Điểm báo, ngày 04/8/2023
soyte.hatinh.gov.vn: Các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý; Trẻ tử vong vì người nhà rạch dao lam chi chít trên người để chữa bệnh; Liên tiếp 2 vụ ngộ độc do ăn quả hồng châu; Nối cẳng chân đứt gần lìa cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông; Bệnh nhân 45 tuổi nguy kịch tính mạng vì ăn món đa số đàn ông thích.
Các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý
Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội về công tác khám chữa bệnh và việc sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ theo dự thảo Luật Thủ đô, lãnh đạo các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành đều thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý.
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc diễn ra chiều 31/7 với sự tham dự của lãnh đạo các Cục/Vụ/Viện liên quan và lãnh đạo các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh các nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô liên quan đến công tác y tế đều rất quan trọng và cần được cân nhắc kỹ, vì vậy nhân cuộc họp với các bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện có ý kiến về nội dung dự thảo của Luật Thủ đô về việc "chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học".
Tại buổi làm việc, tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như các Vụ, Cục, đơn vị của Bộ Y tế đều thống nhất chung một quan điểm cần thiết giữ lại là các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trên địa bàn Hà Nội vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc.
Các đại biểu đưa ra một số lý do để tổng hợp và gửi Ban Soạn thảo dự án Luật Thủ đô cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét.
Các bệnh viện trung ương đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ Y tế quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó thì việc sắp xếp là "chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học)".
Các ý kiến phân tích cho thấy, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì là cơ sở y tế đầu ngành nên ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên toàn quốc, các bệnh viện này còn chăm sóc sức khỏe ngay tại chỗ cho khoảng 10 triệu người dân Hà Nội.
Một nhiệm vụ rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương theo sự phân công, điều động, phối hợp của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương. Theo Nghị quyết 19 thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ.
Vai trò của bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ trong đào tạo nhân lực y tế, trong công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo thực hành cho cán bộ y tế, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới từ các nước phát triển
Tại buổi làm việc, tất cả các ý kiến tham luận của lãnh đạo các bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện K, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương… đều thống nhất quan điểm: Các bệnh viện trung ương hiện nay bên cạnh công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, còn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác là đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới, hợp tác quốc tế… Vì vậy là đơn vị trực thuộc Bộ sẽ có vị thế hơn rất trong việc hợp tác quốc tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ còn là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Qua dịch COVID-19, do Tây Nguyên chưa có bệnh viện Trung ương tại vùng, nên Bộ Y tế đã đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý thông qua Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có việc xây dựng Bệnh viện đa khoa Trung ương Tây Nguyên, hiện Bộ Y tế đang gấp rút triển khai.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nêu thực trạng, sau khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên cho thấy, ngay chỉ một chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như 'trắng', do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo ông Cơ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do Chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.
"Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của Bộ vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương. Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ thế nào?"- ông Đào Xuân Cơ nói thêm.
Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu cho hay, các bệnh viện trung ương đều là các cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Trường Đại học Y Hà Nội. "Hiện Bệnh viện E đang là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội. Vậỵ nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội, công tác đào tạo thực hành của các trường này có bị ảnh hưởng?" - ông Hựu băn khoăn.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa bày tỏ đồng thuận với ý kiến của lãnh đạo các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành về việc "tiếp tục do Bộ Y tế quản lý". Theo ông Khoa, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành là những cơ sở đầu tiên tiếp cận với y học quốc tế. Các bệnh viện là của Bộ Y tế sẽ mang tầm quốc gia, sẽ có vị thế lớn trong việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước phát triển trên thế giới, sau tiếp nhận sẽ chuyển giao cho tuyến dưới được thuận lợi hơn.
Tác động đến hệ thống y tế chung của cả nước và y tế Hà Nội
Các ý kiến tham dự buổi làm việc đều thống nhất chung về việc "hệ thống đang vận động tốt, ổn định thì không nên có sự xáo trộn vì sẽ ảnh hưởng đến cả công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân".
Với mô hình do Bộ Y tế quản lý, ưu tiên hàng đầu của các cơ sở y tế tuyến cuối là cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh khó khăn thì với mô hình do Hà Nội quản lý, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội, vùng Thủ đô với những tỉnh trung du, miền núi (vốn đang được các cơ sở y tế tuyến cuối của Bộ Y tế bù đắp).
