• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 22/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ trưởng Bộ Y tế: Lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực bảo tồn và phát triển dược liệu; Lý do Bộ Y tế thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam; Bộ Y tế: Tập trung cứu chữa, chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý người bị nạn vụ sập trần phòng học; Cần đổi mới phương thức tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá; Cụ ông phải trải qua cuộc đại phẫu vì để khối u góc hàm vỡ chảy máu mới đến bệnh viện; Người phụ nữ bị ung thư phổi không phải cắt xương sườn mở lồng ngực nhờ phẫu thuật robot;

Bộ trưởng Bộ Y tế: Lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực bảo tồn và phát triển dược liệu

Qua những chỉ đạo, định hướng cụ thể của Đảng và Nhà nước, bức tranh tổng thể của dược liệu Việt đã có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đã và đang nỗ lực bảo tồn các giống cây dược liệu quý, mở rộng diện tích trồng, phát triển sản xuất, thiết lập các chuỗi liên kết giá trị dược liệu...

Việc phát triển dược liệu đã trở thành tiền đề để vừa đáp ứng yêu cầu phòng và chữa trị bệnh tật, nâng cao sức khỏe người dân, vừa tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức diễn ra tối qua - 21/12 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Đến dự buổi lễ có Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận; PGS.TS Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục/Trung tâm thuộc Bộ Y tế; Nhà báo Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống, Trưởng Ban tổ chức.

Về phía Ủy ban Dân tộc có ông Đặng Tiến Hùng - Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp, hộ cá thể, hợp tác xã nuôi trồng, phát triển, chế biến và kinh doanh dược liệu cùng đồng nghiệp, người thân đã có mặt tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) để dự buổi lễ.

Trên gương mặt của các vị quan khách, các đại biểu hay những cá nhân, tổ chức được tôn vinh, những người đến tham dự chương trình đều là những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt, những lời chúc mừng nồng ấm... như làm xua tan giá lạnh của đêm mùa đông Hà Nội.

3 tháng phát động thu hút hơn 100 hồ sơ của các DN, HTX và hộ cá thể tham gia

Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đã xác định dược liệu là một trong những lĩnh vực trọng tâm phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lễ Vinh danh nhằm ghi nhận sự đóng góp của các hộ gia đình, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Qua đó tuyên truyền, nâng cao kiến thức, cổ vũ và lan tỏa ý nghĩa xã hội của các dự án phát triển vùng trồng dược liệu, đặc biệt là các loài dược liệu quý hiếm, phát huy tinh hoa và giá trị y dược cổ truyền Việt Nam.

Sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 hồ sơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ cá thể. Qua nhiều vòng bình xét, họp một cách nghiêm túc, công tâm, Hội đồng xét duyệt hồ sơ đã lựa chọn được gần 40 doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể có thành tích xuất sắc vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khai mở "kho vàng" dược liệu Việt

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Từ hàng nghìn năm nay, Việt Nam ta đã có một nền y dược học cổ truyền lâu đời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và trị bệnh cho người dân. Đại Danh y thiền sư Tuệ Tĩnh - người đặt nền móng cho y học cổ truyền Việt Nam từng nói: "Nam dược trị Nam nhân" - thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam. Được gìn giữ, lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ, nền y học cổ truyền Việt Nam trở thành một di sản rất độc đáo với những bài thuốc, phương thuốc trị bệnh sử dụng thảo mộc.

Trong bộ "Nam dược thần hiệu", Thiền sư Tuệ Tĩnh đã viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có đến 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật. Còn tại bộ "Lĩnh Nam bản thảo", Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã kế thừa, bổ sung về công dụng hoặc phát hiện thêm 305 vị thuốc mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về việc phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Các loại cây có thể dùng làm thuốc ở nước ta phân bố rộng khắp cả nước.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 50.000-60.000 tấn dược liệu khác nhau. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản; thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm …

Ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Hiện tại, Việt Nam là một trong 15 nước có tên trên bản đồ dược liệu thế giới.

Nhằm khai mở "kho vàng" dược liệu Việt, ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1976/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó Việt Nam có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Tiếp đó, ngày 14/10/2021, Thủ tướng ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg, phê duyệt "Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030...", trong đó tạo nhiều điều kiện, cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư trồng dược liệu, phát triển sản xuất.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao chương trình truyền thông "Vai trò, giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" do Báo Sức khỏe và Đời sống và Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền tổ chức, mà buổi lễ vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt" tổ chức hôm nay là một điểm nhấn rất ý nghĩa và đáng nhớ.

