• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 09/8/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Hỏng hết gan, não, thận vì dùng thuốc giảm cân; Nuôi sống bé sinh non có tuổi thai và cân nặng nhỏ nhất Việt Nam; Chị gái 11 tuổi nhanh trí sơ cứu đúng cách giúp em trai thoát chết đuối nước trong gang tấc; Đã có trên 54.200 ca sốt xuất huyết, những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị bệnh này; Bệnh viện áp lực khi số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đều tăng; Cứu sống bệnh nhân 69 tuổi cùng lúc nhồi máu cơ tim và đột quỵ….

Hỏng hết gan, não, thận vì dùng thuốc giảm cân

Bị ám ảnh bởi cân nặng và nỗi sợ hãi mà béo phì gây ra đã khiến nhiều người trong đó có cả trẻ em cố gắng giảm cân bằng mọi cách và họ không ngần ngại lựa chọn phương pháp giảm cân nhanh bằng thuốc.

Nhiều ca nhập viện cấp cứu vì uống thuốc giảm cân

Việc lạm dụng thuốc giảm cân quá mức có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, vì muốn giảm cân cấp tốc nên nhiều người đã không ngần ngại sử dụng các loại thuốc giảm cân bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia về tác hại khủng khiếp có thể gây ra cho sức khỏe.

Trên các trang mạng xã hội hiện nay đang quảng cáo rầm rộ các loại trà, thuốc, thực phẩm chức năng… có thể giúp giảm cân một cách thần kỳ. Đa số các lời mời chào bán thuốc giảm cân đều hứa hẹn sẽ giúp giảm cân nhanh chóng, khi uống thuốc sẽ không gây mệt mỏi, không bị tiêu chảy, đau bụng, huyết áp cao... Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều trường hợp phải nhập viện do bị suy gan, suy thận vì thuốc giảm cân.

Gần đây nhất là trường hợp bé 13 tuổi phải nhập viện vì gia đình đã cho bé uống thuốc giảm cân. Bệnh nhi vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, chỉ số xét nghiệm men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường.

Trước đó không lâu, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ở Quảng Ninh phải cắt toàn bộ thực quản dạ dày do uống thuốc giảm cân. Bệnh nhân này được một người bạn giới thiệu cho loại thuốc giảm cân rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi dùng đến gói thứ 4, bệnh nhân có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước; thân nhiệt hạ thấp đột ngột, bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, kết quả chụp cắt lớp cho thấy não bị tổn thương. Theo kết quả giám định của Viện Pháp Y, trong loại sản phẩm giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa Sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược và thực phẩm chức năng, vì những tác dụng gây nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Độc tính có ở thuốc giảm cân ảnh hưởng tới gan, phá huỷ cầu thận không thể phục hồi

Theo nhận định của các chuyên gia, nguy hiểm nhất là có một số loại sản phẩm giảm cân làm tăng nguy cơ tai biến và huyết áp. Đặc biệt, các độc tính có trong sản phẩm sẽ trực tiếp phá hủy cầu thận không thể phục hồi.

Điều này y văn từng ghi nhận đã có các trường hợp bị suy thận mạn do dùng sản phẩm có chứa Acid Aristolochic 1 (chiết xuất từ cây phòng kỷ), chất độc tính cao và đã được chứng minh có liên quan tới suy thận mạn do gây hủy hoại tổ chức kẽ, hoại tử tiểu quản thận và ung thư gan.

Theo PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong cơ thể người, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, có vai trò thực hiện các nhiệm vụ quan trọng duy trì sức khỏe.

Hiện nay, do thói quen của nhiều người thường sử dụng thuốc bừa bãi, tùy tiện, nên sẽ có nhiều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến gan. Các thuốc dùng trong điều trị một số bệnh cũng làm tăng men gan như thuốc điều trị bệnh gan, thuốc hóa trị ung thư, thuốc chống lao, kháng sinh, thậm chí có cả thuốc giảm cân.

"Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng men gan rất cao, mắt bị vàng, thậm chí có trường hợp bị suy tế bào gan, cần nhập viện để điều trị. Một số trường hợp phải vào khoa Chống độc cấp cứu", BS Ngọc chia sẻ.

Theo các bác sĩ men gan cao sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh và là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tế bào gan của bạn bị tổn thương. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng men gan cao lâu dài sẽ để lại nhiều hậu quả nguy hiểm như: 

Men gan cao làm giảm tuổi thọ: Với AST trị số tăng gấp đôi sẽ tăng 32% nguy cơ tử vong, nếu trị số tăng hơn gấp đôi thì nguy cơ tử vong sẽ lên đến 78%.

Với ALT trị số tăng gấp 2 lần sẽ tăng 21% nguy cơ tử vong và khi trị số tăng hơn gấp đôi thì nguy cơ tử vong sẽ là 59%.

Theo ghi nhận, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm cân đáp ứng nhu cầu gầy nhanh, mà không cần tốn nhiều công sức để tập luyện. Một số cơ chế thuốc giảm cân hay dùng như: Thuốc làm chuyển hóa chất béo trong cơ thể; thuốc tạo cảm giác no, gây chán ăn; thuốc gây mất nước... Một số loại thuốc giảm cân khiến cho người dùng có cảm giác đầy bụng, không muốn ăn uống, giảm hấp thụ chất béo để nhanh sụt cân.

Các chuyên gia y tế cho biết, việc tự ý sử dụng các thuốc giảm cân không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến bị tiêu chảy kéo dài, suy nhược cơ thể, nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng đến thần kinh, huyết áp, gây trầm cảm và sẽ bị lệ thuộc vào thuốc... Điều này làm giảm chất lượng cuộc sống của người uống. Thậm chí nếu dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc có chứa chất cấm thì sẽ nguy hại đến tính mạng (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Nuôi sống bé sinh non có tuổi thai và cân nặng nhỏ nhất Việt Nam

Bé gái chào đời ở tuổi thai 22 tuần 4 ngày, cân nặng lúc sinh chỉ 400g. Các bác sĩ đánh giá đây là ca sinh non có tuổi thai và cân nặng nhỏ nhất trong các bé sinh non tại Việt Nam được nuôi sống thành công.

Bé gái có tên An Chi, sinh ngày 3/8/2022. Trải qua một năm nuôi nấng vất vả và vô cùng tỉ mỉ, đến thời điểm hiện tại, bé đã phát triển được 6,4kg; chiều cao 67cm, thể trạng của trẻ qua khám định kỳ và khám chuyên khoa đều có kết quả tạm ổn, chưa phát hiện bất thường.

Gia đình bé An Chi cho biết, trong quá trình chăm sóc bé mọi người vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 2K (khẩu trang và khử khuẩn), hạn chế cho trẻ ra ngoài tiếp xúc những nơi tập trung đông người, dễ phơi nhiễm.

Mẹ bé An Chi kể, bé đến với gia đình là một sự bất ngờ khi mà trước đó vài tháng chị mới bị COVID-19. Khi đó, chị vừa đi học vừa đi làm, cường độ đi lại gấp nhiều lần so với bình thường. Thêm vào đó với việc áp lực trong công việc cũng có thể là lý do chị bị lên cơn co và có nguy cơ sảy thai.

Ngày 2/8/2022, chị bị vỡ ối và nhiễm trùng ối, được người nhà đưa vào Khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.

Khi đó các bác sĩ đánh giá tình hình bệnh nhân vô cùng nguy kịch, ối đã bị cạn và nhiễm trùng phổ rộng… có nguy cơ khó giữ được em bé.

Sáng 3/8/2022, PGS. Phạm Bá Nha - Trưởng Khoa Sản đã chỉ đạo bác sĩ cùng toàn bộ kíp ca đỡ đẻ cho bệnh nhân.

Đúng 08h45 phút ngày 3/8/2022, nhân viên y tế đưa bé vào lồng ấp và hỗ trợ bình thở oxy cầm tay… và đưa xuống cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa.

