• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 18/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Sốt xuất huyết tăng mạnh, Hà Nội gấp rút phòng chống; Quy định mới của Bộ Y tế: Thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, người dân được tiếp cận sớm thuốc biệt dược gốc; Giải pháp gỡ khó cho người rối loạn tâm thần 'bệnh chồng bệnh'; Rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện đáp ứng trong tình hình mới; Phẫu thuật mở hộp sọ lấy máu tụ, bác sĩ vùng biên giành giật sự sống cho nam thanh niên; Số ca mắc sốt rét tăng nhanh; Việt Nam chia sẻ về chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền.

Sốt xuất huyết tăng mạnh, Hà Nội gấp rút phòng chống

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành điểm nóng của dịch sốt xuất huyết.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 4 đến 11/8), thành phố ghi nhận 762 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm, trên địa bàn thành phố có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã.

Những ngày qua, một số bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Tại Bệnh viện E ghi nhận mỗi ngày có khoảng hơn 20 ca nhập viện điều trị sốt xuất huyết, chủ yếu là người lớn mắc bệnh.

Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện khoa có nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu cam, chảy máu chân răng, tràn dịch màng phổi,...

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng mạnh do thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng phát sinh ra muỗi. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội đã chủ động điều tra dịch tễ tại những nơi có nguy cơ bùng dịch cao, lượng người mắc sốt xuất huyết hàng năm cao như huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai…

Đồng thời, CDC Hà Nội cũng đã phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn giám sát phát hiện, xử lý bọ gậy cho lực lượng phòng chống dịch xã, thị trấn; tập huấn kỹ năng sử dụng máy phun, kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành cho công nhân phun hóa chất.

Tính đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, đạt 82% chỉ tiêu kế hoạch. Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại 100% các ổ dịch, triển khai 7 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 3 quận, huyện với tổng số 76 lít hóa chất. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, diệt bọ gậy đạt thấp dẫn tới nguy cơ dịch có thể bùng phát dịch trong thời gian tới. CDC Hà Nội cũng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền người dân tự phòng bệnh và đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết.

Trong quá trình triển khai phun thuốc diệt muỗi tại các cơ sở xã, phường, CDC Hà Nội kết hợp tuyên truyền khuyến cáo người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Những nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao, khu vực ẩm thấp sẽ được khoanh vùng kiểm tra dịch tễ.

Các chuyên gia lưu ý, người dân không nên tự ý mua hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ để về phun mà cần phải liên hệ với cơ sở y tế dự phòng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. (Sức khoẻ & Đời sống)

 

Quy định mới của Bộ Y tế: Thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, người dân được tiếp cận sớm thuốc biệt dược gốc

Theo Bộ Y tế, quy định mới về đăng ký lưu hành thuốc là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm... Thông tin với Sức khỏe & Đời sống sáng 17/8, đại diện Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BYT quy định việc đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, với 5 Chương, 23 Điều và 2 Phụ lục, Thông tư 16/2023/TT-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành quy định các hồ sơ, trình tự, thủ tục để thực hiện đăng ký thuốc tại Việt Nam theo hình thức gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hút hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự theo các định hướng tại Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021.

Theo đó, với các quy định tại Thông tư này, các doanh nghiệp thực hiện gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc vào Việt Nam sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành thuốc, rút ngắn các thủ tục hành chính và thời gian xử lý hồ sơ, đồng thời được xem xét, áp dụng các ưu đãi trong tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế.

Cụ thể, theo quy định mới trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý dược cấp giấy đăng ký lưu hành lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ. Trường hợp không cấp hoặc chưa cấp, Cục Quản lý dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong khi đó, theo quy định cũ tại Thông tư 23 năm 2013, thời hạn này là 6 tháng.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, việc triển khai các quy định tại Thông tư này cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc của Việt Nam được tiếp nhận các quy trình, công nghệ và kỹ thuật sản xuất thuốc tiên tiến, hiện đại, tận dụng tối đa năng lực sản xuất, đồng thời bảo đảm sự chủ động trong việc sản xuất, cung ứng các thuốc, vaccine, sinh phẩm có chất lượng cao cho công tác khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân Việt Nam có cơ hội được tiếp cận sớm các thuốc biệt dược, vaccine, sinh phẩm có chất lượng cao ngay tại trong nước.

