• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 11/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế yêu cầu xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết; Bệnh tay chân miệng: Không lạm dụng thuốc, xét nghiệm gây tốn kém không cần thiết; Đau nhiều vùng hạ vị, bé gái 12 tuổi phát hiện có vách ngăn che kín âm đạo; Nam thanh niên bị nhiễm sán lá phổi vì ăn gỏi cua sống; Sử dụng kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhi mắc tay chân miệng nguy kịch; Chữa rắn độc cắn bằng đắp thuốc, trẻ nguy kịch tính mạng; Mạo danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lừa đảo người bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết

Ngày 10/8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Cục Y tế dự phòng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Số ca mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.

Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số ca mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế tập trung chỉ đạo một số nội dung sau, cụ thể:

Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Cùng đó, các tỉnh, thành phố cần củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời; Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng cần báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh (Theo báo nhandan.vn).

 

Bệnh tay chân miệng: Không lạm dụng thuốc, xét nghiệm gây tốn kém không cần thiết

Khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ cần tránh lo lắng thái quá, không nên làm nhiều xét nghiệm và lạm dụng thuốc gây tốn kém không cần thiết.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kim Thu (TP Tân An, Long An), khi phát hiện con trai 2 tuổi có dấu hiệu mắc tay chân miệng chị đã đưa đến một cơ sở khám tư nhân gần nhà và được bác sĩ kê đơn dùng một số loại thuốc, trong đó có Acyclovir, kèm theo một số thực phẩm chức năng như kẽm, vitamin tăng đề kháng...

Chia sẻ về vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TPHCM nhận định, một số sơ sở y tế có thể lạm dụng kháng sinh, hoặc những xét nghiệm không cần thiết (như xét nghiệm chủng virus), bán thực phẩm chức năng đi kèm đơn thuốc... Điều này khiến phụ huynh tốn kém, không cần thiết.

Bác sĩ cho biết, trẻ chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm ở miệng. Với trẻ mắc tay chân miệng từ độ 2A trở nên, BS. Trương Hữu Khanh khuyến nghị cha mẹ đưa trẻ khám ở các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên để được thăm khám và điều trị, theo dõi.

Ông khuyến cáo phụ huynh không nên vì quá lo lắng mà đưa con thăm khám ở nhiều nơi mà có thể đi theo tuyến huyện, tỉnh tùy theo mức độ. Tùy theo mức độ của trẻ, các bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ, có thể tự chăm sóc trẻ ở nhà và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những trẻ này, chỉ cần chăm sóc đúng cách trẻ sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày.

Chăm sóc cho trẻ mắc tay chân miệng tại nhà thế nào?

Với những trẻ mắc tay chân miệng nhẹ, sốt dưới 38,5°C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi bình thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ, cần thực hiện cách ly theo đường tiếp xúc, hạn chế cho trẻ tiếp xúc để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ, vệ sinh miệng và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ (thường vệ sinh trước khi cho trẻ ăn 30 phút).

Dinh dưỡng đầy đủ tùy theo độ tuổi, ăn thức ăn lỏng, nguội, dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay, mặn… Trẻ thường bị đau miệng, phụ huynh cần chia nhỏ bữa ăn.

Mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm.

Theo dõi tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời.

Khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, bất kể trong đêm: sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay, chân hoặc co giật, vả mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở TP.HCM vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018.

Tuy nhiên, tin mừng là Sở Y tế hiện TPHCM đã tiếp nhận số thuốc lớn để điều trị các ca mắc tay chân miệng nặng, nên đã giải quyết được bài toán khan hiếm thuốc.

Dù vậy, Sở Y tế khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch, vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng và ca nặng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới và có thể kéo dài thêm 3 – 4 tháng nữa mới có thể lắng xuống. Đặc biệt, thời gian học sinh quay lại trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng nên cần tăng cường kiểm soát, phòng tránh dịch lây lan (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Đau nhiều vùng hạ vị, bé gái 12 tuổi phát hiện có vách ngăn che kín âm đạo

Với sự hỗ trợ chuyên môn của BV Phụ Sản Hải Phòng, các bác sĩ tại BV Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã phẫu thuật thành công cho ca bệnh bế kinh do có vách ngăn hoàn toàn âm đạo.

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là nữ, 12 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau tức nhiều vùng hạ vị, có lúc đau quặn từng cơn.

Qua thăm khám và thực hiện siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai thấy có khối dịch trong âm đạo, vách ngăn hoàn toàn âm đạo. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn với PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Kết quả hội chẩn, bệnh nhân bế kinh do vách ngăn hoàn toàn âm đạo và chỉ định phẫu thuật mổ mở vách ngăn và tạo hình âm đạo.

Với hỗ trợ chuyên môn qua Telehealth trực tiếp từ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai là BSCKII Hoàng Thị Nguyệt – đã thực hiện ca phẫu thuật. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi điều trị.