Bé An Chi được nằm điều trị trong lồng ấp được 3 tháng 4 ngày, sau đó các bác sĩ cho ra ngoài phòng điều trị tích cực. Lúc này gia đình vào chăm sóc trực tiếp cho cháu dưới sự hướng dẫn tận tình của các y, bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Nhi khoa.

Đúng thời điểm cháu được chuyển từ lồng ấp ra ngoài thì cũng là lúc bệnh viện có hội thảo quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia người Mỹ đánh giá về quá trình phát triển não ở trẻ sinh non.

Các chuyên gia người Mỹ sau khi thăm khám cho bé ngạc nhiên vì khả năng phát triển não của cháu tại thời điểm đó đang hoàn thiện bình thường khi bé sinh non mới có 22 tuần 4 ngày.

"Nhìn thấy con quá bé nhỏ, có chăng chỉ to nhỉnh hơn con chuột Hamster một chút thôi, các máy móc thiết bị, các dây truyền chằng chịt được cắm, kẹp lên đôi tay, đôi chân bé xíu xiu. Mẹ cháu đứng nhìn con mà khóc nhòe ướt mặt. Chỉ thì thầm nói cảm ơn con đã kiên cường, bản lĩnh đến với bố mẹ. Mỗi ngày trôi qua, nhìn thấy con có sự thay đổi tốt, ăn được, ngủ được và tăng trưởng đều là cả nhà đều phấn khởi, như được tiếp thêm sức mạnh để kiên trì đồng hành cùng con, nuôi dạy và chăm sóc cho con từng bước trưởng thành," mẹ bé An Chi tâm sự.

"Sự quan tâm đặc biệt, hết lòng hết sức bằng tất cả trí tuệ, đạo đức của các y bác sĩ như cho con được sinh ra lần thứ 2", mẹ bé cho hay; đồng thời mong các gia đình có hoàn cảnh như An Chi sẽ tiếp tục chiến đấu, viết tiếp lên những câu chuyện cuộc đời cho riêng mình (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Chị gái 11 tuổi nhanh trí sơ cứu đúng cách giúp em trai thoát chết đuối nước trong gang tấc

Vớt được em trai 10 tuổi lên khỏi mặt nước thấy có tình trạng tím tái, nghe tim vẫn còn nhưng yếu, không tự thở, người chị đã ngay lập tức hô hấp nhân tạo, ép tim và đã gọi người lớn đến hỗ trợ.

Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhi nam, 10 tuổi (ở Phú Xuyên, Hà Nội) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đến trong tình trạng đặt nội khí quản, phải thở máy, suy hô hấp, đuối nước, phù phổi cấp.

Theo lời kể từ chị gái (11 tuổi) của bệnh nhân, ngày 2/8, trong lúc nhóm anh chị em đang chơi đùa thì người em trai bị trượt chân ngã xuống ao. Ngay lập tức, hai chị em vốn biết bơi vội lặn xuống ao tìm và kéo được bé trai lên.

"Từ lúc thấy em bị đuối nước đến lúc vớt được em lên chừng 2 phút. Lúc bế được em lên thấy em bất tỉnh, người tím tái, mềm nhũn nên cháu đã áp tai vào ngực nghe tim của em thấy còn đập nhưng yếu, sờ lên mũi thấy hơi thở cũng rất yếu" - chị gái nói.

Với kiến thức sơ cứu cho người bị đuối nước được học ở nhà trường, người chị tuy còn nhỏ tuổi đã biết cách hô hấp nhân tạo và ấn tim cho em, thấy ra được một chút nước. "Ấn tim được 2 lần thì em nói lên "cứu" (nhưng rất bé) nên cháu tiếp tục ấn thì em mở to mắt ra nhìn cháu. Trong lúc cháu ấn tim và hô hấp nhân tạo cho em, cháu có bảo mọi người đi gọi giúp đỡ" - người chị nhớ lại.

Sau đó, nhờ sự trợ giúp của mọi người xung quanh, bé trai được đưa đến trạm y tế xã. Thời điểm này, trẻ đỡ tím tái hơn, chưa nói được, hơi thở yếu.

ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khai thác bệnh án của bệnh nhi cho thấy lúc nhập Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, bệnh nhân có tỉnh táo, hơi tím một chút, được thở oxy, được dùng lợi tiểu do bệnh nhân có phù phổi cấp. Sau khoảng 3-4 tiếng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, tình trạng oxy máu giảm còn khoảng 80 - 85%. Bệnh nhân đã được đặt ống nội khí quản và được chuyển đến Trung tâm Nhi khoa vào giờ thứ 6 (tính từ lúc bị đuối nước).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản, SpO2 vẫn duy trì được 94%, trào bọt hồng qua nội khí quản, phổi thông khí kém. Ngay khi vào Trung tâm, bệnh nhân đã được cấp cứu tích cực, an thần, thở máy.

Sau khoảng một ngày, tình trạng bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn, chỉ số máy thở thấp, oxy trong máu tốt và đã tiến hành cai máy thở. Cho đến thời điểm ngày 7/8, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tự thở.

Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh: "Rất may quá trình xử lý cấp cứu ngay ban đầu của chị bệnh nhân rất hợp lý bằng những kiến thức kỹ năng được học ở trường và trên truyền hình khi cứu người bị đuối nước. Khi bệnh nhân được cứu lên có tình trạng tím tái, nghe tim vẫn còn nhưng yếu, không tự thở, người chị đã ngay lập tức hô hấp nhân tạo, ép tim và đã gọi người lớn đến hỗ trợ. Và sau 2 đến 3 lần thực hiện ép tim, hô hấp nhân tạo thì bệnh nhân đã tỉnh hơn rồi mới đưa bệnh nhân đến trạm y tế xã. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu đúng cách thì sau khoảng 5 phút là bệnh nhân có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến các di chứng nặng nề hoặc tử vong".

Các bước sơ cứu cho nạn nhân đuối nước đúng cách:

Bước 1: Cần đánh giá hiện trường, hiện trường phải an toàn thì mới xử lý cho bệnh nhân. Khi hiện trường không an toàn, chính bản thân người cứu lại là người bị nạn; nếu không biết bơi, phải tìm dụng cụ cứu vớt bệnh nhân và gọi người hỗ trợ.

Bước 2: Khi cứu được bệnh nhân, phải đánh giá về đường thở, tim, phổi của bệnh nhân. Áp vào mũi, miệng, ngực của bệnh nhân xem còn thở không, nghe xem tim có hay không. Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, có tím tái, thì tiến hành ép tim, và thổi ngạt ngay. Với đánh giá ngoài môi trường thì có thể ép tim, thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2 (ép tim 30 lần, thổi ngạt 2 lần).

Sau khoảng độ 4 đến 5 lần cần đánh giá lại xem bệnh nhân có thở được, có tim lại hay không. Nếu không có, cần tiếp tục ép tim, thổi ngạt đến khi có người hỗ trợ đến.

Khi cấp cứu bệnh nhân, đặt tư thế bệnh nhân trên nền cứng, nằm nghiêng an toàn để tránh trào ngược vào đường thở, phải ngửa cổ bệnh nhân làm sao để thông thoáng đường thở. Đảm bảo cấp cứu bệnh nhân tại chỗ trước, sau khi ổn định mới chuyển bệnh nhân đi. Nếu bệnh nhân đang ngừng thở ngừng tim, mà chuyển bệnh nhân đi luôn thì chắc chắn bệnh nhân sẽ để lại di chứng rất nhiều hoặc tử vong (Theo báo suckhoedoisong.vn).

Đã có trên 54.200 ca sốt xuất huyết, những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị bệnh này
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Tại Trung tâm
Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo.
Nhiều trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo

Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 54.236 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (138.928/75) số mắc sốt xuất huyết giảm 61%, số trường hợp tử vong giảm 63 trường hợp.

Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" do Bộ Y tế vừa ban hành được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào tử vong.

