• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày, 10/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế chủ trì tăng cường phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng; Xây dựng chính sách toàn diện để triển khai Luật Khám bệnh, Chữa bệnh; Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, 5 dấu hiệu nhận biết sớm ngộ độc; Vì sao ăn xôi nhà làm lại bị suy đa tạng, suy hô hấp, tan máu?; Trẻ 10 tháng tuổi suy hô hấp nặng do biến chứng tay chân miệng; Nam thanh niên 23 tuổi bị uốn ván, chi phí điều trị lên tới 350 triệu đồng.

Xây dựng chính sách toàn diện để triển khai Luật Khám bệnh, Chữa bệnh

Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở y tế, chuyên gia… để xây dựng các chính sách toàn diện, triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.

Chiều 9/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương, bệnh viện… về tiến độ triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (dự thảo Nghị định).

Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cơ bản cho nhân dân

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo Nghị định cần bám sát các nội dung, chính sách được thể chế hóa trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh; Quyết định số 172/QĐ-TTg năm 2023 về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.

“Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp, làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở y tế, chuyên gia… để xây dựng các chính sách toàn diện, đầy đủ để triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sau khi luật có hiệu lực," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ghi nhận các ý kiến trong cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí rõ ràng, đánh giá kỹ tác động của quá trình chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới đối với mạng lưới cơ sở y tế; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý, nguồn lực…, bảo đảm sự vận hành thông suốt, không để xảy ra xung đột, cản trở công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đối với vấn đề xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, hướng dẫn chi tiết các điều, khoản trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, trên nguyên tắc y tế công lập bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cơ bản cho nhân dân; đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ bệnh viện công lập tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để người dân có thể tiếp cận từ xa những bác sĩ giỏi, phương pháp điều trị tốt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tập huấn chuyên môn, tổ chức lại lực lượng y tế dự phòng để tăng cường năng lực điều trị cho y tế cơ sở…

Làm rõ nguyên tắc vận hành, kết nối giữa các cấp chuyên môn

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dự thảo Nghị định bao gồm 5 nhóm nội dung chính: tổ chức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của người hành nghề; tổ chức cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (thiết bị y tế, huy động điều động, kinh phí, tự chủ, xã hội hóa, cơ chế tài chính trong trường hợp khẩn cấp); quy định về cấp giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp.

Bộ Y tế đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.

Về một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đề xuất quy định về tự chủ trong chuyên môn và bộ máy tổ chức theo hướng các đơn vị vẫn chia thành 4 nhóm theo mức độ tự chủ tài chính và tùy vào mức độ tự chủ mà đơn vị được tự quyết định việc tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn.

Đối với vấn đề trích lập và chi thu nhập tăng thêm sau khi xác định chênh lệch thu chi, theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị phân loại tự chủ nhóm 2 được trích lập và chi thu nhập tăng thêm tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương.

Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất được cho phép trích lập và chi thu nhập tăng thêm 3 lần để đảm bảo khuyến khích, động viên các thầy thuốc, nhân viên y tế, giữ được nguồn nhân lực y tế công lập.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế và dịch vụ khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Hiện việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2023 đã thay khái niệm tuyến chuyên môn kỹ thuật bằng cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 nên có khoảng thời gian chênh lệch trong việc áp dụng quy định cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đề xuất quy định tại Nghị định nội dung trong năm 2024, việc chuyển cơ sở khám, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Các vấn đề chung về tự chủ tài chính, Bộ Y tế đề xuất sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và trong Nghị định quy định chi tiết Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sẽ chỉ quy định các vấn đề mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế…

Tại cuộc họp, một số ý kiến kiến nghị làm rõ nguyên tắc vận hành, kết nối giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu) cùng danh mục kỹ thuật chuyên môn được phép thực hiện. Các quy định về việc cấp giấy chứng nhận giấy phép hành nghề đối với những loại hình nghề mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phải chi tiết, bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu và vận dụng.

Một số đại biểu mong muốn dự thảo Nghị định tháo gỡ được vướng mắc trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam.

