• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thời tiết nắng nóng dễ bị rối loạn tiêu hóa

Trong thời tiết nóng nực của mùa hè, rối loạn tiêu hóa là bệnh rất hay gặp ở các phòng khám đa khoa. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, thay đổi thời tiết hoặc do ăn những thức ăn lạ...
Trong thời tiết nóng nực của mùa hè, rối loạn tiêu hóa là bệnh rất hay gặp ở các phòng khám đa khoa. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, thay đổi thời tiết hoặc do ăn những thức ăn lạ...

Chế độ ăn là nguyên nhân chính gây rối loạn tiêu hóa

Chế độ ăn uống là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến rối loạn tiêu hóa: quá nhiều đồ ngọt, nhiều tinh bột dẫn đến hiện tượng lên men tăng mạnh gây ra đầy hơi, khó tiêu; Mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật hay còn gọi là “loạn khuẩn”: do dùng kháng sinh không đúng theo hướng dẫn; Nghén trong thời kỳ mang thai; Stress, căng thẳng thần kinh và các yếu tố tâm lý, xã hội khác. Do các bệnh lý như viêm tá tràng, loét dạ dày, sỏi thận, viêm ruột thừa cấp tính, viêm ruột cấp tính, viêm đại tràng co thắt... Trong mùa hè, khí hậu nắng nóng rất dễ làm cho thực phẩm bị ôi, thiu nên nếu không bảo quản tốt cũng rất dễ gây ra rối loạn tiêu hóa.

Dấu hiệu chung khi bị bệnh

Đau bụng

Các cơn đau bụng với mức độ tùy vào từng cá nhân, từ đau nhẹ đến đau quằn quại như dao cắt. Người bệnh có thể đau nhẹ và liên tục hoặc co thắt thành từng cơn. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới bên trái, đôi khi cũng có thể đau ở các vị trí khác. Một số trường hợp hiếm có thể đau lan ra sau lưng. Triệu chứng tiêu biểu có thể kể đến là đầy hơi, sình bụng, bụng căng to, thường xuyên ợ hơi. Một số triệu chứng khác có thể có như ợ chua, đắng, hôi miệng, buồn nôn, nôn mửa...

Táo, lỏng, lỵ, nôn mửa

Phân táo: phân khô, thành cục nhỏ, số lượng ít dưới 200g/24h, 2-3 ngày đi một lần, khó đại tiện. Phân lỏng: phân nhão, lỏng nhiều nước ngày đi trên 2 lần số lượng nhiều hơn bình thường. Kiết lỵ: thể đặc biệt của táo bón. Ngày đi nhiều lần, luôn có cảm giác mót rặn, mỗi lần đi lượng phân ít chủ yếu nhày máu, thậm chí mót đi ngoài mà không ra phân.

Nôn mửa là sự tống ra khỏi dạ dày qua miệng một phần hoặc toàn bộ thức ăn, dịch chứa trong dạ dày.

roi loan tieu hoa

Các biểu hiện khác

Mất nước, điện giải: khát, da khô lạnh, nhăn nheo, mắt trũng, đái ít, chuột rút. Nhiễm khuẩn, nhiễm độc: sốt, môi khô, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc mất mạch, xẹp mạch. Suy dinh dưỡng: nếu bị nhiều ngày sẽ ảnh hưởng tới hấp thu thức ăn, gây thiếu máu, gầy tọp nhanh, da khô, phù, tróc vẩy, lông tóc thưa, rụng.

Xét nghiệm cần thiết

Xét nghiệm phân: sinh hoá, tế bào, vi khuẩn, ký sinh trùng. Thăm dò hậu quả đi lỏng: urê, hematocrit, protit, điện giải.

Nhiễm độc thức ăn do Salmonella

Nhiễm khuẩn nhiễm độc ăn uống do ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi khuẩn gây bệnh. Điển hình là nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn do salmonella, hay gặp ở các nước nhiệt đới, dân trí thấp, kinh tế kém phát triển.

Nguồn gây bệnh chủ yếu là từ súc vật bởi vi khuẩn salmonella có ở trong phân và nước tiểu của lợn, gà, vịt, chim, chuột, mèo, chó... Khuẩn này còn có trong trai, sò, hến, cua, ghẹ, cá… và có thể ở cả máu động vật. Bên cạnh đó, người mang khuẩn lành hoặc người bệnh trong thời kỳ hồi phục có thể là nguồn lây.

Bệnh chủ yếu lây bằng đường tiêu hóa, khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm salmonella như thịt, đặc biệt thịt tái, sống, sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín... Khi dùng rau sống, hoa quả, nước uống bị nhiễm salmonella bởi phân người và súc vật.

Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ, người già có sức đề kháng yếu. Những người không có axit dạ dày do cắt dạ dày hoặc dạ dày thiểu toan thường dễ mắc bệnh hoặc những người bị suy giảm miễn dịch.

Cách nhận biết

Từ khi nhiễm vi khuẩn salmonella đến khi khởi phát tình trạng nhiễm độc trung bình từ 12 đến 36 giờ. Khởi phát thường đột ngột, đôi khi có thể từ từ với nhiều bệnh cảnh khác nhau. Mức độ nhẹ, người bị nhiễm độc không sốt, đi ngoài phân lỏng vài lần, bụng hơi đau. Mức độ vừa và nặng với biểu hiện nhiễm khuẩn nhiễm độc (sốt 380C - 400C, có lúc có cơn rét run, đau đầu, đau mỏi cơ khớp số lượng bạch cầu thường tăng. Cấy chất nôn, thức ăn thừa salmonella dương tính; Viêm dạ dày, tiểu tràng cấp: đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan toả khắp bụng, sôi bụng). Buồn nôn và nôn nhiều lần, chất nôn là thức ăn chưa tiêu lẫn dịch dạ dày, không có máu, thường nôn trước. Đi ngoài nhiều lần trong ngày, dễ đi như tháo cống không mót rặn, đi ngoài thường sau nôn. Phân nhiều nước, có thể lẫn thức ăn chưa tiêu, thông thường phân không có nhầy, máu, nhưng khi có kèm với viêm đại tràng thì phân cũng có thể lẫn ít nhầy và máu giống như trong bệnh lỵ. Mất nước điện giải (khát nước, môi khô, mắt trũng, gầy sút, vẻ mặt hốc hác nếu nặng hơn thì mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, kẹt, thiểu niệu, vô niệu, bụng chướng, chuột rút, chân tay lạnh, trẻ nhỏ thóp trũng, khóc không có nước mắt...).

