• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 07/8/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Một cán bộ bảo vệ rừng ở Đắk Nông mắc bệnh Whitmore; Gần 100% trẻ mắc tay chân miệng nhập viện dưới 6 tuổi; Người phụ nữ bị nát bàn tay do dùng điện thoại khi đang sạc pin; Với năng lực hiện tại, Hà Nội quản lý bệnh viện trung ương sẽ làm hệ thống y tế yếu kém đi; Tiếp cận toàn diện trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Một cán bộ bảo vệ rừng ở Đắk Nông mắc bệnh Whitmore

Tỉnh Đắk Nông vừa ghi nhận trường hợp thứ 2 mắc bệnh Whitmore, đó là ông V.V.Đ, 58 tuổi (ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, bệnh nhân hiện là cán bộ của Lâm trường Đắk Wil (huyện Cư Jut, Đắk Nông). 

Vào cuối tháng 7, ông Đ. bị côn trùng cắn vào đùi trái, đến chiều ngày 2/8 thì thấy tại vị trí vết thương do côn trùng cắn đau nhức, sưng, tấy đỏ nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để khám.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Đ. bị áp xe da, có nhọt, nhọt cụm do côn trùng cắn không rõ loại côn trùng gì, kèm theo bị đái tháo đường type II. 

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định mổ rạch nạo giải thoát mủ trong ổ áp xe, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm từ ổ áp xe làm xét nghiệm định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.

Đến ngày 5/8, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Cán bộ y tế địa phương tìm hiểu, giám sát tại khu vực bệnh nhân Đ. sinh sống.

Ngay sau khi có kết quả bệnh nhân Đ. mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil tổ chức khử khuẩn môi trường xung quanh nhà bệnh nhân Đ., hướng dẫn gia đình bệnh nhân và các hộ dân xung quanh vệ sinh cá nhân. Đồng thời tìm hiểu, giám sát môi trường sống quanh gia đình bệnh nhân Đ. thì thấy không có ao tù, sạch sẽ, không có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn bệnh Whitmore. 

Trạm bảo vệ rừng thuộc lâm trường bệnh nhân Đ. công tác cũng không có ai có biểu hiện bệnh Whitmore nên vẫn chưa thể xác định được nguồn truyền bệnh cho bệnh nhân Đ.

Về phía bệnh nhân Đ., sau khi mổ rạch nạo giải thoát mủ trong ổ áp xe, đến nay bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định và xin chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị.

Được biết đây là trường hợp thứ 2 mắc bệnh Whitmore ở Đắk Nông. Trước đó, ngày 19/4, bệnh nhân tên T.V.S (sinh năm 1957, trú tại thôn 15, xã Nam Dong, huyện Cư Jut) cũng có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Gần 100% trẻ mắc tay chân miệng nhập viện dưới 6 tuổi

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 9.790 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), không có ca tử vong.
Hiện các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM điều trị 158 ca Sốt xuất huyết (có 106 ca tại TP.HCM). Đặc biệt, có đến 13 ca SXH nặng, 8 ca đang thở máy xâm lấn, 2 ca đang được lọc máu.

Trong khi đó, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 13.173 ca mắc Tay – chân – miệng (TCM). Các BV tại TP.HCM đang điều trị 477 ca TCM; trong đó có 476 ca mắc TCM dưới 6 tuổi (chiếm 99,7%); có 36 ca TCM nặng. Theo Sở Y tế, phần lớn các ca bệnh SXH và TCM nặng là ở các tỉnh chuyển lên.

Về tình hình dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 5.135 ca mắc Covid-19 được công bố. Hiện tại chỉ còn 2 ca đang điều trị tại BV (1 ca cần hỗ trợ hô hấp) và 1 ca cách ly tại nhà.