Đại diện một số bệnh viện, địa phương mong muốn dự thảo Nghị định làm rõ quy định đặc thù về cơ chế xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện công lập, hợp tác công tư, chính sách, tiêu chí phân cấp chuyên môn kỹ thuật…/.(Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Bộ Nội vụ, Bộ Y tế lên tiếng về những bức xúc của cán bộ dân số

Những bất cập của việc sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế, dẫn đến bất cập của Nghị định 05 cần sớm được giải quyết, để những cán bộ dân số không còn bị thiệt thòi trong chính ngôi nhà của mình.

Phương án của Bộ Y tế nhằm giải quyết bức xúc của cán bộ dân số

Trả lời về bức xúc của cán bộ dân số khi không được hưởng phụ cấp theo Nghị định 05, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định Nghị định 05 không sai và hoàn toàn đúng đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bất cập ở đây là cán bộ dân số phải làm nhiều công việc khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để giải quyết vấn đề này, đề nghị UBND các tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, xác định lại vị trí việc làm theo các hướng: Nếu cán bộ dân số có trình độ chuyên môn y tế, do yêu cầu nhiệm vụ được bố trí các công việc về chuyên môn y tế (chẳng hạn như y tế dự phòng) thì phải khẩn trương xem xét bổ nhiệm chức danh nghề cho họ; để từ đó, giúp họ được hưởng phụ cấp chức danh nghề từ 40% trở lên. Và khi đó trở thành những đối tượng thuộc Nghị định 05.

Đối với viên chức dân số không có trình độ chuyên môn y tế, nhưng do điều kiện thiếu nguồn nhân lực để bố trí việc làm tại y tế cơ sở, nếu đơn vị có vị trí việc làm phù hợp và có nhu cầu bổ nhiệm thì phải cử cán bộ dân số đi đào tạo, sau đó bổ nhiệm cán bộ dân số đó đúng vị trí việc làm để được hưởng phụ cấp phù hợp.

"Phải chuyển đổi chức danh nghề nghiệp phù hợp với công việc của cán bộ dân số đang làm, không thể để họ làm nhiệm vụ nặng hơn, nguy cơ cao hơn nhưng lại không được hưởng chế độ phù hợp"- Thứ trưởng Liên Hương khẳng định.

Sắp xếp vị trí việc làm cho cán bộ dân số là do các địa phương tự quyết định

Về phía Bộ Nội vụ, phúc đáp Công văn số 437-2023/CV-BLĐ của Báo Lao Động ngày 10.7.2023 về việc cung cấp thông tin về những vấn đề trong chế độ phụ cấp cho cán bộ dân số và sắp xếp vị trí việc làm theo đúng chức năng nhiệm vụ tại các cơ sở y tế công lập tại các địa phương, Bộ Nội vụ cho rằng:

Về hệ thống tổ chức, hiện nay, hệ thống tổ chức các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế đang được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Về sắp xếp, bố trí nhân lực, theo Bộ Nội vụ, hiện nay, việc sắp xếp, bố trí nhân lực đối với các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế sẽ do các địa phương tự quyết định trong tổng số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.

Về xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ sở y tế công lập tại Điều 5 Thông tư số 03/2023/TT-BYT đã xác định vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tại các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế.

Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT và phân cấp của Chính phủ tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị (trong đó có Sở Y tế, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế) căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng Đề án vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Trên cơ sở căn cứ vị trí việc làm, đề nghị các địa phương tuyển dụng, sử dụng, quản lý và bố trí viên chức y tế theo đúng vị trí việc làm, bảo đảm đáp ứng đủ định mức và cơ cấu theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế. (Theo báo Laodong.vn).

 

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, 5 dấu hiệu nhận biết sớm ngộ độc

Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.

An toàn vệ sinh thực phẩm thực ra không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn là câu chuyện nhức nhối và diễn biến phức tạp.

Ngộ độc thực phẩm do đâu?

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh, bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia…

– Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn, viruts, ký sinh trùng, nấm men và nấm mốc).

– Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…).

– Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như cá nóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu….

– Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: Do thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng; xuất phát từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể do chất bảo quản, chất ép chín trái cây nhanh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia…

Cần phát hiện sớm ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nắng nóng, thức ăn nhanh dễ bị hỏng và ôi thiu, đặc biệt là thức ăn không có nguồn gốc rõ ràng dễ khiến ngộ độc thực phẩm.

Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm căn cứ trước hết là hoàn cảnh xảy ra liên quan đến ăn, uống. Một số biểu hiện cần nghĩ đến bị ngộ thực phẩm:

- Đau bụng (có thể đau nhẹ đau vừa hay đau dữ dội).

- Nôn mửa.

- Tiêu chảy

- Sốt hoặc sốt cao.

- Đau đầu, chóng mặt.

 

 

Bệnh cảnh nhiễm độc có thể xảy ra sau năm mười phút đến vài giờ, thậm chí hàng ngày sau bữa ăn. Nếu là bữa ăn nhiều người cùng ăn thì việc có từ 2 người trở lên cùng ăn các thức ăn giống nhau, cùng bị bệnh và có các triệu chứng giống nhau giúp khẳng định chẩn đoán.

Tìm hiểu chi tiết các thực phẩm mà bệnh nhân đã ăn trong vòng 24 giờ trước, xác định những thực phẩm nghi ngờ chứa mầm bệnh là cần thiết cho quá trình chẩn đoán.

Đặc biệt quan trọng là nếu có thể, nhất là trong các vụ ngộ độc hàng loạt, cần tìm cách thu thập các mẫu thức ăn, đồ uống mà các bệnh nhân đã dùng để chuyển các phòng xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Liên quan giữa giờ ăn uống và giờ phát bệnh cũng rất quan trọng cho lập luận chẩn đoán, ví dụ như:

- Nhiễm độc do độc tố tụ cầu trong thức ăn thường có biểu hiện sớm sau 1 vài giờ.

- Nhiễm khuẩn thì triệu chứng thường xảy ra muộn hơn sau 6-12 giờ hoặc lâu hơn.

- Nhiễm độc do hóa chất thì lại càng phức tạp hơn, nhưng các triệu chứng xảy ra thường sớm, có thể ngay sau khi ăn 5-10 phút, và bệnh cảnh thường là nặng nề.

Khi nào cần cấp cứu ngộ độc thực phẩm?

Trường hợp bị ngộ độc nhẹ, người bệnh thường cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các trường hợp ngộ độc nặng với những triệu chứng như đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, sốt… cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi. Bệnh có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng khiến người bệnh phải đi cấp cứu và bác sĩ nghi ngờ tới ngộ độc thực phẩm là.

- Người bệnh đau bụng, co thắt dạ dày.

- Buồn nôn.

- Nôn.

- Tiêu chảy hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.

- Sốt.

- Xuất hiện dấu hiệu mất nước, bao gồm: ít hoặc không đi tiểu, miệng và cổ họng rất khô hoặc cảm thấy chóng mặt khi đứng lên.

Tóm lại: Ngộ độc thực phẩm là vấn đề thường gặp, sau khi người bệnh ăn thực phẩm hoặc đồ uống bị ô nhiễm, có thể mất vài giờ hoặc vài ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Nếu gặp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc nôn mửa, hãy uống nhiều nước để tránh mất nước.

Lưu ý, không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn, thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc cần làm đó là chủ động bù nước và điện giải cho người bệnh.

Để phòng ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần cẩn thận trong khâu chọn lựa và chế biến thực phẩm sẽ giúp bạn bảo vệ chính bản thân và người thân trong gia đình trước nguy cơ gặp phải vấn đề sức khỏe trên. Cụ thể như:

- Chọn mua những thực phẩm tươi sống, còn hạn sử dụng, có xuất xứ rõ ràng.

- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.

- Ăn uống hợp vệ sinh (không ăn thức ăn sống, hay nấu chưa kỹ, không ăn thức ăn để qua đêm…).

- Đảm bảo dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nơi chế biến thức ăn sạch sẽ.

- Đặc biệt không ăn những thực phẩm không biết về nguồn gốc, chủng loại nhất là cây thảo dược, nấm... vì có thể gây ngộ độc (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Trẻ 10 tháng tuổi suy hô hấp nặng do biến chứng tay chân miệng

Khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa điều trị thành công cho bệnh nhi bị suy hô hấp nặng do biến chứng của bệnh tay chân miệng.

