• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 05/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Tổng Giám đốc WHO chúc mừng những thành tựu của ngành Y tế Việt Nam; Không chủ quan với bệnh đau mắt đỏ; Dịch sốt xuất huyết tăng cao, thiếu nhóm máu A cho điều trị; Thanh Hóa: Cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch; Lào Cai: Bùng phát dịch đau mắt đỏ, số người mắc tăng nhanh; Thực hư thông tin đeo kính áp tròng ban đêm chữa cận, loạn, viễn thị không cần phẫu thuật; Đã ghi nhận hơn 93.800 ca sốt xuất huyết, nhiều trường hợp trẻ nhưng diễn biến nặng nề khi mắc.

 

Tổng Giám đốc WHO chúc mừng những thành tựu của ngành Y tế Việt Nam

Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định WHO tự hào khi chứng kiến những thay đổi trong lĩnh vực y tế của Việt Nam như tuổi thọ tăng, giảm đáng kể các loại bệnh có thể phòng ngừa, mở rộng hệ thống BHYT.

Hòa trong không khí chúc mừng những thành tựu đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội những năm qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 5/10 đã gửi video chúc mừng.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngay đầu video, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói “Xin chào," kèm với đó là lời chúc mừng tới chính phủ và nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).

Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Tôi rất tự hào khi chứng kiến những thay đổi trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam trong hàng chục năm qua. Kể từ năm 1945, tuổi thọ của người dân ở Việt Nam đã tăng thêm nhiều năm, với việc ghi nhận giảm đáng kể các loại bệnh có thể phòng ngừa được, bao gồm cả việc loại bỏ bệnh bại liệt ở Việt Nam, cũng như đạt được những bước tiến lớn trong giải quyết các loại bệnh như sốt rét, HIV, lao…”

Người đứng đầu WHO đánh giá: “Việt Nam cũng mở rộng được hệ thống Bảo hiểm y tế xã hội, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tiến bộ cũng đạt được trong việc giải quyết các yếu tố rủi ro đối với các bệnh không lây nhiễm như giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Gần đây, Việt Nam cũng cho thấy khả năng phản ứng mạnh mẽ trước đại dịch COVID-19, bao gồm việc triển khai tiêm vaccine một cách toàn diện và nhanh chóng, cũng như luôn hướng đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhất."

Cuối đoạn video, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định WHO tự hào là đối tác tin cậy của chính phủ và người dân Việt Nam.

WHO cam kết tiếp tục duy trì phối hợp và hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trên hành trình mang lại cuộc sống khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho toàn thể người dân Việt Nam. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Không chủ quan với bệnh đau mắt đỏ

Bộ Y tế cho biết, số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang tăng cao tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Ðà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây lan… nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Thời gian qua, nhiều người bệnh chủ quan, không điều trị đúng cách nên bệnh kéo dài, thậm chí gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực.

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) là tình trạng một lớp màng phủ ở phía trước lòng trắng và mặt sau của mi mắt. Bệnh xuất hiện sau khi tiếp xúc nguồn lây từ năm đến bảy ngày, đầu tiên với triệu chứng đỏ mắt, sau đó sưng mí, chảy nước mắt và gỉ ghèn, dính chặt mi mắt sau khi ngủ dậy. Mắt cộm cảm giác như có dị vật, tuy nhiên không đau nhức, không mờ mắt. Ðây là một điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh đỏ mắt do các nguyên nhân nguy hiểm khác như viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, glaucoma…

Các bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa cho biết, bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài từ một đến hai tuần, tùy độc lực của tác nhân và phản ứng của cơ thể. Trong quá trình diễn biến của bệnh, có thể gây ra những triệu chứng nặng như xuất hiện giả mạc, trợt loét giác mạc; mắt sưng nề hơn và cộm chói nhiều khó mở mắt, chảy nước mắt mầu hồng vì có lẫn máu, khi lật mi lên sẽ thấy xuất hiện lớp màng dày trắng ở mặt trong của mi mắt. Lớp màng này nếu để lâu sẽ dày cứng, cọ xát vào giác mạc (tròng đen), làm giác mạc bị trầy xước hoặc trợt rộng, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc. Ở giai đoạn lui bệnh (thường từ năm đến bảy ngày) có thể xuất hiện các biến chứng viêm ở trên giác mạc. Tình trạng viêm này có thể xuất hiện ở lớp biểu mô hoặc dưới biểu mô, thường kéo dài, hay tái phát cho nên người bệnh nên cần được theo dõi và điều trị.

