Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học
Không chỉ với các bậc phụ huynh, mà đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường có tổ chức ăn bán trú cho học sinh ở Hà Tĩnh đều mong muốn được cung cấp nguồn thực phẩm sạch, được kiểm chứng qua công cụ hỗ trợ bằng phương pháp khoa học.
Các cô gíao Trường MN Song Trường (Can Lộc) hái rau giúp tổ phục vụ chăm nuôi trẻ
Trăn trở từ các bậc phụ huynh
Ông Nguyễn Văn Thanh (68 tuổi), ở xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà, (Hà Tĩnh) trăn trở rằng, ông không chỉ lo cho cháu mình mà lo cho tất cả thế hệ trẻ tương lai của đất nước. "Nếu tổ chức bán trú mà không đảm bảo được ATVSTP, nguy cơ các cháu phải đối mặt với bệnh tật vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, các trường Mầm non, Tiểu học có tổ chức bán trú đều phải đặt vấn đề này lên hàng đầu”.
Không chỉ ở thành phố, mà phụ huynh vùng đồng bằng trung du cũng lo lắng. Bởi, khi thực phẩm bẩn đang là một vấn nạn nhức nhối, khi trong người dân vẫn còn "lợn 2 chuồng, rau hai luống”, thì bữa ăn cho trẻ nhỏ từ nguồnn thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường khó kiểm soát được, không lo sao đặng!
Trước nỗi lo đó, phụ huynh một số địa phương đã không đứng ngoài cuộc mà “xắn tay” cùng nhà trường lo thực phẩm sạch cho các cháu.
Tại trường Mầm non Yên Hồ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), phụ huynh cung cấp thực phẩm sạch cho nhà trường, đến trường tham gia trồng rau cùng các cô giáo.
Tại trường Mầm non Song Trường, huyện Can Lộc, phụ huynh cung cấp nguồn trứng gà sạch cho nhà trường. Trường còn có vườn rau 500 m2, mùa nào thức nấy, xanh tốt quanh năm. Trước vườn trường là vườn hẹ, mồng tơi, hành, rau thơm các loại. Sau vườn trường là luống khoai lang; hết rau cải đến rau muống. Lại thêm giàn bí, bầu, luống đỗ. Cạnh đó là hàng lá ngót... luôn đủ để đảm bảo rau xanh cho các cháu quanh năm. “Vườn rau này không chỉ cô giáo trồng, chăm sóc mà có cả phụ huynh tham gia. Một số giống cây phụ huynh mang đến. Phân chuồng cũng từ phụ huynh. Xã hội hóa vườn rau sạch là một giải pháp tốt để giải quyết ATVSTP đối với chúng em”, cô Tần Thị Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Song Trường cho biết.
Theo hướng này, tại huyện Hương Sơn, Đoàn thanh niên đã tình nguyện giúp đỡ các trường học có tổ chức bán trú trên địa bàn làm vườn rau sạch. Sau một thời gian, có trên 30 vườn rau được duy trì và phát huy tác dụng tốt.
Bữa ăn bán trú của HS Trường Tiểu học thị trấn Vũ Quang
Lo lắng, bất an vì thiếu công cụ hỗ trợ
Cô Nguyễn Thị Tú Oanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tùng Lộc, huyện Can Lộc, cho biết: Nhà trường đặc biệt quan tâm vấn đề ATVSTP và đã làm tất cả những gì có thể. Nhà trường đã kí hợp đồng với ông Trần Văn Sắt (Thôn Yên Tràng, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc) để cung cấp nguồn thực phẩm. Trước khi ký, nhà trường thực hiện nhiều bước kiểm tra chặt chẽ, như: Khảo sátt các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh gia súc trên địa bàn, tham khảo ý kiến của giáo viên, phụ huynh, nhân dân về truy xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm…; Xem xét Hồ sơ pháp lý như: Giấy chứng nhận Hộ đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và các giấy tờ liên quan khác.
“Mặc dầu ký Hợp đồng đã có các điều khoản ràng buộc về chất lượng sản phẩm về quy kết trách nhiệm cho cả hai bên một cách chặt chẽ, nhưng nói thật là chúng tôi vẫn không an tâm. Vì thực ra những cam kết trên giấy tờ không thể kiểm soát được 100%. Ví như trong Hợp đồng mua gà của chúng tôi có ghi: “Đảm bảo gà không chứa chất tồn dư kháng sinh, không chứa chất tăng trọng, bảo quản, kim loại nặng…”, và nhà cung cấp thực phẩm ký cam kết, nhưng lấy gì để tin tưởng hoàn toàn khi chúng tôi thiếu công cụ hỗ trợ để kiểm tra?”, cô Tú Oanh giải bày.
Còn cô Trần Thị Thanh Tịnh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Tông Mục,huyện Can Lộc lo lắng vì đã hết sức cố gắng nhưng vẫn chưa làm sao hóa giải hết những bất cập trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. “Chúng em không chỉ lo lắng ban ngày mà đêm về nằm ngủ, thấy cuộc điện thoại lạ là giật thót cả người. Vì hậu quả không ATVSTP thật sự nặng nề, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, nhất là đối với sức khỏe và sinh mệnh của học sinh. Cho nên chúng em mong muốn có được dụng cụ hỗ trợ, hóa chất để hàng ngày có thể test, chứ bằng mắt thường, bằng kinh nghiệm như lâu nay thấy may, rủi và không có gì đảm bảo chắc chắn cả”, cô Tịnh bộc bạch
Thầy Trần Đăng Đàn, huyện Đức Thọ chia sẻ: “Nếu các cấp có thẩm quyền lưu ý, thì việc trang bị, hướng dẫn công cụ hỗ trợ cho các cơ sở tổ chức bán trú chẳng có gì khó khăn và không đến nỗi quá tốn kém để không thể làm được!”.
Văn Vị - Nhật Thắng