nửa người phải. Người bệnh được sơ cứu tại chỗ bằng cách .... chích máu dái tai.

Thông tin từ Trung tâm đột quỵ Phú Thọ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện vừa tiếp nhận 1 người bệnh là P.D.Q, nam 66 tuổi quê ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Cách vào viện 2 tiếng, người bệnh đột ngột xuất hiện mệt mỏi sau đó liệt hoàn toàn nửa người phải. Người bệnh được sơ cứu tại chỗ bằng cách chích máu dái tai.

Sau 1 khoảng thời gian, tình trạng không cải thiện, người bệnh được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, chuyển Trung tâm đột quỵ giờ thứ 3 của bệnh trong tình trạng người bệnh ý thức chậm chạp, liệt hoàn toàn nửa người phải, nói khó, vị trí dái tai chảy máu.

Lập tức, kíp trực khởi động quy trình cấp cứu người bệnh trong giờ vàng đột quỵ. Ngay sau khi người bệnh chụp CTA mạch máu não 128 dãy xác định không có xuất huyết não, không có hình ảnh tắc mạch lớn, được tiến hành tiêu huyết khối đường tĩnh mạch.

Sau khi tiêu huyết khối tĩnh mạch, người bệnh dần dần cải thiện khả năng nói, trả lời các câu hỏi rõ ràng chính xác hơn, tình trạng liệt cải thiện từ liệt hoàn toàn nửa người phải đến tay phải có thể nắm chặt và tự chủ động co duỗi được chân phải.

Việc sơ cứu như chích máu đầu tay hay chích máu ở dái tai đã làm chậm trễ việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não bị chết nếu không được cung cấp máu và oxy. Cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết để lại khiếm khuyết thần kinh vô cùng nặng nề.

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ não từ sớm

Quy tắc FAST – là cụm từ viết tắt được hội tim mạch Mỹ (AHA) cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng, giúp bệnh nhân và người thân dễ dàng ghi nhớ về những triệu chứng của đột quỵ nhằm nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời.

- Mặt có những dấu hiệu khác thường như cười méo miệng, rối loạn thị lực.

- Tay và chân mệt mỏi khó cử động.

- Giọng nói: người bệnh nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.

- Bạn cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt.

Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu chân tay, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay không trì hoãn. (Theo Báo suckhoedoisong.vn)

Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.077
Tháng 05 : 34.872
Năm 2024 : 754.171
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.552.685