Bệnh đau mắt đỏ thường lây do tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn của nước bọt, hoặc bắt tay, dùng chung khăn, chậu rửa mặt. Bệnh cũng lây gián tiếp qua các tiếp xúc trung gian như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, nước bể bơi... Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng, như: vi-rút, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng... trong đó nguyên nhân chủ yếu là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỷ lệ khác nhau và tùy theo vùng dịch tễ. Với mỗi loại vi-rút có những đặc điểm riêng, như Enterovirus có thể gây bệnh cấp tính và diễn biến nặng, trong khi đó Adenovirus hay gây ra viêm giác mạc mạn tính... Bệnh thường xảy ra khi giao mùa, nhất là từ hè sang thu và lây lan mạnh trong cộng đồng thành dịch. Năm nay, dịch xảy ra đúng mùa tựu trường khiến số ca mắc càng tăng cao.

Nhìn chung bệnh thường lành tính, ít gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực nhưng lại ảnh hưởng nhiều sinh hoạt, học tập và công việc. Bệnh sẽ khỏi sau khoảng 4-5 ngày, nếu được phát hiện và điều trị đúng. Nhưng nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến khó điều trị hơn. TS Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, mặc dù chưa có những số liệu thống kê, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ðặng Xuân Nguyên (Hội Nhãn khoa Việt Nam), điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi, dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn. Các chế phẩm dinh dưỡng kết giác mạc hay được dùng như các dạng nước mắt nhân tạo giúp tăng cường khả năng hồi phục của bề mặt nhãn cầu, làm giảm kích ứng và giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt. Các thuốc kháng viêm dạng corticoid có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể xuất hiện tình trạng viêm quá mức. Việc dùng các loại thuốc này phải do các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài...

Ngoài ra, khi mắt có giả mạc thì phải được làm thủ thuật bóc giả mạc, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề. Thủ thuật này phải được làm ở phòng tiểu phẫu vô trùng để tránh bội nhiễm các vi khuẩn khác. Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc sử dụng các mẹo dân gian trị đau mắt đỏ, các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo không nên sử dụng các phương pháp đó. Như việc sử dụng lá trầu không để xông mắt, thì trong lá trầu có tinh dầu nóng, khi vừa xông xong, người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm (lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh), nhưng sau đó mắt sẽ càng phù nề, bệnh càng trở nặng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, nhiễm khuẩn nặng hơn. Tương tự, việc đắp lá diếp cá, đắp nha đam vào vùng mắt khi bị đau mắt đỏ rất dễ gây cho mắt bội nhiễm hơn vì diếp cá, nha đam thường không được xử lý bảo đảm vô trùng... Do đó người dân cần tránh các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng vì đã có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng nề khó hồi phục thị lực...

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Các đơn vị liên quan bên cạnh tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, cần chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế; tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong trường học...

Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, để phòng tránh bị nhiễm bệnh, trong mùa dịch nên hạn chế chỗ đông người, đeo khẩu trang và kính mắt khi tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc cồn sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với các đồ vật ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ghế ngồi công cộng, máy tính công cộng... rửa mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Trong các trường học nên tổ chức vệ sinh không gian sinh hoạt học tập, vui chơi bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt. Bệnh nhân đau mắt đỏ cần tăng cường ý thức vì cộng đồng để tránh lây nhiễm cho người khác. (Theo báo nhandan.vn).

 

Dịch sốt xuất huyết tăng cao, thiếu nhóm máu A cho điều trị

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, hiện lượng máu dự trữ ở mức thấp, chỉ đáp ứng 50% so với nhu cầu cho các cơ sở y tế.

Lượng máu dự trữ của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trong vài tuần gần đây đều ở mức thấp. Đặc biệt, nhóm máu A chỉ chiếm 10-12% tổng lượng máu, trong khi mức dự trữ an toàn cần đến 20-25%. Điều này dẫn đến việc cung cấp máu và chế phẩm máu nhóm A cho các cơ sở y tế hạn chế, có thời điểm chỉ đáp ứng 50% so với nhu cầu.

