• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 06/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Nam bệnh nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini đã giao tiếp được; Cận cảnh nhân viên y tế lấy thân 'làm mồi' nhử muỗi trong đêm; Tham gia BHYT học sinh, sinh viên, phải phẫu thuật nội soi dạ dày có được thanh toán không?; Chuyên gia Australia giúp Việt Nam nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng; Cách tính giá dịch vụ khám chữa bệnh từ năm sau sẽ thế nào.

Nam bệnh nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini đã giao tiếp được

Nạn nhân nặng nhất của vụ cháy chung cư mini hiện đã được rút canuyn mở khí quản tự thở, đang tập vận động.

Về tình hình điều trị nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nam bệnh nhân N.V.C (37 tuổi, Lữ đoàn Thông tin 21 Bộ đội Biên phòng) - là nạn nhân nặng nhất của vụ cháy chung cư mini hiện đã không còn phải thở máy, bệnh nhân đã được rút canuyn mở khí quản tự thở.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã có thời điểm, các bác sĩ rất lo ngại về nhận thức của bệnh nhân, tuy nhiên hiện tại bệnh nhân bước đầu đã giao tiếp được, dù còn chậm. Các bác sĩ tiếp tục phục hồi chức năng và vận động tránh cứng khớp hay loét do tì đè.

Cùng với đó, các bác sĩ cũng bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Hôm nay, các y, bác sĩ và đồng đội đã cùng bệnh nhân tập vận động.

Bệnh nhân C. đã trải qua 22 ngày điều trị, chăm sóc và theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai. Những tiến triển về sức khỏe của bệnh nhân này đến nay không chỉ là niềm vui của gia đình người bệnh mà còn là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân là nạn nhân nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini ngày 12/9 được đưa vào cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai rạng sáng 13/9 trong tình trạng tím tái, ngộ độc CO2 nặng, tiên lượng rất nặng, nguy kịch. Bệnh nhân đã được các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu (A9) điều trị, sau đó chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, ngay ở thời điểm nhập viện, nam bệnh nhân đã hôn mê nguy kịch do bị ngạt khói, phổi của bệnh nhân bị ám đen vì khói độc. Liên tục trong các ngày đầu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, ngày nào các bác sĩ cũng tích cực rửa phổi, thế nhưng đến ngày thứ 6, dịch phổi hút ra vẫn có màu đen kịt.

Các bác sĩ đã ngày đêm nỗ lực điều trị chống độc và hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã liên tục hội chẩn, thậm chí hội chẩn cả cùng chuyên gia nước ngoài để có giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong vụ cháy chung cư mini, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị và chăm sóc 31 bệnh nhân. (Theo báo nhandan.vn).

 

Cận cảnh nhân viên y tế lấy thân 'làm mồi' nhử muỗi trong đêm

Để bắt được những con muỗi truyền bệnh sốt rét, các nhân viên y tế dùng chính thân mình làm mồi nhử. Trong bóng tối, họ kiên trì ngồi yên, phơi đôi chân trần để muỗi đốt.

 

Hơn 22 giờ ngày 3/10, chúng tôi theo chân các nhân viên khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đi “làm mồi nhử muỗi”. Tại bìa rừng phòng hộ Cần Giờ (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM), trong bóng đêm, các nhân viên bắt đầu xắn ống quần, để lộ đôi chân trần dụ muỗi đến “ăn”.

Không dám động đậy dù rất ngứa, các nhân viên cố gắng để muỗi bám đậu càng nhiều càng tốt. Chốc chốc, các nhân viên mới soi đèn pin để quan sát những con muỗi đang “say mồi” bám đầy trên đôi chân. Trong hàng chục con muỗi ấy, họ phải tinh mắt để phát hiện ra con muỗi truyền bệnh sốt rét, sau đó dùng ống nghiệm đã chuẩn bị sẵn để bắt.

Để ngừa nguy cơ mắc sốt rét, các nhân viên y tế trước khi dấn thân vào "nghiệp" làm mồi dụ muỗi này đều uống thuốc phòng. Sau mỗi lần "làm mồi", họ hạn chế gãi để làm vết đốt thêm sưng tấy. Để tự nhiên khoảng một đến hai ngày sẽ tự khỏi. Theo các nhân viên khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC, điều may mắn là đến nay, chưa có ai bị nguy hiểm gì. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơ là.

