Hút thuốc lá và bệnh viêm xoang
Những bệnh thường gặp như viêm mũi, viêm xoang không phải chỉ do thời tiết mà còn do chúng ta hít phải những khí độc, khí độc nhất chính là khói thuốc. Hút thuốc ảnh hưởng đến các lông mao trong xoang. Khi hít phải khói thuốc lá, các sợi lông mao trong mũi sẽ bị tê liệt và các chất nhầy sẽ tích tụ trong xoang gây nhiễm trùng và viêm.
Anh Phạm Tiến D, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc thường xuyên bị chảy nước mũi và đau đầu. Sau khi đi khám các bác sỹ chẩn đoán anh bị viêm xoang và phải điều trị dài ngày, đồng thời yêu cầu anh phải bỏ hút thuốc lá để cải thiện tình trạng bệnh. Anh chia sẻ: “Do đặc thù công việc nên tôi đã hút thuốc lá thường xuyên hơn 20 năm nay. Tôi cũng bị viêm xoang nhiều năm nay rồi, tuy nhiên cứ điều trị khỏi một thời gian lại bị lại. Bác sỹ khuyên tôi bỏ thuốc lá để phòng bệnh, tuy nhiên tôi chỉ bỏ trong thời gian điều trị bệnh. Điều trị xong tôi lại hút do thèm không chịu được. Đợt này viêm xoang nặng hơn, tôi cũng quyết tâm bỏ để phòng bệnh và giữ gìn sức khỏe”.
Không chỉ anh Phạm Tiến D, nhiều trường hợp phải điều trị viêm xoang có liên quan đến hút thuốc lá.
Bs. Trần Xuân Sơn – Phó Trưởng khoa Tai- Mũi – Họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hút thuốc là và viêm xoang có mối lên kết với nhau. Thuốc lá không chỉ gây kích ứng xoang, gây sưng, viêm mà còn làm giảm khả năng đề kháng tự nhiên của cơ thể. Qua thực tế điều trị tại khoa phát hiện những người hút thuốc bị các triệu chứng viêm xoang nặng hơn và phải sử dùng nhiều kháng sinh hơn để điều trị viêm xoang so với những người không hút thuốc. Vì vậy, người hút thuốc lá nên bỏ thuốc lá để cải thiện triệu chứng của bệnh”.
Mũi là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại các phần tử lạ. Hốc mũi và các xoang tiết ra khoảng 1-2 lít chất nhầy mỗi ngày. Thông thường, tất cả chất nhầy đó sẽ di chuyển đến phía sau cổ họng và chúng ta nuốt nó. Khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng như phấn hoa hoặc khói bụi, các lông mao và chất nhầy trong mũi xoang có thể làm sạch hốc mũi. Tuy nhiên, khi lông mao tổn thương do hút thuốc, chất nhầy bị ứ trong mũi xoang và vi khuẩn bắt đầu sinh sôi ở đó. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng trong mũi xoang.
Ngoài ra, khói thuốc lá làm suy giảm khả năng của cơ thể trong việc loại bỏ vi khuẩn và virus có hại, khiến cho mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Những người hút thuốc có xu hướng bị bệnh thường xuyên hơn và dễ dàng hơn những người không hút thuốc do hệ thống miễn dịch suy giảm. Mặc dù nhiều thanh niên hút thuốc lá có vẻ khỏe mạnh nhưng lại mắc bệnh viêm phổi. Khi ngừng hút thuốc, mũi xoang có thể mất vài tháng đến vài năm để trở lại chức năng bình thường.
Bác sĩ Trần Xuân Sơn khuyến nghị, việc cai thuốc lá rất cần thiết để tránh các nguy cơ và biến chứng hô hấp, cải thiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh ung thư và nguy cơ tử vong. Những người có tiền sử hút thuốc lá nên thăm khám sức khỏe tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng một lần, tầm soát một số loại ung thư có yếu tố nguy cơ cao do thuốc lá như ung thư vòm họng, ung thư mũi xoang, ung thư phổi... để dự phòng.
Thu Hòa