Bệnh nhi là bé P.M.N (sinh năm 2022, trú tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng viêm phổi có suy hô hấp, kèm theo biểu hiện tay chân miệng không điển hình.

Sau một ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh tay chân miệng, mạch nhanh 200 lần/phút, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng.

Bệnh nhân được thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ bệnh tay chân miệng độ 3, được dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, hạ áp... Sau 5 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện, không sốt, nhịp tim giảm, huyết áp trong giới hạn bình thường, đỡ suy hô hấp.

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: "Đây là ca bệnh tay chân miệng có dấu hiệu không điển hình, diễn biến nhanh và nặng, ngoài điều trị bằng những phương pháp thông thường còn cần dùng thêm các thuốc đặc biệt như IVIG, Milrinone, kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp, kiểm soát động mạch liên tục, kiểm soát nhịp tim".

Bác sĩ cũng khuyến cáo, với những bệnh nhiễm virus cấp tính như tay chân miệng, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay, mông, gối; hoặc những dấu hiệu như sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run, yếu chi.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến các di chứng thần kinh, tim mạch, thậm chí tử vong. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ chuyển độ bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay cả khi trẻ đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh mức độ nhẹ, được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa đặc hiệu. Vì vậy, phòng lây nhiễm là rất quan trọng, bằng cách: hạn chế tối đa tiếp xúc giữa trẻ bệnh và trẻ lành, vệ sinh tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ, vệ sinh đồ chơi và dụng cụ dùng chung. Đặc biệt trong mùa dịch tay chân miệng, cần chú ý chăm sóc trẻ, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng đầy đủ nâng cao thể trạng, để trẻ có miễn dịch tốt giúp hạn chế nguy cơ mắc và bội nhiễm các bệnh truyền nhiễm (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Nam thanh niên 23 tuổi bị uốn ván, chi phí điều trị lên tới 350 triệu đồng

Sau 10 ngày nằm viện do bị uốn ván, chi phí điều trị cho nam thanh niên 23 tuổi đã hết 150 triệu. Hiện tại, tính mạng của anh bị đe dọa, trong khi viện phí cứ tăng lên hàng ngày, dự kiến tổng chi phí quá trình điều trị lên tới 350 triệu đồng.

BS.CKII Trương Ngọc Trung - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, mỗi ngày khoa có gần 20 trường hợp mắc uốn ván. Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn và không có bảo hiểm.

Hiện tại, khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn đang điều trị cho một bệnh nhân nam, 23 tuổi, người gốc Campuchia bị uốn ván. Trước đó, bệnh nhân bị xe máy cán qua, nát mu bàn chân, được bệnh viện tuyến dưới ở An Giang chuyển lên. Bệnh nhân bị tiêu cơ vân và suy thận cấp, đang điều trị tại viện ngày thứ 12. Sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được mở khí quản, thở oxy, an thần, giãn cơ, điều trị lọc máu nhiều đợt.

"Thường các trường hợp uốn ván điều trị thành công đến hơn 90% (90-95%), khả năng hồi phục khá tốt, tuy nhiên chi phí điều trị khá cao tạo gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình. Tổng chi phí hiện tại sau 10 ngày điều trị của bệnh nhân là 150 triệu. Bệnh nhân vẫn phải tiếp tục lọc máu và điều trị khoảng 3 tuần nữa. Như vậy, chi phí dự kiến phải tăng thêm 200 triệu đồng, tổng chi phí sẽ đến 350 triệu. Trong khi đó, gia cảnh của bệnh nhân khó khăn, bệnh nhân không có bảo hiểm", bác sĩ Trương Ngọc Trung chia sẻ.

Đây chỉ là một bệnh nhân trong số rất nhiều bệnh nhân bị uốn ván điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM không có bảo hiểm y tế. Hiện tại, Khoa Chống độc người lớn, Bệnh viện đang điều trị cho 20 bệnh nhân trong đó có đến 15 ca uốn ván nặng phải thở máy, các ca nhẹ hơn sẽ nằm ở khoa Nhiễm C.