Nguyên nhân của tình trạng này là nhu cầu sử dụng máu và chế phẩm máu tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc thời gian gần đây tăng cao hơn, cùng với áp lực phải hỗ trợ cho khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, năm 2023, nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm máu của các cơ sở y tế khu vực phía bắc đều tăng khoảng 10%.

Trong 9 tháng đầu năm, viện đã cung cấp được hơn 625.000 đơn vị chế phẩm máu tới 178 cơ sở y tế tại 29 tỉnh, thành phố.

Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2023, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã cung cấp 30.614 đơn vị máu (khối hồng cầu) với 41 lượt vận chuyển cho Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ. Đồng thời cung cấp 14 lần với 7.313 đơn vị chế phẩm máu cho Trung tâm Huyết học-Truyền máu Đắk Lắk, trong đó có gần 1.500 đơn vị huyết tương.

Đây là lần đầu tiên viện thực hiện vận chuyển chế phẩm huyết tương bằng đường hàng không và đã bảo đảm duy trì nhiệt độ bảo quản thùng huyết tương luôn ở mức -30 độ C trong thời gian vận chuyển dài.

Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết bùng phát với nhiều ca chuyển nặng cũng khiến nhu cầu máu, đặc biệt là chế phẩm tiểu cầu tăng lên. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (25/9-1/10), thủ đô đã ghi nhận 2.578 ca sốt xuất huyết mới tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Để bảo đảm nhu cầu máu và chế phẩm máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương kêu gọi mọi người thu xếp thời gian tham gia hiến máu nhóm A tại Viện, 5 điểm hiến máu cố định và các điểm hiến máu lưu động do cơ quan, địa phương tổ chức. (Theo báo nhandan.vn)

 

Thanh Hóa: Cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch

Ngày 4/10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện vừa cứu sống 1 bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch vì bị cột bê-tông đổ, đè vào người, gây đa chấn thương.

Trước đó, anh Nguyễn Văn K., 52 tuổi, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị cột bê-tông đổ, đè lên người khi đang lao động. Bệnh nhân bị chảy máu vùng lưng, đau nhiều, hoảng loạn, được người nhà đưa đến cơ sở y tế sơ cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch, sốc mất máu, da niêm mạc nhợt, nhịp thở nhanh, Sp02 không đo được, huyết áp tụt; các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng hồi sức tích cực, dùng vận mạch liều cao ổn định huyết áp cho bệnh nhân, làm một số xét nghiệm lâm sàng.

Hội chẩn cấp cứu liên chuyên khoa nhận định: Bệnh nhân sốc đa chấn thương rất nặng, tổn thương nhiều cơ quan, chấn thương bụng kín, vỡ khung chậu, gãy xương cẳng chân phải, nguy cơ tử vong cao, khẩn trương mổ cấp cứu.

Ê-kíp phẫu thuật tiến hành gây mê nội khí quản, mở ổ bụng bệnh nhân, phát hiện máu tươi lẫn máu cục trong ổ bụng, toàn bộ phúc mạc thành sau 2 bên tụ máu, đụng dập mạc treo trực tràng, đại tràng 2 bên, mạc treo ruột non cách góc hồi manh tràng 20cm rách lớn chảy máu, đụng dập đoạn ruột non tương ứng, qua ổ bụng sờ thấy khung chậu phải vỡ nhiều vị trí.

Sau 2 giờ xử trí, làm việc căng thẳng, các bác sĩ, nhân lực y tế thực hiện thành công ca phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân. Tập thể khoa Gây mê hồi sức tiếp tục theo dõi chặt chẽ, hồi sức tích cực cho bệnh nhân, bảo đảm hô hấp, tuần hoàn, truyền máu, huyết tương, sử dụng thuốc điều chỉnh rối loạn đông máu…

Qua hai tuần được điều trị tích cực, chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, được xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Gia Thành, Phó trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Phẫu thuật chấn thương bụng kín là 1 trong những cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp cần phải thực hiện phẫu thuật nhanh chóng, không thể trì hoãn và cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa để làm giảm nguy cơ tử vong do mất máu cấp, nâng cao hiệu quả cứu sống người bệnh. Đồng thời cần phối hợp hồi sức tốt để ổn định huyết động, tránh những rối loạn nặng phát sinh sau chấn thương và theo dõi xử lý tốt các biến chứng có thể có trong và sau phẫu thuật.