Trước tình hình dịch bệnh SXH và TCM gia tăng, trong tuần qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã đến các quận, huyện để đánh giá hoạt động phòng chống dịch, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống dịch. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh SXH và TCM lưu hành tại TP.HCM nhiều năm. Như năm 2022, TP.HCM có số ca mắc SXH và tử vong cao nhất trong nhiều năm qua, do đó phải hết sức cảnh giác. Trong những tháng đầu năm 2023, số ca mắc SXH tuy thấp hơn cùng kỳ 2022 nhưng Sở Y tế đánh giá nguy cơ có thể bùng phát, lan rộng nếu không có các giải pháp. TP.HCM đã có sự chuẩn bị từ đầu năm và đã triển khai kiểm soát khá tốt SXH. Để phòng chống dịch SXH tốt hơn, bác sĩ Hưng cho rằng phải huy động người dân cùng tham gia diệt muỗi, lăng quăng và phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" các điểm nguy cơ để chính quyền địa phương xử lý. Còn với dịch bệnh TCM, bác sĩ Hưng đánh giá nguy cơ gia tăng sắp tới là rất lớn, đặc biệt là ở các gia đình có trẻ em. Do đó các phòng y tế quận, huyện tăng cường giám sát ca bệnh TCM, đặc biệt là báo cáo ca bệnh từ các cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó là truyền thông về rửa tay, phòng chống lây nhiễm từ người nuôi bệnh.

Về điều trị, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 1 - 2 tuần gần đây số ca SXH bắt đầu gia tăng. Do đó các BV, phòng khám cần nhận biết dấu hiệu bệnh nặng, tránh để tử vong. Đối với TCM, hiện các BV của TP.HCM cũng đang quá tải do tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh trong khu vực chuyển về. Hội đồng chuyên môn các BV đã làm việc với nhau và đưa ra khuyến cáo sử dụng thuốc hiệu quả, đặc biệt thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch đang khan hiếm. Dự kiến hơn 1 tuần nữa sẽ có 3.000 lọ Gamma Globulin được nhập về kịp thời điều trị cho bệnh nhân TCM nặng (Theo Báo thanhnien.vn).

 

Người phụ nữ bị nát bàn tay do dùng điện thoại khi đang sạc pin

Đang dùng điện thoại có cắm sạc thì bỗng nhiên điện thoại phát nổ khiến bàn tay người phụ nữ bị dập nát, tổn thương nặng vùng mặt, cổ và nhiều vị trí khác.

Cụ thể, nạn nhân là chị T.T.C (SN 1986) ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải gây lộ gân, xương, đa chấn thương vùng mặt, cổ, phần mềm vùng ngực, bụng và một số bộ phận khác trên cơ thể.

Chị C. được đưa vào bệnh viện tư nhân tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vào lúc 20 giờ tối ngày 5/8.

Các bác sĩ đã xử trí ban đầu bằng cách băng cầm máu vết thương, bù dịch, giảm đau, chống sốc và sau đó bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra, điển hình ngày 19/2/2023, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) tiếp nhận bệnh nhân 15 tuổi (trú tại xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang) trong tình trạng tay và đùi phải của bệnh nhân chảy nhiều máu, đau đớn, tâm lý hoảng loạn do điện thoại phát nổ trong lúc vừa cắm sạc vừa dùng điện thoại.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối nói không với việc vừa dùng điện thoại vừa sạc pin. Đây là thói quen của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Người dân không nên vừa sạc vừa dùng điện thoại và nên sử dụng thiết bị công nghệ chính hãng, có kiểm duyệt an toàn (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Với năng lực hiện tại, Hà Nội quản lý bệnh viện trung ương sẽ làm hệ thống y tế yếu kém đi

Với nhân lực y tế của Hà Nội hiện có thì chỉ làm những việc cơ bản như phục vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và quản lý tốt hệ thống y tế địa phương… đã là quá tải.

Mấy ngày nay, bạn bè, đồng nghiệp của tôi đang xôn xao về một điều trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện của các trường đại học y.