"Tôi tin tưởng rằng các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được vinh danh hôm nay sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, khuyến khích các tập thể và cá nhân khác ngày càng tham gia tích cực hơn trong công tác bảo tồn và phát triển dược liệu theo định hướng của Chính phủ, đồng thời cổ vũ phong trào xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ cây dược liệu"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Dược liệu làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân tộc thiểu số...

Tham gia Hội đồng Xét duyệt hồ sơ có các thành viên đều là những lãnh đạo, chuyên gia, người có uy tín, có kiến thức, kinh nghiệm và am hiểu sâu rộng về dược liệu. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ Hội đồng xét duyệt đều thực hiện nghiêm túc, công tâm, minh bạch để lựa chọn gần 40 đơn vị, cá nhân để vinh danh.

Ban Tổ chức đã trao vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt cho 11 Hộ gia đình. Đây cũng là một trong những hạng mục nhận được nhiều sự quan tâm của những đối tượng tham gia, gửi hồ sơ về Ban Tổ chức.

Chia sẻ tại chương trình, đại diện hộ gia đình ông Sùng Seo Sếnh – Bắc Hà, Lào Cai - vừa nhận được Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt ở hạng mục Hộ gia đình không giấu nổi niềm vui khi quyết định tham gia vào liên kết chuỗi của HTX và ký hợp đồng liên kết sản xuất dược liệu đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình.

Ông Sếnh cho biết, hiện tại hộ gia đình đang nuôi trồng hơn 2 ha trồng cây dược liệu đương quy và cát cánh. Hiệu quả thu được sau 4 năm trồng dược liệu tăng hơn hẳn so với trồng cây lương thực. Bình quân mỗi năm gia đình thu về khoảng 500 triệu đồng từ nuôi trồng những cây dược liệu này. "Niềm vui của chúng tôi không chỉ là đời sống được tốt hơn mà còn góp phần làm cho cây dược liệu quý không bị mai một"- ông Sếnh nói.

Tiếp đến, Ban Tổ chức đã vinh danh 15 doanh nghiệp dược liệu tiêu biểu có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong những năm qua, từ sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vùng trồng dược liệu cho nền y học cổ truyền; nhiều HTX tiêu biểu đã tham gia liên kết sản xuất sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn, từ đó dần khẳng định vị thế của mình và góp phần mang đến thị trường nhiều sản phẩm chất lượng từ dược liệu quý, đem lại thu nhập ổn định và một cuộc sống ấm no hơn cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ở hạng mục này, BTC đã vinh danh 13 HTX tiêu biểu.

Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt đã khép lại, nhưng dư âm của chương trình chắc hẳn sẽ kéo dài thêm bởi từ những 'hạt giống' là các hộ gia đình, cá thể, HTX hay các doanh nghiệp được vinh danh lần này đã góp phần gieo mầm và làm nhân lên nhiều thêm những hộ gia đình, cá thể, HTX hay các doanh nghiệp gắn bó, bảo tồn và phát triển "kho vàng' dược liệu Việt... (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Lý do Bộ Y tế thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam

Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do chuyển sang địa điểm kinh doanh mới.

Tại quyết định số 4583/QĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế thông báo thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam.

Cụ thể, tại quyết định này, Bộ Y tế thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 866/ĐKKDD-BYT ngày 10/7/2023 của Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: Tòa nhà Bitexco, số 2 Hải Triều, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Địa điểm kinh doanh, kho 3 và kho 4, Lô D1-6, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Quyết định của Bộ Y tế cho biết phạm vi kinh doanh của Công ty Roche Pharma Việt Nam là xuất khẩu, nhập khẩu thuốc.

Về lý do thu hồi Giấy chứng nhận kinh doanh dược của Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam là do Công ty có công văn thông báo dừng hoạt động kinh doanh dược tại địa điểm kho 3 và kho 4, Lô D1-6, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do chuyển sang địa điểm kinh doanh mới.