Thực tiễn trong đợt dịch COVID-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, để kịp thời hỗ trợ các địa phương về công tác điều trị, Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động các Bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý để thiết lập 10 Trung tâm Hồi sức tích cực tại các tỉnh, thành phía Nam.
Do đó, các y kiến tham dự buổi làm việc đều cho rằng: Nếu chuyển các Bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế, thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.
Cùng đó, khi chuyển các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế đang quản lý về Hà Nội sẽ gây một số tác động không chỉ tác động đến hệ thống y tế chung cả nước mà còn tác động trực tiếp tới hệ thống y tế Hà Nội. Việc gia tăng nhanh chóng số giường bệnh chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối có thể làm hệ thống Y tế Hà Nội mất cân đối (do tỷ trọng giường bệnh chuyên sâu trên tổng giường bệnh cao) và có nguy cơ dư thừa cung dịch vụ chăm sóc chuyên sâu so với dân số phục vụ và điều này không phù hợp với mục tiêu xây dựng hệ thống Y tế Thủ đô phát triển hiện đại và phù hợp với quy mô dân số.
Theo các đại biểu, con số 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý rất ít so với tổng số 1.500 bệnh viện trên toàn quốc. Như vậy Bộ Y tế chỉ quản lý 2% số bệnh viện trong cả nước, trong khi hiện nay Hà Nội quản lý hơn 100 bệnh viện công và tư cùng với hơn 4.000 phòng khám. Chưa kể quản lý hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị, các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm…
Do đó, việc tăng thêm nhiều cơ sở y tế với quy mô tương đối lớn có thể làm phức tạp hơn vấn đề quản trị hệ thống Y tế Thủ đô, vốn đã có số lượng cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) rất lớn, thậm chí số bệnh viện hiện có của Hà Nội còn lớn hơn tổng số bệnh viện của Bộ Y tế trên cả nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội cũng đã có hệ thống các bệnh viện chuyên khoa tương tự (như Bệnh viện Tim, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền…), việc đưa các bệnh viện chuyên khoa của Bộ Y tế sẽ cần cân nhắc kỹ vì sẽ có sự chồng chéo rất lớn mà rất khó giải quyết.
Về đầu tư phát triển, hiện nay, Hà Nội cũng đang có những đầu tư bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm, nên nếu đưa các bệnh viện trung ương về thành phố Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự chồng chéo, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc có nên tiếp tục triển khai các dự án của Hà Nội.
Lắng nghe và ghi nhận ý kiến các đơn vị tham gia buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Tất cả các ý kiến của các lãnh đạo bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đều đồng thuận và mong muốn vẫn tiếp tục ở lại Bộ Y tế quản lý vì mô hình đang ổn định và đáp ứng được nhiệm vụ Bộ Y tế giao trong thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành đều đủ tiêu chí ở lại Bộ Y tế theo như tinh thần của Nghị quyết 19. Riêng Bệnh viện E là Bệnh viện đa khoa tuy nhiên lại là bệnh viện đầu ngành chỉ đạo tuyến về chuyên khoa ngoại tim mạch.
"Các mô hình hiện tại phát huy hiệu quả với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân"- Thứ trưởng nói và giao các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện bản dự thảo có đầy đủ ý kiến của các đơn vị và bệnh viện trình lãnh đạo Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền. (Theo báo suckhoesoisong.vn).
Trẻ tử vong vì người nhà rạch dao lam chi chít trên người để chữa bệnh
Dùng dao lam chữa bệnh cho con khiến trẻ rơi vào nguy kịch hoặc tử vong là tình trạng diễn ra liên tục trong thời gian gần đây.
Vừa qua khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhi 11 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, người mệt mỏi chán ăn, gầy sút cân vì sốt cao liên tục. Nghe lời mách bảo người nhà cho trẻ uống thêm thuốc lá cây, đồng thời gia đình cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người. Thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tư nhân khám, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị. Qua thăm khám làm các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhi được chẩn đoán: theo dõi suy tuỷ xương/Lupus ban đỏ hệ thống/hội chứng thận hư.