Thạc sĩ Mai Xuân Phán - Phó khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính cho biết, tại TPHCM hiện có hai điểm mà lịch sử bệnh sốt rét đã được lưu hành cần được theo dõi giám sát muỗi theo định kỳ hằng tháng, gồm Nhà Bè và Cần Giờ. Việc này nhằm mục đích đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân và cơ quan chuyên môn chủ động có giải pháp diệt muỗi.

Theo ông Phán, có nhiều cách bắt muỗi khác nhau như bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày và ban đêm, ở ngoài nhà ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi; đặc biệt là lấy thân mình làm mồi ban đêm để bắt.

Trước đây, người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên hiện nay, Thông tư nói trên hết hiệu lực. Do đó, TPHCM đưa ra đề xuất hỗ trợ khác.

Theo đó, TPHCM dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm; chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; chi hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch với 3.000 đồng/hộ/lần. (Theo báo tienphong.vn).

 

Tham gia BHYT học sinh, sinh viên, phải phẫu thuật nội soi dạ dày có được thanh toán không?

Học sinh sinh viên khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Trên thực tế, không ít học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng/người/năm...

Học sinh có hộ khẩu địa phương khác có thể đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Hà Nội không?

Thông tin tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "BHYT học sinh, sinh viên đồng hành cùng năm học mới" 2023-2024 do BHXH TP Hà Nội vừa tổ chức, trước những ý kiến quan tâm của người dân về việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT, cụ thể "Học sinh học THCS tại Hà Nội, hộ khẩu thường trú ở Bắc Ninh. Vậy trường hợp này có thể đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội được không?", ông Ngô Trung Tứ - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu-Sổ của BHXH TP Hà Nội cho hay, theo Điều 8 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT quy định người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã/huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Tứ, nếu học sinh đang học ở Hà Nội thì có quyền đăng ký tham gia khám chữa bệnh BHYT tại Hà Nội và khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu phải thuộc danh mục các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu được phép đăng ký theo Công văn số 5725/HD-YT-BHYT ngày 16/12/2022  của Liên ngành Y tế - Bảo hiểm xã hội thành phố về việc hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu trên địa bàn thành phố Hà Nội; Công văn số 1268/HD-YT-BHXH ngày 29/3/2023 của Liên ngành Y tế- Bảo hiểm xã hội thành phố về hướng dẫn bổ sung đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu trên địa bàn thành phố.

Đồng thời ông Tứ cũng cho hay, học sinh sinh viên có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế nơi cư trú theo Văn bản hướng dẫn của BHXH tỉnh nơi cư trú (nếu có nhu cầu).

Đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại 1 bệnh viện có được khám thông tuyến

Trước quan tâm của người dân về vấn đề chuyển tuyến khi tham gia BHYT đối với học sinh sinh viên, cụ thể "Học sinh sinh viên đăng ký BHYT tuyến đầu ở Bệnh viện Đống Đa, có thể khám thông tuyến các bệnh viện tuyến TP. Hà Nội được không?"

Về nội dung này, bà Nguyễn Lệ Hằng - Phó Trưởng phòng Giám định BHYT 1 thông tin: Tại Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT: Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:

Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng theo tỷ lệ: Tại bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố là 100% chi phí điều trị nội trú. 

"Vì vậy học sinh, sinh viên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thì được thanh toán theo mức hưởng theo tỷ lệ 100% khi điều trị nội trú tại các Bệnh viện tuyến thành phố Hà Nội. Đối với trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú tại các Bệnh viện tuyến thành phố thì không được quỹ BHYT chi trả"- bà Hằng thông tin.

"Tham gia BHYT học sinh, sinh viên, gần đây tôi phải phẫu thuật nội soi dạ dày. Vậy tôi có nằm trong đối tượng được hưởng BHYT không? Nếu được thì làm thế nào để được hưởng ở mức cao nhất?"- trước quan tâm này của người dân, bà Nguyễn Lệ Hằng cho biết: Tham gia BHYT theo nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên sẽ được cấp thẻ BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi nêu trên khi được chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật nội soi dạ dày, học sinh sinh viên cần đi khám chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và xuất trình đầy đủ thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh sẽ chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT cho con của bạn theo quy định.

