Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ các bệnh lý về răng miệng
Thuốc lá là một chất gây nghiện ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể con người, trong đó có các bệnh lý về răng miệng. Phần lớn những người hút thuốc lá, đặc biệt là người hút lâu năm đều gặp phải tình trạng răng bị vàng, ố, môi thâm. Thực tế, hút thuốc lá còn gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Theo bác sỹ Bùi Thị Hải Anh, phụ trách Khoa 3 chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa thành phố: “Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất, trong đó có hàng trăm chất có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Trong những chất độc hại có chất nicotine, monoxit carbon và acid cyanhydrid là nguyên nhân gây hại cho tổ chức nha chu. Các chất này phá hoại hệ miễn dịch trong khoang miệng, tạo nên những lỗ sâu trong lợi từ đó tấn công xương quai hàm. Hút thuốc nhiều có thể dẫn tới rối loạn vi khuẩn khoang miệng, giảm tuần hoàn máu trong xương ổ răng, phá hủy hệ miễn dịch làm giảm nồng độ kháng thể trong máu và nước bọt”.
Bệnh nhân Nguyễn Văn N. phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh vào điều trị tại Khoa 3 chuyên khoa, trong tình trạng niêm mạc miệng bị phù, hàm răng chuyển màu vàng sẫm, viêm răng mãn tính. Anh chia sẻ: “Tôi hút thuốc hơn 6 năm rồi, ban đầu hút ít, nhưng sau nghiện, mỗi ngày phải hút vài gói. Vừa hút thuốc lá, vừa hút thuốc lào. Từ khi bị bệnh tôi không còn hút nữa”.
Còn với ông Đặng Minh P. (huyện Lộc Hà) có thâm niên hút thuốc lá và nghiện rượu hơn chín năm. Không những cả hàm răng của ông bị ố vàng, mà nhiều răng đã bị mất, bị lung lay, ảnh hưởng đến chức năng nhai. Ông P. Cho biết: “Tôi đi khám răng thấy bác sỹ khuyên về bỏ thuốc lá, tôi cũng đã quyết tâm bỏ, nhưng không thể bỏ được, vì thấy người khác hút là thèm nên tôi hút lại. Hiện nay, răng đã bị rụng nhiều, mỗi lần nhai rất khó khăn”.
“Thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng, từ đó, cũng gây ra một số tổn thương niêm mạc miệng như: viêm miệng do hút thuốc quá nhiều, niêm mạc vòm miệng trở nên trắng với các u nhỏ gồ lên, trên đó có các chấm đỏ. Bệnh hắc tố bào, bệnh nấm Candida miệng, viêm xoang mạn tính, vàng răng, sạm da, bệnh nha chu, thói quen hút thuốc ảnh hưởng đến răng miệng và khiến tình trạng viêm quanh răng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Nếu không biết cách chăm sóc, vệ sinh răng thì nguy cơ bị viêm lợi rất cao. Thậm chí, một số người phải đối mặt với tình trạng hoại tử lợi do chủ quan, không điều trị kịp thời. Về lâu về dài, thói quen hút thuốc lá khiến nhiều chiếc răng bị tổn thương hoặc lung lay, mất răng. Đối với những người phụ nữ hút thuốc trong lúc mang thai, có nguy cơ sinh con bị dị tật môi và vòm miệng cao cấp 2 lần so với bình thường”, bác sỹ Bùi Thị Hải Anh cho biết thêm.
Bên cạnh đó hút thuốc còn khiến răng nhanh chóng hình thành mảng bám và cao răng gây tình trạng hôi miệng. Thời gian hút thuốc lá kéo dài và hút nhiều có thể dẫn tới ung thư niêm mạc miệng, vì khói thuốc lá có khả năng kích thích các tế bào biểu mô niêm mạc lưỡi, má, sàn miệng và các vị trí khác ở miệng và họng tạo ra các tổn thương tiền ung thư, rồi tiến triển thành ung thư biểu mô. Những người suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu vitamin A, D, E mà hút thuốc lá càng có nguy cơ bị ung thư miệng. Những người vừa hút thuốc vừa nghiện rượu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì các chất cồn làm tăng tính thấm của biểu mô niêm mạc đường tiêu hóa.
Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét, đây là một loại bệnh nặng và nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng hoại tử loét, cuối cùng là mất răng. Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài nhiều năm sẽ có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính, bệnh tiến triển từ từ làm lung lay nhiều răng. Vị giác và xúc giác của người hút thuốc cũng bị thay đổi bởi khói và các chất hóa học có trong thuốc lá, mức ảnh hưởng càng tăng nếu dùng thuốc lá càng nhiều.
Hút thuốc lá, thuốc lào không những là nguy cơ gây bệnh cao mà còn làm chậm quá trình hồi phục của các bệnh về răng miệng. Vì thế, để bảo vệ hàm răng chắc khỏe, phòng tránh được các bệnh về răng, miệng thì tất cả mọi người nên nói không với thuốc lá, không đứng gần người đang hút thuốc, không hút thuốc trong phòng khi có trẻ em và phụ nữ mang thai... Nếu đang hút thuốc nên hạn chế và từ từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Bảo vệ răng miệng bằng cách đánh răng 2 lần/ngày, dùng nước súc miệng chuyên dùng để loại bỏ vi khuẩn. Nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảng bám thức ăn ở các vị trí khó làm sạch bởi bàn chải, không nên dùng tăm để xỉa răng. Lấy cao răng và khám răng định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý về răng miệng.
Thanh Loan