Ngoài trường hợp trên, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi nam 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc do người nhà tự ý cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc và cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách rạch dao lam trên người để đào thải máu độc ra khỏi cơ thể. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng trẻ đã tử vong.
TS Hoàng Kim Lâm, Khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đó, cách vào viện 8 ngày, trẻ ở nhà xuất hiện ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt. Gia đình đã ra chợ mua một cây thuốc khô (không rõ nguồn gốc) về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống, đồng thời cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để chữa bệnh. Thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tuyến huyện, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị. Tại đây, trẻ có các biểu hiện: sốt, mệt, da vàng sạm, củng mạc mắt vàng, phù 2 mí mắt, bụng chướng, suy gan – thận, suy hô hấp, vô niệu. Trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan. Trẻ được điều trị tích cực: hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh phổ rộng, lọc máu liên tục, chăm sóc tích cực. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau 1 ngày nằm viện.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biện pháp chữa bệnh cho trẻ bằng cách dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu…, để chữa bệnh cho trẻ là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tuyệt đối không nên làm những điều này. Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kì loại thuốc hoặc các phương pháp chưa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cha mẹ không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, phương pháp điều trị bệnh phản khoa học khiến trẻ gặp nhiều biến chứng khôn lường, thậm chí tử vong.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. (Theo báo tienphong.vn)
Liên tiếp 2 vụ ngộ độc do ăn quả hồng châu
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hà Giang cho biết, trên địa bàn huyện Đồng Văn, Hà Giang xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc do ăn quả hồng châu.
Cụ thể, ại thôn Chua Só, xã Tả Lủng, có 3 trẻ mắc, trong đó có 1 trẻ tử vong; thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, có 8 trẻ mắc và 1 vụ ngộ độc do ăn bánh trôi ngô tại thôn Tìa Cua Si, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, có 3 trường hợp mắc.
Để chủ động có các biện pháp dự phòng tích cực, phát hiện sớm xử trí kịp thời, không để vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra, hạn chế biến chứng nặng và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng dân tộc. Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về những loại rau, củ, quả rừng thường xảy ra ngộ độc tại địa phương.
Đặc biệt là nấm độc, bột ngô mốc và các loại rau quả rừng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân ngay tại cộng đồng.
Vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, nhiều quả rừng đang chín rộ, là dịp nghỉ hè của học sinh nên thường xảy ra vụ ngộ độc do trẻ ăn phải quả hồng châu.
Cây hồng châu có tên khoa học (Capparis versicolor Griff), họ Màn màn (Capparaceae). Tên gọi theo địa phương khác là: cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)...
Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, nó thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu của lá xanh đậm.
Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt. Các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Quả hồng châu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm.
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp.
Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
Ngộ độc quả hồng châu dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết (LDmin) qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
Cấp cứu và điều trị ngộ độc do ăn quả hồng châu
Khi bị ngộ độc hồng châu, không có thuốc điều trị đặc hiệu; điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Do đó, cần vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ).
Gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.
Cách xử trí nhanh khi thấy xuất hiện các hiện tượng ngộ độc thực phẩm
Gây nôn (bằng biện pháp cơ học) ngay lập tức. Cho người bệnh uống nước và gây nôn. Uống than hoạt: Liều 1gam/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở Y tế gần nhất;
Nếu người bệnh hôn mê, co giật: Cho người bệnh nằm nghiêng; Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo, người dân, đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại cây quả lạ mọc trong rừng dù chỉ ăn thử một lần.
Và tuyệt đối không ăn bột ngô để lâu ngày sinh ra nấm mốc gây ảnh hưởng sức khỏe con người dễ dẫn đến tử vong. Khi thấy trong người xuất hiện các các triệu chứng ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. (Theo báo nhandan.vn)
Nối cẳng chân đứt gần lìa cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông
Nam thanh niên bị tai nạn giao thông khiến cẳng chân đứt gần lìa. Các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa đã nối thành công cẳng chân cho bệnh nhân này.
Ngày 3.8, bác sĩ CK2 Nguyễn Phương Nam, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết sức khỏe của bệnh nhân N.V.H (27 tuổi, quê Quảng Bình) ổn định, cẳng chân đứt gần lìa đã được nối thành công.