Bà Hằng thông tin thêm: Tại tiết đ Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định: Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (10.800.000 đồng), trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Chuyên gia Australia giúp Việt Nam nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng

Trong nhiều thập kỉ qua ngành y tế dự phòng đã phát triển theo hướng toàn diện, chăm sóc sức khỏe, lấy con người làm trung tâm, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng...

Chiều 5/10, các chuyên gia y tế từ Đại học Queensland (Australia) đã có buổi làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội nhằm phát triển các dự án hợp tác với mục đích nâng cao năng lực của hệ thống y tế và tăng cường sức khỏe cho người dân Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Trò chuyện với các chuyên gia Úc, GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, với quan điểm "Y tế dự phòng tích cực, chủ động" của Chính phủ Việt Nam, trong nhiều thập kỉ qua ngành y tế dự phòng đã phát triển theo hướng toàn diện, chăm sóc sức khỏe, lấy con người làm trung tâm, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng. 

Những nỗ lực này đã làm tăng tuổi thọ của người dân Việt Nam, giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm và đạt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV/AIDS, lao, sốt rét, giảm suy dinh dưỡng trẻ em.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, những thành tựu đó của ngành y tế trong lĩnh vực y học dự phòng có sự đóng góp to lớn của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng. Trong nhiều năm qua, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng luôn là một đơn vị dẫn đầu trong đổi mới dạy học, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, có tác động xã hội tích cực trong tham gia vận động xây dựng các chính sách chiến lược y tế và chăm sóc sức khoẻ. Viện là nơi phát triển và triển khai những dự án giúp thay đổi phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng viên của Nhà trường và của ngành.

Hàng năm Viện cũng là đơn vị có đóng góp số công trình xuất bản lớn nhất Nhà trường với hàng trăm bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Đặc biệt công tác phát triển hợp tác quốc tế luôn được Viện quan tâm và mở rộng nhằm nâng tầm chiến lược để sánh vai với các viện, trường đại học lĩnh vực y học dự phòng - y tế công cộng trong khu vực và quốc tế. 

"Dấu mốc quan trọng trong hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế đó là từ năm 2016 với sự hỗ trợ của USAID thông qua mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Đông Nam Á và Việt Nam Viện đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế  về y tế công cộng lần đầu tiên ở Việt nam, cho đến nay đã được tuyển sinh được 8 khóa với đa dạng học viên đến từ nhiều nước trên thế giới và trong khu vực"- GS.TS Tạ Thành Văn nói.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, những năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội từng bước quốc tế hóa các chương trình đào tạo hiện có và các chương trình đào tạo cho các ngành mới mở, tăng cường các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên quốc tế, mở các khóa học tiến tới tổ chức các khóa đào tạo, liên kết đào tạo đại học quốc tế tại trường.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội hy vọng qua sự hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa Đại học Queensland và các đối tác tại Việt Nam, sẽ có nhiều giảng viên của trường Đại học Y Hà Nội được tham dự bậc học tiến sỹ tại Đại học Queensland trong thời gian gần nhất.

Trong 2 ngày (4-5/10), tại Trường Đại học Y Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chiến lược về hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa Đại học Queensland và các đối tác tại Việt Nam do Đại học Queensland và Trường ĐH Y Hà Nội đồng tổ chức.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có các cuộc thảo luận hiệu quả, đặt nền móng cho các dự án hợp tác.

"Tôi tin rằng Hội thảo hợp tác chiến lược hôm nay sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong phát triển hợp tác giữa Đại học Queensland với các đối tác Việt Nam nói chung, và với trường Đại học Y Hà Nội nói riêng. Tôi tin rằng với những thành tựu đã có, với nguồn lực nổi bật và truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tích cực, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng sẽ đảm nhiệm tốt vai trò đầu mối trong hợp tác quan trọng này"- GS.TS Tạ Thành Văn nhấn mạnh.

Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 841/TTg, ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, trong đó các mục tiêu về lĩnh vực y tế như chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, lao, sốt rét, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên; giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm.

Để đạt được các mục tiêu này cần sự nỗ lực và phối hợp của tất cả các đơn vị ngành y tế trong nước, và đặc biệt chúng tôi cũng luôn mong muốn có sự hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

 

Cách tính giá dịch vụ khám chữa bệnh từ năm sau sẽ thế nào?

Theo dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế soạn thảo, các yếu tố hình thành giá bao gồm giá thành toàn bộ dịch vụ, tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) và các nghĩa vụ tài chính. Hiện tại giá dịch vụ y tế mới tính chi phí trực tiếp và tiền lương.

Các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này áp dụng cho các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), do ngân sách nhà nước thanh toán, theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi do quỹ BHYT chi trả. 

Giá này bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện dịch vụ gắn với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm định giá, tích lũy và lợi nhuận dự kiến.

1. Bảo đảm bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh chữa bệnh, phù hợp với quan hệ cung cầu dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, bảo toàn vốn và có tích lũy theo quy định của pháp luật.

2. Phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ

3. Hài hòa lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở khám chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh.

4. Các yếu tố hình thành giá, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh chữa  bệnh đảm bảo phù hợp tại thời điểm định giá. Giá dịch vụ khám bệnh chữabệnh được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn khi có biến động.

5. Tiêu chí xác định chi phí để hình thành giá phù hợp với từng phương pháp định giá.

6. Khuyến khích các đơn vị cung ứng dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ và phấn đấu giảm chi phí.

Theo Bộ Y tế, phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh. Các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là:

Giá thành toàn bộ dịch vụ gồm chi phí nhân công (tiền lương, tiền công, phụ cấp, thuê chuyên gia, thu nhập bình quân tăng thêm...), chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, máu, điện, nước, xử lý chất thải, kiểm soát nhiễm khuẩn…), chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…)

Tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) không quá 10% tổng chi phí cấu thành giá.

Các nghĩa vụ tài chính (các khoản phí, lệ phí, thuế, thuế sử dụng đất/chi phí thuê đất…).

Mỗi bác sỹ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ

Tại dự thảo Thông tư này, Bộ Y tế nêu rõ các cơ sở khám chữa bệnh phải niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để người bệnh biết, lựa chọn.

Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu: Phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, các khoa điều trị; mua bổ sung, thay thế: bàn, ghế, giường, tủ, xe đẩy, điều hòa nhiệt độ, quạt, đèn sưởi, quạt sưởi, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa; chăn, ga, gối, đệm, chiếu; … để bảo đảm điều kiện chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn y tế, đặc biệt là việc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú; chuyển tuyến, sử dụng dịch vụ, thuốc, vật tư theo đúng quy định.

Bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề (trừ số giường bệnh theo yêu cầu do đơn vị vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo quy định để đầu tư khu vực khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu độc lập với khu vực khám bệnh, chữa bệnh thông thường);

Bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT, người không có thẻ BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới;

Việc trích lập các quỹ từ chênh lệch thu lớn hơn chi của các hoạt động  khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc: Tăng tỷ lệ trích lập quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư cho cả khu vực khám bệnh, chữa bệnh thông thường và khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; Trích lập và tăng dần mức trích lập quỹ Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời xây dựng quy chế để hỗ trợ người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị.

Đối với dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu:  Diện tích cho 01 chỗ khám bệnh tối thiểu phải bằng diện tích khám bệnh quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4470:2012; Bảo đảm mỗi bác sỹ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 08 giờ; Đối với dịch vụ giường điều trị, một phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 04 giường và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng/01 giường theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4470:2012. 4; Phần chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế do người bệnh tự chi trả.

Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức đối tác công tư kết hợp thì căn cứ quy định tại Thông tư này, quy mô đầu tư để xây dựng và quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm công khai, minh bạch và theo đúng các quy định về đầu tư theo phươnh thức đối tác công tư.

Thông tư này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.542
Tháng 07 : 19.739
Năm 2024 : 1.159.046
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.560