• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nắng rát trên 40 độ, bác sĩ cảnh báo dễ tử vong vì say nắng

Theo dự báo, đợt nắng kỷ lục này sẽ còn kéo dài đến ngày 6/7 tới. Với nhiệt độ cao trên 40 độ như vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức chú ý giữ gìn sức khỏe để không phải cấp cứu trong những ngày này.

Theo dự báo, đợt nắng kỷ lục này sẽ còn kéo dài đến ngày 6/7 tới. Với nhiệt độ cao trên 40 độ như vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức chú ý giữ gìn sức khỏe để không phải cấp cứu trong những ngày này.

Trước tình hình nắng nóng kỷ lục, ngày 3/7/2018, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các BV trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các bộ ngành bảo đảm công tác khám chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu cần bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt mát thông thoáng cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp điều hoà nếu có điều kiện; cung cấp nước uống miễn phí; bố trí đủ bàn khám….

Tiếp đón nhanh chóng giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Tăng cường phân luồng, cách ly, nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong BV.Bảo đảm đủ thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng phương tiện cấp cứu các trường hợp do nắng nóng bất thường gây ra như tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hoá…. Các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyề nhiễm nguy hiểm khác....

Có thể tử vong vì say nắng

TS.BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết người bị say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi say nắng, thân nhiệt bệnh nhân lên rất cao (có thể trên 39,5 độ C); Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); Mạch nhanh, mạnh; Đau đầu nhức nhối; Chóng mặt, buồn nôn. Nặng hơn nữa trẻ mê sảng, mất ý thức.

"Tất cả các hoạt động tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng kỷ lục như hiện nay rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Do đó, để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước. Khi nhiệt độ lên cao nắng nóng ngay gắt ở giờ cao điểm 11h - 15 giờ nên hạn chế hoạt động ngoài trời"- TS. Chính cảnh báo..

Nắng rát trên 40 độ, bác sĩ cảnh báo dễ tử vong vì say nắng

Nắng nóng kỷ lục gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Ảnh minh họa.

Nền nhiệt cao ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em và người già. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo, say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng và có nguy cơ xảy ra rất cao trong những ngày nắng nóng, với tất cả mọi người, không loại trừ cả trẻ em.

Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Chính vì vậy, khi thấy người có biểu hiện say nắng, thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Nặng hơn là tình trạng ảo giác, thay đổi ý thức, hôn mê, co giật... cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào, ví dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người…

Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân. Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Chú ý bù nước cho cơ thể

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Dấu hiệu trẻ mất nước là môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; Khóc không có nước mắt; Trẻ quấy khóc, khó chịu; Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi; Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.

BS. Trần Thu Thủy - BV Nhi Trung ương cho biết, các bệnh liên quan tới nắng nóng, ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu. Chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nóng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng, ví dụ trong giờ chơi thể thao. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước.

"Trẻ bị mất nước khi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào. Mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác."- BS. Thuỷ nói.

PGS. Dũng khuyến cáo, những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, nước dừa, nước lọc... Một người khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này tư vấn, người dân hãy uống nước đúng cách, đừng đợi khát mới uống cả cốc mà hãy chủ động uống kể cả khi không thấy khát nước. Nhất là người nhà già, trẻ nhỏ hãy luôn chủ động nhắc nhở uống nước để phòng nguy cơ mất nước. Nên hạn chế các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

Bên cạnh đó, khi ra ngoài đường cần có phương tiện bảo hộ chống nắng, hạn chế ra ngoài đường vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ say nắng nguy hiểm.

Nắng rát trên 40 độ, bác sĩ cảnh báo dễ tử vong vì say nắng

Người dân nên hạn chế ra đường lúc nắng nóng cao điểm từ 11-15h. Ảnh minh họa.

Theo BS. Thuỷ, ngoài say nắng và mất nước, trẻ nhỏ còn mắc một số bệnh khác như chuột rút do nóng, kiệt sức do nóng... Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo: Báo SKĐS


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 706
Tháng 12 : 173.328
Năm 2024 : 2.973.916
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.772.430