Sức khoẻ sinh sản vị thành niên vấn đề cần được quan tâm
Trong xã hội hiện đại, với sự "nở rộ" của các loại văn hóa phẩm, mối quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được "trẻ hóa"… khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục... thì việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho đối tượng vị thành niên đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuổi vị thành niên (VTN) là thời kỳ phát triển đặc biệt - thời kỳ xảy ra đồng thời hàng loạt biến đổi nhanh chóng cả về thể chất cũng như tâm lý và các mối quan hệ xã hội. VTN là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành. VTN có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù như thích thử nghiệm, thích khám phá năng lực bản thân, năng động, sáng tạo. Với những đặc điểm này, VTN liên tục đối mặt với những thách thức cũng như nguy cơ.
Tại Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 286.986 trẻ VTN, trong đó có 140.185 trẻ gái. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 7 trường hợp trẻ VTN, thanh niên chưa có gia đình mang thai ngoài ý muốn và 44 trường hợp VTN, thanh niên nạo, phá thai (cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017: 8 trường hợp). Tuy nhiên, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi hầu hết các đối tượng VTN mang thai ngoài ý muốn khi đến các địa chỉ thực hiện dịch vụ nạo phá thai đều yêu cầu giữ bí mật.
Đối với VTN, những nội dung về tình bạn, tình yêu trong sáng, tình dục an toàn cần phải được trao đổi thẳng thắn và phổ biến một cách rộng rãi, thường xuyên hơn. VTN có ưu điểm biết trao đổi với nhau những vấn đề về tình bạn. Tuy nhiên, tỷ lệ trao đổi về sức khỏe sinh sản của VTN với bạn bè cùng trang lứa còn thấp. Em Đậu Thanh P (Học sinh lớp 10 tại TP Hà Tĩnh) cho biết: Chủ đề bàn luận của chúng em trong thời gian rảnh chủ yếu là học hành, thi cử, thân hơn một vài đứa thổ lộ thích bạn nọ, bạn kia, còn chuyện liên quan đến vấn đề sức khỏe giới tính thì chúng em không bàn đến, phần vì ngại, phần sợ bạn bè đánh giá mình. Điều này cho thấy tình trạng chung của VTN hiện nay: sức khỏe giới tính được coi là điều thầm kín không nên bàn luận công khai. Do đó cần định hướng giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em ngay tại gia đình và trong trường học.
Một vấn đề nữa đặt ra đối với SKSS của VTN hiện nay là tình trạng yêu sớm, quan hệ tình dục ở tuổi VTN khá phổ biến. Việc đó dẫn tới hệ lụy là tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi này đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh việc giáo dục và hướng dẫn VTN về tình bạn, tình yêu trong sáng và tình dục lành mạnh an toàn thì tăng cường tuyên truyền về SKSS giúp các em biết cách bảo vệ sức khoẻ là hết sức quan trọng và cần thiết. Hiểu biết về các biện pháp tránh thai sẽ giúp cho VTN tránh có thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy một điều khá lo ngại là nhiều bậc cha mẹ chưa thực sự quan tâm đầy đủ trong việc giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục của con cái, thậm chí họ còn né tránh. Chị Phan Thị G (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) có 1 con trai đang học THCS chia sẻ: 'Thời gian đi làm cũng bận, rảnh cũng hò hét chúng nó học hành chứ chả có thời gian nói chuyện đó, yêu đương lúc này là cấm tiệt'. Vì lẽ đó mà có nhiều VTN khó tìm ra được giải đáp mỗi khi có thắc mắc về tâm sinh lý hay gặp khó khăn cuộc sống. Đây thực sự là những 'mảng trống' trong việc xây dựng các phương thức tiếp cận và giáo dục VTN về SKSS.
Theo Bác sỹ Bùi Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần hơn nữa vai trò của gia đình đặc biệt là cha mẹ đối với giáo dục sức khỏe sinh sản lứa tuổi VTN. Cha mẹ là những người đầu tiên phát hiện được sự trưởng thành về mặt sinh lý của con mình. Ở tuổi dậy thì, nhu cầu quan hệ tình cảm với người khác giới đôi lúc khá mạnh mẽ. Lúc này sự giải thích, chỉ bảo của người cha đối với con trai, lời thủ thỉ của mẹ đối với con gái là rất cần thiết. Đôi khi, cha mẹ lại là người bạn, người tư vấn của con để giải quyết vài vướng mắc nho nhỏ. Cha mẹ phải giám sát và chỉ đạo một cách thông minh, nghiêm túc mà vẫn tôn trọng sự phát triển tự nhiên của tâm sinh lý tuổi dậy thì.
Thời gian qua, để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của trẻ VTN trong việc tự bảo vệ nâng cao sức khoẻ bản thân, ngành Y tế đã rất nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là ngành Giáo dục, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… xây dựng các tài liệu truyền thông, tổ chức các câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh về kiến thức SKSS VTN.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là việc làm quan trọng, cần nhận được sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Qua đó, không chỉ giúp các em phát triển một các toàn diện về tâm sinh lý mà còn góp phần phòng ngừa các tệ nạn và các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nếu các em thiếu các kiến thức và không được trang bị về sức khỏe sinh sản.
Thanh Nhàn