Bệnh nhân Nguyễn Văn K. là 1 trong những trường hợp chấn thương bụng kín rất nặng được cấp cứu thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. (Theo báo nhandan.vn)

 

Lào Cai: Bùng phát dịch đau mắt đỏ, số người mắc tăng nhanh

Chiều 4/10, Sở Y tế Lào Cai cho biết, dịch đau mắt đỏ bùng phát và số người mắc tăng nhanh, nhất là học sinh trong các trường học ở địa phương.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, từ ngày 12/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai ghi nhận 76 ổ dịch đau mắt đỏ, chủ yếu tại các trường học, với 7.808 trường hợp đau mắt đỏ, có 1.534 trường hợp đã khỏi và 6.274 trường hợp đang theo dõi.

Trong đó, huyện Mường Khương có số ca mắc nhiều nhất (3.604 ca), tiếp đến là thành phố Lào Cai (1.723 ca), các huyện Bảo Thắng (731 ca), Bảo Yên (678 ca), Văn Bàn (594 ca), Bát Xát (259 ca) và Bắc Hà (219 ca).

Trong ngày 4/10, có thêm 27 trường học có học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ, tại các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn và thành phố Lào Cai.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn cho các cơ sở y tế tuyến xã, phường tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân có biện pháp phòng ngừa, điều trị đau mắt đỏ.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động; trường hợp bệnh kéo dài gây biến chứng sẽ ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Mầm bệnh đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh 1 tuần.

Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh đau mắt đỏ. (Theo báo nhandan.vn)

 

Thực hư thông tin đeo kính áp tròng ban đêm chữa cận, loạn, viễn thị không cần phẫu thuật

Gần đây, có nhiều phụ huynh truyền tai nhau cho con sử dụng kính áp tròng ban đêm (Ortho-K) để kiểm soát độ cận thị, loạn thị, viễn thị không cần phẫu thuật. Phương pháp này hiệu quả đến đâu, chia sẻ của chuyên gia BV Mắt TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp độc giả có những thông tin hữu ích.

Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, BS.CKII Phan Hồng Mai - Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, kính áp tròng ban đêm (tên gọi là kính Ortho-K) là loại kính áp tròng cứng điều chỉnh các tật khúc xạ về mắt. Kính được đeo vào ban đêm trong lúc ngủ, giúp duy trì và hạn chế tăng độ cận thị. Nhờ đó ban ngày, người dùng sẽ vẫn nhìn thấy mọi vật, sinh hoạt, học tập, chơi thể thao mà không cần đeo kính gọng.

Đeo kính áp tròng ban đêm Ortho-K để ban ngày nhìn rõ

Theo BS.CKII Phan Hồng Mai, phương pháp đeo kính áp tròng ban đêm nguyên tắc là sẽ dùng kính áp tròng cứng đeo vào ban đêm để làm phẳng trung tâm giác mạc khi ngủ. Theo đó sẽ là làm bớt hoặc giảm bớt, hết cận thị tạm thời.

"Có nghĩa là nếu như ban đêm chúng ta đeo cái lens (kính áp tròng) đó thì ban ngày sẽ không phải đeo kính. Tuy nhiên, nếu như chúng ta ngưng một thời gian không đeo, có thể một ngày, hay vài ngày thì cái giác mạc nó trả lại cái độ cong ban đầu và cận thị nó sẽ quay trở lại", bác sĩ Mai chia sẻ.

BS.CKII Phan Hồng Mai nhấn mạnh, đeo kính Ortho-K không phải là phương pháp điều trị vĩnh viễn mà chỉ là tạm thời. Do đó, các em học sinh chưa đến tuổi phẫu thuật mà muốn không đeo kính thì có thể sử dụng phương pháp này.

Kính áp tròng ban đêm (Ortho-K) chỉ thích hợp với những người có độ cận thị, loạn thị thấp

Theo bác sĩ Mai, kính áp tròng ban đêm Ortho-K là loại kính áp tròng dạng cứng khi đeo vào ban đêm sẽ làm phẳng giác mạc hơn ở vùng trung tâm. Như vậy nó sẽ làm giảm cái công suất hội tụ của mắt, làm giảm cận thị đi.