Trước đó, lúc 17 giờ 30 ngày 1.8, anh H. điều khiển xe máy trên đường đi làm về nhà trọ thuộc xã Phước Thuận, H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì xảy ra va chạm giao thông với ô tô.
Vụ tai nạn khiến cẳng chân phải của anh H. bị dập nát xương, đứt gần lìa. Anh H. bất tỉnh tại chỗ, được người dân đưa đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Bác sĩ Nam cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng choáng, đau nhiều, da niêm nhợt, vã mồ hôi… Kiểm tra cho thấy cẳng chân phải bệnh nhân dập nát xương và mô mềm 1/3 dưới cẳng chân, phần bàn chân tái trắng chỉ còn dính với phần cẳng chân qua một phần da và ít gân.
Anh H. được truyền hơn 10 đơn vị máu. Các bác sĩ đã nhanh chóng gây mê hồi sức, mổ cấp cứu để nối lại chân đứt gần lìa.
Sau hơn 5 giờ phẫu thuật, cẳng chân của anh H. được nối lại thành công. Hiện bàn và các ngón chân được nối đã ấm hồng. (Theo Báo thanhnien.vn).
Bệnh nhân 45 tuổi nguy kịch tính mạng vì ăn món đa số đàn ông thích
Đau bụng quanh rốn, buồn nôn và đi ngoài phân lỏng, nam bệnh nhân M.T 45 tuổi nhập khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng rất nặng và nguy kịch, đe dọa tính mạng..
Các bác sĩ khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện trong tình trạng huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu nặng, đi ngoài 10 ngày kèm theo sốt cao liên tục 39-40 độ, có gai rét, có cơn rét run, hoa mắt chóng mặt. Các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Khai thác tiền sử trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh và thịt lợn.
Nhờ được chẩn đoán, điều trị sớm, đúng và tích cực ngay từ khi vào viện bằng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, lọc máu liên tục, truyền huyết tương, khối tiểu cầu và các biện pháp điều trị tích cực khác, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện.
TS.BS.Nguyễn Trọng Thế, Phó chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm, người trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết: 'Bệnh do một loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn lợn, tên khoa học là Streptococcus suis gây ra. Đây là loại bệnh truyền nhiễm của động vật lây cho người. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu cho lợn (lợn nhà, lợn rừng), nhưng cũng có thể lây truyền và gây bệnh cho người. Nguồn bệnh chủ yếu là lợn bị bệnh và lợn mang vi khuẩn không triệu chứng. Chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người'.
Cũng theo bác sĩ Thế, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và mắc bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, lợn mang vi khuẩn gây bệnh, các chất tiết của lợn bị bệnh (phân, nước tiểu) hoặc do ăn các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh lợn, ăn thịt sống, thịt tái, nem, thịt nấu chưa chín kỹ.
Những người dễ bị mắc bệnh là những người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn, người chế biến thịt lợn sống, người có thói quen ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái, thịt lợn chưa nấu kỹ, nem thịt lợn tái.
Thời gian ủ bệnh (từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh) thông thường từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày".
Bs Thế cũng cho hay, các biểu hiện chính của bệnh là: sốt cao, có cơn những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội. Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn tâm thần kinh (lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật, đái ỉa dầm dề, tổn thương các dây thần kinh trung ương như điếc, mắt mờ); rối loạn tuần hoàn (da niêm mạc tái, mạch nhanh, tụt huyết áp, viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn); rối loạn hô hấp (khó thở, viêm phổi, suy hô hấp); suy chức năng gan; suy chức năng thận; xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chân răng, âm đạo); xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, ỉa phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết não…) và nhiều rối loạn khác.
Khi phát hiện một trong những triệu chứng trên, nhất là ở những người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn thì cần khẩn trương đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
BS. Thế khuyến cáo, để tránh mắc bệnh, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ. Tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng đúng cách theo qui định.
Nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tất cả mọi người cần đeo găng tay khi chế biến sản phẩm sống từ lợn, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi chế biến các sản phẩm từ lợn; dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín; luôn ăn thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh. Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ. (Theo báo suckhoedoisong.vn).
Nhật Thắng tổng hợp