• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 02/8/2023

soyte.hatinh.gov.vn: 11 cháu nhỏ nhập viện do ăn quả rừng; Người đàn ông bị hàng chục con giòi làm tổ trong tai; Lọc máu cứu trẻ mắc bệnh tay chân miệng mức độ 4; Người Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới; Nhức nhối nạn mạo danh bác sĩ, bệnh viện.

11 cháu nhỏ nhập viện do ăn quả rừng

Trong 2 ngày 31 và 1/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã tiếp nhận 11 cháu nhỏ từ 3 đến 12 tuổi bị ngộ độc do ăn quả lạ.

Theo đó, vụ ngộ độc được cho là do ăn quả Hồng Châu xảy ra tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) khiến 3 cháu nhỏ nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo người nhà nạn nhân cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc vào khoảng 14h chiều ngày 31/7, các cháu gồm: Sùng Thị Mỷ (9 tuổi), Sùng Thị Say (8 tuổi), Sùng Thị Máy (7 tuổi) trong lúc đi cắt cỏ bò đã rủ nhau hái quả Hồng Châu ăn.

Đến 22h cùng ngày, các cháu có các triệu chứng: Đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nôn mửa sau đó được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn khám và điều trị.

Tối cùng ngày Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn cùng lúc tiếp nhận thêm 8 nạn nhân cũng bị ngộ độc do ăn quả Hồng Châu tại thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo.

Các nạn nhân gồm: Lầu Thị Mỷ (11 tuổi), Lầu Thị Chở (10 tuổi), Lầu Mí Nô (7 tuổi), Giàng Thị Mỷ (12 tuổi), Giàng Mí Súng (10 tuổi), Giàng Thị Chở (8 tuổi), Giàng Thị Ly (4 tuổi), Giàng Thị Cúc (3 tuổi). Thời điểm nhập viện, các cháu đều trong tình trạng hôn mê, nôn mửa, đau đầu, đau bụng.

Ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tiến hành cấp cứu, xử trí bằng phương pháp thải độc, gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu.

Quá  trình điều trị tích cực đến 9h ngày 1/8, tình trạng của cả 6 cháu đều tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, có 5 cháu được chẩn đoán suy đa phủ tạng và chỉ định chuyển lên tuyến trên.

Nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Đồng Văn đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình.

Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không ăn quả Hồng Châu rừng và các loại quả không rõ nguồn. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Người đàn ông bị hàng chục con giòi làm tổ trong tai

Một trường hợp hi hữu vừa được các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương xử lí. Đó là bệnh nhân Vũ Văn T. ,63 tuổi (Gia Viễn, Ninh Bình) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng và đau nhiều trong tai, ù tai, nghe kém kèm xung huyết và tiết dịch. Các bác sĩ đã gắp ra hàng chục con giòi làm tổ trong tai bệnh nhân này.

Sau khi nội soi, các bác sĩ phát hiện nhiều dị vật màu trắng di động là những con giòi lúc nhúc lấp đầy hòm nhĩ người bệnh. Các bác sĩ đã gắp ra hơn chục con giòi tại chỗ, tuy nhiên, do ống tai sưng nề, chít hẹp và còn rất nhiều giòi cùng tổ chức viêm bên trong nên không thể xử lí hết, do đó, người bệnh được chỉ định tạm thời điều trị nội khoa, tiêm truyền kháng sinh, kê thuốc giảm viêm.

Ngày hôm sau, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi, gắp hàng chục con giòi sống và lấy sạch tổ chức viêm trong tai giữa của bệnh nhân. Hiện tại, tình trạng tai của người bệnh đã ổn định, người bệnh phục hồi nhanh và đã xuất viện.

Qua khai thác bệnh sử được biết anh T. bị viêm tai giữa cách đây 2 năm, 1 tuần trở lại đây có hiện tượng đau nhức nên bệnh nhân đi khám tại một số cơ sở y tế và được điều trị bằng thuốc uống nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, ngược lại tình trạng đau nhức ngày càng tăng.