Được biết, bệnh nhân uốn ván được bảo hiểm y tế chi trả khoảng 80% viện phí, 20% còn lại bệnh viện chi trả cùng người bệnh. Các trường hợp nằm điều trị uốn ván ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thường nằm điều trị trên dưới 3 tuần. Bác sĩ Ngọc Trung cho hay, bên cạnh việc phải mở khí quản để thở máy, bệnh nhân còn kèm theo tình trạng nhiễm trùng, chi phí kèm theo khoảng 40-150 triệu/trường hợp nếu không có bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân bị uốn ván thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hầu như không có bảo hiểm y tế nên là gánh nặng cho bệnh viện, các bác sĩ phải kêu gọi sự tài trợ từ các mạnh thường quân để điều trị cho các bệnh nhân uốn ván của mình.

Cũng theo Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người mắc bệnh uốn ván thường là người trung tuổi trở lên (do người trẻ được tiêm vaccine phòng uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng nên hiếm khi bị).

Trong khi đó, người lớn tuổi không được chích ngừa vaccine phòng uốn ván hoặc không chích nhắc đầy đủ nên khả năng bảo vệ giảm theo thời gian. Khi bị uốn ván cộng với có tuổi, bệnh nhân thường có bệnh nền nên diễn biến thường phức tạp, kéo theo thời gian điều trị nằm viện kéo dài, chi phí gia tăng.

Theo bác sĩ, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván, có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Thông thường nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, có một số trường hợp do tiêm chích không an toàn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật trong những điều kiện không vệ sinh (đặc biệt là nạo thai lậu).

Sau khi nha bào vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, thường là qua các vết thương, vi khuẩn sẽ phóng thích ra các độc tố uốn ván, các độc tố này xâm nhập vào các sợi trục thần kinh rồi di chuyển ngược dòng từ hệ thần kinh ngoại vi vào đến trung ương, gây tình trạng tăng trương lực cơ hay co cứng cơ gây đau, thường khởi đầu với cứng cơ nhai, sau đó cứng cơ cổ, lưng, bụng và toàn thân. Bệnh có thể diễn tiến nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở…

"Uốn ván không ngoại trừ một ai, dịch tễ uốn ván dường như chỗ nào cũng có và nha bào uốn ván tồn tại được trong các môi trường rất khắc nghiệt (như nhiệt độ cao, ánh sáng khô….) cho nên việc xử lý vết thương là phải trên diện rộng, không chú trọng trên một loại đối tượng nào cả", bác sĩ Trương Ngọc Trung cho hay.

Thực tế cho thấy, tuy rất nguy hiểm và gây thách thức trong điều trị, uốn ván là một bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm ngừa vaccine đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, trước khi bị vết thương. Vaccine uốn ván có hiệu lực 10-15 năm, khi bị mắc uốn ván vẫn có thể tiêm vaccine để bệnh nhẹ đi. Việc tiêm ngừa vaccine uốn ván bắt buộc phải đầy đủ, theo đúng lịch hẹn (tối thiểu 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng) và nhắc lại mỗi 5 – 10 năm sau đó sẽ giúp tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván.

Phụ nữ có bầu cần được tiêm phòng uốn ván chủ động vì miễn dịch của người mẹ do vaccine có giá trị phòng được uốn ván sơ sinh cho con.

Đối với trường hợp không được tiêm ngừa vaccine đầy đủ, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh.

Bác sĩ lưu ý tránh tuyệt đối tình trạng tự xử lý vết thương tại nhà như thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh và đây có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi trùng uốn ván.

"Mọi người có thể phòng ngừa bệnh uốn ván bằng cách tiêm vaccine uốn ván để tạo miễn dịch bảo vệ chủ động đồng thời nên tham gia bảo hiểm y tế để khi mắc bệnh nặng được bảo hiểm hỗ trợ chi trả, giảm gánh nặng tài chính", bác sĩ Trương Ngọc Trung khuyến cáo (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Hi hữu, tim phổi bé gái bị bóp nghẹt vì xương ức và xương sống gần chạm nhau

Ngày 8/8, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị lõm ngực rất nặng. Bệnh nhi là bé gái 3 tuổi có xương ức và xương sống gần như chạm vào nhau gây chèn ép nội tạng khiến trẻ nguy kịch.

