Điểm báo, ngày 17/11/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: TPHCM cạn vắc xin tiêm chủng mở rộng; Bộ Y tế khuyến cáo những giấy tờ người dân cần mang khi đi khám chữa bệnh BHYT; Báo động tình trạng chọn "giờ vàng" mổ lấy thai
TPHCM cạn vắc xin tiêm chủng mở rộng
Ngày 16/11, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay,
Vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) liên tục gián đoạn cung ứng do có sự thay đổi về cơ chế mua sắm. Ngày 10/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (số 98/NQ-CP) về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin Chương trình TCMR.
Hiện nay, Bộ Y tế đang giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước và đấu thầu đối với vắc xin nhập khẩu. Viện đang thực hiện thủ tục theo quy định cho việc mua sắm vắc xin để có thể cung ứng vắc xin sớm nhất cho các địa phương trên toàn quốc.
Tại TPHCM, hầu hết các vắc xin chương trình TCMR tại TPHCM đã hết hoặc còn với số lượng rất ít. Riêng vắc xin ngừa uốn ván còn đủ sử dụng đến hết tháng 11/2023, vắc xin viêm não Nhật Bản đủ sử dụng đến hết tháng 12/2023.
Để đảm bảo vắc xin chương trình TCMR, Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị với Bộ Y tế sớm phân bổ vắc xin cho thành phố. Phản hồi kiến nghị của TPHCM, Bộ Y tế cho biết đang giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẩn trương thực hiện đặt hàng, đấu thầu mua sắm vắc xin và sớm phân bổ cho thành phố và cả nước.
Theo thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các vắc xin có thể được cung ứng trong thời gian cuối tháng 11/2023 đến cuối tháng 12/2023”.
Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ động điều chuyển vắc xin giữa các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để đảm bảo công bằng cho người dân trong việc tiếp cận vắc xin.
Trong thời gian chờ phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh cách đề phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ, các trạm y tế thực hiện rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vắc xin được cung ứng trở lại. (Theo Tiền phong).
Bộ Y tế khuyến cáo những giấy tờ người dân cần mang khi đi khám chữa bệnh BHYT
Theo Bộ Y tế, khi đi khám chữa bệnh, người tham gia BHYT có thể lựa chọn xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân. Trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh thì người tham gia BHYT mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ khác liên quan...
Bộ Y tế vừa có công văn phúc đáp công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện một số quy định của Nghị định số 75 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Bộ Y tế cho biết, theo Luật BHYT, tại Khoản 1 Điều 28 về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BYT quy định:
- Người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh;
- Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó;
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT
Để tạo điều kiện cho người dân, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định:
- Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân;
- Trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên;
- Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
"Nghị định quy định theo hướng bao quát để bảo đảm khi thẻ BHYT không có ảnh, người dân có thể thay thế bằng các loại giấy tờ hợp pháp khác chứng minh nhân thân có ảnh để nhận diện khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT"- Bộ Y tế thông tin trong văn bản.
Như vậy, căn cứ các quy định của Luật và Nghị định, khi đi khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia BHYT có thể lựa chọn xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân. Chỉ trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh thì người tham gia BHYT mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ sau:
-Giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
-Giấy xác nhận của công an cấp xã.
-Giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên.
-Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP
Về các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, ngoài thẻ căn cước công dân, một số văn bản pháp luật có quy định về giấy tờ tùy thân, nhân thân.
Chẳng hạn, điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú có quy định các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu; sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh.
Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có quy định hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân.
Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có quy định các giấy tờ chứng minh về nhân thân như hộ chiếu; chứng minh nhân dân; giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
Các thông tư của Bộ Giao thông vận tải cũng có quy định công dân Việt Nam khi làm thủ tục hàng không cho các chuyến bay trong nước có thể xuất trình một trong các loại giấy tờ nhân thân như hộ chiếu; chứng minh nhân dân, giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, của quân đội nhân dân; giấy phép lái xe…
Hiện nay, các thông tin về thẻ BHYT và ảnh của người có thẻ BHYT cơ bản đã được tích hợp trên thẻ căn cước công dân và mã định danh công dân nên về cơ bản đã đủ thông tin, hình ảnh phục vụ thuận tiện cho việc xuất trình khi đi khám bệnh, chữa bệnh .