 

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, khoa Tai Mũi Họng Trẻ em, người trực tiếp thực hiện điều trị cho bệnh nhân cho biết: “Đây là trường hợp hiếm gặp, nguyên nhân là do người bệnh có tiền sử bị viêm tai giữa không được điều trị triệt để và vệ sinh sạch, đúng cách nên còn mủ, thu hút ruồi cái đẻ trứng bên trong ổ viêm và phát triển thành giòi. Giòi phát triển rất nhanh, càng để lâu càng nguy hiểm. Khi chúng lớn lên có thể ăn vào da, phần mềm của tai, tấn công tai giữa làm nhiễm trùng lan rộng, gây biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm tai trong, thậm chí dẫn đến tử vong”.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, điều trị dứt điểm các bệnh lí về tai, nhất là khi bị viêm tai giữa, không nên chủ quan khi bị côn trùng bay vào tai. Nếu thấy đau nhức, có dịch lạ như máu, mủ từ tai chảy ra cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng để được các bác sĩ làm thuốc vệ sinh kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. (Theo báo tienphong.vn).

 

Lọc máu cứu trẻ mắc bệnh tay chân miệng mức độ 4

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 14 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng mức độ 4.

Ngày 1.8, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết đã điều trị thành công cho một bệnh nhi 14 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng rất nặng. Đó là trường hợp cháu T.K.D (ở TT.Diêu Trì, H.Tuy Phước, Bình Định).

Ngày 21.7, cháu D. được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định với tình trạng mắc bệnh tay chân miệng. Sau 1 ngày nhập viện, bệnh của cháu D. có dấu hiệu nặng lên. Các bác sĩ khoa Nhi xác định tình trạng bệnh tay chân miệng của bệnh nhi này ở mức độ 2b và quyết định dùng Gamma Globulin để điều trị. Tuy nhiên, sức khỏe của bé vẫn không chuyển biến, lại xuất hiện thêm tình trạng rối loạn hô hấp, có những cơn ngừng thở, sốt cao 40 - 41 độ C…

Các bác sĩ quyết định đặt nội khí quản, cho thở máy và tiếp tục điều trị theo phác đồ bệnh tay chân miệng mức độ 3. Lúc này, cháu D. tiếp tục có dấu hiệu nặng hơn, có tình trạng tổn thương não, dấu hiệu thở nấc…

Các bác sĩ nhận định tình trạng mắc bệnh tay chân miệng của cháu D. ở mức độ 4, cần tiến hành lọc máu gấp.

Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, sau hơn 36 giờ được lọc máu, bệnh trạng của cháu D. dần ổn định nên đã ngưng lọc máu nhưng vẫn cho thở máy và dùng kháng sinh. Đến ngày 28.7, sau 1 tuần điều trị, cháu D. đã cai được máy thở, sức khỏe dần hồi phục.

Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, bệnh tay chân miệng được giới chuyên môn chia ra 4 mức độ. Mức độ 1 là tổn thương ở da. Mức độ 2 tổn thương lên thần kinh, được chia làm 2 nhóm: nhóm 2a tổn thương nhẹ và nhóm 2b bắt đầu tổn thương nặng hơn. Mức độ 3, bệnh nhân có tình trạng rối loạn đường thở, đây là giai đoạn buộc phải cho thở máy, dùng thuốc hạ huyết áp nếu bệnh nhân có tăng huyết áp. Mức độ 4 có nguy cơ tử vong rất cao, nếu không lọc máu có thể 100% tử vong; ngay cả khi lọc máu vẫn có đến 50% khả năng tử vong.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, từ ngày 19 - 25.7, toàn tỉnh phát hiện 99 ca bệnh tay chân miệng (tăng 20 ca so với tuần trước đó). Trong thời gian này, ngành y tế tỉnh Bình Định ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng, trong đó có 1 ổ dịch tại trường mầm non.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định ghi nhận 260 ca bệnh tay chân miệng. Các địa phương trong tỉnh có số ca bệnh tay chân miệng nhiều, gồm: TP.Quy Nhơn (87 ca), H.Tuy Phước (43 ca), H.Phù Cát (32 ca), H.Phù Mỹ (24 ca)… (Theo báo thanhnien.vn).

 

Người Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới

Người Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với tỉ lệ ước tính 218/100.000 dân nhưng số lượng đơn vị điều trị đột quỵ ở nước ta hiện còn ít, đáng báo động.

Thông tin này được PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - chia sẻ ngày 1-8.

Với dân số gần 100 triệu người, số ca đột quỵ ở nước ta sẽ vào khoảng 200.000 ca mỗi năm. Dù vậy, số lượng đơn vị đột quỵ tại Việt Nam hiện tại rất đáng báo động.

