• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Làm gì để phòng chống bệnh sốt xuất huyết?

Mặc dù chưa vào mùa nhưng thời gian qua Hà Tĩnh đã xuất hiện 20 ca bệnh sốt xuất huyệt (SXH) tại Thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên. SXH là căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh; bệnh có khả năng lây lan và dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế mắc và lây lan trong cộng đồng.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm - BVĐK thị xã Kỳ Anh

Bệnh nhân Võ Thị Nhị, tổ dân phố Lê Lợi, phường Kỳ Liên, Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Tổ dân phố tôi có hơn 10 người bị mắc sốt xuất huyết. Trước đó, do không để ý nên tôi cũng không chủ động để phòng bệnh. Tôi cũng bị lây bệnh và phải vào điều trị tại bệnh viện. Qua 5 ngày điều trị, tôi đã đỡ hơn rất nhiều. Tuy nhiên vẫn thấy ân hận, giá mình chủ động phòng tránh bệnh thì đã không bị mắc bệnh và phải nằm viện, ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế gia đình”.

Bs. Nguyễn Chí Trung – Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. 2 loại muỗi truyền bệnh SXH là Aedes Aegypty và Aedes albopictus. Người mắc SXH thường có các triệu chứng, bao gồm sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có thể có các triệu chứng như có biểu hiện xung huyết,  xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau (chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam), nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, đau bụng vùng gan, vật vã, li bì.

Bệnh sốt xuất huyết khi mới khởi phát có biểu hiện tương đối giống các bệnh sốt vi rút khác, nên nhiều người dễ nhầm với sốt vi rút. Sự nhầm lẫn này dẫn đến hâu quả là người bệnh sẽ không đến khám bệnh hoặc đi khám muộn khi bệnh đã diễn biến nặng lên. Điều này có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy người sống trong vùng dịch sốt xuất huyết hoặc người đi từ vùng dịch về khi có dấu hiệu sốt cao liên tục nên đến cơ sở y tế ngay để được khám,  làm các xét nghiệm chẩn đoán tìm tác nhân gây bệnh, các xét nghiệm để đánh giá tình trạng  bệnh để điều trị kịp thời.

Bs. Nguyễn Chí Trung cho biết thêm: “ Đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, khi không được điều trị kịp thời, có thể biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên. Ở giai đoạn này bệnh nhân có thể bị sốc do mất máu, có thể có xuất huyết võng mạc, suy tim, suy thận, tụt huyết áp, đau đầu dữ dội, hôn mê và có thể dẫn đến tử vọng”.

Sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng tránh được. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất là loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes.  Mỗi người dân cần chung tay thực hiện những công việc như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng, Cọ rửa và thay nước ít nhất 1 tuần 1 lần với các dụng cụ chứa nước xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cũng cần được thay nước và cọ rửa bình 1 tuần 1 lần. Đối với các dụng cụ chứa nước lớn hay các bể chứa nên thả cá ăn bọ gậy. Một việc làm quan trọng nữa đó là người dân cần thực hiện thu gom, hủy bỏ các loại phế thải có thể chưa nước như lốp xe cũ, chai lọ, vỏ đồ hộp, gáo dừa….

Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải phòng chống muỗi đốt: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi. Nên mặc quần dài, áo dài tay đặc biệt khi làm vườn vào sáng sớm và chiều tối, ngủ màn kể cả ban ngày vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối. Sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi hoặc dùng hương trừ muỗi trong những giờ muỗi thường cắn nhất (sáng sớm và chiều tối), hoặc phun hóa chất diệt muỗi định kì tại nhà.

Đối với những khu vực có ca bệnh sốt xuất huyết người dân cần phối hợp, tích cực tham gia và thực hiện theo khuyến cáo của cán bộ Y tế để tránh lây lan rộng, bảo vệ cho chính mình và người thân trong gia đình.

         Thành Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.427
Tháng 11 : 29.626
Năm 2024 : 2.611.128
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.409.642