• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 15/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Đánh giá công nghệ y tế: Giúp lựa chọn thuốc BHYT chi trả hợp lý, người nghèo được tiếp cận thuốc tốt; Nguy cơ số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại; Cứu sống bệnh nhân bị nhiều vết thương đâm thấu tim, đã ngừng tuần hoàn; Tại sao vô sinh vẫn có con?.

Đánh giá công nghệ y tế: Giúp lựa chọn thuốc BHYT chi trả hợp lý, người nghèo được tiếp cận thuốc tốt

Danh mục thuốc BHYT cập nhật đợt này khá lớn với khoảng 200 loại, do đó, cần xem xét kỹ để lựa chọn thuốc đạt yêu cầu về hiệu quả điều trị, tỉ lệ thanh toán phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT và khả năng đồng chi trả của người dân. Công cụ để thực hiện là đánh giá công nghệ y tế.

Bên cạnh đó các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ cũng sẽ thảo luận, xem xét đưa ra khỏi Danh mục thuốc BHYT những thuốc không đạt hiệu quả về điều trị hoặc chi phí điều trị, để giảm bớt gánh nặng của quỹ BHYT.

ThS Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này trong hội nghị triển khai cho các đơn vị về công tác đánh giá công nghệ y tế để xây dựng danh mục thuốc BHYT do Vụ BHYT và Tổng hội Y học Việt Nam đồng tổ chức trong 2 ngày14-15/12.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng đánh giá công nghệ y tế

Theo ThS Trần Thị Trang, việc triển khai đánh giá công nghệ y tế là rất cần thiết, vì tới đây, Bộ Y tế sẽ cập nhật Danh mục thuốc BHYT, nên tác động khá lớn đến quỹ BHYT. 

Vì thế, cần giúp các đơn vị chuẩn bị tốt với tính khoa học, chính xác, khách quan, tuân thủ nguyên tắc của đánh giá công nghệ y tế khi xây dựng hồ sơ Danh mục thuốc BHYT, vừa bảo đảm tính mới, tính hiệu quả, đồng thời, cũng phải tính đến tác động đối quỹ BHYT.

Để bổ sung các loại thuốc mới, can thiệp y tế hiện đại vào quyền lợi BHYT cần có đánh giá tác động về hiệu quả và chi phí. Công cụ để thực hiện là đánh giá công nghệ y tế.

Vụ trưởng Trần Thị Trang thông tin để bổ sung các loại thuốc mới, can thiệp y tế hiện đại vào quyền lợi BHYT cần có đánh giá tác động về hiệu quả và chi phí. Công cụ để thực hiện là đánh giá công nghệ y tế. Tuy nhiên, đến nay tại Việt Nam khai niệm này còn khá mới mẻ. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng đánh giá này để xây dựng danh mục thuốc BHYT và đàm phán giá thuốc.

"Mô hình bệnh tật tại nước ta đã có nhiều thay đổi, chúng ta đang có gánh nặng bệnh tật từ bệnh không lây nhiễm và các loại bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, nhiều loại thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao còn chưa được đưa vào danh mục thuốc BHYT. Việc đánh giá công nghệ y tế đối với các loại thuốc sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có căn cứ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT"- bà Trang cho hay

Điểm mới của việc cập nhật Danh mục thuốc BHYT lần này là thông qua đánh giá công nghệ y tế sẽ khuyến nghị doanh nghiệp điều chỉnh giá thuốc phù hợp, để tăng tỉ lệ chi trả, giảm chi tiền túi để những người thu nhập thấp tiếp cận được với thuốc có giá cao, hiệu quả điều trị tốt.

"Hiện, Bộ Y tế đang triển khai các giải pháp để bảo đảm cân đối quỹ BHYT cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT như đàm phán giá với các thuốc bản quyền, các chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh ung thư và đề xuất triển khai thêm các gói BHYT bổ sung"- bà Trang thông tin.

Đánh giá công nghệ y tế là cơ sở để lựa chọn thuốc, đàm phán giá thuốc và chi trả thuốc mới BHYT

GS.TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng thông tin vào năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định lựa chọn can thiệp ưu tiên. 