Về giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2, Nghị định số 59 có quy định khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Ngoài ra, tài khoản của người dân đã được định danh điện tử mức độ 2 thì được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VNeID để đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Về trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VssID, nội dung này đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm.
Trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59 để đăng nhập ứng dụng VssID thì có thể được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VssID để đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Cũng tại văn bản này về việc áp dụng hiệu lực thi hành đối với trường hợp người tham gia BHYT vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị trong giai đoạn chuyển tiếp theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, Bộ Y tế cho biết căn cứ Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 2 Điều 3, Điều 4 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP thì thời điểm áp dụng hiệu lực thi hành đối với quy định chuyển tiếp tại Điều 4 liên quan đến trường hợp người tham gia BHYT vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP là từ ngày 19/10/ 2023.
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP không sửa đổi, bổ sung các quy định tại các điểm b, c, d, đ, g và h khoản 1, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ mà chỉ dẫn chiếu cho đầy đủ nên hiện nay các quy định này vẫn đang có hiệu lực thi hành. (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
Bãi bỏ một số văn bản trong lĩnh vực y tế
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư bãi bỏ toàn bộ, bãi bỏ một phần một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, Bộ Y tế thông tin bãi bỏ toàn bộ 5 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành bao gồm:
1. Chỉ thị số 06/2008/CT-BYT ngày 27 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực y tế.
2. Quyết định số 379/2002/QĐ-BYT ngày 08 tháng 02 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế về thống kê y tế.
3. Thông tư số 29/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định biểu mẫu và chế độ báo cáo thống kê y tế áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
4. Thông tư số 19/2015/TT-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
5. Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc nhập khẩu trang thiết bị y tế.
Bãi bỏ một phần 5 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, gồm:
1. Điều 8, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Thông tư số 17/2001/TT-BYT ngày 01 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam.
2. Khoản 5 Mục II, Mục III, Mục IV và Mục V Thông tư số 10/2003/TT-BYT ngày 16 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn các Công ty nước ngoài đăng ký hoạt động về vaccine, sinh phẩm y tế với Việt Nam.
3. Nội dung liên quan đến nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán in vitro tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.
4. Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 47/2011/TT-BYT ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2001/TT-BYT ngày 01 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam và Thông tư số 10/2003/TT-BYT ngày 16 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn các Công ty nước ngoài đăng ký hoạt động về vaccine, sinh phẩm y tế với Việt Nam.
5. Điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là Lương y.
Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/ 2024.
Bộ Y tế yêu cầu Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư. (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
Báo động tình trạng chọn "giờ vàng" mổ lấy thai
Chọn "giờ vàng" mổ lấy thai ngày càng gia tăng, nhiều sản phụ còn hai tuần mới tới ngày dự sinh, nhưng vì muốn con sinh vào ngày đẹp, giờ đẹp vẫn xin bác sĩ mổ sớm. Nhiều cha mẹ lại lầm tưởng mổ lấy thai an toàn hơn sinh con theo phương pháp tự nhiên, khiến con đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm tới mạng sống. Chỉ chưa đầy 1 tuần vừa qua, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 6 trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải vào cấp cứu, thở máy, đặc biệt có 2 trường hợp bị tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, 1 cháu đã tử vong.
Nguy hiểm khi mổ đẻ chưa có dấu hiệu chuyển dạ
Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi gặp khá nhiều bà bầu sắp đến ngày sinh nở. Chị L.T.H (Hà Nội) cho biết: "Tôi xác định sinh mổ nên mổ sớm hay muộn đều giống nhau, nên đã xem ngày đẹp để xin mổ chỉ định". Chị H mang thai lần hai được 36 tuần, lần trước sinh mổ nên lần này sinh mổ tiếp. Khi tôi hỏi về việc xem ngày đẹp, giờ đẹp để mổ, nhỡ đâu không "trúng" thì sao? Chị H cho biết, đã đăng ký sinh dịch vụ, nên hy vọng được sắp xếp sinh đúng vào giờ đẹp, ngày đẹp.