Quyết định của Bộ Y tế có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành - ngày 20/12. Điều này đồng nghĩa với việc quyết định số 2818/QĐ-BYT ngày 10/7/2023 của Bộ Y tế về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam hết hiệu lực.

Hiện tại, Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam đủ điều kiện kinh doanh dược theo quyết định số 4104/QĐ-BYT cấp ngày 6/11/ 2023 tại địa điểm kinh doanh kho Long Hậu - Hiệp Phước, khu công nghiệp Long Hậu, ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Bộ Y tế: Tập trung cứu chữa, chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý người bị nạn vụ sập trần phòng học

Chiều 21/12, thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, lãnh đạo Cục đã ký ban hành văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An về việc chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời người bị tai nạn trong vụ sập trần phòng học của Trường phổ thông Hermann Gmeiner (Nghệ An).

Theo đó trong văn bản do PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh ký ban hành cho biết, nhận được thông tin báo cáo nhanh của Sở Y tế Nghệ An qua đường dây nóng về vụ việc sập trần phòng học tại lớp 11A9 - Trường phổ thông Hermann Gmeiner bị sập vào sáng 21/12 làm nhiều học sinh bị thương, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hoan nghênh Sở Y tế Nghệ An đã điều động các đơn vị trực thuộc cấp cứu tại chỗ, vận chuyển đến các bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Sở Y tế Nghệ An và bệnh viện tuyến trên để kịp thời điều trị cấp cứu người bị nạn.

tế Nghệ An tiếp tục tích cực xử lý các công việc cụ thể: Tiếp tục chỉ đạo các các bệnh viện trực thuộc và phối hợp với các bệnh viện tuyến trên, các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn, nhằm bảo đảm việc cứu chữa được kịp thời và có hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn vượt qua khủng hoảng; Phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth, theo dõi điều trị cho nạn nhân tại các bệnh viện tuyến trên.

Bên cạnh đó cử đầu mối cung cấp thông tin chính thức, cụ thể cho cơ quan báo chí, truyền thông, cha mẹ, người nhà người bị nạn.

Đề nghị Sở Y tế Nghệ An sớm tổng hợp báo cáo gửi về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế (nếu có) nhằm bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị cho nạn nhân vụ việc.

Liên quan đến vụ sập trần phòng học tại Trường phổ thông Hermann Gmeiner, theo thông tin Sức khoẻ & Đời sống đã đưa trước đó, BS Nguyễn Minh Tân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An) cho biết, bệnh viện tiếp nhận 10 em học sinh của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner và 1 giáo viên.

Trong đó, có 1 ca nặng bị chấn thương sọ não và cột sống đã được chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương. Hai em đang được điều trị tại bệnh viện (1 em bị chấn động não và 1 em bị gãy chân). Những em còn lại bị xây xước ngoài da, sau khi được xử lý đã được xuất viện (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Cần đổi mới phương thức tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều hình thức khác nhau.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, công tác truyền thông được thực hiện qua nhiều kênh truyền khác nhau, từ qua các phương tiện thông tin báo chí đến qua các mạng xã hội cũng như hệ thống loa phát thanh xã, phường; pa-nô, áp phích, sách hướng dẫn… Nhiều cuộc thi về vẽ tranh, tìm hiểu, sáng tác về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được tổ chức.

Hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá được triển khai đến các nhóm đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên cũng như người dân ở các vùng sâu, vùng xa dân tộc thiểu số…

Các nội dung truyền thông tiếp tục tập trung vào các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về các địa điểm cấm hút thuốc, vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện môi trường không khói thuốc; tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu…

Trong giai đoạn 2020-2023 nhiều hoạt động truyền thông về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng).

Một số nghiên cứu khảo sát cho thấy, đã có 59,4% số dân biết về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật; 74,2% số người được hỏi tiếp cận thông tin tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá... Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, chưa liên tục, tập trung chủ yếu vào Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5 hàng năm).

Một số bộ, ban, ngành địa phương thiếu nguồn lực và điều kiện thực hiện, chưa có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc thù cho một số đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lá.

Thời gian đầu mới ban hành Luật PCTHTL, việc tuyên truyền, phổ biến chưa được kịp thời và còn phải lồng ghép với việc phổ biến các luật, văn bản khác nên nội dung truyền thông về Luật liên quan thuốc lá chưa được chuyên sâu.