Một trong những bệnh nhân nặng nhất tính đến thời điểm hiện tại, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương là bé trai V.H (8 tuổi, ở Hà Nội). Trẻ có tiền sử đã bị sốt xuất huyết lần một cách đây 4 năm. Ngày 16/7/2023, trẻ xuất hiện tình trạng sốt cao 39-40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, đau mỏi người, nôn nhiều, đau bụng, đau đầu, ăn uống kém, được gia đình cho trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám và nhập viện điều trị.

Thời điểm nhập viện, trẻ sốt cao liên tục, có chấm sốt xuất huyết vùng mặt, nhưng sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng… các bác sĩ đã tiến hành điều trị cho trẻ theo phác đồ của BYT về SXH Dengue nặng. Hiện tại sau khi điều trị, toàn trạng trẻ ổn định, tỉnh táo, trẻ được ra viện sau 10 ngày điều trị.

Còn bệnh nhi T.P (11 tuổi, ở Hà Nội) cũng nhập viện vì sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, trước đó trẻ cũng đã từng bị sốt xuất huyết. Trẻ nhập viện ngày thứ 5 của bệnh với các biểu hiện: đau bụng, sốt từng cơn, kèm nôn nhiều lần, ăn uống kém đã điều trị tại bệnh viện gần nhà nhưng không đỡ.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh.

Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4 -6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật

 

  • Cho trẻ uống nhiều nước: Nước Oresol (pha theo đúng liều lượng), nước lọc, nước cam, nước dừa… Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.
  • Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.
  • Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
  • Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
  • Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra.
  • Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.
  • Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật. (Theo báo suckhoedoisong.vn).

 

Bệnh viện áp lực khi số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đều tăng

Ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh gần đây, nhiều trẻ chuyển biến nặng phải thở máy.

Theo thông báo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ở tuần 30, số ca mắc bệnh TCM tiếp tục tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh, với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca. Các địa phương có số ca mắc tăng cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Không chỉ bệnh tay chân miệng, thành phố cũng đang gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) khi trong tuần 30 ghi nhận 291 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 18,8% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc tăng cao bao gồm: Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.

Vì cùng thời điểm xuất hiện bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tạo áp lực cho công tác điều trị tại các bệnh viện, nhất là khi các ca bệnh trở nặng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, tiếp tục có diễn tiến xấu khi có nhiều bệnh nhi nhập viện phải thở máy.

Đơn cử trường hợp bệnh nhi T.N.Y (nữ, 5 tuổi, ngụ TPHCM) mắc bệnh tay chân miệng độ 4, nguy kịch. Qua khai thác bệnh sử, bé Y có biểu hiện đau đầu, sốt cao không hạ. Qua hôm sau, bé vẫn sốt cao, ngủ gà, run tay chân, giật mình nhiều lần khi thức, thở mệt, da nổi bầm tím toàn thân.

Gia đình đưa bé Y vào bệnh viện tuyến dưới, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4 và được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, sau đó nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Ngay lập tức, bé Y phải thở máy, truyền IVIg (Immunoglobulin), dùng các thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu liên tục.

Tuy nhiên, do tổn thương tim nặng (hoại tử tế bào cơ tim, men tim tăng >5.000 lần so với bình thường), bé bị loạn nhịp phức tạp, rơi vào cơn nhịp nhanh thất, ảnh hưởng huyết động. Các bác sĩ khẩn trương xử trí sốc điện nhiều lần, truyền thuốc chống loạn nhịp và hồi sức tim phổi ngoài lồng ngực nhưng không cải thiện.

Nhanh chóng, hội chẩn toàn viện được triển khai. Các bác sĩ thấy bé Y dù có tổn thương tim, phổi nặng nhưng vẫn có đáp ứng về thần kinh nên đã quyết định can thiệp ECMO cho bé. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khoẻ của bệnh nhi dần ổn định.

BS.CKII Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay, khoa là nơi tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng mức độ nặng. Các bé hầu như đáp ứng tốt với phác đồ điều trị hiện hành.

Liên quan đến vấn đề điều trị trong hoàn cảnh thiếu thuốc, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết, Thông tư 14 của Bộ Y tế quy định về nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở đã được mở rộng tạo thuận lợi rất nhiều, tuy nhiên thực tế các bệnh viện vẫn còn gặp nhiều cái khó.