Ông cũng nhấn mạnh việc sử dụng đánh giá công nghệ y tế tại các thời điểm khác nhau sẽ cung cấp thông tin cho việc ra quyết định, nhằm thúc đẩy một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và chất lượng cao. Mục đích của đánh giá công nghệ y tế là phục vụ xây dựng chính sách.

Cũng theo ông Minh, đánh giá công nghệ y tế là cơ sở để lựa chọn thuốc và đàm phán giá thuốc, dựa trên việc phân tích chi phí hiệu quả của thuốc mới so với thuốc cũ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh xu hướng thâm hụt quỹ BHYT rất lớn và giải pháp tăng thu, giảm chi cũng không đảm bảo được.

Điá công nghệ y tế, đặc biệt là phương pháp phân tích chi phí- hiệu quả ngày càng có vai trò quan trọng trong việc xác định ưu tiên nguồn lực y tế tại Việt Nam. 

Ông Minh dẫn chứng đánh, đánh giá công nghệ y tế được áp dụng tại Hoa Kỳ vào năm 1976, tại Thụy Điển năm 1980. Tại Châu Á, đánh giá công nghệ y tế được áp dụng tại Hàn Quốc vào năm 1990, tại Malaysia vào năm 1995, Philippines năm 1998, Thái Lan năm 2007 và áp dụng triệt để trong đàm phán giá thuốc rất hiệu quả, tiết kiệm ngân sách; Trung Quốc vào năm 2008.

ThS. DS Vũ Nữ Anh - Vụ BHYT (Bộ Y tế) lưu ý về các bằng chứng khách quan qua đánh giá công nghệ y tế trong nước hoặc quốc tế, đảm bảo minh bạch. Tất cả các thuốc có khả năng làm thuốc so sánh đều được cân nhắc, biện giải lý do; cần cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện sử dụng, trang thiết bị đi kèm… Tạm thời áp dụng ngưỡng chi trả theo khuyến cáo của WHO…

TS.BS Ong Thế Duệ - Viện Chiến lược và chính sách y tế thông tin, vai trò của phân tích - đánh giá tác động ngân sách (BIA) trong hoạch định chính sách tại Việt Nam được xác định "là bằng chứng bắt buộc để xem xét bổ sung thuốc mới vào danh mục BHYT; quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán BHYT; mở rộng tuyến/cấp chuyên môn (trừ nhóm thuốc giải độc, cấp cứu, thuốc đặc thù phục vụ nhiệm vụ chính trị".

Cùng quan điểm về nội dung này, TS. Kiều Thị Tuyết Mai - Khoa Quản lý và Kinh tế Dược, Đại học Dược Hà Nội nhấn mạnh: phân tích tác động ngân sách (BIA) là một phần thiết yếu trong đánh giá kinh tế toàn diện về công nghệ chăm sóc sức khoẻ. Ngày nay BIA thường được yêu cầu thực hiện cùng với phân tích chi phí - hiệu quả (CEA) trước khi phê duyệt, chấp nhận chi trả cho thuốc mới.

Tại hội nghị đánh giá công nghệ y tế với nội dung nâng cao hiệu quả sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tổ chức mới đây, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT.

Ở Việt Nam, nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Điều này, đòi hỏi quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn.

"Đánh giá công nghệ y tế đã trở thành công cụ cần thiết được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT. Trong đó, một trong những nội dung cần tập trung là ứng dụng công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tại Việt Nam và kế hoạch phát triển trong thời gian tới"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói. (Theo báo SKĐS).

 

Nguy cơ số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại

Một số nước khu vực Tây Thái Bình Dương số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại và nguy cơ số ca mắc Covid-19 gia tăng tại TP.HCM là khó tránh khỏi.

Ngày 15.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ tháng 7.2023 đến tháng 11.2023, Sở Y tế phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tiếp tục giám sát các biến thể của vi rút SARS-CoV2 gây dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Có 8 mẫu bệnh phẩm có đủ tải lượng vi rút được giải mã gien. Kết quả cho thấy tất cả đều thuộc biến thể của Omicron. Cụ thể: XBB.1.9 (4 chủng), XBB.1.16 (2 chủng), BA.2.75 (1 chủng), BA.2.86.1 (1 chủng).