Theo ông Thắng, đơn vị đột quỵ đầu tiên bắt đầu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vào năm 2005. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ và Angels team, cho đến nay sau 18 năm đã có 110 đơn vị đột quỵ (hoặc trung tâm đột quỵ) được thành lập trên toàn quốc. Trong khi nhu cầu cần trên 400 đơn vị/trung tâm.

Phần lớn các đơn vị đột quỵ tập trung tại những thành phố lớn như TP.HCM hoặc Hà Nội. Còn khá nhiều tỉnh thành lớn tại ba miền cho đến nay vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. 

Hậu quả là nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.

Trong khi đó, cứ 1 đơn vị đột quỵ tại nước ta phải phụ trách cho trên 2.000 bệnh nhân/năm, so với Mỹ chỉ 300 bệnh nhân. Theo khuyến cáo, trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/1 đơn vị đột quỵ.

"Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ cần 400 đơn vị đột quỵ (cho 200.000 ca) trong những năm tới. Chí ít cũng phải 200, để đạt con số 1.000 bệnh nhân/năm/đơn vị đột quỵ. Hy vọng sẽ đạt được con số 200 đơn vị đột quỵ trong 8 năm tới", PGS Thắng chia sẻ.

PGS Nguyễn Huy Thắng cho biết thêm cho đến nay, điều trị tái thông (rtPA và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học) được xem là liệu pháp điều trị mang lại lợi ích rất lớn cho các bệnh nhân đột quỵ. Tuy vậy, ngay cả tại những nước phát triển, tỉ lệ bệnh nhân hưởng lợi từ phương pháp này là khá khiêm tốn.

Việc thành lập các đơn vị đột quỵ, với đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng đào tạo chuyên biệt được xem là chiến lược mang lại lợi ích cho cộng đồng lớn nhất tại nhiều quốc gia. (Theo báo tuoitre.vn).

 

Nhức nhối nạn mạo danh bác sĩ, bệnh viện

Mặc dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, phê phán nhưng tình trạng giả mạo bác sĩ, thương hiệu bệnh viện lớn vẫn tiếp tục tái diễn với nhiều hình thức trắng trợn và tinh vi hơn.

Đã đến lúc cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để không còn cảnh những cá nhân, doanh nghiệp trục lợi trên uy tín thương hiệu của bệnh viện, bác sĩ nhằm lừa đảo người dân.

Đủ trò giả mạo

Có nhu cầu nâng cấp vòng 1 và biết đến danh tiếng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lâu, chị P.T.H. (32 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) tìm thông tin trên mạng xã hội. Bất ngờ, chị H. tìm được nhiều thông tin liên quan với các trang khác nhau như: Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn, Thẩm mỹ Chợ Rẫy, “Khoa Phẫu Thuật Tạo Hình - BV Cho Ray”…

Kết nối với trang “Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy”, chị H. được giới thiệu các dịch vụ thẩm mỹ vùng ngực với giá cả ưu đãi kèm với lời cam đoan do các bác sĩ đầu ngành thực hiện. Tuy nhiên, địa chỉ mà trang thông tin này hiển thị lại ở 792 đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM. Nghi ngờ, chị H. hỏi một người bạn đang sinh sống tại TPHCM và biết được đây không phải địa chỉ của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thử kết nối với một trang khác có tên “Khoa Phẫu Thuật Tạo Hình - BV Cho Ray”, chị H. tiếp tục được “dụ” đến một phòng khám trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM. “Nếu như không cẩn thận hỏi thông tin từ bạn bè thì tôi không biết được đâu là cơ sở của Bệnh viện Chợ Rẫy thật, đâu là cơ sở giả mạo”, chị H. chia sẻ.

Một trường hợp khác, do mắc hội chứng rối loạn cương dương nên anh P.M.N. (35 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) tìm kiếm thông tin bác sĩ, nơi điều trị trên mạng xã hội. Trong một lần tìm kiếm, anh tìm thấy trang “Bác sĩ Nam khoa - Bệnh viện Bình Dân”. Từng biết Bệnh viện Bình Dân TPHCM nổi tiếng với chuyên khoa Nam học nên anh N. kết nối và được một người xưng là “bác sĩ Trang”, công tác tại Bệnh viện Bình Dân tư vấn tận tình.

