• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Những “giáo viên” đặc biệt ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh

Không đứng trên bục giảng nhưng mỗi kỹ thuật viên, bác sỹ của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh luôn được xem như một giáo viên trong quá trình điều trị cho các trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển.

Trong căn phòng không quá lớn ở tầng 4 thuộc Đơn vị Điều trị phục hồi chức năng (PHCN) nhi khoa (Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh) có 4 bạn nhỏ từ 4 - 5 tuổi đang học ngôn ngữ. Khác với các lớp học mầm non, ở đây, mỗi trẻ sẽ được kèm bởi một “cô giáo”, vừa học, vừa điều trị. Xen lẫn những câu hỏi, hướng dẫn của các cán bộ, kỹ thuật viên là những tiếng trả lời rất khẽ, thi thoảng không khí ấy lại bị xóa tan bằng tiếng khóc ré lên của các em.

Những “giáo viên” đặc biệt ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh

Thạc sỹ tâm lý Đoàn Thị Ái kiên trì đồng hành cùng trẻ.

Thạc sỹ tâm lý Đoàn Thị Ái chia sẻ: “8 năm trong nghề, tôi thấy rằng, muốn điều trị thành công, giúp các con chữa lành để hòa nhập với bạn bè thì điều quan trọng nhất vẫn phải là yêu trẻ và yêu nghề. Công việc dạy trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ luôn phải chịu áp lực rất lớn, bởi mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy bí ẩn... Có em khóc cười vô cớ, có em thì khó khăn trong vận động, có những trường hợp thì vừa không biết biểu lộ cảm xúc vừa kém về mặt giao tiếp... Ngoài việc giúp các em phục hồi chức năng, chúng tôi cũng là người dạy các em như những giáo viên tại lớp học mầm non”.

Có con đang điều trị tại Đơn vị Điều trị PHCN nhi khoa do chậm nói, tương tác kém, chị N.T.N (huyện Thạch Hà) cho biết: "Khi cháu được hơn 2 tuổi, gia đình thấy cháu chưa nói được như các bạn. Gọi tên thì không thấy cháu phản ứng, việc giao tiếp bằng mắt cũng không rõ ràng. Thấy những dấu hiệu bất thường nên gia đình cho cháu đi khám thì được bác sỹ chẩn đoán là cháu có biểu hiện rối loạn phát triển, một biểu hiện của hội chứng tự kỷ. Ngay sau đó, chúng tôi đã đưa cháu đến đây để điều trị”.

Những “giáo viên” đặc biệt ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh

Trẻ được tập vận động trị liệu.

Được biết, sau hơn 1 năm “đi học” tại đây, trải qua 7 đợt điều trị, con của chị N. đã có thể biểu hiện cảm xúc, biết vui buồn, giận hờn, xấu hổ khi gặp người lạ, mặc dù bé vẫn khó khăn trong việc nói ra suy nghĩ của mình.

Kỹ thuật viên âm ngữ, trị liệu Nguyễn Thị Minh - người trực tiếp điều trị cho con của chị N. chia sẻ: "Đối với trường hợp con của chị N., trong suốt thời gian điều trị, chúng tôi đã ứng dụng hiệu quả phương pháp giảng dạy từ kết hợp âm ngữ, âm nhạc, tâm lý đến hoạt động trị liệu một cách hài hòa. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp tốt của gia đình nên hiện tại, bản thân cháu đã từng bước hòa nhập. Điều quan trọng nhất là phải kiên trì, không bỏ cuộc”.

Hiện nay, Đơn vị Điều trị PHCN nhi khoa có 20 cán bộ gồm: bác sỹ tâm lý, các kỹ thuật viên xoa bóp, kích âm, vận động, các điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu về tâm lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu. Trung bình mỗi tháng, Đơn vị Điều trị PHCN nhi khoa tiếp nhận và điều trị từ 250 - 300 bệnh nhi liên quan đến các bệnh về rối loạn ngôn ngôn ngữ, mắc rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển. Các bệnh nhi sẽ được các bác sỹ, chuyên gia tâm lý thăm khám, xác định các thể của bệnh và phân công từng y bác sỹ, kỹ thuật viên có chuyên môn riêng để điều trị cho các cháu, mang lại hiệu quả tốt nhất.

Những “giáo viên” đặc biệt ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh

Một tiết học học vận động trị liệu nhóm.

Bác sỹ Nguyễn Thị Hà - Phụ trách Đơn vị Điều trị PHCN nhi khoa cho biết: "Sau khi có kết quả thăm khám, bệnh nhân sẽ phải chờ đến lượt để được vào điều trị. Mỗi bệnh nhân khi điều trị sẽ phải trải qua khoảng 5 - 7 đợt, mỗi đợt 3 tuần liên tục. Mỗi giáo viên, kỹ thuật viên phụ trách cùng lúc 5 - 6 bệnh nhân. Khi vào, trẻ được các bác sỹ, chuyên gia tâm lý kiểm tra kỹ lưỡng qua 3 khâu để đánh giá tình trạng bệnh. Sau đó, trẻ sẽ trải qua các trị liệu như: vận động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu”.

Theo khuyến cáo, đối với trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển, để nâng cao hiệu quả can thiệp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên và phụ huynh. Ngoài việc can thiệp tại bệnh viện thì các giáo viên, kỹ thuật viên sẽ vạch ra mục tiêu, xây dựng các hoạt động để phụ huynh cùng chơi, giao tiếp với con tại nhà. Phụ huynh càng sát sao, nắm được nội dung dạy con, có đủ kiên nhẫn dành cho con thì kỹ năng của con mới được lặp đi lặp lại thường xuyên và sớm có những chuyển biến.

Hành trình để các con tiến bộ là không hề đơn giản. Thế nhưng, thấu hiểu được nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ nên càng thôi thúc chúng tôi nỗ lực hơn, kiên trì hơn. Sau một thời gian điều trị, chỉ cần các con có thể bật lên được tiếng gọi “cô ơi” hoặc thấy được những hành động đúng khuôn khổ của các con là những vất vả, những áp lực gần như tan biến. Mỗi lần tiếp nhận thêm một trẻ vào điều trị, chúng tôi chỉ mong sao các con tiến bộ mỗi ngày để sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường như bao trẻ khác. Thạc sỹ tâm lý Đoàn Thị Ái - Đơn vị Điều trị PHCN nhi khoa

Nhật Thắng 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.939
Tháng 12 : 165.816
Năm 2024 : 2.966.404
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.764.918