Bệnh viêm não Nhật Bản và cách phòng, chống
Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong. Di chứng bệnh VNNB ở trẻ em rất nặng nề, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch từ tháng 5 đến tháng 8. Đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, sau đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và lây sang cho người qua muỗi đốt.
Để chủ động phòng chống bệnh VNNB, chúng ta cần thực hiện:
Định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch nhà vệ sinh và dọn dẹp đồ dùng hằng ngày, hằng tuần nên vệ sinh bồn cầu, nhà vệ sinh 2 - 3 lần bằng các loại hóa chất chuyên dụng để tăng hiệu quả đuổi muỗi. Ngoài ra có thể đặt các loại cây tinh dầu như khuynh diệp, cây bạc hà hay hoa oải hương hoặc sử dụng một số loại hương đuổi muỗi… Nằm màn thường xuyên, có thể sử dụng màn tẩm hóa chất có hiệu lực xua diệt muỗi.
Duy trì mặc quần áo dài ống, đi tất cho trẻ em nhằm hạn chế muỗi đốt, nhất là vào giờ cao điểm (6-10 giờ đêm). Sử dụng các biện pháp xua đập muỗi cơ học vào lúc chập tối và sáng sớm khi làm việc tại chuồng gia súc. Sử dụng kem xoa ngoài da hoặc các biện pháp chống muỗi đốt khác cho trẻ em và người chăm sóc, thu hoạch vải, nhãn… khi làm việc tại khu vườn cây ăn quả, nhất là vào mùa bệnh VNNB.
Đối với chuồng trại, chăn nuôi, khi quy hoạch khu gia đình nên duy trì khoảng cách giữa chuồng gia súc với nhà ở càng xa càng tốt, tối thiểu đạt được khoảng cách 50 mét. Chuồng gia súc phải được xây ở nơi kín đáo song thông thoáng, có mái che và nên có mành rèm che cửa ra vào để chống muỗi; được làm vệ sinh thường xuyên. Nếu có thể, nên (bỏ) dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em; làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi…
Xử lý nguồn nước (nơi sinh sản của muỗi): Đối với các khu vực như: ao, hồ, đầm,...nên thường xuyên làm sạch rong rêu (vật thể bám và trú ẩn của ấu trùng muỗi), nuôi thả các loại cá ăn nổi, duy trì có mật độ cao đặc biệt vào mùa xuân - hè và mùa hè; Đối với các nguồn nước nhỏ hơn: như vũng nước, rãnh thoát nước, bể nước lớn hoặc bể cảnh lớn trong nhà... nếu không lấp bỏ được thì cần làm cạn, làm vệ sinh khơi thông dòng chảy thường xuyên hoặc thả cá có thể ăn bọ gậy các loài muỗi; Những vật chứa nước phế thải nhỏ quanh khu dân cư, nhà ở, cần được thu gom, lật úp, tiêu huỷ hàng ngày hoặc bằng các chiến dịch vệ sinh môi trường; Đối với khu ruộng lúa nước, nhất là các chân ruộng lúa nước sát khu dân cư nên chú ý khâu điều tiết tưới tiêu, kết hợp nuôi thả cá có khả năng chống chịu hạn cao để ăn bọ gậy.
Tổ chức phun thuốc diệt muỗi: Phun tồn lưu hóa chất tại khu chuồng trại gia súc có mái che, nên tiến hành vào trước mùa dịch bệnh VNNB (tháng 3-4), hoặc áp dụng cho vùng có lưu hành ca bệnh VNNB. Thường sử dụng hóa chất nhóm pirethroid hoặc lân hữu cơ; Phun không gian (phun ULV) hóa chất tại khu dân cư, tiến hành khi có dịch hoặc đe dọa có dịch bệnh VNNB, cùng với mật độ muỗi culex tăng rất cao.
Thực hiện tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Với vắc xin phòng bệnh VNNB trong Chương trình TCMR cần thực hiện đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Ngoài ra, cần cho trẻ tiêm nhắc lại 3 năm một lần hoặc sử dụng các loại vắc xin dịch vụ khác phòng bệnh VNNB.
Khi phát hiện các dấu hiện nghi bệnh như: sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu, buồn nôn và nôn; trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh)… nên đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.