• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 14/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm dịp cuối năm; Người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế: Đề xuất điều kiện để được quỹ BHYT thanh toán; 1 tuần ghi nhận 2 ca viêm não Nhật Bản ở Đắk Lắk; Hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật; Hy hữu: Bé trai 4 tháng tuổi có 'đuôi' dài 14 cm; Số người đăng ký hiến tạng tăng kỷ lục.

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm dịp cuối năm

Trước tình hình bệnh cúm gia cầm phức tạp ở Campuchia, Bộ Y tế lo ngại căn bệnh này gia tăng tại nước ta khi hoạt động buôn bán gia cầm cuối năm sôi động hơn.

Ngày 11-12, theo tin từ Bộ Y tế, cơ quan này đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Theo thông tin từ đầu mối Điều lệ y tế quốc tế (IHR) Campuchia, từ ngày 23-11 đến nay, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Tỉnh Kampot, Campuchia là tỉnh giáp với biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Do đó, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị, các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh. Đồng thời, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1).

Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Các cơ quan y tế, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch. (Theo báo Pháp luật).

 

Người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế: Đề xuất điều kiện để được quỹ BHYT thanh toán

Theo dự thảo thông tư do Bộ Y tế xây dựng, nếu người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện thiếu, họ sẽ được quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) thanh toán, thay vì phải bỏ tiền túi như hiện nay. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện khi đảm bảo một số điều kiện cụ thể.

Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và nhân dân về văn bản này nhằm sớm ban hành, đưa vào thực hiện để giải quyết một trong những tình huống thực tiễn của khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.

Đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT

Trao đổi với phóng viên, ThS. Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, đây là điểm mới trong dự thảo. Đồng thời nhận định quyền lợi của người tham gia BHYT chắc chắn phải được bảo đảm trong mọi trường hợp.

Theo dự thảo, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh nếu có đủ một số điều kiện như điều kiện: thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài, dự thảo quy định để được quỹ BHYT thanh toán, người bệnh phải mua ở các nhà thuốc đã trúng thầu tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào đó.

Khi thực hiện thanh toán, người bệnh hoặc thân nhân người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế đã được bác sĩ chỉ định cùng hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế. Chi phí mà cơ quan BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí được ghi trên hóa đơn hợp pháp của người bệnh mà nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng cung cấp và theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Cần phòng ngừa tình trạng lạm dụng

Mới đây, tại tọa đàm về dự thảo thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, bà Trần Thị Trang thông tin: “Bộ Y tế đang cân nhắc xem liệu có thể vận dụng các trường hợp này để xây dựng các quy định về thanh toán trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì các lí do khách quan. Đồng thời, cần có những giải pháp để làm sao không lạm dụng những trường hợp này”.

“Về lâu dài, vẫn cần có các biện pháp căn cơ về mặt tổ chức thực hiện mua sắm, bảo đảm cung ứng theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế để có thuốc cho bệnh nhân…”.Ths. Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT.

Ban soạn thảo tập trung xây dựng quy định các trường hợp được thanh toán trực tiếp là những trường hợp trong điều kiện cơ sở y tế không cung ứng được thuốc vì lí do khách quan, bất khả kháng. Bà Trang lấy ví dụ như trong thời gian chờ kết quả đấu thầu mà thuốc hết, đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu tập trung địa phương hết hoặc thuốc hiếm không sẵn có do có nhiều loại không thể mua, không thể dự trù… Khi đáp ứng đủ điều kiện trên, cơ sở mới được để người bệnh mua thuốc ở bên ngoài, về nguyên tắc thì cơ sở vẫn phải đảm bảo cung ứng thuốc.

Nhằm tránh việc lạm dụng quy định thanh toán trực tiếp và để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chủ động đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, Bộ Y tế cũng có các quy định chặt chẽ đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện đấu thầu mua sắm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh. Trường hợp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc cung ứng, cơ sở khám chữa bệnh cần chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh có đủ điều kiện cung cấp thuốc, vật tư cho người bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giải trình về trường hợp không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh, vì một trong những lý do khách quan như: đã thực hiện các hình thức đấu thầu thuốc, vật tư y tế đó nhưng không có đơn vị trúng thầu; đã có kết quả đấu thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế cho người bệnh nhà cung cấp không cung ứng được hoặc trường hợp chậm có kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và đàm phán giá, nhưng cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa kịp thời tổ chức mua sắm đấu thầu được.

Bà Trang cho hay, Bộ Y tế sẽ cố gắng nghiên cứu và sớm ban hành một số quy định để tháo gỡ một phần. Đồng thời nhấn mạnh, thông tư nhằm khắc phục những điều kiện bất khả kháng, khách quan, về nguyên tắc cần phòng ngừa lạm dụng các quy định này. (Theo báo Tiền Phong).

