Gia tăng ca bệnh sởi do trẻ chưa được tiêm phòng: Chuyện cũ mà không cũ
Thời gian qua, tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương gia tăng các ca bệnh sởi biến chứng vô cùng nguy hiểm. Các ca bệnh chủ yếu tập trung ở các quận nội thành Hà Nội. Đáng lo ngại, có tới 80 - 90% trẻ bị bệnh sởi dưới 5 tuổi và chưa được tiêm phòng vắc xin.
Theo các bác sĩ Bệnh viện E, thời gian gần đây, số lượng trẻ sốt cao, nổi mẩn, nghi sởi đến khám và điều trị ở Khoa Nội Nhi tổng hợp Bệnh viện có chiều hướng tăng mạnh.ThS. BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết: Trong số những trẻ đến khám, có 2 trường hợp đã được xác định là dương tính với vi rút sởi.
|
Các bác sĩ Bệnh viện E thăm khám cho bệnh nhi nghi mắc bệnh sởi. |
Các ca mắc bệnh chủ yếu tập trung ở các quận nội thành Hà Nội như: Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm. Đối tượng mắc chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.Đặc biệt, gần đây số ca mắc sởi thường nặng hơn vì nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.
Tương tự, từ đầu năm đến nay tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 34 trẻ bệnh sởi đến từ nhiều địa phương của miền Bắc, xa nhất có bệnh nhi từ Hà Tĩnh chuyển ra. PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Trong các ca bệnh trên, hầu hết là các bé dưới 5 tuổi, 80 – 90% chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Lý do là đến tuổi tiêm thì trẻ ốm hoặc có trường hợp mẹ sợ nguy hiểm nên không cho con tiêm....
|
Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa bệnh sởi đơn giản và hiệu quả nhất. |
Trước diễn biến của bệnh sởi, các chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát dịch sởi theo quy luật 5 năm 1 lần sẽ xảy ra vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 tới. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, ngành y tế khuyến cáo lịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi là hoàn toàn hợp lý. Bởi đối với bệnh sởi, một bà mẹ đang lứa tuổi sinh đẻ có miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch thụ động do tiêm vắc xin với virut sởi thì sẽ truyền cho con qua nhau thai.
Đến khi em bé được khoảng 9 tháng tuổi sau khi sinh, em bé sẽ giảm bớt nồng độ kháng thể đó và lúc đó tiêm vắc xin cho trẻ.Nếu các bà mẹ đã mắc sởi thì miễn dịch truyền cho trẻ sẽ rất tốt, trẻ có không bị nhiễm sởi sớm và có khả năng chống chọi với bệnh dịch. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bà mẹ hoặc chưa mắc sởi hoặc đã tiêm sởi nên không mắc sởi vì vậy khả năng miễn dịch của mẹ truyền cho con không tốt. Do đó, cần phải tiêm vắc xin sởi cho trẻ đúng thời điểm trẻ 9 tháng tuổi.
Gần đây, ở Việt Nam, nhiều phụ huynh làm theo phong trào “anti vắc xin” - không cho trẻ tiêm vắc xin vì cho rằng, tiêm vắc xin có hại và dẫn tới những biến chứng cho trẻ nhỏ. Điều này cực kỳ tai hại bởi năm 2014, tại các tỉnh miền Bắc đã phải trải qua dịch sởi khủng khiếp khiến nhiều trẻ tử vong. Bởi vậy, biện pháp tốt nhất phòng tránh bệnh sởi cho trẻ là tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch quy định.Đây cũng là 1 trong 10 loại vắc xin bắt buộc mà trẻ phải được tiêm trước 5 tuổi. Nếu không thực hiện nghiêm ngặt, trẻ sẽ bị nhiễm sởi và lây lan ra cộng đồng. |
Và đối với từng cá nhân cụ thể, trong trường hợp mẹ chưa từng bị mắc sởi, lo sợ sẽ không truyền được kháng thể tốt cho trẻ thì có thể tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi không khuyến cáo rộng rãi, chỉ áp dụng tiêm cho những trẻ ở các vùng có nguy cơ và phải có sự chỉ định của ngành y tế ở địa phương đó.
“Trên thế giới, cũng có những nước tiêm sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, mũi tiêm đó chỉ là mũi tiêm số 0, không thể coi là mũi tiêm sởi số 1 vì khi tiêm sớm cho trẻ, miễn dịch sẽ không bền hoặc có thể tiêm cho trẻ đã có sẵn hệ miễn dịch tốt. Những trẻ đã tiêm vắc xin ở tháng thứ 6 thì tới tháng tuổi thứ 9 và tháng thứ 12 vẫn phải tiêm nhắc lại và mũi tiêm ở tháng thứ 9 mới được tính là mũi tiêm sởi số 1 của trẻ”, PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo: Báo Lao động Thủ Đô