Thứ nhất, hiện nay, bệnh viện vẫn chưa có nguồn cung về thuốc điều trị TCM. Thứ hai, nếu có nguồn cung cấp thì phải đấu thầu cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế. Đó là lý do chính khiến nguồn thuốc điều trị bệnh TCM tại bệnh viện luôn cạn kiệt.

“Cần thiết có nguồn thuốc dự trữ cho những dịch bệnh đến hẹn lại lên, điều này nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhi”, bác sĩ Tiến chia sẻ (Theo báo Laodong.vn).

 

Cứu sống bệnh nhân 69 tuổi cùng lúc nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Ngày 8.8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, 2 ê kíp của bệnh viện đã phối hợp can thiệp mạch vành và đột quỵ để cứu sống bệnh nhân nguy kịch cùng lúc nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ.

Vào lúc 14h ngày 5.8, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam 69 tuổi (ngụ ở tỉnh Vĩnh Long) trong tình trạng nặng ngực và khó thở.

Trước đó, chiều ngày 4.8, bệnh nhân đã có triệu chứng nặng ngực ở vùng sau xương ức, cơn đau ngực tái phát nhiều lần. Đến trưa ngày 5.8, thân nhân đưa bệnh nhân đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Sau khi tiếp nhận và chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp - đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp.

Tại đây, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã lập tức hội chẩn với ê-kíp trực cấp cứu tim mạch can thiệp. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu.

Ở thời điểm chuẩn bị bắt đầu đặt ống thông để can thiệp mạch vành, ê-kíp can thiệp phát hiện bệnh nhân liệt hoàn toàn nửa người bên trái và nói đớ. Nhận định đây là một trường hợp hiếm gặp phối hợp giữa nhồi máu cơ tim cấp (do tắc động mạch vành) và nhồi máu não cấp (do tắc một mạch máu ở não), ê-kíp can thiệp mạch máu não lập tức được báo động để cùng phối hợp điều trị cho bệnh nhân. Kết quả CTscan não kiểm tra ngay tại phòng can thiệp cho thấy phù hợp với chẩn đoán có phối hợp nhồi máu não cấp.

Lúc này, ê-kíp đã can thiệp tim mạch trong thời gian khoảng 40 phút, đã hoàn tất nong động mạch vành bị tắc và tiến hành đặt giá đỡ (stent), giúp tái lập dòng máu nuôi tim. Liền ngay sau đó, ê-kíp tiếp tục can thiệp mạch não chụp kiểm tra phát hiện tắc động mạch não giữa bên phải; thủ thuật lấy huyết khối tái thông mạch máu bị tắc với thời gian 20 phút.

Kết quả chụp cộng hưởng từ kiểm tra ngày hôm sau cho thấy, mạch máu não bị tắc đã tái thông tốt. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, sinh hiệu ổn định, không còn đau ngực, không rối loạn ngôn ngữ, còn yếu nhẹ nửa người bên trái.

TS.BS Hà Tấn Đức - Trưởng khoa đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - cho biết, tỉ lệ xảy ra đột quỵ nội viện sau nhồi máu cơ tim được ghi nhận với tần suất 1,4 - 1,5% và có xu hướng ít thay đổi qua nhiều năm. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong trong thời gian nằm viện của nhóm bệnh nhân này cao lên đến 25%.

Theo TS.BS Đức, nguyên nhân tử vong chủ yếu do choáng tim, choáng nhiễm trùng, suy hô hấp, suy thận, suy tim. Một số yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân nhồi máu cơ tim dễ xảy ra đột quỵ bao gồm: Tuổi cao, giới nữ, rung nhĩ, suy tim, đái tháo đường, bệnh thận mạn, xơ vữa mạch máu. Cả hai bệnh lý đều cần được can thiệp càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ tử vong (Theo báo Laodong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.414
Tháng 07 : 19.611
Năm 2024 : 1.158.918
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.432