Cách bảo quản thực phẩm khi mưa bão kéo dài
Việc chọn được thức ăn tươi ngon, bảo quản thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh trong ngày mưa bão cần được các bà nội trợ chú ý.
Trước những thông tin về mưa bão (đặc biệt là những cơn bão được dự báo có cường độ mạnh), các gia đình nên chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ nguồn cung cấp thực phẩm cũng như nước uống. Việc tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong và sau ngày mưa bão sẽ giúp đảm bảo sức khỏe, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng tránh được một số bệnh tật. Dưới đây là những cách bảo quản thực phẩm an toàn, tươi ngon trong ngày mưa bão.
Giữ gìn vệ sinh tốt
Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch: Trước khi tiếp xúc với thực phẩm; Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; Sau mỗi lần đi vệ sinh.
Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.
Giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp và thực phẩm phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
“Ăn chín uống sôi”
Chọn thực phẩm tươi khi đó chế biến cần nấu chín ngay, nấu xong phải đạy lồng bàn chống ruồi, dán, bụi bặm; không ăn rau sống; không ăn tiết canh; không ăn mắm tôm, mắm tép sống; không ăn gỏi cá, hải sản sống; không ăn nem chạo, nem chua; không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh. Sử dụng nước sạch hoặc đã qua sử lý để sinh hoạt.
Đun, nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trứng và hải sản. Đun sôi thực phẩm và đảm bảo thực phẩm luôn được nấu kỹ. Đun kỹ lại thực phẩm chín và chỉ đun lại một lần. Thức ăn để trong ngăn đá phải giải đông hết mới chế biến, thức ăn để trong tủ lạnh trước khi ăn vẫn phải đun sôi lại mới được ăn. Không dùng tay bốc thức ăn.
Các thực phẩm được cứu trợ trong thời gian này như mỳ tôm cũng không nên ăn sống mà phải được nấu chín mới ăn. Không ăn uống bất cứ loại thức ăn hay đồ uống nào khi thấy có biểu hiện nghi ngờ không an toàn (màu sắc khác thường, mùi vị lạ, nguồn gốc không rõ ràng, để quá lâu…)
Tuyệt đối không cố chế biến thực phẩm từ các loại động vật đó chết vì lũ cuốn. Tuy không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm như ngày thường, nhưng người dân vẫn có thể sử dụng những thực phẩm thay thế khác, bảo đảm phần nào chất lượng bữa ăn.
Các loại thức ăn thông thường có thể thay thể trong điều kiện lương thực, thực phẩm hạn chế như: Nước tương, muối lạc, muối vừng,… tuy là những loại thức ăn đơn giản nhưng đủ khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, thậm chí cả vi chất cần thiết cho cơ thể vừa dễ chế biến, ít có nguy cơ bị ngộ độc thức ăn. Đậu đỗ làm giá đỗ, mít xanh luộc chín, các bộ phận của cây chuối (thân, củ, quả) chính là nguồn bổ sung thay thế rau xanh sau những ngày lũ khi nguồn rau xanh đó bị cạn kiệt.
Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín
Không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác.
Sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống.
Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa những thực phẩm sống và giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín.
Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
Hạn chế nấu thừa, việc đun lại thức ăn thừa sẽ làm giảm chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm.
Tránh vùng nhiệt độ không đảm bảo an toàn: Từ 5 đến 60 độ C
Làm lạnh ngay và bảo quản ở tủ lạnh tất cả các thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng khi không sử dụng ngay.
Giữ phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ >60 độ C trước khi ăn.
Theo Người Tiêu dùng