• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

4 bệnh tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ

Các bệnh về đường tiêu hóa là bệnh rất phổ biến ở trẻ em gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Do đó, phụ huynh cần chú ý sức khỏe trẻ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Trẻ em thường là đối tượng dễ mắc các bệnh về tiêu hóa do hệ tiêu hóa còn non yếu, thành ruột khá mỏng. Khi đường tiêu hóa bị nhiễm trùng, chất độc dễ thông qua thành ruột xâm nhập vào máu, gây ra hiện tượng ngộ độc. Biểu hiện cụ thể chính là hiện tượng tiêu chảy, táo bón, nôn trớ thất thường, đau bụng ở trẻ.

Nếu trẻ xuất hiện thêm các triệu chứng như sốt, nôn, đại tiện phân máu, thức dậy trong đêm vì đau hoặc đau khi đi tiểu, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để loại trừ các bệnh lý ngoại khoa như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột… hoặc các bệnh lý nội khoa như viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa… Do vậy, cha mẹ cần chú ý đến các bệnh tiêu hóa thường gặp dưới đây để kịp thời phát hiện và điều trị cho trẻ.

1. Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc tóe nước ít nhất 3 lần/24 giờ. Hàng năm, trên thế giới có khoảng từ 1,5 - 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. Đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em sau nhiễm trùng đường hô hấp.

Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là nhiễm virus. Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng vi khuẩn, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và nhiễm trùng ngoài hệ tiêu hóa. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra tiêu chảy.

Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có các dấu hiệu sau:

  • Tiêu chảy có máu;
  • Từ chối ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong hơn vài giờ ở trẻ sơ sinh và hơn tám giờ ở trẻ nhỏ;
  • Mất nước từ trung bình đến nặng;
  • Đau bụng từng cơn hoặc dữ dội;
  • Thay đổi hành vi, thờ ơ hoặc giảm phản ứng;
  • Nôn dữ dội, lặp đi lặp lại.

2. Bệnh kiết lỵ

Trẻ bị kiết lỵ là tình trạng nhiễm trùng khá thường gặp, nguyên nhân do nhiễm các loại vi khuẩn đường ruột như Shigella, Salmonella, Campylobacter, E.Coli… từ thực phẩm hoặc nước uống. Bệnh kiết lỵ thường khiến trẻ tiêu chảy liên tục gây mất nước, sụt cân, mệt mỏi, mất cân bằng điện giải và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị tốt.

Kiết lỵ là dạng bệnh nhiễm trùng đường ruột với triệu chứng điển hình là tiêu phân nhầy máu. Phân lỏng chủ yếu chứa dịch nhầy và máu, nếu không bổ sung nước và điều trị tiêu chảy kịp thời, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Kiết lỵ ở trẻ kéo dài sẽ khiến trẻ mệt mỏi, mất nước. Ban đầu triệu chứng tiêu hóa do kiết lỵ có thể khiến trẻ quấy khóc, sau đó cơ thể mệt mỏi, có thể khiến trẻ lịm đi. Cần cẩn thận nếu đau bụng đột ngột, đau nghiêm trọng xuất hiện, đây có thể là biến chứng kiết lỵ như: thủng ruột, viêm ruột thừa, lồng ruột, xuất huyết tiêu hóa.

Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh như: đại tiện ra phân rất ít nhưng có kèm theo nhầy và máu, có thể kèm triệu chứng sốt, đau bụng… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

4 bệnh tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ- Ảnh 2.

Tiêu chảy là một trong những bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Ảnh minh hoạ.

3. Bệnh rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là hiện tượng phổ biến, do hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển hoặc bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như viêm đại tràng.

Nguyên nhân là trẻ dưới 6 tuổi có hệ miễn dịch và sức đề kháng còn non yếu, chưa hoàn thiện. Nên trẻ rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, nấm, ký sinh trùng xâm nhập, gây nên các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Lúc này, vi khuẩn có lợi ở đường ruột chưa đủ mạnh bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi virus gây bệnh.

Ngoài ra, nếu việc cho trẻ ăn những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa nhiều chất bảo quản, dầu mỡ, đường hóa học… cũng sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Khi mắc rối loạn tiêu hóa sẽ khiến trẻ thay đổi hoặc xuất hiện một số triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa như: tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn...

Trẻ em mắc rối loạn tiêu hóa lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng hấp thu kém, suy dinh dưỡng và chậm phát triển trí tuệ. Chính vì thế khi thấy trẻ bị tiêu chảy, đầy bụng, nôn… thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp.

4. Táo bón

Táo bón không phải là một bệnh, mà là triệu chứng thường gặp trong thực hành nhi khoa và gần đây được coi là một vấn đề lớn trong sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ táo bón ở trẻ em dao động trong khoảng 1 - 30%. Táo bón là nguyên nhân khiến trẻ phải đi khám tại các phòng khám nhi khoa là 3 - 5 % và tại các phòng khám chuyên khoa tiêu hóa nhi là 35%. Táo bón ở trẻ lâu ngày sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, gây khó khăn cho việc điều trị.

Khi trẻ mắc táo bón là trẻ đi đại tiện không thường xuyên (ít hơn 3 lần/tuần) hoặc đi tiêu khó khăn, đau đớn, khó chịu, gây căng thẳng cho chính bản thân trẻ và gia đình. Một số trường hợp trẻ có biểu hiện ngứa ở hậu môn, khi đi đại tiện thấy máu tươi trong phân. Nguyên nhân là do phân cứng cọ xát với hậu môn, dẫn đến hình thành các vết nứt ở trên da xung quanh hậu môn. Tình trạng này sẽ nguy hiểm hơn nếu vết nứt không được xử trí đúng cách thì sẽ biến chứng thành ổ viêm hoặc ổ áp xe.

Trẻ đôi khi bị đau quặn bụng mỗi khi đi đại tiện, rặn khi đi vệ sinh, đau rát, thậm chí nứt kẽ hậu môn dẫn đến chảy máu… Bệnh có thể gặp ở trẻ lười ăn rau và các thực phẩm giàu chất xơ, ít uống nước… nhưng cũng có thể gặp ở những trẻ bị rối loạn chức năng đại tràng.

Thông thường táo bón thường chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bố mẹ có thể giải quyết bằng cách chăm sóc trẻ đúng cách như: Bổ sung thêm rau, hoa quả nhiều chất xơ vào chế độ ăn cho trẻ. Cũng có thể cho trẻ uống nhiều nước hơn trong ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài thì bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp và xử trí kịp thời.

Tóm lại: Các bệnh về đường tiêu hóa là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, để phòng ngừa thì bố mẹ cần chú ý vệ sinh cá nhân cho trẻ và đồ dùng cá nhân của trẻ thường xuyên và sạch sẽ. Cần bổ sung nhiều chất xơ từ rau xanh và củ quả tươi vào khẩu phần ăn của trẻ, đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày.

Ngoài ra, bố mẹ cần tẩy giun cho trẻ 6 tháng một lần. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu triệu chứng của các bệnh về đường tiêu hóa, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.311
Tháng 12 : 169.140
Năm 2024 : 2.969.728
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.768.242