Lật giở đọc dự thảo, suy nghĩ đầu tiên của tôi là Hà Nội không thể quản lý được bệnh viện tuyến trung ương. Bởi ngay cả việc quản lý hệ thống y tế của Hà Nội hiện nay còn đang rất nhiều điều phải bàn.

Hà Nội hiện có 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã/phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị, phòng khám, bệnh viện…

Với nhân lực y tế của Thủ đô hiện có thì chỉ làm những việc cơ bản như phục vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và quản lý tốt hệ thống y tế của mình… đã là quá tải rồi.

Dân số Hà Nội từ thời chỉ 20 vạn với một số bệnh viện sau ngày giải phóng cho đến hôm nay đã gấp hàng chục lần nhưng bệnh viện hay các cơ sở y tế công cơ bản vẫn vậy.

Tôi có nhiều dịp đi hội chẩn ở các bệnh viện của Hà Nội như Xanh-pôn hay Thanh Nhàn thấy rất ái ngại. Bệnh nhân nặng đến mức cần phải thở máy và lọc máu.. mà vẫn phải nằm trên cáng, rất cực cho người bệnh và cũng rất vất vả cho nhân viên chăm sóc. Số lượng bệnh nhân ngoại trú rất nhiều tới hàng chục vạn thẻ bảo hiểm y tế, số lượng tái khám, lĩnh thuốc hàng tháng rất đông, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Hà Nội cũng có xây dựng bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố ở Hà Đông nhưng cũng chưa biết bao giờ xong. Nghe nói thành phố quy hoạch bệnh viện mới ở Thạch Thất hay đâu đó, chả nhẽ người dân ở nội thành phải đi đến Thạch Thất khám chữa bệnh? Chưa kể các tình huống như tai nạn hay thảm họa có thể xảy ra, nếu có sự cố như vậy thì chuyển nạn nhân đi đâu ?

Mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng chúng tôi nhận thấy sự phát triển chuyên môn của y tế công Hà Nội so với các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh hay TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điểu phải suy ngẫm.

Vì thế, nếu Hà Nội 'ôm' cả các bệnh viện tuyến trung ương thì tôi chưa hiểu sẽ đi về đâu?

Xem xét chức năng nhiệm vụ thì thấy, bệnh viện tuyến trung ương không chỉ điều trị cho người dân Hà Nội mà còn điều trị cho người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh phía bắc…Và những ca bệnh chuyển lên đây là những ca nặng, khó… Nếu đưa về Hà Nội với chất lượng như hiện nay có đảm đương được không ?

Nhiệm vụ khác như đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác thì ai làm? Chưa kể đến tình huống khẩn cấp cần điều động gấp một lực lượng lớn đến giúp những địa phương có thiên tai, thảm họa thì sao, phối hợp điều hành với Bộ Y tế và các địa phương theo cơ chế nào?

Các bệnh viện trung ương ở Hà Nội không chỉ là thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho vấn đề hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học mà còn mang giá trị và yếu tố lịch sử, văn hóa...

Vì thế với năng lực của Hà Nội hiện nay để quản lý bệnh viện tuyến trung ương thì tôi lo ngại rằng sẽ làm cho hệ thống y tế ngày càng yếu kém đi (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Tiếp cận toàn diện trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm

Ước tính cả nước hiện có hơn 20 triệu người mắc các bệnh không lây nhiễm và con số này đang tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, phần lớn những bệnh không lây nhiễm đều có thể phòng tránh được, do vậy, chúng ta cần có cách tiếp cận toàn diện và kiểm soát những yếu tố nguy cơ đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…). Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia.

