• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 16/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Biến thể phụ EG.5 Omicron khiến ca COVID-19 tăng, Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo gì?; cảnh báo bánh kẹo nhập lậu, khôngcó nguồn gốc dịp Tết Trung thu...

Biến thể phụ EG.5 Omicron khiến ca COVID-19 tăng, Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo gì?

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron của virus SARS-CoV thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, hiện đang lây lan ở nhiều quốc gia, trước diễn biến này, Bộ Y tế đã có văn bản về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bùng phát trở lại.

Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, biến thể mới EG.5 của virus SARS-CoV-2 có tỷ lệ lưu hành trên toàn cầu là 17,4% trong tuần từ 17-23/7/2023, tăng hơn 02 lần so với trong tuần từ 19-25/6/2023. 

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, hiện đang lây lan ở nhiều gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới. 

Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn.

Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể như sau: 

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. 

Chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. 

Đồng thời chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. 

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trao đổi với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống sáng 14/8, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin của Tổ chức Y tế thế giới về tính lây lan và độc lực của các biến thể mới, trong đó có biến thể phụ EG.5 Omicron.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên, tiêm vaccine phòng bệnh... 

"Đặc biệt lưu ý với nhóm người nguy cơ cao, người có bệnh nền, người có suy giảm hệ miễn dịch…"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói. (Theo Báo sức khỏe và Đời sống).

 

Bộ Y tế cảnh báo bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc dịp Tết Trung thu

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ...

Ngày 15/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo về việc bánh kẹo nhập lậu, không rõ xuất xứ dịp Trung thu.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lí An toàn thực phẩm các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Theo đó, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…. 

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng kí bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, Cục An toàn đề nghị các địa phương hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. (Theo Báo sức khỏe và Đời sống)

 

Dị vật thức ăn gây thủng ruột thừa, dạ dày: Hiểm họa trong ăn uống cần cảnh giác

Dị vật thức ăn là những mảnh thức ăn lớn, cứng ở dạ dày hoặc tá tràng, không di chuyển được xuống ruột... có thể gây tổn thương dạ dày tá tràng, gây tắc ruột, thậm chí thủng dạ dày.

Áp xe, thủng ruột thừa do xương cá, xương lợn, tăm xỉa răng…

Theo ghi nhận, tại các cơ sở y tế đã tiếp nhận và điều trị thành công bằng phẫu thuật nội soi cho nhiều trường hợp bị thủng ruột thừa do các dị vật đâm như: xương cá, xương lợn, tăm xỉa răng…

Mới đây nhất, Khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa (A3A), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân H.T (sinh năm 1960, quê ở Hòa Bình) có tiền sử mổ khâu lỗ thủng hành tá tràng. Bệnh nhân có triệu chứng đầy bụng kém ăn, gầy sút cân (6kg/3 tháng); không có biểu hiện đau bụng, không buồn nôn, không nôn, không sốt, đại tiện bình thường. Khám thấy bụng mềm, không có điểm đau khu trú, không sờ thấy u cục.

Tại khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa, bệnh nhân được nội soi dạ dày. Kết quả thấy có dị vật dạng thức ăn hình khối, đóng khuôn gần giống chữ nhật, nằm trong tá tràng, màu đen nâu. Qua nội soi, khối được cắt và gắp ra ngoài thành 2 mảnh to, và ít mảnh nhỏ. Miếng dị vật có kích thước 3x6cm. Khi đưa ra ngoài, dị vật được xác định là 1 miếng măng tính chất khá mềm nhưng dai và tước xơ, phía trong đã chuyển màu nâu sẫm.

Bệnh nhân sau khi được gắp dị vật ra ngoài chia sẻ: "Tôi đã không ăn măng từ tết tới giờ, ăn thì cũng không nhai nên không hiểu miếng măng đã nằm ở đó bao lâu".

Trước đó, bệnh nhân N.V.T (49 tuổi, quê ở Cần Thơ) được chẩn đoán áp xe vùng hố chậu phải do xương cá đâm thủng ruột thừa. Theo lời kể của bệnh nhân T., bệnh nhân thấy đau bụng âm ỉ vùng dưới rốn bên phải, sốt nhẹ 3 ngày trước khi vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bệnh nhân uống thuốc giảm đau, hạ sốt thấy người dễ chịu hơn. Sau đó, bệnh nhân T. ra Hà Nội công tác, đến tối cùng ngày thì thấy đau bụng nhiều hơn, người mệt mỏi, sốt nhẹ nên đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp ngày thứ 3, khả năng ruột thừa đã vỡ và được chỉ định mổ nội soi cấp cứu giải quyết nguyên nhân.