 

1 tuần ghi nhận 2 ca viêm não Nhật Bản ở Đắk Lắk

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, trong tuần qua đã ghi nhận liên tiếp thêm 2 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nâng tổng số ca mắc ở tỉnh này từ đầu năm lên 7 người.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi A.B.M (nam, SN 2015, trú tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). 

Theo người nhà bệnh nhi, tối 16/11 bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho khan, ở nhà chưa điều trị gì. Ngày 17/11, trẻ nôn ói, sốt cao liên tục, người nhà đưa trẻ đi khám và uống thuốc nhưng không đỡ. Đến tối 18/11, trẻ đi khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk. 

Ngày 19/12, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, theo dõi viêm màng não, sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 3. 

Ngày 08/12, bệnh nhi được tiếp tục điều trị với chẩn đoán suy hô hấp độ IV, nhiễm trùng huyết, viêm não màng não, phù não, xuất huyết tiêu hoá ổn. 

Kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kết luận, bệnh nhi dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi L.T.T (nữ, 3 tuổi, trú tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà bệnh nhi, ngày 04/12 ở nhà trẻ xuất hiện triệu chứng sốt, ho, nôn ói khoảng 3 lần/ngày, ở nhà chưa điều trị gì. Ngày 06/12, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông với chẩn đoán theo dõi viêm màng não. 

Ngày 07/12, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán theo dõi viêm não màng não, theo dõi nhiễm trùng huyết. 

Ngày 12/12, trẻ tiếp tục được điều trị với chẩn đoán viêm não Nhật Bản, nhiễm trùng huyết. Kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kết luận bệnh nhi dương tính với bệnh Viêm não Nhật Bản.

Quá trình điều tra véc tơ truyền bệnh lực lượng chức năng ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật bản B tại cả 2 khu vực, nơi 2 bệnh nhi sinh sống. (Theo báo SKĐS).

 

Hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật

Chỉ trong vòng 2 tuần nay đã có 2 nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Quận 7 - TP HCM bị hành hung trong khi thi hành nhiệm vụ (một tại khoa cấp cứu bệnh viện và một tại hiện trường cấp cứu ngoài bệnh viện).

Trường hợp thứ nhất, vào lúc 23 giờ 15 phút, ngày 22/11/2023, ca trực đêm tại bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân tên N.T.T. nhập viện với vết thương hở do té ngã. Nhân viên y tế bệnh viện tiếp nhận, tư vấn khâu vết thương và được sự đồng thuận từ phía bệnh nhân. Tuy nhiên, người thân bệnh nhân không chịu ra ngoài để nhân viên y tế làm việc mà có những lời nói và hành vi chửi bới, nhục mạ, khiến bác sĩ L.T.P. buộc phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu. Người nhà bệnh nhân N.T.T. sau đó đuổi theo đánh vào vùng mặt trái bác sĩ.

Trường hợp thứ 2, vào khoảng 17 giờ ngày 03/12/2023, Bệnh viện Quận 7 nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 tại quán nhậu trên đường 47, phường Tân Quy, Quận 7. Bệnh viện đã cử bác sĩ cấp cứu tới hiện trường, tuy nhiên do bệnh nhân say xỉn dẫn tới té ngã trong nhà vệ sinh, tình trạng bệnh nhân bất tỉnh và đang nằm nguyên tại chỗ.

Do nhà vệ sinh hẹp nên nhân viên y tế đã nhờ người thân trong cuộc nhậu cùng hỗ trợ để đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển đi. Tuy nhiên, người này đã mắng nhân viên y tế là "sao không tự làm mà bắt hỗ trợ", sau khi đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển ra ngoài, người này đi phía sau dùng chân đạp mạnh vào lưng nhân viên y tế.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, tình trạng nhân viên y tế bị hành hung là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và phục vụ của nhân viên y tế nhất là trong tình huống cấp cứu người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho đội ngũ nhân viên y tế.

Hành vi hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh. Ngành y tế kịch liệt lên án hành vi tấn công nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ. Sở Y tế TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP HCM phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp, tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình thực hiện cấp cứu người bệnh.

Trước đó, tại nhiều cơ sở y tế khác trên cả nước cũng xảy ra tình trạng nhân viên y tế bị người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung, cản trở khám chữa bệnh.

Phải tôn trọng người hành nghề y; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm...

Theo TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Mỗi một sự việc xảy ra đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân viên y tế, đây không chỉ là sự xúc phạm về thể xác, tinh thần mà nó còn ảnh hưởng đến danh dự cá nhân của thầy thuốc, những người đang nỗ lực ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh.