Tại một số địa phương, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành đoàn thể tại địa phương. Ngoài ra cũng mới chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn, các cơ quan ban ngành và trung tâm xã, các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều cách thực hiện khác nhau. Đồng thời đổi mới công tác truyền thông để thu hút sự quan tâm và chú ý của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ (Theo báo nhandan.vn).

 

Cụ ông phải trải qua cuộc đại phẫu vì để khối u góc hàm vỡ chảy máu mới đến bệnh viện

Chiều 21/12, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thông tin các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy khối u vùng cổ nặng gần 1kg, nhưng cũng cảm thấy tiếc nuối bởi nếu người bệnh đến khám, điều trị sớm sẽ không phải chịu đựng những đau đớn, mặc cảm vì mang khối u này suốt nhiều năm...

Ông N.N.T, 83 tuổi, trú tại Tiền Hải, Thái Bình có u ở dưới hàm trái trên 30 năm phát triển to dần. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán u lành và do tuổi cao nên lo lắng không đi điều trị. Một năm gần đây, khối u bắt đầu tăng kích thước nhanh nhưng phải đến khi khối u vỡ bắt đầu chảy máu, chảy dịch, ông T. mới đến bệnh viện.

Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, khối u của bệnh nhân bị hoại tử phần trung tâm, tổn thương xâm lấn cơ cắn, chèn ép cơ ức đòn chũm trái, đè đẩy bó mạch cảnh cùng bên, ngoài ra còn có một số hạch rải rác vùng cổ trái. Khối u đã xâm nhiễm ra da gây hoại tử chảy máu, chảy dịch liên tục. Bệnh nhân lại có bệnh bụi phổi cũ nên tâm lý khá lo lắng đến tính mạng.

Trước ca phẫu thuật, TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, sau khi giải phẫu bệnh mới có thể xác định khối u là lành tính hay đã ác tính hóa nhưng việc để phát triển đến kích thước lớn như vậy sẽ dính vào các tổ chức lân cận, cùng việc bệnh nhân đã cao tuổi khiến cuộc mổ đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến như chảy máu, liệt thần kinh mặt. 

Trước mổ các bác sĩ phải dự trù sẵn máu truyền cho bệnh nhân, làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết cho cuộc mổ như chụp Cộng hưởng từ, đo chức năng hô hấp…, đồng thời giải thích động viên cho bệnh nhân yên tâm điều trị.

Các bác sĩ nhận định khối u xuất phát từ tuyến mang tai, xâm lấn nhiều cơ quan bó mạch cảnh, dây thần kinh số 7, thần kinh tai lớn, có những mạch máu tăng sinh lớn to bằng ngón tay gây chảy máu trong quá trình cắt u. 

Trong mổ, các bác sĩ đã dùng các phương tiện cầm máu phẫu tích cẩn thận cố gắng bảo tồn được mạch cảnh mạch máu quan trọng, dây thần kinh mặt. 

Khối u nặng gần 1 kg được lấy ra đã để lại lỗ khuyết hổng lớn, thiếu vạt da, BS phẫu thuật phải khéo léo xoay vạt da tại chỗ để tạo hình. Kết quả xét nghiệm sau mổ thì khối u có ổ ung thư hóa bên trong nên bệnh nhân sẽ phải tiếp tục điều trị tránh tái phát.

TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa chia sẻ, dù rất mừng vì ca phẫu thuật đã thành công nhưng cũng cảm thấy tiếc nuối vì giá như người bệnh đến khám và điều trị sớm hơn sẽ không phải chịu đựng những đau đớn, mặc cảm về cả thể chất và tinh thần lâu như vậy. Thay vì một cuộc đại phẫu nhiều nguy cơ, di chứng trước và sau mổ có thể chỉ cần một cuộc mổ nhỏ, mọi vấn đề được giải quyết nhanh chóng ngay khi khối u mới xuất hiện. 

Bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên đi khám sức khỏe định kì. Không nên chủ quan với những khối u lành tính vì nếu không điều trị, khối u phát triển cũng có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. 