Theo các bác sĩ, khi mổ thấy ruột thừa bị đâm thủng bởi một dị vật là xương cá, khoảng 1 nửa dị vật vẫn nằm trong ruột thừa, xung quanh ruột thừa có khoảng 30ml mủ thối. Dị vật này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm ruột thừa và áp xe vùng hố chậu phải. Bệnh nhân đã được nội soi lấy bỏ dị vật, cắt ruột thừa, lau rửa và dẫn lưu ổ bụng.

Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị thủng ruột thừa do các dị vật đâm như: xương cá, xương lợn, tăm xỉa răng,… mà được các bác sĩ tiếp nhận và điều trị.

Cần thận trọng khi ăn uống để tránh dị vật

Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi… Với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong do biến chứng của dị vật gây ra còn rất cao.

Dị vật đường ăn nhất là dị vật thực quản là một cấp cứu có tính phổ biến, là một tai nạn, thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao. Thường nhất là xương động vật (cá, gia cầm, lợn...).

Xương động vật ngày thứ hai trở đi đã có thể gây áp xe trung thất, xương nhọn có thể xuyên thủng động mạch lớn, đều là biến chứng nguy hiểm. Dị vật đường ăn gây ra áp xe cạnh cổ, áp xe trung thất do thủng thực quản thậm chí gây ra thủng động mạch chủ gây ra tử vong. Dị vật thực quản hay gặp nhất trong các dịp tết, hội hè, người lớn bị nhiều hơn trẻ em nguyên nhân do bất cẩn trong ăn uống.

Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân trong đó do tập quán ăn uống ở nước ta rất dễ dẫn đến mắc dị vật. Cụ thể các món ăn đều được chặt thành miếng thịt lẫn xương sẽ gây hóc khi ăn vội vàng, ăn không nhai kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, đặc biệt chú ý với người già. Do đó, người dân nên tránh những thói quen này.

Ngoài ra, dị vật còn do thực quản co bóp bất thường, có những khối u bất thường trong hoặc ngoài thực quản làm thực quản hẹp lại, thức ăn sẽ mắc lại ở đoạn hẹp. Ví dụ: u trung thất đè vào thực quản, ung thư hoặc co thắt thực quản.

Do các đoạn hẹp tự nhiên của thực quản, vì thực quản có 5 đoạn hẹp tự nhiên, và đây chính là chỗ thức ăn hay mắc lại. Dị vật thường mắc lại nhiều nhất ở vùng cổ 74%, đoạn ngực là 22%, còn đoạn dưới ngực là 4%.

Tóm lại: Khi nhắc đến dị vật đường thở chúng ta thường nghĩ ngay đến đối tượng là trẻ em, người già nhưng hóc dị vật có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu chúng ta sơ suất. Vì vậy, khi nghi ngờ bị hóc dị vật… tùy lứa tuổi và tình trạng của nạn nhân mà xử trí đúng cách và nhanh chóng. Nếu không có kinh nghiệm và được đào tạo, tốt nhất bạn nên tìm người có chuyên môn hoặc chờ đội cấp cứu, không nên cố gắng dùng tay móc hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra.

Những việc này làm cho niêm mạc miệng xước, dễ chảy máu, nhiễm trùng hoặc làm dị vật có thể mắc sâu hơn và rơi xuống những vị trí nguy hiểm. Mỗi người dân cần trang bị cho bản thân và gia đình các kiến thức sơ cứu cơ bản các tai nạn thường gặp nhất là hóc dị vật.

Tốt nhất, nếu nghi ngờ có dị vật cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Hoặc nếu có những hiện tượng như đau bụng, buồn nôn, sau khi nuốt phải mảnh thức ăn lớn cứng (măng, cọng rau già..) hoặc ăn các chất chát dính như (tam thất, nghệ mật ong, hồng xiêm, chuối xanh…) thì nên đi đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra. (Theo Báo sức khỏe và Đời sống). 

Thanh Loan tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.347
Tháng 05 : 129.118
Năm 2024 : 848.417
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.646.931