Như vậy, trong khi biến thể EG.5 là phổ biến nhất đang được ghi nhận tại 89 quốc gia thì biến thể này hiện vẫn chưa được phát hiện tại TP.HCM.

Theo ghi nhận mới nhất từ WHO, tính đến ngày 24.11, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục giảm so với giai đoạn trước đó với hơn nửa triệu ca mắc mới và hơn 2.400 ca tử vong mới (giảm tương ứng 13% và 72%).

Riêng vùng Tây Thái Bình Dương đang là vùng duy nhất có số ca mắc tăng, trong đó, đáng lưu ý là các quốc gia Úc, New Zealand, Singapore, đảo Guam và Brunei Darussalam.

Một điều đáng lưu ý đó là một biến thể của Omicron là BA.2.86 đã được Tổ chức y tế Thế giới (WHO) nâng cấp từ biến thể giám sát (VUM) lên thành biến thể được quan tâm (VOI). Tính theo thời điểm hiện nay, WHO đang theo dõi 4 biến thể VOI của SARS-CoV-2, bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5 và BA.2.86.

Gần 2 tháng chưa có ca Covid-19 mới nhập viện

Theo Sở Y tế, kể từ khi Quyết định số 3896 ngày 19.10.2023 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, đến nay, hệ thống các bệnh viện của thành phố chưa ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 mới cần nhập viện điều trị.

Tuy nhiên, Sở Y tế nhận định, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng ở một số nước như hiện nay thì nguy cơ số ca mắc tại TP.HCM gia tăng trở lại là khó tránh khỏi. Đặc biệt vẫn còn biến thể EG.5 chưa xuất hiện trên địa bàn thành phố, trong khi lại biến thể phổ biến tại các nước.

Người đi về từ vùng có dịch cần theo dõi sức khỏe

Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và OUCRU tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các biến thể Covid-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp tính. Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên toàn thành phố.

Các cơ sở điều trị tăng cường chẩn đoán, phát hiện những trường hợp mắc Covid-19 trên những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao để có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ biến chứng hoặc tử vong. Các cơ sở cần đảm bảo việc sẵn sàng phân luồng điều trị khi cần, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Sở Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng hô hấp cấp tính (sốt, ho khó thở... ) nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người cao tuổi hoặc có bệnh nền.

Với người cao tuổi, người có bệnh nền nặng, như: tiểu đường, tim mạch; những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch; phụ nữ có thai thì nên làm xét nghiệm sớm và tiêm phòng vắc xin phòng ngừa cúm, viêm phổi để chủ động phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác.

Ngoài ra, người dân nên thường xuyên theo dõi thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới. Những người đi, đến, về từ các nước đang có số ca mắc tăng nên tự theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang. Cần thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, và khi trở về Việt Nam cần tự theo dõi sức khỏe. Những người này hạn chế tiếp xúc người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.

 Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn TP.HCM. Mục tiêu đảm bảo kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Theo tờ trình này, TP.HCM đang hoàn tất thủ tục tiến tới công bố hết dịch Covid-19. (Theo báo Thanh Niên).

 

Cứu sống bệnh nhân bị nhiều vết thương đâm thấu tim, đã ngừng tuần hoàn

Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do có nhiều vết thương đâm vào bụng, xuyên lên ngực gây thủng gan, thủng tim và 3 lần ngừng tuần hoàn (ngừng tim).

Sau khi được các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực; Ngoại Tiêu hóa - Gan mật; Gây mê hồi sức cùng phối hợp phẫu thuật kịp thời và sau hơn 20 ngày được chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bệnh nhân M.Đ.M 46 tuổi, trú tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã hồi phục.