Biết anh N. ngại đến nơi đông người, bác sĩ Trang khuyên anh nên đến phòng khám riêng của mình để được thăm khám với cam kết “giá theo dịch vụ nhà nước”. Sau khi đến địa chỉ theo hướng dẫn của bác sĩ Trang, anh N. mới tá hỏa vì đây là Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu, không phải là phòng khám của bác sĩ khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân. Nhận thấy có dấu hiệu không rõ ràng, anh N. từ chối khám.

Giả mạo thương hiệu, đặt tên giống với tên các bệnh viện lớn đã trở thành “chiêu” hút khách hàng của một số cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ trong những năm gần đây. Mới đây nhất, Bệnh viện Quân y 175 đã cảnh báo về tình trạng một số trang cá nhân và phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng thương hiệu Bệnh viện 175 như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân.

“Việc mạo danh, giả mạo thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện”, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 175, cho biết.

Phải có biện pháp mạnh tay

Là một trong những bác sĩ bị giả mạo tên tuổi thường xuyên để rao bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, chuyên môn của ông về nhiễm nhi nhưng hình ảnh bị cắt ghép vô tội vạ để bán các loại thuốc trị tiểu đường, thuốc trị cơ xương khớp, giãn tĩnh mạch và cả thuốc tăng sinh lý nam giới.

Dù đã nhiều lần lên tiếng khẳng định trên trang cá nhân không quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào nhưng ông vẫn rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi bị người bệnh “mắng vốn”. “Một người nhắn cho tôi bảo là vì tin tôi nên đã mua 8 lọ thuốc trị tiểu đường do tôi quảng cáo nhưng sau khi uống thì đường huyết tăng gấp đôi so với trước. Người này mắng tôi là lừa đảo, không có đạo đức. Tôi đã đính chính nhiều lần nhưng vẫn có người bệnh bị lừa”, bác sĩ Trương Hữu Khanh giãi bày và cho biết, nếu trước đây kẻ gian chủ yếu cắt ghép hình ảnh ông để gắn thông tin quảng cáo thì nay dùng chiêu thức tinh vi hơn bằng cách thiết kế một bài viết giống như bài phỏng vấn trên báo chính thống, ghép hình ảnh và quảng cáo thuốc… khiến người bệnh dễ dàng mắc bẫy hơn.

Theo các chuyên gia, việc mạo danh bệnh viện và các bác sĩ nổi tiếng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Với người dân, do tin tưởng thương hiệu bệnh viện và uy tín bác sĩ nên tìm đến những nơi giả mạo. Có người dù mất tiền nhưng bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Còn với bệnh viện và bác sĩ bị giả mạo thì bị sụt giảm uy tín nghiêm trọng.

TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, cho biết, dù đơn vị đã đăng ký bảo hộ thương hiệu từ lâu nhưng vẫn là nạn nhân của chiêu mạo danh trên mạng. “Dễ bị mắc bẫy lừa giả mạo nhất là những người bệnh từ các tỉnh thành lên TPHCM thăm khám tại các bệnh viện tuyến cuối nhưng lại bị lừa đến một cơ sở khác. Điều này vừa ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh trong khi uy tín xây dựng trong suốt hàng chục năm của bệnh viện và bác sĩ bị tổn hại”, TS-BS Mai Bá Tiến Dũng bày tỏ.

Để chấm dứt tình trạng mạo danh bệnh viện, bác sĩ nhằm trục lợi, các chuyên gia cho rằng những cơ sở y tế, bác sĩ bị giả mạo lên tiếng cảnh báo thôi là chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và người dân. Trước khi lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh hay cơ sở thẩm mỹ, người dân có thể kiểm tra tính hợp pháp của các cơ sở này thông qua cổng tra cứu của ngành y tế.

Ngoài ra, có thể gọi đến đường dây nóng của bệnh viện để phản ánh hoặc xác minh thông tin. Tại TPHCM, người dân có thể truy cập cổng tra cứu hoạt động khám chữa bệnh tại địa chỉ: thongtin.medinet.org.vn để kiểm tra. Với thực phẩm chức năng, người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm. (Theo báo saigongiaiphong.vn)./.

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.230
Tháng 07 : 20.427
Năm 2024 : 1.159.734
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.958.248