Với cơ thể khỏe mạnh thường tự khỏi bệnh sau 2 - 3 ngày, đôi khi đi ngoài phân lỏng có thể kéo dài tới 1 tuần. Có thể gặp tử vong ở các đối tượng như trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già yếu do mất nước điện giải hoặc nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra nếu nặng hơn là thể nhiễm khuẩn huyết với biểu hiện sốt kéo dài, nhiễm độc thần kinh nặng có typhos, bụng chướng, gan lách to. Thể này có tiên lượng nặng, đặc biệt ở các bệnh nhân AIDS hay tái phát và có thể xuất hiện trước khi chẩn đoán được AIDS.

Bệnh được chữa thế nào?

Đối với bệnh cảnh nhiễm độc do salmonella, nguyên tắc điều trị đầu tiên là điều trị triệu chứng với việc bù nước, điện giải bằng các dung dịch đẳng trương đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch, hạ sốt, an thần, chống dị ứng, vitamin các loại, nâng đỡ cơ thể. Điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, đa số các tác giả cho rằng điều trị kháng sinh (ở thể nhẹ, vừa) là không cần thiết vì không làm rút ngắn thời gian bị bệnh mà còn làm tăng thời gian mang trùng ở thời kỳ lại sức, cho nên với cơ địa tốt chỉ điều trị triệu chứng như cân bằng nước điện giải (đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già); Hạ sốt, an thần, chống đi ngoài phân lỏng nếu cần thiết. Ở những người bị suy giảm miễn dịch hoặc những thể nặng ở người già có thể dùng kháng sinh ampicilin.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cần phòng bệnh, không để người mang khuẩn làm ở xưởng chế biến thực phẩm, làm đồ chơi trẻ em. Bảo đảm khâu vệ sinh công nghiệp thực phẩm và nội trợ. Với cá nhân phòng bệnh tốt nhất bằng vệ sinh ăn uống.

roi loan tieu hoa

Vi khuẩn Salmonella trong đường tiêu hoá.

Nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do tụ cầu

Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn do tụ cầu là bệnh rối loạn tiêu hoá cấp tính do ăn phải thức ăn đã nhiễm ngoại độc tố ruột của tụ cầu. Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là đau bụng vùng thượng vị, nôn, đi ngoài phân lỏng, hầu như không sốt. Diễn biến cấp tính, kết thúc nhanh, gọn.

Nguồn bệnh: Bệnh là những người bị viêm họng, viêm xoang, đang có các ổ mủ trên da (mụn, nhọt...) do tụ cầu hoặc là ổ súc vật như bò, dê, bị viêm vú làm ô nhiễm sữa khi vắt sữa. Tụ cầu sau khi ô nhiễm vào thức ăn 4 - 5 giờ đã sản sinh ra ngoại độc tố ruột. Ngoại độc tố này khi vào dạ dày, ruột không bị men tiêu hóa phá huỷ, chúng nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột và máu tác động lên hệ thần kinh thực vật làm cường phó giao cảm, gây tăng co bóp dạ dày - ruột dẫn đến đau bụng quặn, nôn, đi ngoài phân lỏng và có thể truỵ tim mạch.

Triệu chứng lâm sàng: Từ lúc nhiễm độc tố đến khi bị bệnh thường ngắn, từ 30 phút đến 6 giờ, trung bình là 2 - 4 giờ. Bệnh thường đột ngột và đi vào giai đoạn toàn phát ngay với biểu hiện đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn ở vùng thượng vị nhiều hơn vùng rốn. Người bệnh buồn nôn và nôn mửa nhiều lần, thường xuất hiện sớm, trước khi đi ngoài phân lỏng. Đi ngoài phân lỏng thường xuất hiện sau nôn, nhưng có tới 50% số trường hợp không có biểu hiện này. Người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, vã mồ hôi. Nguy cơ mất nước, nặng có thể dẫn tới truỵ tim mạch. Bệnh tiến triển thường rầm rộ nhưng hồi phục nhanh chóng. Chỉ gặp tử vong ở trẻ nhỏ, người già yếu, suy kiệt do mất nước điện giải nặng.

Không có biện pháp đặc trị

Đối với bệnh lý nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn do tụ cầu gây rối loạn tiêu hóa thì không có biện pháp điều trị đặc hiệu nhưng người bệnh cần được bổ sung nước, điện giải cho đủ là quan trọng (uống, truyền) để tránh mất nước quá nhiều gây ra nguy cơ trụy tim mạch, có thể dẫn đến tử vong.

Để hạn chế khả năng bị bệnh không để những người bị viêm xoang, viêm mũi họng làm nghề chế biến thực phẩm và nấu ăn nhằm tránh lây lan vi khuẩn khi nấu nướng; Bảo quản tốt các thức ăn đã chế biến. Không sử dụng thức ăn có biểu hiện ôi, thiu.

Theo: Báo SKĐS


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.398
Tháng 12 : 168.227
Năm 2024 : 2.968.815
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.767.329