Theo Tiến sĩ Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, ước tính chiếm khoảng 81% tổng số tử vong; khoảng 19% còn lại là do các bệnh truyền nhiễm, tử vong mẹ, chu sinh và tai nạn thương tích. Hiện nay, số tử vong trước 70 tuổi chiếm 41,3% tổng số tử vong; gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 73,7%... Trong các bệnh không lây nhiễm, những bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao là: Tim mạch (39,5%), ung thư (15,9%), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (6,2%), đái tháo đường (4,7%), rối loạn tâm thần kinh (5,2%)…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu rõ, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, sau dịch Covid-19, thế giới sẽ phải đối mặt với một đại dịch khác mang tên bệnh không lây nhiễm. Do đó, các nước cần tiếp tục đầu tư; tập trung nguồn lực cho các hoạt động dự phòng cũng như chăm sóc, điều trị cho những người mắc các bệnh không lây nhiễm. Theo báo cáo của các bệnh viện đầu ngành, hiện có từ 65-75% số người bệnh điều trị nội trú là những người mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó các khoa chuyên điều trị ung thư, tim mạch… đều luôn quá tải; và vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần cũng đang để lại những ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng.

Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% số dân mắc đái tháo đường. Theo Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam, "sát thủ thầm lặng" là bệnh tăng huyết áp chiếm tỷ lệ khoảng 25% số người trên 25 tuổi. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mới chỉ có 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu, bia nhiều cho nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau dịch Covid-19, tỷ lệ người đến khám tại bệnh viện này liên quan các bệnh không lây nhiễm chiếm nhiều nhất, trong đó số lượng người bệnh đến khám các lĩnh vực: Tim mạch, rối loạn chuyển hóa, ung thư… tăng đột biến.

Các chuyên gia y tế đã coi các bệnh không lây nhiễm là "kẻ giết người thầm lặng" và đặt ra những thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, việc kiểm soát những yếu tố nguy cơ có vai trò quan trọng hàng đầu…

Tiến sĩ Trần Quốc Bảo cho rằng, phải có cách tiếp cận toàn diện trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Có ba yếu tố quan trọng làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Ðó là các yếu tố ẩn (toàn cầu hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa, già hóa dân số); yếu tố hành vi (hút thuốc lá, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực); yếu tố trung gian (thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu, rối loạn lipid máu…). Trên cơ sở xác định được các yếu tố đó thì có những giải pháp phù hợp, từ việc hoàn thiện chính sách vĩ mô, luật, quy định đến kiểm soát yếu tố nguy cơ, thay đổi hành vi; phát hiện sớm, quản lý, dự phòng những người tiền bệnh, nguy cơ cao; quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm.

Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đã đề ra các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 là: Giảm 30% số người hút thuốc lá, giảm 10% số người uống rượu, bia có hại; giảm 10% số người thiếu vận động thể lực; kiểm soát thừa cân, béo phì dưới 15%; kiểm soát tăng huyết áp dưới 30%, kiểm soát đái tháo đường dưới 8%... Ðáng chú ý, chiến lược cũng đưa ra mục tiêu giảm 20% số ca tử vong do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Ðể đạt các mục tiêu đề ra, nhiều nhóm giải pháp đã, đang được triển khai; theo đó, tập trung kiểm soát yếu tố nguy cơ bằng phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; khuyến khích người dân tăng cường hoạt động thể lực, thực hiện dinh dưỡng hợp lý. Ðồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe, cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm; phát triển, nhân rộng các mô hình, phong trào trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe, cộng đồng sức khỏe; triển khai chương trình sức khỏe Việt Nam. Tăng cường năng lực hệ thống để tổ chức cung ứng hiệu quả, rộng khắp các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người bệnh không lây nhiễm… phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 95% số xã thực hiện dự phòng quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Xây dựng hệ thống giám sát để thu thập, theo dõi, dự báo và giám sát yếu tố nguy cơ, số mắc bệnh và tử vong, đáp ứng của hệ thống y tế và hiệu quả phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm là rất lớn và đang tiếp tục gia tăng. Việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước (Theo báo nhandan.vn).

Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.487
Tháng 07 : 19.684
Năm 2024 : 1.158.991
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.505