• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Còn nhiều khó khăn trong công tác An toàn vệ sinh thực phẩm

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Mục tiêu đầu tiên của VSATTP là đảm bảo cho người ăn tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc; thực phẩm phải đảm bảo lành và sạch. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên toàn tỉnh khá phổ biến. Trong số gần 12 ngàn lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến(SX, KD, CB) thực phẩm được kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 462 cơ sở, với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Trong số hơn 5.000 mẫu được kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Kết quả có 201 mẫu không đạt VSATTP. Trong 9 tháng cũng đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm, với 83 người mắc. Số ca ngộ độc đơn lẻ là 1.347 ca. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì thực tế trên thị trường vẫn còn rất nhiều cơ sở SX, KD, CB thực phẩm vì lợi nhuận nên “phù phép” để che mắt đoàn kiểm tra và người tiêu dùng.

Kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố

 

Theo bác sĩ Phan Văn Hùng,Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh: “Khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của người dân còn thấp; tỉnh chưa có các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO17025 nên việc phân tích mẫu thực phẩm phải gửi ra Trung ương, vì thế còn chậm so với yêu cầu; việc quản lý hoạt động ATTP còn nhiều đầu mối nên công tác phối hợp một số hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập; các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa đủ năng lực để giám sát chất lượng ATTP”.

Một số vướng mắc nữa mà các địa phương gặp phải là số lượng các cơ sở SX, KD thực phẩm quy mô nhỏ lẻ nhiều và thường xuyên biến động, trong khi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định các cơ sở SX, KD nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Nhưng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong cơ sở SX, KD nhỏ lẻ chưa rõ ràng nên khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, Một bộ phận các cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương còn chạy theo lợi nhuận cố tình sử dụng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

và tại huyện Lộc Hà

 

Tại huyện Lộc Hà hiện tại có 712 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 26 cơ sở thu mua hải sản, 17 cơ sở chế biến nước mắm, ruốc. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản thủy hải sản gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà cho biết: “Thực tế hiện nay trên địa bàn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh ruốc, nước mắm không thuộc đối tượng được đền bù, hỗ trợ vẫn còn tồn đọng bã ruốc bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hầu hết bã ruốc được tập kết tại cụm công nghiệp và rải rác tại một số hộ dân cư. Tuy nhiên, việc xử lý các cơ sở này không thuộc thẩm quyền của huyện”.

Riêng huyện miền núi Hương Khê có địa bàn rộng, địa hình rừng núi nên việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất và chế biến gặp nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Tuệ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Khê: “Các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đa số còn nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, do đó hầu hết chưa thực hiện tốt các quy định về VSATTP, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngày càng tăng cao do tình trạng ô nhiễm môi trường, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, chất thải sinh hoạt, thiên tai, lũ lụt....Hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số ban chỉ đạo cấp xã chưa quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai chỉ mang tính hình thức. Một số đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến xã, thị trấn chưa đủ mạnh, kinh nghiệm trong công tác kiểm tra và xử lý còn yếu nên trong quá trình thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm chủ yếu là nhắc nhỡ chưa đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đúng mức nên không có tính răn đe”.

Kiểm tra các vật dụng đựng thực phẩm tại các nhà hàng 

 

Để hoạt động VSATTP trong thời gian tới đạt hiệu quả, thiết nghĩ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành hệ thống Quy chuẩn Quốc gia với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý. Nghiên cứu xây dựng bộ máy quản lý ATTP từ trung ương đến địa phương thống nhất trên cả nước. Ban hành các Văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ để thuận lợi trong công tác quản lý. Chính phủ nghiên cứu quy định các mức xử phạt phù hợp cho từng nhóm đối tượng khi vi phạm(đối với tập thể, cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố...) để tạo điều kiện thuận lợi và tính khả thi trong việc xử lý cũng như chấp hành xử phạt vi phạm hành chính của cơ sở. Còn tại tỉnh sớm hoàn thiện các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO17025; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát VSATTP; xử phạt nghiêm minh các trường hợp vị phạm. Bên cạnh đó, cần thống nhất tập trung một đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý, tránh chồng chéo, bỏ sót. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP huyện, xã (nhất là hoạt lĩnh vực thanh tra, kiểm tra). Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh được biết và thực hiện./.

 

Nguyễn Duy - Trần Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 245
Tháng 12 : 167.074
Năm 2024 : 2.967.662
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.766.176