Tuy nhiên kính mắt áp tròng ban đêm Ortho-K có chỉ định cho những người có độ cận và loạn thấp, không áp dụng được với những người có độ cận hay loạn thị cao, thích hợp cho người có độ cận từ 5 độ trở xuống và độ loạn dưới 1,5 độ.

Về độ an toàn của kính Orth-K, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM cho hay Ortho- K là một dạng kính áp tròng, bản thân nó không có nguy hiểm. Tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp với loại kính này.

Cũng theo bác sĩ Mai, việc giữ vệ sinh khi sử dụng kính Ortho-K rất quan trọng. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp sử dụng kính Ortho-K không đúng hướng dẫn sau đó bị viêm mắt, nhiễm trùng phải đến Bệnh viện Mắt TPHCM thăm khám và điều trị.

Ưu điểm và nhược điểm khi sử dụng kính áp tròng ban đêm

- Ưu điểm rõ ràng của Ortho- K theo bác sĩ Mai đó là, các bé bị cận thị nhẹ khi đeo kính áp tròng ban đêm, sáng ra tháo kính ra có thể đi học, sinh hoạt, chơi thể thao mà không cần phải đeo kính. Thứ hai là nó sẽ giúp kiểm soát tăng độ cận thị. Thực tế cho thấy, trẻ em dưới 18 tuổi không được chỉ định phẫu thuật laser cho dù phụ huynh có nguyện vọng. Như vậy, kính Ortho-K là một giải pháp tạm thời cho những người mà chưa có chỉ định phẫu thuật laser.

- Về nhược điểm, bác sĩ Mai cho hay, phương pháp Ortho-K đòi hỏi sự chăm sóc rất là nhiều, nếu như không chăm sóc kỹ thì rất nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ quá, chưa tự vệ sinh được kính thì không nên sử dụng.

"Tôi ví dụ một bé cỡ 5,6 tuổi thì rất khó cấm dụi mắt. Trong khi đó, vào ban đêm, khi bé đeo cái kính dạng cứng đó xong rồi dụi mắt thì nó sẽ rất nguy hiểm. Vậy nên, theo tôi chỉ nên đeo kính Ortho-K ở lứa tuổi mà trẻ em có thể hợp tác được với mình, cụ thể là trên 10 tuổi", bác sĩ Mai chia sẻ.

Những lưu ý khi dùng kính áp tròng Ortho-K ban đêm

Thứ nhất đó là cách đeo kính, lắp và tháo kính. Theo bác sĩ Mai, kính áp tròng ban đêm là kính cứng, nếu chúng ta đeo vào hoặc tháo ra không đúng nguyên tắc thì có thể làm trầy mắt. Chưa kể nếu kính áp tròng đó không được vệ sinh tốt, những chất tiết dơ bám vào trong kính không được vệ sinh hằng ngày đúng cách, thì những vi trùng từ kính đó sẽ gây nên viêm mắt người sử dụng, có những trường hợp làm mất thị lực.

"Chúng ta cần tuân thủ những nguyên tắc đeo kính đã được các chuyên gia hướng dẫn, ví dụ như là khi đeo kính áp tròng ban đêm đi ngủ thì chỉ đeo vào lúc ngủ chứ không đeo ban ngày. Tiếp đó là cần phải làm theo đúng hướng dẫn đeo kính vào, gỡ kính ra, vệ sinh kính thật tốt vì kính đó là kính tái sử dụng. Mỗi ngày phải tháo ra ngâm rửa, vệ sinh kỹ để sử dụng tiếp. Thời gian sử dụng kính Ortho-K tương đối lâu (theo chỉ định nhà sản xuất thì nó khoảng một năm)", bác sĩ Mai hướng dẫn.

Điều đặc biệt ở kính Ortho-K đó là, người sử dụng khi bị viêm, trầy lại thường ở ngay trung tâm giác mạc (ngay tầm nhìn của mình -PV). Nếu như viêm khác liên quan đến kính thường xảy ra ở chu biên, không nằm trong trục thị giác thì không ảnh hưởng nhiều nhưng đối với kính áp tròng Ortho-K này, nếu có viêm nhiễm, nhiễm trùng có để lại sẹo thì thường nằm ngay trung tâm giác mạc, dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn và không có thể hồi phục lại được.