Các chuyên gia Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai khuyến cáo, khám sức khỏe tổng quát đặc biệt là sức khỏe sinh sản rất quan trọng ở mọi lứa tuổi. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ cần đưa con đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Được biết, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng và Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai đã ký hợp tác hỗ trợ chuyên môn, đào tạo nhân lực. Đây là nỗ lực đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực cho tuyến dưới. Người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên điều trị (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Nam thanh niên bị nhiễm sán lá phổi vì ăn gỏi cua sống

Trước khi nhập viện điều trị nhiễm sán khoảng 1 tháng, bệnh nhân lên chơi nhà bạn ở Lai Châu và có ăn món gỏi cua sống.

Ngày 31.7.2023, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam (31 tuổi, người dân tộc Thái ở Điện Biên) nhập viện trong tình trạng tràn dịch/tràn khí màng phổi.

Sau khi làm các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi).

Qua khai thác tiền sử bệnh nhân, trước đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân lên chơi nhà bạn ở Lai Châu và có ăn món gỏi cua sống. Sau vài tuần, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, buồn nôn, khi hoạt động gắng sức cảm thấy bị khó thở, đuối sức và ho.

Bệnh nhân có đi khám nhưng không tìm ra bệnh. Khi được chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, với kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ đã cho chỉ định tìm sán và kết quả đúng như dự đoán, bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi).

Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tẩy sán và chỉ sau vài ngày nằm viện, bệnh nhân đã được xuất viện.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, sán lá phổi là bệnh do ký sinh trùng Paragonimus westermani gây ra có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... là những địa phương có tập quán ăn món tôm, cua sống (ăn gỏi hoặc nướng chưa chín).

Ấu trùng sán lá phổi sau khi vào cơ thể người theo đường ăn uống sẽ xâm nhập qua thành ruột non, vào khoang bụng, sau đó xuyên qua cơ hoành đi lên phổi và tồn tại ở nhu mô phổi.

Sán lá phổi trưởng thành sẽ đẻ trứng và trứng theo đờm ra ngoài hoặc người nuốt đờm trứng sẽ xuống đường tiêu hóa để ra ngoài theo phân.

Trứng rơi xuống nước, sau đó trứng nở thành ấu trùng lông, ấu trùng sẽ xâm nhập vào ốc rồi ký sinh ở cua và tôm. Một thời gian sau, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, ho kéo dài, ho ra cả đờm lẫn máu, sút cân và dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong.

BS Cường nhấn mạnh, vì ho ra máu, ho tức ngực nên rất nhiều chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh khác như lao, viêm phổi, hay u phổi.

BS Cường khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người dân ở vùng núi, nên ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, nhất là gỏi tôm, gỏi cua… tránh bị nhiễm sán.

Nếu xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, ho, đau ngực cũng cần làm thêm các chỉ định tìm sán, để tránh nhầm lẫn sang với các bệnh phổi khác (Theo báo Laodong.vn).

 

Sử dụng kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhi mắc tay chân miệng nguy kịch

Mới đây, để cứu sống bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nguy kịch, các bác sĩ tại khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 - Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã sử dụng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể). Đây là trường hợp đầu tiên trên cả nước dùng phương pháp này trong điều trị bệnh tay chân miệng.

Thông tin từ BS.CK1 Võ Thành Luân - Phó trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 cho biết, trường hợp được can thiệp ECMO là bệnh nhi T.N.Y. giới tính nữ, sinh năm 2018 sống tại TP Hồ Chí Minh, bị mắc bệnh tay chân miệng độ 4.

Khai thác bệnh sử từ người nhà, bé Y. có biểu hiện đau đầu, sốt cao được cho uống thuốc hạ sốt kết hợp lau mát nhưng không hạ. Ngày hôm sau, bé Y. vẫn sốt cao, run tay chân, giật mình nhiều lần, thở mệt, da nổi tím toàn thân. Gia đình đưa bé Y. vào bệnh viện tuyến trước. Tại đây, bé được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, xử trí đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bé Y. đã được các bác sĩ cho thở máy, truyền IVIg (Immunoglobulin), sử dụng các thuốc vận mạch, trợ tim và can thiệp lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do tổn thương tim nặng (hoại tử tế bào cơ tim, men tim tăng trên 5.000 lần so với bình thường), bé bị loạn nhịp tim phức tạp, rơi vào cơn nhịp nhanh thất, ảnh hưởng huyết động. Các bác sĩ của khoa đã khẩn trương xử trí sốc điện nhiều lần, truyền thuốc chống loạn nhịp tim.