Đó là trường hợp bé gái B.K.N.T (3 tuổi, quê Ninh Thuận). Bệnh nhi bị lõm lồng ngực bẩm sinh gây chèn ép tim và phổi. Tình trạng diễn tiến ngày càng nặng khiến sức khỏe của trẻ ngày càng suy kiệt, phải nhập viện nhiều lần vì viêm phổi.

Theo BS Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, thông thường bệnh nhi bị ngực lõm được xem xét chỉ định phẫu thuật từ 8 tuổi. Tuy nhiên, trường hợp bé T. vùng ngực của bé lõm rất sâu, xương ức và xương sống gần như chạm vào nhau dẫn đến tim phổi của bé đều bị chèn ép. Bên cạnh đó, bé còn bị kén khí phổi bên phải, dẫn đến viêm phổi tái phát liên tục.

Được biết, đây là ca lõm ngực nhỏ tuổi nhất, mức độ lõm cũng nặng nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Nhi đồng 1. BS Đào Trung Hiếu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bên cạnh tình trạng viêm phổi tái đi tái lại, trẻ còn bị hở van tim nặng do tim bị chèn ép, khó có thể phẫu thuật sửa chữa van tim.

Với mức độ ngực bị lõm quá sâu việc đặt thanh nâng ngực sẽ gây đau đớn nhiều, bé sẽ sợ không dám thở, dẫn đến ngưng thở. Ngoài ra, nếu hậu phẫu có vấn đề tim mạch thì việc nhồi tim sẽ khó khả thi, việc hồi sức sau mổ đối diện nhiều thách thức. Ê kíp bác sĩ đã đắn đo, cân nhắc rất nhiều mới quyết định phẫu thuật.

Sau hơn ba giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã xử trí cùng lúc cả hai dị tật kén phổi và lõm ngực. Cuộc phẫu thuật thành công, sức khỏe bệnh nhi đã hồi phục rất tốt, các chỉ số lồng ngực bình thường, không biến chứng phẫu thuật. Dự kiến sau khoảng 2 năm, khi lồng ngực chắc chắn, bệnh nhi sẽ mổ rút thanh nâng ngực.

Các bác sĩ cho biết, bất thường ngực là hội chứng bẩm sinh, do phát triển của xương sườn không đối xứng, gây biến dạng lồng ngực, thường gặp nhất là lồi hoặc lõm ngực. Thông thường trẻ dưới 5 tuổi bị ngực lõm sức khỏe gần như bình thường, không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Trên 5 tuổi, một số trẻ xuất hiện triệu chứng thở mệt, đau ngực, gây bệnh lý tim mạch như hở van tim nên cần điều trị nâng ngực. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật khoảng 100 ca mắc các hội chứng này, tập trung chủ yếu vào dịp hè (Theo báo tienphong.vn).

 

Tự đẻ con tại nhà, một sản phụ bị sốc mất máu nguy hiểm tính mạng

Một sản phụ tại Hà Giang phải nhập viện trong tình trạng sốc do mất máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng khi người này sinh con và tự cắt rốn tại nhà.

Ngày 9.8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê (Hà Giang), đơn vị vừa tiếp nhận sản phụ G.T.D (trú tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê) nhập viện do bị mất máu nhiều vì sinh con và tự cắt rốn tại nhà.

Sản phụ nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tại thời điểm đó, phía bệnh viện cũng không có sẵn máu dự trữ để truyền, cứu chữa cho bệnh nhân. Vì vậy, phía bệnh viện đã khẩn trương tiến hành tìm người có cùng nhóm máu tương thích với sản phụ D. Nhờ vậy giúp sản phụ qua cơn nguy kịch.

Phía bệnh viện khuyến cáo đến tất cả phụ nữ đang mang thai không tự ý sinh con tại nhà và thường xuyên theo dõi định kỳ để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của bản thân và trẻ sơ sinh (Theo báo Laodong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.605
Tháng 07 : 19.802
Năm 2024 : 1.159.109
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.623