Thông tư số 16/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ 1/10/ 2023. Thông tư này thay thế Thông tư số 23/2013/TT-BYT ngày 13/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động gia công thuốc, trên cơ sở các quy định tại Luật Dược năm 2016, các quy định về gia công tại Luật Thương mại và về chuyển giao công nghệ tại Luật Chuyển giao công nghệ và các Nghị định hướng dẫn các Luật này.

Bộ Y tế nêu rõ, các hồ sơ đã nộp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ, trừ trường hợp cơ sở đăng ký đề nghị tại văn bản giải trình, bổ sung hoặc có văn bản đề nghị tự nguyện thực hiện theo quy định kể từ ngày ký ban hành Thông tư này.

Đối với các thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ được cấp giấy đăng ký lưu hành theo các quy định trước ngày Thông tư này có hiệu lực và cơ sở có nhu cầu được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Thông tư này thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành mới theo các quy định tại Thông tư này để xem xét, thẩm định, cấp giấy đăng ký lưu hành. (Sức khoẻ & Đời sống).

Giải pháp gỡ khó cho người rối loạn tâm thần 'bệnh chồng bệnh'

Các chuyên gia tại TP.HCM đề xuất thay đổi quy định liên quan đến việc chăm sóc, điều trị người bệnh vừa có rối loạn tâm thần vừa mắc đái tháo đường

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả ban đầu của chương trình "Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở" (WHO-PEN). Tham dự có Trưởng văn phòng đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý bệnh không lây.

Theo Sở Y tế TP.HCM, WHO-PEN đã giúp y tế cơ sở cập nhật những kiến thức quan trọng trong hoạt động chăm sóc người bệnh mắc các bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

Chương trình còn cung cấp cơ sở khoa học giúp cải thiện danh mục thuốc cho trạm y tế đối với 2 loại bệnh mạn tính không lây nói trên, đáp ứng mong đợi của người dân khi khám bệnh tại trạm.

Tuy nhiên, một vấn đề được các chuyên gia đặt ra liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tâm thần. Thực tế, tất cả bác sĩ trong chương trình đều được tập huấn kỹ về khám và phát hiện sớm dấu hiệu tâm thần của người mắc bệnh đái tháo đường, cũng như hướng dẫn chỉ định các thuốc thuộc nhóm tâm thần.

Vậy nhưng bác sĩ phải giới thiệu người bệnh này đến phòng khám chuyên khoa tâm thần để có thuốc. Theo Sở Y tế TP.HCM, điều này là không thực tế, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc nếu người bệnh bỏ cuộc.

Do đó, các chuyên gia đề nghị Bảo hiểm Xã hội xem xét thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi bác sĩ đa khoa công tác tại y tế cơ sở khám, chỉ định thuốc cho người bệnh đái tháo đường và thuốc thuộc nhóm tâm thần.

Tại hội nghị, đại diện các trung tâm y tế cho rằng vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách khám chữa bệnh tại trạm y tế cần sớm được điều chỉnh.

Cụ thể như, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM không được Bảo hiểm Xã hội giải quyết chi trả nếu đến trạm y tế khám chữa bệnh.

Hay vấn đề đấu thầu thuốc, nếu để trung tâm y tế tự đấu thầu thì trạm y tế không thể có đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh ban đầu, nhất là các bệnh mạn tính không lây. Điều này lại càng khó giữ chân người bệnh ở y tế cơ sở.

Sở Y tế TP.HCM cho biết đã kiến nghị với UBND TP và Bộ Y tế cho phép sở triển khai đấu thầu tập trung cấp địa phương mở rộng hướng về y tế cơ sở. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, kiến nghị này vẫn chưa được phép thực hiện.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình WHO-PEN.