Thông tin từ các bác sĩ, khi tiếp nhận, trên người anh M có nhiều vết thương sắc nhọn vùng thượng vị, kích thước 6x4cm do người bệnh tự dùng dao gây thương tích. Nhận định đây là trường hợp có nhiều vết thương thấu bụng - ngực và cần phải được phẫu thuật khẩn cấp, ngay lập tức hệ thống "báo động đỏ bệnh viện" được kích hoạt. Người bệnh nhanh chóng được đưa vào phòng mổ, mặc dù huyết áp đã tụt thấp rồi ngừng tim.

Cuộc phẫu thuật căng thẳng kéo dài suốt 2 giờ, kíp phẫu thuật tim mạch do Tiến sĩ Lô Quang Nhật, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch- Lồng ngực làm trưởng kíp phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn do mất nhiều máu kèm tạo máu cục khoang màng tim, chèn ép tim và ngừng tuần hoàn đến 3 lần.

Với quyết tâm cứu sống người bệnh, toàn kíp mổ đã có sự phối hợp chặt chẽ và dùng nhiều biện pháp để đưa nhịp tim của người bệnh quay trở lại như: mổ cấp cứu, thăm dò, xử trí theo thương tổn của vết thương; Ép tim, đặt đường truyền vào tĩnh mạch lớn để truyền dịch, truyền máu cùng nhóm, hạ thân nhiệt... 

Khi tiến hành mở bụng theo vết thương, máu đỏ tươi trào ra ồ ạt qua đường thủng gan xuyên qua cơ hoành lên ngực, lúc này người bệnh tiếp tục ngừng tuần hoàn. Sau khi được ép tim ngoài lồng ngực (bác sĩ dùng tay trực tiếp xoa bóp tim) 2 lần, dù người bệnh đã có nhịp tim trở lại nhưng máu vẫn chảy ồ ạt qua vết thương. Nhận định đây là trường hợp có thương tổn tim, kíp phẫu thuật nhanh chóng phối hợp để mở ngực kiểm soát, xử trí vết thương.

Tuy nhiên khi mở khoang màng ngoài tim thấy nhiều máu cục, máu đông, mỏm tim phần buồng thất thủng rách phức tạp với 5 lỗ thủng, đặc biệt có vết thương dài gần 3 cm gây máu chảy ồ ạt. Lúc này, người bệnh lại ngừng tim một lần nữa, phẫu thuật viên chính vừa tiến hành xoa bóp, ép tim trong lồng ngực, vừa khẩn trương khâu những chỗ thủng rách của tâm thất, vừa bảo tồn tối đa những nhánh mạch vành tổn thương. Người bệnh đã được truyền 5 lít máu và các chế phẩm trong suốt cuộc mổ.

Sau phẫu thuật, điều kì diệu đã xảy ra, trái tim người bệnh đã đập trở lại và đáp ứng tốt với thuốc vận mạch, kiểm tra không thấy ruột bị thương tổn, máu đã được cầm qua vết thương, người bệnh nhanh chóng được chuyển về khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiến hành các biện pháp hồi sức chuyên sâu. Sau phẫu thuật 7 ngày, người bệnh đã tỉnh và không cần phải sử dụng thuốc vận mạch.

Ca mổ thành công, người bệnh được cứu sống và được xuất viện trở về nhà. Đây là một thành công lớn của kíp phẫu thuật Tim - Mạch liên khoa, khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, phẫu thuật viên, mở ra những cơ hội được sống cho thêm nhiều người bệnh nguy kịch. (Theo báo SKĐS).

 

Tại sao vô sinh vẫn có con?

Không ít cặp vợ chồng sinh con đầu lòng xong, sau đó lại không thể có thai lần kế tiếp. Tâm lý "phái mạnh" cho rằng việc sinh hoạt vợ chồng bình thường thì không thể vô sinh. Nhiều anh chồng một mực đổ lỗi cho vợ mà không hề hay biết nguyên nhân thực sự là do mình.

"Thả" mãi không đậu

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp - Trung tâm y học giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - chia sẻ câu chuyện của bệnh nhân D. trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân.

