• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 08/8/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Quản lý bệnh viện tuyến cuối; Nhiều ca biến chứng thủy đậu ở người lớn, bác sĩ khuyến cáo cách chăm sóc cần biết; Ăn cỗ tại đám tang, 11 người nhập viện; 4 lưu ý không thể bỏ qua khi xông hơi thuốc tại nhà…

 

Quản lý bệnh viện tuyến cuối

Những ngày gần đây có nhiều ý kiến băn khoăn về những hệ lụy, phát sinh nếu "chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học". Ðây là một nội dung của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân.

Hệ thống y tế nước ta được phân chia thành bốn tuyến: xã, phường; quận, huyện; tỉnh, thành phố; trung ương. Hiện nay, Bộ Y tế quản lý hơn 30 bệnh viện, đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành tuyến cuối về các chuyên ngành. Trên địa bàn Hà Nội có gần 20 bệnh viện do Bộ Y tế quản lý.

Các đơn vị này chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân trên phạm vi toàn quốc hoặc cho khu vực phía bắc. Do vậy, nếu chuyển giao từ Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Với mô hình do Bộ Y tế quản lý, ưu tiên hàng đầu của các bệnh viện tuyến trung ương là cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh khó khăn thì khi do Hà Nội quản lý, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô.

Ðiều này sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội và các địa phương khác, nhất là miền núi, vùng khó khăn. Khi chuyển các bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng, làm đứt gãy khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19, chỉ có Bộ Y tế mới có thể huy động tổng lực (cả nhân lực và trang thiết bị) từ các bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, K, Lao phổi trung ương, Phụ sản trung ương… vào hỗ trợ các tỉnh phía nam chống dịch.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện tuyến trung ương là công tác chỉ đạo tuyến, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới theo chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế. Nhưng nếu chuyển về Hà Nội quản lý, khi đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ gặp bất cập; chưa kể ảnh hưởng tới vai trò là bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước phát triển trên thế giới.

Các chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo, khi chuyển các bệnh viện tuyến trung ương từ Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ gây tác động không tốt trong công tác quản lý. Ðó là việc gia tăng nhanh chóng số giường bệnh chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối có thể làm hệ thống y tế Hà Nội mất cân đối, có nguy cơ dư thừa cung dịch vụ chăm sóc chuyên sâu. Trong bối cảnh Hà Nội cũng đã có các bệnh viện chuyên khoa tương tự (Tim, Lao và Bệnh phổi, Ung bướu, Da liễu, Mắt…), việc phải quản lý thêm các bệnh viện chuyên khoa của Bộ Y tế sẽ dẫn đến sự chồng chéo rất lớn, rất khó giải quyết...

Tại buổi họp giữa Bộ Y tế với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây, các đại biểu cho rằng cần giữ lại mô hình hiện tại, đó là các đơn vị tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội vẫn do Bộ Y tế quản lý vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc. Hệ thống đang vận động tốt, ổn định thì không nên có sự xáo trộn.

Việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là định hướng đúng, nhất là trong phát triển ngành y tế. Tuy nhiên, việc triển khai các vấn đề cụ thể cần đề cập xem việc triển khai thế nào cho phù hợp, nếu không sẽ làm giảm hiệu quả, thậm chí làm chậm, kéo lùi sự phát triển ngành y tế.

Ðổi mới mô hình quản lý các cơ sở y tế cần xem xét nhiều yếu tố liên quan, từ cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật, cách tiếp cận dịch vụ y tế đến mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị. Mặt khác, việc chuyển đổi mô hình quản lý bệnh viện tuyến trung ương cũng cần được xem xét tính phù hợp với các luật hiện hành, như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các bệnh viện nói chung và bệnh viện tuyến trung ương nói riêng (Theo Báo nhandan.vn).

 

Nhiều ca biến chứng thủy đậu ở người lớn, bác sĩ khuyến cáo cách chăm sóc cần biết

Thời gian gần đây xuất hiện các ca bệnh thủy đậu có biến chứng, thậm chí là tử vong ở người lớn. Vậy người mắc thủy đậu cần làm gì để tránh những biến chứng nguy hiểm?

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên. Mùa hè cũng là thời điểm xuất hiện nhiều ca thủy đậu.

Dấu hiệu mắc thủy đậu

Thủy đậu có thể gặp ở nhiều đối tượng, chủ yếu là trẻ em nhưng cũng có nhiều trường hợp người lớn mắc thủy đậu. Ở người lớn, sau một thời gian ủ bệnh từ 10-21 ngày, bệnh sẽ có những biểu hiện ngoài da kèm theo triệu chứng toàn thân như: Cơ thể sẽ xuất hiện nốt phỏng nước kèm ngứa ngáy, sốt, ăn không ngon, cơ thể mệt mỏi.

Sau 7 ngày, các mụn nước mới ngừng xuất hiện. Từ 10-14 ngày mụn nước bắt đầu đóng vảy sau đó bong ra.