Đồng thời, tổ chức này sẽ khuyến nghị UBND TP và Bộ Y tế xem xét điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của y tế cơ sở, nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc và quản lý nhóm bệnh không lây. Theo Tiến sĩ Angela Pratt, nhóm bệnh không lây vốn là gánh nặng lớn nhất về bệnh tật và tử vong. (Theo VietnamNet)

Rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện đáp ứng trong tình hình mới

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Quy chế bệnh viện là khung pháp lý quan trọng đối với nhiệm vụ quản lý bệnh viện, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế. Việc rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện là một nhiệm vụ quan trọng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, chiều 17/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp về xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Quy chế bệnh viện là khung pháp lý quan trọng đối với nhiệm vụ quản lý bệnh viện, hệ thống khám bệnh chữa bệnh của Bộ Y tế nói chung và của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói riêng. Quy chế Bệnh viện 1997 gồm 5 phần, có 153 quy chế và quy định là một bộ tài liệu đồ sộ, là khung pháp lý quan trọngđối với công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Việc rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện là một nhiệm vụ quan trọng mà Cục đã và đang thảo luận, nghiên cứu triển khai.

Hiện nay, nhiều quy định trong Quy chế bệnh viện năm 1997 đã được thay thế dưới các Thông tư, Nghị định và một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Ví dụ: Thông tư số 13/2012/TT-BYT ngày 20/8/2012 hướng dẫn công tác gây mê - hồi sức (về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động gây mê - hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện phẫu thuật, thủ thuật có gây mê - hồi sức): Bãi bỏ: Khoản 12 về khoa phẫu thuật gây mê – hồi sức thuộc Phần V Quy chế công tác một số khoa, Khoản 31 về trưởng khoa phẫu thuật gây mê - hồi sức và Khoản 53 về bác sỹ gây mê - hồi sức thuộc Phần II Quy chế nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân quy định tại Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực;

Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 31/01/2008 ban hành Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc (Bãi bỏ Mục 2, phần IV Quy chế Bệnh viện 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.)

Thông tư số: 17/2022/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2022 quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bãi bỏ Quy chế công tác khoa Tâm thần quy định tại khoản 7 Phần V Quy chế bệnh viện

Thông tư Số: 22/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện, chức trách, nhiệm vụ của các chức danh trong khoa Dược bệnh viện: và thay thế quy định về "Quy chế công tác khoa Dược", "Dược sĩ phụ trách kho và cấp phát", "Dược sĩ pha chế thuốc" và "Trưởng khoa Dược" trong Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế bệnh viện.

Thông tư số 33/2016/TT-BYT 19 tháng 09 năm 2016 của Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định tổ chức và hoạt động xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện: Bãi bỏ Mục 42 về "Trưởng khoa vi sinh" trong Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế bệnh viện hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành…..

Tuy nhiên, vẫn còn một số điều cần bổ sung và thay thế cho phù hợp với tình hình mới. Do đó, cần phải xây dựng Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá về Quy chế bệnh viện do Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực khám, chữa bệnh làm trưởng ban, các thành viên khác là lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, đại diện các bệnh viện của Bộ Y tế, trong đó phải có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Cục quản lý Dược và Cục quản lý Khám, chữa bệnh vì những nội dung liên quan đến hoạt động và tổ chức, bộ máy của các bệnh viện.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trước mắt Cục sẽ dự thảo và trình lãnh đạo Bộ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện; Xây dựng kế hoạch triển khai và phân công đầu mối các lĩnh vực nhóm: tổ chức bệnh viện do Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, các quy chế về Dược do Cục Quản lý Dược; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối sẽ cùng các Vụ Cục chỉnh sửa, xây dựng dự thảo văn bản quy định Quy chế bệnh viện mới trình lãnh đạo Bộ ban hành. (Theo Báo sức khỏe và đời sống)

Phẫu thuật mở hộp sọ lấy máu tụ, bác sĩ vùng biên giành giật sự sống cho nam thanh niên

Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân có hình ảnh chảy máu dưới nhện, khí nội sọ vùng đỉnh trái, vỡ lún xương đỉnh trái. Sau khi hội chẩn bác sĩ nhận định: Đây là trường hợp rất nguy kịch cần phải mổ cấp cứu để cứu sống người bệnh

Thông tin cho phóng viên, đại diện Trung tâm Y tế TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, mới đây các bác sĩ Khoa Ngoại của đơn vị đã thực hiện ca phẫu thuật mở hộp sọ cứu sống nam thanh niên ở tỉnh Hà Giang thoát khỏi nguy kịch.