Chị H không phải là trường hợp cá biệt chọn "giờ vàng" để sinh con, mà tình trạng này diễn ra khá nhiều đối với những sản phụ. Nhiều người rất tâm đắc khi con sinh vào được ngày hoàng đạo, giờ hoàng đạo, hứa hẹn cho một tương lai may mắn và tốt đẹp. Chính vì thế, nhiều người đã đi xem ngày, xem giờ và chọn sinh dịch vụ để có thể thực hiện được ý nguyện.
Một số bà bầu cho rằng, mổ chỉ định có thể an toàn hơn sinh thường, nên việc chọn "giờ vàng" được thực hiện mà không băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, theo bác sĩ sản khoa, trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ, từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí cần phải đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mổ lấy thai chủ động khi chưa có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan - Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 1 tuần qua, tại đây đã tiếp nhận và cấp cứu cho 6 trẻ sơ sinh nguy kịch do mổ chủ động. Điển hình là bé trai Đ.T.D (1 ngày tuổi, ở Thái Bình) được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng tổn thương phổi nặng, suy tuần hoàn.
Sản phụ mang thai lần hai, do lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên gia đình quyết định sinh mổ chủ động khi thai được 37 tuần. Tuy nhiên, sau sinh bé bị suy hô hấp tiến triển, được đặt nội khí quản chuyển đến Trung tâm Sơ sinh. Các bác sĩ phải cho cháu bé thở máy, bơm thuốc vào phổi để hỗ trợ hô hấp, thuốc trợ tim liên tục, sau 7 ngày mới cải thiện và ổn định sức khoẻ
Không may mắn như trường hợp này, bé trái 1 ngày tuổi ở Nam Định cũng mổ đẻ chủ động tại bệnh viện địa phương khi thai kỳ ở tuần thứ 36. Do gia đình không nắm được những nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra với cả mẹ và con khi mổ chủ động, nên khi mẹ phải nằm theo dõi thai kỳ trong 1 tuần, gia đình đã quá lo lắng và mong muốn sinh mổ khi chưa có cơn chuyển dạ. Tuy nhiên, sau khi sinh, cháu bé bị suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tím tái, suy tuần hoàn. Dù được các bác sĩ cấp cứu thở máy tần số cao, nhưng tình trạng của cháu bé không cải thiện và tử vong sau 3 ngày.
Tăng cường truyền thông
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan, sinh con tự nhiên là phương pháp sinh lý và tốt nhất cho mẹ và thai. Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp mẹ có bệnh lý và thai không cho phép đẻ thường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng mổ đẻ khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ sinh đẹp trở nên phổ biến.
Tỷ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng tăng nhanh trong những năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai vẫn còn cao, khoảng 39,1%. Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ mổ lấy thai ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương là 41%, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là hơn 43%.
Trong số 423 bà mẹ (ở quận Hoàn Kiếm và Gia Lâm, Hà Nội) tham gia nghiên cứu, có 30,3% bà mẹ mổ lấy thai, trong đó, 14% muốn mổ lấy thai để chọn được ngày, giờ sinh tốt cho đứa trẻ và 16,7% là do chịu sự tác động từ phía gia đình. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có thời điểm, mổ lấy thai chiếm tới 60% các ca sinh nở.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai chỉ nên từ 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con. Yếu tố tâm linh là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sản phụ chọn mổ đẻ thay cho sinh tự nhiên. Nhưng có thật ai sinh vào "ngày vàng, giờ vàng" cũng tốt hay không? Hậu quả của phương pháp mổ đẻ chủ động đã rõ, song vẫn có nhiều người lựa chọn phương pháp này chỉ vì muốn con sinh vào "giờ vàng".
Trẻ đẻ mổ chủ động hay gặp các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh như dễ bị mắc các vấn đề về hô hấp sau sinh, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, sự chuyển dạ của mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hormone giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hormone cần thiết nên thường yếu hơn những trẻ sinh thường.
Vì vậy, trước khi đề nghị chọn ngày, giờ sinh mổ, sản phụ cần tìm hiểu kỹ những lợi ích và tác hại của nó, lắng nghe tư vấn của bác sĩ. Để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do mổ đẻ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc. Bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh mổ trong trường hợp thai quá to, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường hay dị tật về cơ thể, mang thai nhiều bé cùng một lúc, trẻ bị tràng hoa quấn cổ có nguy cơ tử vong, thai ngược… (Theo Công an Nhân dân).
Thu Hòa tổng hợp