Nếu phát hiện u tuyến mang tai thì nên đến các cơ sở ung bướu uy tín để chẩn đoán chính xác. Nếu khối u trên 1 cm thì nên tiến hành mổ để điều trị sẽ thuận lợi hơn, tránh tai biến do phẫu thuật cũng như nguy cơ ung thư (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Người phụ nữ bị ung thư phổi không phải cắt xương sườn mở lồng ngực nhờ phẫu thuật robot

Do không phải cắt xương sườn mở lồng ngực để bác sĩ thao tác như phẫu thuật mở trước đây, bà T. đã hồi phục nhanh chóng và xuất viện ở ngày hậu phẫu thứ 6.

25 năm trước, bà L.M.T. (68 tuổi, Gia Lai) phát hiện bị ung thư vú và phải đoạn nhũ. Hai tháng gần đây, bà T. bị đau thắt vùng ngực dữ dội, phải đi khám nhiều nơi. Một bệnh viện ở TPHCM nghi ngờ bà có một khối u ở thùy trên phổi trái.

Bà T. quyết định đến Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) để điều trị. Tại đây, bà T. được bác sĩ khuyên nhập viện sau khi các chẩn đoán cận lâm sàng của bệnh nhân gợi ý chẩn đoán ung thư phổi. Hình ảnh học phát hiện u thùy trên phổi trái, kích thước 40cmx20cm, bờ đa cung.

Trước 3 phương pháp mổ mở, nội soi kinh điển (phải cắt xương sườn, mở lồng ngực) và phẫu thuật robot, bà T. lựa chọn chọn phẫu thuật ít xâm lấn, ít mất máu và mau hồi phục. Đó là phẫu thuật robot - phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất để loại bỏ khối u phổi, nạo hạch tỉ mỉ, đồng thời giữ lại được tối đa chức năng còn lại của phổi nhằm đảm bảo hô hấp.

BS.CKII. Nguyễn Văn Việt Thành - Phó trưởng khoa Lồng ngực-Bướu cổ cho biết, ung thư phổi có tiên lượng xấu, bệnh diễn tiến nhanh chóng và có tỉ lệ tử vong cao.

Với trường hợp của người bệnh T, các bác sĩ nghĩ đến hai khả năng: Thứ nhất là ung thư thứ phát, di căn sau điều trị ung thư vú, thứ hai là một bệnh lý phổi mới hình thành.

"Để tối ưu việc điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi thực hiện phẫu thuật robot cắt thùy trên phổi trái có u, đồng thời thực hiện sinh thiết lạnh ngay lúc phẫu thuật để sớm xác định bản chất của u. Kết quả sinh thiết lạnh trong lúc mổ cho thấy đây là khối ung thư", bác sĩ Việt Thành chia sẻ.

Ê-kip phẫu thuật đã nạo bỏ trọn vẹn các hạch như hạch cạnh khí quản, cạnh tĩnh mạch chủ, nhóm hạch dưới phế quản và gần rốn phổi mà không tổn thương mạch máu. Lượng máu mất qua phẫu thuật chỉ khoảng 50 ml.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống và tự thực hiện được các sinh hoạt cơ bản ở ngày thứ 4 và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 6. X-quang ngực sau mổ của bà T. cho thấy phổi trái nở tốt, không có tràn dịch, tràn khí màng phổi. Bệnh nhân chia sẻ, các triệu chứng đau tức, đau thắt vùng ngực không rõ lý do trước phẫu thuật đã không còn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Việt Thành cho biết, sau khi cắt một thể tích khá lớn phổi, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để tập thở, tập vận động, tránh viêm phổi và tránh nguy cơ bội nhiễm. Tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mới khẳng định bản chất của tế bào ung thư là ung thư nguyên phát hay thứ phát sau ung thư vú. Bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị ung thư bổ túc sau mổ như hóa trị, xạ trị.

Bệnh viện Bình Dân là nơi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật robot cắt khối u phổi từ năm 2017. Do không phải cắt xương sườn mở lồng ngực, người bệnh được phẫu thuật robot ít đau hơn, lành vết thương tốt hơn và xuất viện sớm hơn so với kỹ thuật mở ngực trước đây.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020), ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới. Ung thư phổi cũng là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Bệnh cướp đi khoảng 1,8 triệu sinh mạng mỗi năm.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi được báo cáo vào năm 2020 xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14,4% và 23.797 ca tử vong (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.671
Tháng 12 : 166.548
Năm 2024 : 2.967.136
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.765.650