Theo thông tin, bệnh nhân B.V.H (22 tuổi, trú tại xã Nam Sơn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, có vết thương đụng dập vùng đỉnh trái dài 4cm, ấn lõm nền sọ, vùng chẩm và vùng đỉnh có 3 vết thương dài 1-2cm, glasgow 15 điểm… Ngay sau đó, người bệnh được bác sĩ tiến hành thăm khám, chụp CT.

Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân có hình ảnh chảy máu dưới nhện, khí nội sọ vùng đỉnh trái, vỡ lún xương đỉnh trái. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Ngoại tiến hành hội chẩn chuyên khoa và nhận định: Ca bệnh rất nguy kịch cần phải mổ cấp cứu ngay.

Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài gần 2 giờ đồng hồ để giành giật sự sống cho nam thanh niên. Quá trình phẫu thuật, kíp mổ tiến hành mở hộp sọ lấy máu tụ, nâng xương lún hộp sọ, khâu treo màng cứng cầm máu cho bệnh nhân.

Sau 5 ngày theo dõi, điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân B.V.H đã hồi phục nhiều.

Hiện bệnh nhân tỉnh, vết mổ tốt, vận động bình thường, trên phim chụp hình ảnh ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân B.V.H, bác sĩ Khổng Minh Toàn cho biết: "Ca bệnh nói trên rất phức tạp, nguy cơ biến chứng rất cao nếu không kịp thời xử lý. Trước bệnh cảnh như vậy, chúng tôi đã quyết định phẫu thuật mổ cấp cứu ngay. Đây là hướng xử trí tối ưu và khả thi nhất khi giải quyết được tình trạng chèn ép não cấp tính, giúp người bệnh mau phục hồi, nâng cao hơn chất lượng cuộc sống về sau. Mặc dù đây là ca mổ khó, có nhiều nguy cơ song với sự nỗ lực của đội ngũ phẫu thuật viên, bệnh nhân đã được cứu sống.

Theo BS.Khổng Minh Toàn, phẫu thuật sọ não vẫn là một khó khăn với các Trung tâm Y tế tuyến huyện và cần nhiều nguồn lực, đặc biệt là bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa. Do đó, việc thực hiện thành công ca phẫu thuật nói trên tại  là sự cố gắng của cả tập thể đơn vị; qua đó giúp bệnh nhân nắm giữ cơ hội sống cao hơn, giảm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi được điều trị, từng bước giảm tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tại vùng biên. (Theo Báo sức khỏe và đời sống)

Số ca mắc sốt rét tăng nhanh

Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2022); tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022 (không ghi nhận mắc). Vì sao sốt rét tăng nhanh như vậy?

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, bệnh nhân mắc sốt rét tập trung ở đối tượng dân di biến động (đi rừng, đi rẫy và ngủ lại, người làm thuê theo mùa vụ, dân từ địa phương khác đến…), đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh sốt rét.

Cùng với đó, hoạt động quản lý bệnh nhân sốt rét tại tuyến y tế xã và thôn ở Khánh Hòa hiệu quả chưa cao, muỗi gây bệnh sốt rét kháng với một số hóa chất diệt côn trùng ngày càng nhiều. Đồng thời, vì ca mắc bệnh sốt rét những năm trước giảm nên một số người còn lơ là, chưa có ý thức phòng bệnh.

Cục Y tế dự phòng, (Bộ Y tế) nhận định, kết quả kiểm tra cho thấy địa bàn thuộc vùng sốt rét lưu hành nhiều có điều kiện địa lý miền núi và kinh tế khó khăn; số người dân đi nương rẫy, khai thác nông lâm sản cao nhưng việc chủ động phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, quản lý các đối tượng mắc và nguy cơ sốt rét vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, công tác truyền thông phòng, chống sốt rét còn hạn chế.

