• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 21/11/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế đề nghị mức phụ cấp cao nhất với cán bộ y tế cơ sở khi cải cách tiền lương; Giá khám bệnh bảo hiểm y tế mới cao hơn khoảng 10%; Cả nghìn người được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng y học cổ truyền; ‘Dù có tiến bộ khoa học, kháng thuốc vẫn là mối lo ngại ở Việt Nam’.

Bộ Y tế đề nghị mức phụ cấp cao nhất với cán bộ y tế cơ sở khi cải cách tiền lương

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 đợt 2, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thTham gia giải trình, làm rõ những ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến và được các ĐBQH thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ cảm ơn các ĐBQH cũng như kiến nghị của cử tri cả nước. Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, việc tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Y tế.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, việc triển khai thực hiện Kết luận số 25 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023 về việc triển khai thực hiện các chế độ ưu đãi đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ dân số không nằm trong đối tượng tại Nghị định số 05 này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách của địa phương có nhiều nơi bố trí cán bộ dân số làm công tác khác nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định. Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo đúng vị trí việc làm, đúng chức danh. Trong trường hợp phải làm các nhiệm vụ y tế khác thì phải đảm bảo phụ cấp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Bộ cũng đã đề nghị, sắp tới khi triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số. Làm sao đảm bảo phụ cấp cao nhất theo quy định để đảm bảo đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc". (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Giá khám bệnh bảo hiểm y tế mới cao hơn khoảng 10%

Theo thông tư 22 của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 42.100 đồng, bệnh viện hạng II 37.500 đồng, bệnh viện hạng III 33.200 đồng, bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 30.100 đồng.

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 22/2023 ngày 17-11-2023 quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, hướng dẫn áp dụng thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17-11-2023.

Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 42.100 đồng; bệnh viện hạng II 37.500 đồng; bệnh viện hạng III 33.200 đồng; bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã 30.100 đồng.

So với mức cũ, giá khám bệnh mới cao hơn khoảng 10%. Theo các bệnh viện, như vậy sẽ tăng thêm nguồn thu từ bảo hiểm y tế để nâng chất lượng dịch vụ.

Đối với người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh trước ngày 17-11-2023 và ra viện, hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau ngày 17-11-2023 tiếp tục được áp dụng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh trước thời điểm thực hiện giá mới này.

Bên cạnh đó, thông tư cũng hướng dẫn giá khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm; bổ sung ghi chú của một số dịch vụ kỹ thuật.

Đối với giá dịch vụ ngày giường bệnh, áp dụng bằng 50% mức giá dịch vụ ngày giường bệnh nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.

Trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng có sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng, người bệnh chi trả thêm phần ngoài phạm vi bảo hiểm y tế.

Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của một lần khám bệnh, mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.

Người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh, đã được khám bệnh, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày.

Đối với các bàn khám thực hiện khám trên 65 lượt/ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. (Theo Báo Tuổi trẻ).

 

Cả nghìn người được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng y học cổ truyền

Hai phương pháp cai nghiện thuốc lá được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đạt hiệu quả cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện ngày một gia tăng.

Để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người dân, từ năm 2015 với sự hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã thành lập Phòng Tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Khoa Khám bệnh. Do số người đến tư vấn cai nghiện thuốc lá ngày một đông nên năm 2019, Bệnh viện thành lập thêm một Phòng Tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã cai nghiện thuốc lá thành công cho hàng nghìn người nghiện thuốc lá, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Bệnh nhân khi đến đây cai nghiện thuốc lá sẽ được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng hai phương pháp: không dùng thuốc và dùng thuốc. Với phương pháp không dùng thuốc, các bác sĩ sẽ nhĩ châm kết hợp phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng.

Nhĩ châm là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Cơ chế của nhĩ châm cai thuốc lá chính là điều hòa lại khí huyết, cân bằng âm dương để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra.

Còn phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng để hỗ trợ luyện thở cho những người hút thuốc lá gặp chứng bệnh viêm phổi tắc nghẽn.

Đối với phương pháp dùng thuốc, người nghiện thuốc lá được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng viên ngậm BTL hoặc trà nhúng BTL nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm hội chứng cai cho người hút thuốc. Bên cạnh hội chứng khi cai nghiện thuốc lá gồm kích thích, bồn chồn, khó chịu, cáu gắt, mất ngủ, khó tập trung còn có các triệu chứng khác được ghi nhận xuất hiện sau khi bỏ thuốc lá như ho, khô miệng, đau rát họng, đau đầu, buồn nôn.

Hiện nay, hai phương pháp cai nghiện thuốc lá nêu trên được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đạt hiệu quả cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện ngày một gia tăng.

Tuy nhiên để cai thuốc lá thành công phụ thuộc rất lớn vào ý chí và sự quyết tâm cai thuốc của bản thân người hút thuốc lá. Các bác sĩ, chuyên gia tư vấn khuyến cáo, hãy từ bỏ thuốc lá ngay ngày hôm nay vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu.

Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh: ung thư, tim mạch.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Tại Việt Nam, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đạt được những kết quả nhất định. So với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%).

Đáng chú ý, Bộ Y tế, cũng như chuyên gia phòng, chống tác hại thuốc lá khuyến cáo, nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại.

Còn đối với những người đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, cùng chung tay xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng. (Theo Báo Nhân dân).

 

‘Dù có tiến bộ khoa học, kháng thuốc vẫn là mối lo ngại ở Việt Nam’

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua.

Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn và bác sỹ kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức FHI 360 với sự hỗ trợ từ Liên minh Châu Âu (EU) và các đối tác khác tổ chức ngày 20/11 nhân Tuần lễ Thế giới Nâng cao nhận thức về kháng thuốc (từ ngày 18-24/11/2023).

Kháng kháng sinh ngày càng cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. Báo cáo gần đây của Bộ Y tế từ dữ liệu kháng sinh đồ cho thấy: Xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng trong thập kỷ qua. Nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh. Cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này được phản ánh trong Chiến lược kháng kháng sinh quốc gia toàn diện sẽ triển khai trong tuần này.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các các ban ngành và các tỉnh, thành cùng chung tay thực hiện và hỗ trợ những sáng kiến của Chiến lược này nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như sức khỏe của các thế hệ tương lai,” Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng từ năm 2018, ban hành thông tư yêu cầu kê đơn đối với tất cả các loại kháng sinh sử dụng trên động vật kể từ năm 2020 và sẽ loại bỏ dần việc sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong ngành chăn nuôi vào năm 2026. Đây là những nỗ lực cụ thể có thể giảm lượng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và giảm nguy cơ kháng kháng sinh ở cả động vật và con người.

Theo ông Tiến, nông dân có thể thúc đẩy các biện pháp phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu nhu cầu sử dụng kháng sinh bao gồm quy trình chăn nuôi và phúc lợi động vật tốt như mô hình quản lý, chuồng trại, thức ăn và nước uống phù hợp; thực hiện an toàn sinh học hiệu quả và sử dụng vắc xin tối ưu và phù hợp. (Theo Thông tấn xã Việt Nam).

Thanh Nhàn tổng hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 609
Tháng 11 : 71.451
Năm 2024 : 2.652.953
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.451.467