• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phòng bệnh mùa đông xuân

Mùa Đông Xuân, thời tiết ẩm ướt, lạnh giá, nhiều mưa, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan ra cộng đồng. Đây còn là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là đối với các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tiêu chảy, sốt,.. Dự báo mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn năm ngoái, nhiệt độ lên xuống thất thường, điều đó gây nên các bệnh lý thường gặp ở mỗi người đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên việc bùng phát các dịch bệnh khác trong mùa đông xuân sẽ gặp rất nhiều khó khăn đối với mọi người dân.

Theo thống kê, thời điểm gần đây, tại khoa Tim mạch – Lão Học, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, lượng bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 20% so với ngày thường, hầu hết bệnh nhân là người lớn tuổi. Bệnh nhân Lê Văn Bính 80 tuổi trú tại xã Thạch Kim, có tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp được gia đình đưa đến viện cấp cứu vào lúc nửa đêm. Theo người nhà cho biết, ông dậy đi tiểu đêm và ngã trong nhà vệ sinh, liệt nửa người. Sau khi được thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân đột quỵ do trời lạnh lại mắc nhiều bệnh lý nền nên gặp lạnh sẽ phát bệnh.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân

 

Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thị Như – 60 tuổi, huyện Cẩm Xuyên, nhập viện trong tình trạng tăng huyết áp, khó thở, suy nhược cơ thể. Sau một tuần điều trị tình trạng bệnh nhân đỡ hơn, bà Như chia sẻ: “Trời trở rét là tôi thấy người mệt mỏi, khó thở, tôi ra trạm y tế đo huyết áp lên đến 170/90mmHg, nên tôi nhập viện luôn. Ở đây, các bác sĩ cũng tư vấn giúp tôi mùa đông này nên làm gì để ngăn ngừa tình trạng bệnh như trên”. Bác sĩ Phạm Hữu Đà, Trưởng khoa Tim mạch – Lão học khuyến cáo: “Mùa đông năm nay thời tiết lạnh hơn so với những năm trước, do vậy chúng ta cần ăn uống đầy đủ, đặc biệt uống nhiều nước và giữ ấm cơ thể, đối với người lớn tuổi cần kiểm soát tốt bệnh lý nền, các bệnh mãn tính bằng cách duy trì thuốc, liên lạc thường xuyên với bác sĩ và tái khám theo khuyến cáo; ăn uống nghỉ ngơi luyện tập hợp lý, tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt lúc nửa đêm về sáng. Phải bỏ ngay tắm khuya hoặc tắm nơi không kín gió, bởi người lớn tuổi dễ bị tai biến mạch máu não, nguy hiểm tới tính mạng”.

Không những người già mà trẻ nhỏ cũng là những bệnh nhi mắc các bệnh trong đợt rét đậm, rét hại hiện nay, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp và cúm. Tại khoa Nhi – BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, ba tháng gần đây tình trạng trẻ em nhập viện tăng lên đáng kể, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 30 bệnh nhi. Khoa luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh nhi nhập viện thường bị một số bệnh  như viêm họng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và đặc biệt là sốt cao không rõ nguyên nhân và cảm cúm. Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) chia sẻ “Tôi chủ quan thấy con sốt nên ra hiệu thuốc mua kháng sinh và hạ sốt cho con uống nhưng mãi con k đỡ mà còn sốt cao hơn, mặt mày tím tái, khó thở tôi hoảng quá nên đem con vào viện”.

Theo bác sĩ Đặng Quang Minh – Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh “Lượng bệnh nhi nhập viện thời gian gần đây tăng lên, hầu hết nguyên nhân các bệnh bắt nguồn do thời tiết rét đậm, rét hại khiến cho sức đề kháng của các bé không kịp thời thích nghi, ngoài ra một số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng do bố mẹ chủ quan không đem con đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng sốt cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé”. Bác sĩ Minh khuyến cáo thêm, cần phải cho trẻ tiêm phòng vắc xin đầy đủ để ngăn ngừa bị cảm cúm trong đợt rét đậm này, ngoài ra phải luôn giữ ấm cơ thể và ăn uống đầy đủ, đặc biệt là uống nhiều nước để đường niêm mạc được cấp đủ độ ẩm”.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với lượng người lao động trở về nước dịp tết Nguyên Đán, mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh bằng việc rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ngoài ra, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để có biện pháp ứng phó tránh bị các bệnh thường gặp mùa đông xuân như cúm, tiêu chảy, sốt, sởi,..ở trẻ nhỏ và một số bệnh người lớn tuổi như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ,…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân và tiếp tục phòng chống COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

     1. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).

2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cơ thể, đặc biệt là đối với trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, uống nước thường xuyên.

3. Người già có các bệnh lý về tim mạch cần thường xuyên thăm khám, đo huyết áp và có chế độ ăn uống phù hợp tránh bị đột quỵ và tê liệt người.

4. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày, đeo khẩu trang thường xuyên. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

                                                                                      Ngọc Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 802
Tháng 03 : 173.897
Năm 2024 : 475.967
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.274.481