Bệnh trĩ - đừng âm thầm chịu đựng
Bệnh trĩ là bệnh khá phổ biến, tuy nhiên nhiều người lại âm thầm chịu đựng khiến bệnh nặng lên, gây khó khăn cho việc điều trị. Hơn nữa, hiện nay y học đã có nhiều phương pháp chữa trĩ hiệu quả, giảm thiểu đau đớn cho người bệnh.
Phân độ bệnh trĩ
Bệnh trĩ nội: Có 4 cấp độ trĩ nội:
Độ 1: Búi trĩ được hình thành chỉ phình lên, không sa ra ngoài. Có thể đi ngoài ra máu. Độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài khi đại tiện, sau lại đó tự tụt vào. Độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn khi đi ngoài và khó tụt vào. Người bệnh phải dùng tay ấn thì búi trĩ mới vào lại được. Độ 4: Búi trĩ sa và thường xuyên ở ngoài hậu môn. Lấy tay ấn trĩ không vào lại được.
Bệnh trĩ ngoại:
Cấp độ nhẹ: Cảm giác bị cộm, vướng ở hậu môn. Có thể búi trĩ bị sưng to, xoắn lại và gây đau rát.
Cấp độ nặng: Búi trĩ lớn, nằm ngay lỗ hậu môn, rất bất tiện cho bệnh nhân khi đại tiện và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh trĩ hỗn hợp: Là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại, khi mà búi trĩ đã kéo dài từ trong ra ngoài.
Thắt mạch khâu treo búi trĩ.
Biến chứng của trĩ
Biến chứng của bệnh trĩ rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra bao gồm:
Thiếu máu do mất máu mạn tính qua búi trĩ, có trường hợp chảy máu cấp tính từ búi trĩ; Nghẹt búi trĩ nếu búi trĩ sa và bị mắc kẹt làm cho mạch máu cung cấp cho búi trĩ bị tắc; Tắc mạch: Là tình trạng hình thành cục máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ. Tắc mạch trĩ ngoại thì vùng rìa hậu môn sẽ thấy khối phồng nhỏ màu xanh, đi kèm cảm giác đau rát khi sờ, căng. Tắc mạch trong trĩ nội thì có cảm giác đau và cộm trong sâu và triệu chứng không rầm rộ như trĩ ngoại; Viêm da quanh hậu môn, viêm nhú và viêm khe khi da giữa các búi trĩ bị loét gây triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát, nứt hậu môn.
Điều trị như thế nào?
Điều trị nội khoa: Chỉ định áp dụng cho trĩ nội độ 1 và 2.
Thuốc điều trị trĩ thường chứa các thành phần có tác dụng làm vững bền thành tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc trị táo bón.
Thuốc cho tác dụng tại chỗ (các thuốc mỡ bôi ngoài hay thuốc đạn đặt trong hậu môn) thường dùng các chất bôi trơn, các chất làm mềm và dịu da.
Điều trị ngoại khoa:
Thủ thuật ít xâm lấn: Tiêm xơ búi trĩ; Đông nhiệt bằng tia hồng ngoại lên các búi trĩ; Đông lạnh bằng cách áp nitơ lỏng lên búi trĩ; Thắt búi trĩ bằng vòng cao su; Nong hậu môn. Áp dụng trị bệnh trĩ độ 1, 2, 3.
Phẫu thuật điều trị bệnh trĩ ngoại có huyết khối có thể áp dụng: Cắt từng búi trĩ; Cắt một khoanh niêm mạc ở ống hậu môn; Cắt trĩ bằng phương pháp Longo.
Phòng bệnh
Chế độ ăn uống: Để phòng ngừa bệnh trĩ nên ăn thức ăn nhiều chất xơ, các loại rau quả, ngũ cốc, các thức ăn có tính nhuận tràng. Một số loại rau như rau lang, mồng tơi, rau đay, diếp cá, rau dền... nên dùng nấu canh ăn thường xuyên rất tốt cho người bị bệnh trĩ; Khoai lang, mật ong, thức ăn giàu magie như cá bơn, quả hạch sấy khô, hạt điều sấy khô, đậu nành, rau chân vịt, bột yến mạch, bơ lạc, quả bơ, nho khô không hạt... rất tốt cho bệnh trĩ. Ăn thức ăn giàu sắt do bệnh trĩ dễ gây mất máu mạn tính khiến người bệnh bị thiếu máu.
Chú ý bổ sung nước cho cơ thể: Bổ sung từ 1,5 đến 2,5 lít nước/ngày cho cơ thể (tùy theo cân nặng).
Những thực phẩm người bệnh trĩ cần tránh: Tránh ăn nhiều muối vì muối gây giữ nước trong cơ thể, làm nặng hơn triệu chứng bệnh trĩ; Các chất gia vị cay, nóng; Cà phê, rượu, những thực phẩm chứa nhiều caffein; Giảm tối đa: Bánh mì, cơm tấm, bánh ngọt, socola...vì dễ gây táo bón.
Tập thói quen đại tiện: Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu. Đi cầu ngay khi có cảm giác buồn đi.
Tập thói quen vận động: Tập thể dục. Duy trì vận động mỗi ngày để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch có thể xảy ra khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Tránh ngồi lâu. Ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bồn cầu, có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn.