Điểm báo ngày 23/8/2023
soyte.hatinh.gov.vn: Tràn dịch màng phổi do chủ quan tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà; Dịch tay chân miệng ở Đà Nẵng tăng cao nhất trong 5 năm qua; 5 người ngộ độc sau khi ăn cà độc dược; Rất cần bổ sung các quy định về dịch vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh; Kiên Giang: Một người tử vong do ngộ độc rượu.
Tràn dịch màng phổi do chủ quan tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang tăng nhanh. Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đi khám để được tư vấn điều trị đúng cách, tránh biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nam bệnh nhân Trần Hải A. (41 tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội... Được biết, khu vực gia đình anh A. sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Dù đã phát hiện triệu chứng sốt xuất huyết từ trước thời điểm nhập viện 4 ngày, nhưng anh A. có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Khi cảm thấy tình trạng không cải thiện, kèm theo triệu chứng chảy máu cam, anh A. mới đi khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ cho biết anh A. bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.
Trong khoảng thời gian này, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân Nguyễn Thị T. (41 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều… Theo lời kể của bệnh nhân, trong gia đình chị có 2 người mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên vì chủ quan, tự điều trị tại nhà, nên đến ngày thứ 6, không thấy đỡ, chị mới đi khám và cũng phải nhập viện gấp điều trị.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các hậu quả rất nghiêm trọng như sốc, tụt huyết áp, xuất huyết nội tạng hoặc suy đa cơ quan, nghiêm trọng nhất có thể gây tử vong.
Do đó, khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay sốt có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như COVID-19, sốt do viêm phế quản, cúm… (Theo Báo Sức khỏe đời sống).
Dịch tay chân miệng ở Đà Nẵng tăng cao nhất trong 5 năm qua
Trong nửa đầu tháng 8, dịch tay chân miệng tại Đà Nẵng tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua nhưng đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” dần.
Ngày 22/8, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP. Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết, vừa có báo cáo Sở Y tế về tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
Về tình hình dịch tay chân miệng, theo thống kê của Trung tâm, từ tuần 24 đến tuần 29/2023, số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh, cao hơn ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2017-2021) và cùng kỳ năm 2022.
Số ca mắc trong tuần 29/2023 (103 ca mắc) tương đương với đỉnh dịch 2022 (105 ca mắc). Từ tuần 29/2023 đến nay, số ca mắc đang có xu hướng giảm dần, còn 65 ca ở tuần 33. Trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng tăng ở một số quận gồm: Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn. Riêng hai quận Cẩm Lệ, Hòa Vang thì số ca mắc giảm.
Theo Khoa Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng), tình hình dịch tay chân miệng có xu hưởng giảm nhưng số ca mắc vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt là vẫn còn nhiều ca nặng cần truyền IVIG (thuốc đặc trị) (Theo Báo Sức khỏe đời sống).
5 người ngộ độc sau khi ăn cà độc dược
Ngày 22/8, theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 5 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cà độc dược.
Theo đó, vào khoảng 20h25 ngày 21/8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân S.M.L (SN 1966), bệnh nhân P.V.P (SN 2003), bệnh nhân P.V.P (SN 2015), bệnh nhân P.T.T (SN 2016) và bệnh nhân P.V.Q (SN 2019) cùng trú tại tiểu khu 295, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Các bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt nhiều, đau đầu, nôn ói, sốt, co giật với chẩn đoán ngộ độc cà độc dược.
Theo lời kể của các bệnh nhân, trước đó, khoảng 11h đến 13h cùng ngày, các bệnh nhân lần lượt ăn cà độc dược và khoảng 30 phút sau thì xuất hiện các triệu chứng bất thường nên được người nhà đưa đi nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu và điều trị. Hiện nay sức khỏe của các bệnh nhân đã dần cải thiện.(Theo Báo Sức khỏe đời sống).
Rất cần bổ sung các quy định về dịch vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh
Mới đây, Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt đã thu giá vận chuyển cấp cứu quá cao, gây khó khăn cho người dân. Lãnh đạo Sở Y tế đã yêu cầu các phòng chức năng có liên quan rà soát quy trình thẩm định cấp phép, danh mục kỹ thuật và kê khai giá của Công ty trên và xử lý đúng theo quy định nếu công ty có sai phạm.
Qua rà soát, Phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế cho biết, Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt được Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện và cấp phép cung ứng dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP lần đầu tại địa chỉ 37H/4B Phú Thọ phường 1, quận 11 vào năm 2016; sau đó xin chuyển sang địa chỉ 219/6 Âu Dương Lân, phường 3, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh và được cấp phép lại lần thứ hai vào tháng 2/2023. Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt được Sở Y tế cho phép thực hiện 49 kỹ thuật liên quan đến sơ, cấp cứu người bệnh.
Theo quy định, cơ sở tư nhân được quyền quyết định giá thu đối với dịch vụ kỹ thuật được cấp phép nhưng phải thực hiện kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế, phải công khai và niêm yết giá thu dịch vụ cho người dân, người bệnh được biết để thỏa thuận, lựa chọn dịch vụ cũng như góp ý về giá khi sử dụng dịch vụ. Qua rà soát, Phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Y tế cho biết, Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt chưa thực hiện kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế. Lãnh đạo Sở Y tế đã yêu cầu Thanh tra Sở kiểm tra hoạt động và giá thu của Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt và xử lý đúng theo quy định nếu công ty có sai phạm. (Theo Báo Nhân dân điện tử).
Kiên Giang: Một người tử vong do ngộ độc rượu
Do ngộ độc rượu, một bệnh nhân tại tỉnh Kiên Giang đã tử vong sau 1 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện.
Sau giờ làm việc, 3 người dân ở Kiên Giang tổ chức uống rượu có cồn nghi là methanol và bị ngộ độc phải nhập viện. Qua gần 1 ngày cấp cứu, điều trị, một người đã tử vong.
Chiều 22/8, bác sĩ CK II Dương Phước Đông, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, cho biết khoảng 10 giờ sáng cùng ngày bệnh nhân N.H.T. (39 tuổi), trú phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá biểu hiện tụt huyết áp nặng, khó phục hồi, hôn mê sâu nên người thân đã xin đưa về nhà lo hậu sự.
Còn bệnh nhân N.T.H. (44 tuổi), trú phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá vẫn còn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng khả năng rất xấu. Riêng bệnh nhân H.V.L. (45 tuổi), trú phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá có dấu hiệu dần phục hồi tốt, mắt hết mờ, nhận thức trở lại.
Trước đó, từ tối ngày 20/8 đến sáng 21/8, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân H.H.T, N.T.H và H.V.L được người nhà đưa đến cấp cứu, điều trị.
Cả 3 bệnh nhân trên nhập viện trong tình trạng sùi bọt mép, tím tái người, suy hô hấp. Sau đó, bác sĩ ở bệnh viện đã chẩn đoán nghi ngộ độc rượu có cồn nghi là methanol.. (Theo Báo Nhân dân điện tử).
Thanh Nhàn tổng hợp