Bệnh thủy đậu có lây không?

Bệnh thủy đậu thường mắc một lần trong đời. Người bệnh có thể lây cho người lành thông qua các tiếp xúc trực tiếp hoặc đường hô hấp như khi:

- Người bệnh hắt hơi, sổ mũi, nói, ho… siêu vi sẽ theo nước bọt, dịch tiết ra ngoài và tồn tại trong môi trường. Khi người lành hít phải siêu vi sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

- Tiếp xúc trực tiếp với tổn thương trên da

- Bệnh cũng có thể lây lan qua đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như quần áo, khăn, ga trải giường… nếu có chất dịch từ người bệnh.

- Trong trường hợp phụ nữ mang thai mắc thủy đậu, trẻ sinh ra sẽ mang mầm bệnh. Và khi gặp điều kiện thuận lợi, virus sẽ phát triển và gây bệnh.

Thủy đậu là một bệnh dễ lây nhiễm. Do đó, người mắc thủy đậu nên tự cách ly trong khoảng 7-10 ngày từ khi phát bệnh.

Những sai lầm thường mắc khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu

Rất nhiều người có suy nghĩ sai lầm trong quá trình chăm sóc thủy đậu khiến bệnh trở nặng như kiêng tắm khiến các vết thương bị bội nhiễm; hay việc tắm nước lá, dùng các loại thuốc bôi không rõ nguồn gốc bôi lên mụn nước. Điều này làm các nốt phỏng nước vỡ ra, tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây biến chứng nặng nề. Không những vậy, khi chăm sóc không đúng cách, các vết thương do thủy đậu thường để lại sẹo lõm, ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, việc chà xát làm vỡ các mụn nước là cơ hội để virus lây lan ra môi trường xung quanh và tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người lành.

Ở trẻ em, thủy đậu được xem là bệnh lành tính. Tuy nhiên đối với những trường hợp mắc thủy đậu trên nền bệnh người già hoặc người dùng các thuốc ức chế miễn dịch hay béo phì, tiểu đường, ung thư sẽ có nguy cơ cao biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm màng não thậm chí tử vong.

Vì vậy khi có biểu hiện mắc thủy đậu, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm. Việc dùng thuốc kháng virus sớm sẽ làm tăng hiệu quả điều trị và tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh thủy đậu có thể điều trị bằng các thuốc bôi và thuốc kháng virus. Tuy nhiên, trường hợp nặng có biểu hiện viêm phổi, não, suy đa tạng thường gặp khó khăn trong điều trị, tiên lượng nặng, nguy cơ cao tử vong.

Ở trẻ nhỏ, các vết thương do thủy đậu thường gây ngứa dẫn tới phản xạ gãi. Để tránh việc trẻ gãi và làm vỡ mụn nước, có thể sử dụng thuốc kháng histamin.

Cách phòng ngừa biến chứng của thủy đậu

Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa bằng vaccine thủy đậu, tuy nhiên hiện nay số người tiêm còn rất ít. Vì vậy, cách tốt nhất phòng ngừa thủy đậu và hạn chế biến chứng của bệnh là tiêm vaccine.

Mắc thủy đậu có nên tắm không?

Dân gian thường quan niệm mắc thủy đậu không nên tắm, nên trùm chăn kín để tránh rạ (mụn nước) mọc thêm. Tuy nhiên, quan niệm này là không đúng. Người bệnh mắc thủy đậu nên vệ sinh tắm rửa bằng nước ấm và ở nơi kín gió. Việc kiêng tắm rửa có thể gây mất vệ sinh trên da, dẫn tới bội nhiễm. 

Tuyệt đối tránh dùng các loại nước lá để tắm, chà xát lên da, điều này dễ gây nhiễm trùng và các biến chứng nặng nề. Bệnh nhân mắc thủy đậu không được dùng cồn hoặc các chất sát khuẩn để vệ sinh các vết thương.

Người mắc thủy đậu nên ăn gì?

Người mắc bệnh thủy đậu nên tăng cường các thực phẩm có chứa vitamin C để tăng miễn dịch, giúp bệnh nhanh khỏi. Khi nhiễm thủy đậu, bệnh nhân có thể bị tổn thương ở ngoài da, tổn thương niêm mạc gây khó khăn trong việc ăn uống. Vì vậy nên lựa chọn những đồ ăn mềm, lỏng, nguội. Không nên lựa chọn đồ ăn cứng, cay nóng, khó tiêu (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Ăn cỗ tại đám tang, 11 người nhập viện

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lào Cai, sau khi dự một đám tang ở thị xã Sa Pa, 11 người có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải nhập viện điều trị.

Theo đó, gia đình ông Má A T. tổ chức đám tang cho con trai, có nhiều người dân địa phương, anh em, họ hàng ở các xã khác đến dự và ăn cơm từ 11 giờ trưa ngày 04/8/2023 đến tối ngày 05/8/2023 với các món thịt lợn nấu canh (luộc), tiết canh, canh rau bắp cải, rượu trắng, cơm trắng. 

Khoảng 06 giờ 30 phút ngày 05/8/2023, có 11 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Hiện sức khỏe các bệnh nhân dần ổn định.

Qua tìm hiểu một số người dân địa phương cho thấy, người dân tộc H’Mông có phong tục khi có đám ma, người cùng làng, anh em mang thực phẩm như: Lúa, gạo, thịt, rượu… đến để góp cho chủ nhà làm cỗ, chủ nhà thường mổ lợn, mổ trâu để cúng và tiếp khách. 

Việc ăn uống đông người trong nhiều ngày, điều kiện về chế biến thực phẩm không đảm bảo, nguyên liệu lại được góp từ nhiều người khác nhau, không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, chứa đựng thực phẩm, lại chế biến món tiết canh là nguy cơ cao gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Do đó, ngành y tế tỉnh Lào Cai khuyến cáo các cơ quan chức năng cần có hình thức tuyên truyền phù hợp để người dân thay đổi những thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, qua đó phòng ngừa nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm ở những nơi tụ tập đông người như trường hợp vừa xảy ra trên địa bàn (Theo báo suckhoedoisong.vn).

4 lưu ý không thể bỏ qua khi xông hơi thuốc tại nhà

Xông hơi thuốc là phương pháp dùng hơi nước thuốc tác động vào vùng trị liệu nhằm mục đích điều trị bệnh. Đây là biện pháp có thể áp dụng tại nhà, nhưng cần thực hiện đúng cách...

1. Xông hơi thuốc có tác dụng gì?

Xông hơi thuốc gây tác động nhiệt lên cơ thể, giúp tăng bài tiết mồ hôi và chất cặn bã, giãn mạch ngoại vi, tăng lưu lượng máu, tăng cường sự trao đổi chất.

Hơn nữa, xông hơi còn giúp cải thiện chức năng hô hấp, làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn.

Đây là biện pháp chăm sóc sức khỏe vô cùng hiệu quả, được áp dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau như:

2. Trường hợp nào không được xông hơi thuốc?

Một số trường hợp sau đây không nên xông hơi thuốc:

- Người vừa uống rượu bia: Với các trường hợp này, xông hơi thuốc có thể làm cho mạch máu giãn nở quá mức dẫn đến những biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn... Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong tại chỗ nếu không phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.

- Người đang bị sốt: Xông hơi thuốc làm cho cơ thể mất nhiều nước hơn, đặc biệt là mất các chất điện giải và chất khoáng khiến cơ thể càng mệt thêm.

- Người bệnh THA: Các trường hợp bị tăng huyết áp mà chưa kiểm soát tốt không nên xông hơi thuốc do mạch máu có thể bị dãn nở đột ngột gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

- Người già yếu: Người già yếu, cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai và các trường hợp cấp cứu không nên xông hơi.

3. Thực hiện xông hơi thuốc đúng cách

Bước 1: Cho thuốc xông vào nồi, đổ nước ngập thuốc khoảng 2cm, đậy vung kín. Đun sôi thuốc trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút. Đặt nồi nước xông vào vị trí xông trong buồng xông.

Bước 2: Người bệnh mặc quần áo lót, ngồi trước nồi xông, sử dụng tấm vải lớn hoặc chăn trùm kín toàn thân. Mở nắp vung cho hơi thuốc bốc ra từ từ vừa với sức chịu đựng của cơ thể. Vừa hít thở sâu hơi nước thuốc, vừa dùng dụng cụ khuấy nồi thuốc xông cho hơi thuốc bốc lên.

Bước 3: Ngồi xông cho đến khi thấy mồ hôi ở đầu, mặt, cổ, ngực, lưng toát ra thì dừng xông, thời gian khoảng 15 - 20 phút. Lấy khăn khô lau khô toàn thân và thay quần áo khô sạch.

4. Một số lưu ý khi xông hơi thuốc

- Nhiệt từ hơi nước có thể gây bỏng do đó chỉ nên để nhiệt độ xông hơi cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7-8 độ C. Chú ý trong quá trình xông không để hơi nóng quá gần da gây bỏng và không được xông quá 30 phút.

- Do khi xông cơ thể sẽ bị mất nước nên cần uống bù nước ấm sau khi xông. Chú ý không uống nước lạnh vì gây mất cân bằng nhiệt trong cơ thể.

- Không nên tắm ngay sau khi xông vì khi ấy lỗ chân lông đang mở, nếu gặp lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh, càng làm bệnh nặng hơn.

- Không nên xông nhiều lần hoặc xông liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước, bệnh thêm nặng và gây nguy hiểm cho sức khỏe (Theo báo suckhoedoisong.vn).

                                                                                 Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.414
Tháng 07 : 19.611
Năm 2024 : 1.158.918
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.432