• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đột quỵ nỗi lo thường trực khi hè đến

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là các đối tượng có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao. Đột quỵ mùa nắng nóng hoàn toàn có thể phòng ngừa và sơ cứu kịp thời nếu được phát hiện sớm.

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK Hà Tĩnh

Theo bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh: “Thời tiết oi bức và đột quỵ thường song hành với nhau bởi những biến độ về nhiệt độ đã ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh tự trị - có vai trò điều chỉnh nhịp tim, huyết áp và nhịp thở. Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi; kế đến là nhóm người có bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tăng mỡ máu… đây là những bệnh vốn dĩ đã tiềm ẩn nguy cơ, nay càng gia tăng hơn do thời tiết gay gắt”.

Ngay cả những nhóm người thường xuyên làm việc ngoài trời, dưới ánh nắng trực tiếp như nông dân, người tham gia giao thông, công nhân xây dựng... cũng dễ bị đột quỵ do thời gian làm việc ngoài trời dài, uống ít nước có thể phá hỏng cơ chế điều hòa thân nhiệt. Mặt khác, mùa hè, rượu bia trở nên đắt khách vì trở thành nước giải khát của nhiều người, đặc biệt là nam giới, cộng thêm thuốc lá, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ phòng máy lạnh ra môi trường bên ngoài hoặc ngược lại, tắm ngay sau khi đi nắng về… đều là những thói quen xấu, yếu tố nguy cơ khiến đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào.

Bác sĩ Lê Văn Dũng cho biết thêm: “ Đối với đột quỵ, dấu hiệu điển hình để nhận biết là: Xây xẩm, chóng mặt, tê yếu, liệt nửa người, có thể hồi phục (gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua) hoặc không hồi phục. Đau đầu của đột quỵ sẽ rất dữ dội, (trong trường hợp đột quỵ xuất huyết não người bệnh sẽ có cảm giác đau đầu như búa bổ và thường kết hợp tăng huyết áp). Bên cạnh đó, khi bị đột quỵ người bệnh còn có dấu hiệu rối loạn ý thức, nói khó, nói ngọng, nói líu lưỡi, lơ mơ và hôn mê. Quá trình đột quỵ diễn ra rất nhanh, nếu như không được kịp thời phát hiện, cấp cứu và xử lý điều trị đúng cách thì nếu nặng sẽ dẫn đến tử vong, hoặc có may mắn qua khỏi thì chịu di chứng tàn tật suốt đời. Vì vậy, điều quan trọng là cần nhận biết, đánh giá đúng các tình trạng của cơ thể để có hướng xử trí kịp thời”.

So với việc để xảy ra đột quỵ gây tốn kém từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, mất khả năng lao động và trở thành gánh nặng của gia đình thì việc phòng ngừa là biện pháp hữu hiệu và tiết kiệm hơn nhiều. Các chuyên gia đánh giá, khoảng 80% các trường hợp đột quỵ có thể ngăn ngừa từ xa chỉ bằng những hành động đơn giản.

Bác sĩ Lê Văn Dũng khuyến cáo: Vào mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng đỉnh điểm, mỗi người nên chủ động theo dõi thời tiết để lên kế hoạch hoạt động phù hợp. Người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, hoặc đã từng đột quỵ không nên đi lại, làm việc vào ngày nắng nóng, nhất là cao điểm từ 10 đến 16 giờ. Lúc đói, khát, mệt cần hạn chế hoạt động gắng sức. Nên tránh đột ngột di chuyển từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay hoặc ngược lại, phải có thời gian thích ứng với nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ điều hòa trong phòng tốt nhất nên duy trì từ 26 đến 28­­­­oC. Để làm mát nhà không cần điều hòa, có thể che nắng, mở cửa cho thông thoáng và bật quạt. Nên uống nước thường xuyên, dùng thêm nước trái cây, rau xanh để bù lại lượng nước đã mất.

Ngoài việc giữ tinh thần thoải mái, ăn uống lành mạnh, tăng cường trái cây rau quả, ngủ đủ giấc, cần kiểm soát huyết áp và đường huyết, tránh xa rượu bia, thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát nguy cơ đột quỵ. Với những người đã từng bị đột quỵ, cần phải lưu ý những điều như trên, nhưng cần thận trọng hơn.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh hiệu quả nhất. Ngoài những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ thì những người mắc các bệnh lý như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, mạch... cũng cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, dùng thuốc theo chỉ định và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để đạt kết quả điều trị tối ưu nhất.

Huy Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.512
Tháng 11 : 182.465
Năm 2024 : 2.763.967
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.562.481