BS Phạm Hồng Thuyết - Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, sốt rét lây truyền qua vectơ trung gian là muỗi Anophen. Sự ảnh hưởng của bệnh trực tiếp tác động đến các tế bào máu của người bệnh. Ký sinh trùng lấy chất dinh dưỡng từ tế bào máu, đẩy nhanh quá trình phát triển của nó. Bệnh sốt rét ảnh hưởng chủ yếu đến những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới và có thể lưu hành quanh năm.

Các triệu chứng của bệnh sốt rét bao gồm: Sốt cao, đau đầu, nôn mửa, mệt mỏi và đau cơ, thường xuất hiện sau khoảng từ 8-25 ngày sau khi bị muỗi đốt. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng sưng phù và kém hấp thụ trong suốt thời gian bệnh diễn tiến. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Báo cáo mới nhất về bệnh sốt rét của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, các ca sốt rét có xu hướng gia tăng. Vào năm 2021, thế giới ghi nhận 247 triệu ca, tăng so với 245 triệu ca trong năm 2020 và 232 triệu ca trong năm 2019.

Để tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt rét, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Lai Châu và Khánh Hòa chỉ đạo triển khai tổng hợp, phân tích tình hình bệnh sốt rét, xác định rõ nguyên nhân làm gia tăng ca mắc và đánh giá nguy cơ mắc sốt rét trên địa bàn. Các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát, chẩn đoán phát hiện, điều trị đúng phác đồ để hạn chế nguy cơ sốt rét nặng và tử vong, khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng…

Để không mắc bệnh sốt rét, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét. Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ…

Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn phòng, chống bệnh sốt rét và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.

Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.. (Theo Đaidoanket.vn)

Việt Nam chia sẻ về chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền

Phát biểu tại Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Công ty CP Sao Thái Dương, đã nhấn mạnh những điểm quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y học cổ truyền.

Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu lần thứ nhất được đồng tổ chức bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chính phủ Ấn Độ, diễn ra bên lề hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 từ ngày 17-18/8 tại thủ phủ Gandhinagar, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.

Với chủ đề “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai,” các chuyên gia trên toàn thế giới về y học cổ truyền sẽ tư vấn, thảo luận cùng WHO xây dựng chính sách phát triển, chiến lược hành động giai đoạn 2025-2034 về y học cổ truyền.

Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu lần thứ nhất này là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với ngành y học cổ truyền thế giới, thể hiện cam kết toàn cầu của WHO về gìn giữ và phát huy giá trị của y học bản địa, thúc đẩy phát triển y học cổ truyền, y học bổ sung và y học tích hợp trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tham dự Hội nghị, Việt Nam có 5 đại biểu: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Nam, Tiến sỹ Kiều Đình Khoan - đại diện Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương; bà Nguyễn Thị Hương Liên, Thạc sỹ Dược sỹ Nguyễn Thị Hồng Vân - đại diện Công ty cổ phần Sao Thái Dương; ông Trịnh Hiền Trung - đại diện tập đoàn TH.

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, đã nhấn mạnh những điểm quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y học cổ truyền, một số đề xuất, giải pháp chiến lược, hành động cần thiết trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, bà còn chia sẻ một số điểm tích cực trong chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền tại Việt Nam như Nghị định 1893/QĐ-TTg 2019 về Chương trình Phát triển Y học Cổ truyền đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 39/2021/TT-BYT 2021 của Bộ Y tế Việt Nam về đăng ký thuốc y học cổ truyền.

Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu đối với sức khỏe người dân và cộng đồng.

Khoảng 40% thuốc ngày nay được sản xuất từ các sản phẩm tự nhiên và các loại thuốc mang tính biểu tượng có nguồn gốc từ y học cổ truyền, bao gồm aspirin, artemisinin và các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em.

Các nghiên cứu mới, bao gồm cả nghiên cứu về bộ gen và trí tuệ nhân tạo đang được đưa vào lĩnh vực này.

Hiện tại, 170 quốc gia thành viên đã báo cáo với WHO về việc sử dụng y học cổ truyền./. (TTXVN/Vietnam+)

Thanh Loan tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.840
Tháng 05 : 128.611
Năm 2024 : 847.910
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.646.424