Đó là trường hợp cặp vợ chồng cùng 32 tuổi, kết hôn được 8 năm và có một con 7 tuổi. Khoảng 1 năm gần đây, vợ chồng quyết định có bé thứ hai nhưng "thả" mãi không đậu nên quyết định đi khám.

Kết quả kiểm tra là người vợ sinh sản hoàn toàn bình thường, trong khi người chồng lại được phát hiện không có tinh trùng trong tinh dịch.

Khi biết tin, người chồng đã rất kích động, thậm chí có tâm lý nghi ngờ vợ mình có mối quan hệ bên ngoài. Thậm chí người chồng còn nghĩ đứa con hiện tại không phải là con của mình. Tuy nhiên sau khi được bác sĩ khám và kiểm tra kỹ đã phát hiện người chồng có tình trạng teo tinh hoàn hai bên.

Bác sĩ khai thác kỹ tiền sử thì người chồng kể cách đây 4 năm có lần bị sưng đau tinh hoàn hai bên nhưng không đi khám mà tự điều trị thuốc tại nhà, kết quả tinh hoàn sau đó teo dần đi.

Do khả năng sinh lý và quan hệ vợ chồng vẫn bình thường nên người chồng cũng không để tâm.

Sau khi xác định được tình trạng của chồng là vô sinh thứ phát do viêm tinh hoàn biến chứng teo tinh hoàn, người chồng đã được thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (MicroTESE) để tìm ra những tinh trùng đủ điều kiện và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ.

"Kết quả đã rất thành công, vợ chồng giải tỏa được tâm lý nghi ngờ lẫn nhau cũng như đón được thêm thành viên mới cho gia đình", bác sĩ Hiệp kể lại.

Theo bác sĩ Hiệp, vô sinh nam được định nghĩa là tình trạng người nam giới không thể làm cho người phụ nữ của mình có thai (trong điều kiện sức khỏe sinh sản của người phụ nữ bình thường) sau 1 năm chung sống mà không dùng biện pháp tránh thai.

"Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều cặp vợ chồng đã từng có con tới khám hiếm muộn. Đa phần các cặp đôi đều nghĩ nguyên nhân không thể sinh thêm là do người vợ mà không biết rằng nam giới cũng có nguy cơ cao nếu không thường xuyên kiểm tra sức khỏe sinh sản", bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh thứ phát ở nam giới?

Có hai dạng vô sinh là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh thứ phát là những trường hợp đã từng có thai ít nhất một lần (những lần có thai này có thể bị sẩy hoặc đẻ con) nay muốn tiếp tục sinh đẻ nữa nhưng không thể thụ thai được.

Theo ThS Đinh Hữu Việt - trưởng khoa nam học Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vô sinh thứ phát ở nam giới.

Một số nguyên nhân phổ biến như nam giới mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như teo tinh hoàn, tắc đường dẫn tinh, từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Nguyên nhân khác là do bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do quan hệ bừa bãi, không an toàn như lậu, giang mai, chlamydia... nếu không xử lý sớm hoàn toàn có thể gây vô sinh ở nam giới.

Hoặc nam giới có tiền sử tai nạn, chấn thương vùng cơ quan sinh dục như dương vật, tinh hoàn, bàng quang - tiền liệt tuyến, từ đó ảnh hưởng đến khả năng giao hợp cũng như khả năng sản xuất tinh trùng.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh thứ phát ở nam giới là do giãn tĩnh mạch tinh.

Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng bệnh lý thường gặp ở nam giới lứa tuổi trưởng thành và có xu hướng nặng dần lên.

Giai đoạn sớm của bệnh khi tĩnh mạch tinh chưa giãn nhiều, nam giới hoàn toàn vẫn có khả năng sinh sản bình thường, cho đến lúc mức độ giãn nặng lên, tinh trùng yếu dần đi ảnh hưởng đến khả năng thụ thai lần sau.

Một số yếu tố khác như nam giới mắc quai bị gây biến chứng teo tinh hoàn, lạm dụng chất kích thích, chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh…đều ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản của nam giới (Theo báo Tuổi trẻ).

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.909
Tháng 05 : 32.704
Năm 2024 : 752.003
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.550.517