Cũng theo BS.CKII Phan Hồng Mai, phương pháp Ortho-K luôn luôn có tác dụng đối với người trưởng thành bị cận thị. Tuy nhiên, phẫu thuật khúc xạ mắt bằng kỹ thuật laser sẽ được lâu dài hơn, tránh được những nguy cơ rủi ro hơn.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Mai, kính Ortho-K chỉ dùng cho người có độ cận thấp. Theo Tổ chức FDA (cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm hay Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ), phương pháp Ortho-K phù hợp cho người có độ cận từ 5 độ trở xuống và độ loạn dưới 1,5 độ.

Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều người sử dụng kính Ortho-K đại trà, có những người có độ cận thị cao vẫn dùng.

"Đó là chống chỉ định của FDA, FDA không cho phép và những trường hợp này dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Kính Ortho-K cần phải định tâm, có nghĩa là khi đi ngủ thì kính vẫn phải nằm ở trung tâm giác mạc. Do giác mạc cong nên cái kính phải ép ở ngay trung tâm giác mạc mới có hiệu quả. Nếu như kính lật, trượt đi thì hiệu quả Ortho-K sẽ không còn nữa và gây mất cái thị lực. Người có độ cận hay độ loạn cao quá thì kính đó không thể nào định tâm được và nếu để lâu ngày có khả năng bị xẹp giác mạc nhiều", bác sĩ Phan Hồng Mai khuyến cáo.

Về chi phí cho người sử dụng kính Ortho-K, bác sĩ Mai cho hay chi phí cho 2 mắt từ 10 đến 16 triệu đồng (tùy theo độ cận của người sử dụng, độ đơn giản hay phức tạp của mắt). (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Đã ghi nhận hơn 93.800 ca sốt xuất huyết, nhiều trường hợp trẻ nhưng diễn biến nặng nề khi mắc

Cả nước hiện đã ghi nhận hơn 93.800 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng, toàn thành phố đã ghi nhận trên 15.300 ca. Đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp trẻ nhưng diễn biến nặng nề khi mắc.

Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng, chuyên gia lý giải nguyên nhân

Theo thống kê, tuần 38/2023 cả nước ghi nhận 5.758 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước số mắc giảm 4,3%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm 5,6%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 93.814 trường hợp mắc, 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (228.490/117) số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp.

Tại Hà Nội, theo thống kê, trong tuần này, trên địa bàn thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9/2023). Như vậy, cộng dồn 9 tháng năm 2023, thành phố đã ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca), Đan Phượng (744 ca), Thanh Oai (723 ca).

Trao đổi với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống, TS Vũ Trọng Dược - Trưởng Văn phòng sốt xuất huyết phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho hay Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là xu thế chung về dịch tễ của cả khu vực, vì thông thường Hà Nội cũng như các tỉnh của khu vực miền Bắc thường ghi nhận ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào tháng 9, 10, ngoài ra năm nay còn có các yếu tố về thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho đàn muỗi véc tơ phát triển với mật độ cao, làm phát tán virus Dengue ở cộng đồng mạnh hơn.

Ngoài ra, Hà Nội có những đặc thù làm cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc, đó là giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông đúc làm cho muỗi dễ phát tán virus Dengue hơn. Nếu như có muỗi nhiễm virus thì sẽ có 'điều kiện' lây lan mạnh hơn các khu vực khác.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, theo thống kê, từ tháng 9, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết  tăng lên đáng kể. Hiện tại, cơ sở y tế này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhiều khoa. Các bệnh nhân được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó phần lớn là Hà Nội.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trẻ nhưng diễn biến nặng 

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.

"Những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong. Do đó, các cơ sở y tế và người bệnh phải chú ý để đến bệnh viện hoặc điều trị đúng, kịp thời" - bác sĩ Cấp lưu ý.

Có khoảng 5% bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện này có tình trạng nặng. Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp vì có nhiều bệnh cảnh khác nhau, bao gồm: Xuất huyết do thoát dịch, sốc do giảm tiểu cầu và chảy máu... Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết phải thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực đa phần đều là bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến rất nặng nề.

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết thời gian tới, Cục Y tế dự phòng cho hay, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.

Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.387
Tháng 07 : 20.584
Năm 2024 : 1.159.891
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.958.405