• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao

Hút thuốc lá, đó là một thói quen khó bỏ, đặc biệt với những người đã trải qua hàng chục năm hút thuốc. Việc hút thuốc lá làm hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể giảm đáng kể, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút tấn công, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao.

Ông P.V.S, xã Gia Hanh, huyện Can Lộc là một trong những trường hợp mắc lao phổi mới được phát hiện vào tháng 11 vừa qua. Hiện, ông đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh. Ông chia sẻ: “Tôi hút thuốc lá khoảng 50 năm, có thời điểm tôi hút trung bình 2 bao một ngày. Cách đây 5 năm, tôi bị bệnh nên đã bỏ thuốc lá. Tuy nhiên hiện nay tôi bị mắc cả bệnh xoang, phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh lao phổi. Các bác sỹ nói nguyên nhân cũng do tôi hút thuốc quá nhiều nên chức năng phổi bị yếu và dẫn đến bị phổi tắc nghẽn mãn tính và mới đây nhất là phát hiện mắc bệnh lao phổi” .

Siêu âm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

 

Trương hợp như ông P.V.S khá phổ biến tại bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, khi đa số các trường hợp mắc lao phổi đều có tiền sử hút thuốc lá.

Theo Bs. CKI. Trần Tuấn Hiệp – Phó Trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh: “Việc hút thuốc lá làm hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể giảm đáng kể, từ đó tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút tấn công, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Bên cạnh đó hút thuốc còn rối loạn vị giác làm cho người hút chán ăn từ đó dẫn đến thiếu dinh dưỡng tạo thêm điều kiện cho vi khuẩn lao gây bệnh và làm cho bệnh nặng nề hơn”.

“Ở những người hút thuốc lá thì đờm sẽ bài tiết nhiều hơn những người không hút thuốc nhưng khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Nguyên nhân là do khói thuốc lá đã làm tê liệt hệ thống lông chuyển thậm chí là phá hủy chúng. Đồng thời khói thuốc còn làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là khi các chất độc hại, virus, vi khuẩn tấn công đường hô hấp và chúng sẽ bị giữ lại trong đờm, không đẩy ra được, lâu dài chúng sẽ phát triển, sinh sôi lên và tấn công các tổ chức phổi, gây bệnh nặng nề” Bs Hiệp cho biết thêm.

Một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy, những người hút thuốc lá có nguy cơ bị phát triển khuẩn lao gấp hai lần so với những người không hút thuốc. Sau khi phân tích những yếu tố liên quan như giới tính, tuổi tác, môi trường sống, tình trạng hôn nhân, việc sử dụng đồ uống có cồn, tình trạng công việc…. Những nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, việc hút thuốc vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vi khuẩn lao phát triển thành bệnh, cụ thể khi tiến hành so sánh về khả năng mắc lao ở những người hút thuốc và không hút thuốc, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đã từng hút thuốc có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 2,69 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người trẻ tuổi hút thuốc có nguy cơ mắc lao cao hơn những người ngoài 65 tuổi hút thuốc và họ đã đưa ra khuyến cáo: “những nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên xem xét việc quản lý thuốc lá như một biện pháp để kiểm soát bệnh lao”.

Trên thế giới, hiện nay có 1/3 dân số đã bị nhiễm lao, riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có tới 44% dân số đã nhiễm vi khuẩn lao, tuy nhiên, chỉ có 5 – 10% những người nhiễm vi khuẩn lao chuyển thành mắc bệnh lao trong cuộc đời. Đó là lúc cơ thể bị suy giảm miễn dịch thì vi khuẩn lao sẽ sinh sôi và gây bệnh. Vì vậy, từ bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe, đặc biệt là khi bạn đang bị lao phổi. Hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá ngay, để quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Để giảm thiểu khả năng mắc bệnh lao phổi thì mỗi chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau đây: Nói không với thuốc lá. Tránh xa môi trường có khói thuốc và các hóa chất độc hại. Khi ra ngoài hay xuất hiện ở nơi đông người cần mang khẩu trang y tế. Mang khẩu trang khi chăm sóc người mắc bệnh lao phổi. Bảo vệ, giữ gìn môi trường nhà ở, nơi làm việc, học tập sạch sẽ, khô thoáng để loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý: bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Hạn chế đến những nơi đông người.    

Thu Hòa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.201
Tháng 12 : 166.078
Năm 2024 : 2.966.666
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.765.180