Sau khi thăm khám, đánh giá tình trạng người bệnh, các bác sĩ nhận thấy bé Y. dù có tổn thương tim, phổi nặng nhưng vẫn có đáp ứng về thần kinh nên đã quyết định can thiệp kỹ thuật ECMO cho bé. Tại thời điểm chuẩn bị can thiệp ECMO, tim bệnh nhi suy yếu dần, nhịp tim giảm và rời rạc, huyết áp tụt liên tục. Các bác sĩ đã luân phiên hồi sức tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đồng thời khẩn trương lắp đặt và vận hành hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.

Sau 5 ngày triển khai kỹ thuật ECMO, cùng với các điều trị hỗ trợ tích cực khác như thở máy, lọc máu, vận mạch, trợ tim, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn..., ghi nhận lâm sàng của bé có cải thiện, tổn thương tim bắt đầu hồi phục, các cơ quan khác và thần kinh ổn định, hiểu y lệnh và được ngưng ECMO. Kết quả xét nghiệm phân dương tính với EV71 - loại tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng.

BS.CK2 Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 cho biết, khoa là nơi tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng mức độ nặng. Các bé hầu như đáp ứng tốt với phác đồ điều trị hiện hành. Nhưng bé Y. là trường hợp đặc biệt đầu tiên tại bệnh viện và cả nước được thực hiện kỹ thuật ECMO như một biện pháp sống còn (Theo báo Laodong.vn).

 

Chữa rắn độc cắn bằng đắp thuốc, trẻ nguy kịch tính mạng

Hai bệnh nhi bị rắn độc cắn được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian gần đây đều trong tình trạng nguy kịch do gia đình chủ quan, lựa chọn đắp thuốc lá mà không ngay tới cơ sở y tế cấp cứu. 

Sai lầm vì chữa rắn cắn bằng đắp thuốc lá

Ngủ dưới nền nhà, không mắc màn, bé N.H (3 tuổi, Nghệ An) bị cắn bởi 1 loại rắn sọc đen sọc trắng tại vùng cánh tay phải. Thay vì đưa tới cơ sở y tế, gia đình lại đưa con tới nhà thầy lang tại địa phương chữa trị. Chỉ trong 1 giờ đắp thuốc lá, trẻ bị rơi vào tình trạng sụp mi, giãn đồng tử 2 bên, nói khó, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp tiến triển.

Trẻ nhanh chóng được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Rắn gây ra thương tích cho trẻ là loại cạp nia miền bắc. Đây là một trong số loại rắn có nọc độc mạnh nhất, thường gây giãn đồng tử, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, đặc biệt gây liệt cơ hô hấp đe doạ trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân. Thời điểm này, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia rất khan hiếm.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ đã rất nỗ lực liên hệ các bệnh viện trong nước, nước ngoài để tìm nguồn cung cấp huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền bắc.

Liên lạc với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), các bác sĩ được thông tin chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền nam đơn giá (dùng giải nọc một loài rắn cạp nia miền nam mà không có tác dụng chéo với rắn cạp nia miền bắc) và huyết thanh kháng nọc rắn đa giá (có tác dụng chung cho rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất).

Các bác sĩ quyết định truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đa giá cho trẻ. May mắn sau 14 ngày điều trị tích cực trẻ đã tỉnh, có nhiều nhịp tự thở, biết thực hiện các động tác theo yêu cầu của bác sĩ. Kết quả điện não đồ bình thường và kế hoạch rút máy thở trong một vài ngày tới.

Tại Việt Nam, các loại rắn độc phổ biến gồm: rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia, rắn lục… Mỗi loài rắn có đặc trưng về hình thái và loại nọc độc khác nhau.

Cũng do sơ cứu sai cách, bé trai V.T (28 tháng tuổi, Tuyên Quang) bị rắn cắn vào vị trí ngón cái bàn chân trái cũng được gia đình đưa đi đắp thuốc lá, dẫn tới sưng nề, hoại tử lan lên tới đùi, co giật toàn thân. Ngày 26/7, trẻ được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, liệt cơ hô hấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hữu Phúc, Phó Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ngay lập tức hướng dẫn các bác sĩ tuyến dưới hồi sức cho cháu bé, vận chuyển lên bệnh viện.

Thời điểm tới bệnh viện nhi tuyến trên, trẻ bị rắn độc cắn 36 tiếng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, co giật, hoại tử lan rộng ở cẳng bàn chân trái và có hội chứng chèn ép khoang, tiêu cơ vân… nguy kịch tính mạng.

Nhận định trẻ bị rắn hổ đất cắn, bệnh nhi được truyền 40 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ và thở máy, hỗ trợ tuần hoàn. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở cân cẳng bàn chân trái để giải phóng chèn ép khoang. Ngoài ra, bệnh nhi cũng được truyền dịch, lợi tiểu để phòng biến chứng suy thận cấp do tiêu cơ vân.

Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, bệnh nhi tỉnh táo, hồi phục hoàn toàn về sức cơ, cẳng bàn chân trái đỡ sưng nề, vận động tốt. Tuy nhiên, hậu quả để lại là ngón cái bàn chân trái bị rắn cắn đã hoại tử khô, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ.

Tránh sai lầm khi cấp cứu trẻ bị rắn cắn

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thanh Tâm, Bệnh viện Nhi Trung ương, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển, xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11.

Khi bị rắn độc cắn, người bệnh thường thấy đau buốt tại chỗ cắn, thấy dấu răng sâu, vết thương chảy máu khó cầm, vùng chi bị cắn sưng nề, nổi phỏng nước, hoại tử lan dần. Người bệnh có thể có các dấu hiệu toàn thân như nhìn mờ, sụp mi, đau rát họng, nói khó, nuốt sặc, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, thậm chí co giật, hôn mê.

Các bác sĩ lưu ý trong dịp hè các phụ huynh cần biết cách phòng ngừa cho con em mình không bị rắn cắn bằng cách: Tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm; Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau mưa rào, trời tối. Không cho trẻ nằm ngủ dưới nền nhà. Nếu thấy rắn trong tự nhiên, nên để rắn tự đi, tránh bắt hay chọc phá rắn.

Bác sĩ Tâm nhấn mạnh, tất cả các trường hợp bị rắn cắn đều nên được theo dõi ít nhất 24 giờ trong bệnh viện. Huyết thanh kháng nọc rắn được chỉ định trong các trường hợp có biểu hiện nặng toàn thân do rắn độc cắn hoặc có rối loạn đông máu nặng.

Thời điểm sử dụng tốt nhất là 4 giờ đầu, tuy nhiên trong 24 giờ đầu vẫn có hiệu quả, một số trường hợp quá 24 giờ vẫn có thể sử dụng. Các trường hợp khác được điều trị hỗ trợ tùy theo triệu chứng lâm sàng.

Việc áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn là sai lầm vì trẻ sẽ có diễn biến suy hô hấp, tím tái, xuất huyết nặng…rất nhanh. Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Tâm cũng khuyến cáo cha mẹ không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn; không loay hoay tìm kiếm và áp dụng các kinh nghiệm dân gian hoặc thầy lang để sơ cứu.

Sơ cứu đúng cách:

Động viên, trấn an, để bệnh nhi nằm yên. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý; Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn;

Băng ép tại chỗ cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garô động mạch; Dùng nẹp cứng để cố định chi; Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất; Cung cấp hình dạng, màu sắc hoặc ảnh chụp con rắn cho bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời (Theo báo nhandan.vn).

Mạo danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lừa đảo người bệnh

Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt trang fanpage mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp cận người dân nhằm chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng làm tổn hại sức khỏe của người dân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của bệnh viện.

Các thủ đoạn lừa đảo nâng cấp liên tục như từ lập tên trang mạo danh lập lờ dễ gây hiểu nhầm như “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108, “Bệnh viện Quân đội 108”… đến thực hiện sao chép, đăng tải trái phép các bài đăng, logo, slogan trên Fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thậm chí, có nơi còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo sản phẩm hòng lôi kéo người theo dõi.

Không chỉ mạo danh bệnh viện và các khoa của bệnh viện, các trang giả mạo còn mạo danh bác sĩ của bệnh viện để tăng độ tin cậy với người dân. Nội dung giả mạo thường là: Khẳng định mời được thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến cơ sở của họ để khám cho người bệnh; hoặc trực tiếp liên lạc giới thiệu mình là bác sĩ, điều dưỡng của khoa mà bệnh nhân vừa ra viện để chào mời sử dụng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà như: Chăm sóc vật lý trị liệu, thay băng, chăm sóc bà bầu, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, xét nghiệm, tiêm thuốc, truyền dịch...

Nhiều trường hợp mạo danh bác sĩ bệnh viện để tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch: Có bệnh chỉ cần áp dụng “liệu pháp chữa lành tự nhiên” trong một cuốn sách nào đó, không cần các phương pháp y học hiện đại.

Bên cạnh sự ‘bùng nổ’ các trang mạng xã hội mạo danh (trên facebook, tiktok, zalo…), nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cá biệt có đối tượng còn lập một đoàn người giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các địa bàn ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai.

Nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.

Người dân cần lưu ý những thông tin sau:

- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online), Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện.

- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chưa triển khai khám, điều trị tại nhà.

- Cổng thông tin chính thức của bệnh viện là www.benhvien108.vn, Fanpage chính thức là “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” có dấu tích xanh xác nhận của Facebook.

- Địa chỉ duy nhất: Số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Điện thoại: 096.775.16.16 hoặc 1900.98.68.69 (Theo báo nhandan.vn).

Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.414
Tháng 07 : 19.611
Năm 2024 : 1.158.918
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.432