Nhân viên y tế đang có rất áp lực, công việc nhiều, thu nhập lại thấp, nếu môi trường làm việc không an toàn… sẽ khiến họ lo lắng, chán nản, tâm lý bị ảnh hưởng. Điều này, trước nhất là ảnh hưởng đến chính người bệnh, nếu nhân viên y tế có không gian để làm việc, có thể người bệnh sẽ được cứu sống trong những trường hợp nhất định.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Quốc hội thông qua năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, tại Điều 16 về Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng đó, tại Điều 43 về Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, người hành nghề được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng; Được phép tạm rời khỏi nơi làm việc trong trường hợp bị người khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhưng phải báo cáo ngay với người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Tại Điều 42 của Luật này cũng quy định Quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa của ngừoi hành nghề. Theo đó, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi đã thực hiện đúng quy định mà vẫn xảy ra sự cố y khoa; Được đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra sự cố y khoa.

Tại Điều 114 của Luật nêu rõ, trong trường hợp người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người khác có hành vi gây mất trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe an toàn của người bệnh, người hành nghề, người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng biện pháp như: Ngăn chặn theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan công an, trừ trường hợp người vi phạm là người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu; Giới hạn việc ra vào khu vực bị mất an ninh, trật tự hoặc có nguy cơ bị mất an ninh, trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Đặc biệt tại Điều 114 đã quy định: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện, trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Bộ này đề nghị điều tra, làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26-7-2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng viện.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn trang bị kỹ thuật đảm bảo an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương "tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến khám, chữa bệnh đông. Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự". (Theo Báo Thanh Niên).

Hy hữu: Bé trai 4 tháng tuổi có 'đuôi' dài 14 cm

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa phẫu thuật, cắt bỏ thành công 'đuôi' dài 14 cm cho một bé trai 4 tháng tuổi.

Ngày 13.12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh viện này vừa cho bệnh nhi N.V.P (4 tháng tuổi, ngụ H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) xuất viện sau khi phẫu thuật thành công cắt bỏ "đuôi" mọc ở vùng cùng cụt.

Trước đó, đầu tháng 12, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhi N.V.P, trong trạng thái ở vùng cùng cụt có "đuôi" dài 14 cm. Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị thoát vị mỡ - tủy - màng tủy vùng cùng cụt.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống thể hiện khối u mỡ tủy kích thước 2x4 cm, kèm theo rỗng tủy, tủy bám thấp, hở cung sau đốt sống cùng cụt.

Sau khi hội chẩn, đánh giá, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thành công "chiếc đuôi" cho bé P.  Sau ca phẫu thuật, bé P. được điều trị 10 ngày tại bệnh viện và vừa được xuất viện.

Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, thoát vị màng não tủy là một dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh, có rất nhiều thể bệnh, với nhiều hình thái bên ngoài khác nhau. Bệnh lý này thường có nhiều dị chứng nặng nề về sau. Tuy nhiên, nếu được phẫu thuật và điều trị bài bản bệnh nhân sẽ giảm thiểu các di chứng. (Theo báo Tiền phong).

 

Số người đăng ký hiến tạng tăng kỷ lục

Sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật như ghép thận từ người cho chết não; từ người cho tim ngừng đập, ghép chéo người cho và ghép không tương hợp nhóm máu ABO. 

Với chủ đề “Hồi sức người tiềm năng hiến tạng, điều phối tạng và ghép thận”, chương trình đào tạo liên tục do Hội Thận học Thế giới và Hội ghép tạng Thế giới phối hợp cùng Hội ghép tạng Việt Nam tổ chức ngày 12-13/12 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy, tại đây đã tiếp nhận gần 45.000 người đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời. Đây là con số kỷ lục, tạo tiền đề cho bước phát triển mới trong lĩnh vực hiến ghép tạng.

 

Sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật như ghép thận từ người cho chết não (ngày 23/4/2008); từ người cho tim ngừng đập (18/6/2015), ghép chéo người cho (11/1/2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (29/12/2021).

Kỹ thuật ghép tạng cứu người đang gặp nhiều khó khăn, mỗi năm trên cả nước đang có hàng chục nghìn bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối cần được ghép để duy trì sự sống, tuy nhiên nguồn tạng hiến rất hạn chế. Từ thực tế trên, cùng với nỗ lực mở rộng các kỹ thuật ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận động cộng đồng tham gia chương trình nhân văn, hiến tạng nhường lại sự sống cho đồng loại khi chẳng may qua đời.

TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết, đến nay, số lượng người đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang chiếm khoảng 60% tổng số đơn đăng ký trên cả nước

Thời gian tới Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xây dựng và phát triển chương trình ghép mô - tạng từ người hiến chết não và ngừng tuần hoàn của Bộ Y tế tại Việt Nam. Chương trình sẽ giúp cho bộ máy vận hành liên quan đến các hoạt động điều phối hiến và ghép tạng được mở rộng mạng lưới thuận lợi, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực và theo kịp sự phát triển trên thế giới. (Theo báo Thanh Niên).

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.028
Tháng 05 : 33.823
Năm 2024 : 753.122
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.551.636