Điểm báo, ngày 17/10/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Người bệnh khó tiếp cận được các loại thuốc mới; Quỹ Bảo hiểm Y tế kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng, danh mục thuốc mới vẫn chờ cập nhật; 2 người tử vong, 1 người nhập viện sau khi uống sữa bột: Nguy cơ do ngộ độc cấp; Được giao tự chủ tài chính, loạt cơ sở y tế tại Quảng Nam gặp khó, nợ lương; Chạy thận ở Cần Giờ không còn là giấc mơ.
Người bệnh khó tiếp cận được các loại thuốc mới
Khi không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, người bệnh rất khó có thể tiếp cận được các loại thuốc mới tại các cơ sở khám chữa bệnh công.
Khó khăn cho cả người bệnh và cán bộ y tế
Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy như tạo áp lực tài chính, không đảm bảo chất lượng thuốc nếu phải mua qua các kênh ngoài cơ sở khám chữa bệnh và gây khó khăn trong việc theo dõi và phối hợp điều trị cho nhân viên y tế.
Ngày 15.10, trao đổi với Lao Động về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, BHYT cũng giống như Bảo hiểm Xã hội, được thực hiện trên cơ sở đóng - hưởng, đóng bao nhiêu sẽ hưởng bấy nhiêu. Do đó, tỉ lệ đóng của người dân sẽ tỉ lệ thuận với được hưởng. Căn cứ vào đó, cơ quan bảo hiểm và Bộ Y tế sẽ lên danh mục các loại thuốc mà người dân có thể được hưởng trong quá trình khám chữa bệnh bằng BHYT.
Theo bà Nga, hiện tại ở nước ta, tỉ lệ bao phủ BHYT khá rộng để người dân được hưởng chế độ an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay mức độ đóng BHYT của nước ta chưa cao do thu nhập bình quân thấp. Dù vậy, cũng đã rất lâu danh mục thuốc của nước ta chưa được cập nhật.
"Trong lúc chúng ta chưa thể tăng được tỉ lệ % hưởng, chưa tăng số tiền người dân được hưởng trong quá trình khám chữa bệnh thì ít nhất các danh mục thuốc chữa bệnh phải được cập nhật. Ở đây có thể chưa đòi hỏi cần phải tăng số tiền thuốc lên nhưng có những loại thuốc mới mà giá trị chữa bệnh ưu việt hơn thuốc cũ mà không kịp thời cập nhật thì sẽ gây khó khăn cho người dân và cả bệnh viện" - bà Nga nói và nhấn mạnh, Bộ Y tế và đơn vị bảo hiểm phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này, phải nhanh chóng khắc phục.
BHYT có đền bù cho người bệnh khi để xảy ra việc thiếu thuốc, thiết bị?
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi vai trò của BHYT khi vẫn để tình trạng bệnh nhân phải tự chụp chiếu, tự mua thuốc, tự mua thiết bị y tế.
“Tôi xin hỏi vai trò của BHYT trong việc đền bù những chi phí này. Bởi đây là quyền lợi chính đáng của người được BHYT” - bà Lan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề sửa đổi danh mục thuốc chữa bệnh BHYT, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và toàn diện so với mức phí đóng BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, việc rà soát, bổ sung vào danh mục thuốc cũng là việc định kỳ, thường xuyên. Ngày 31.12.2022, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 20 để rà soát, ban hành các danh mục, tỉ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu mà trong phạm vi người tham gia BHYT được hưởng.
“Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo Vụ Bảo hiểm y tế rà soát, cập nhật các danh mục thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, đối với danh mục thuốc còn liên quan đến việc đánh giá sự an toàn, tác động tới Quỹ Bảo hiểm Y tế nên trong thời gian qua, bộ đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, bổ sung danh mục theo định kỳ.
Dự kiến, đến năm 2024, sẽ có những văn bản cập nhật về vấn đề này” - nữ bộ trưởng khẳng định. (Lao động, trang 3)
Quỹ Bảo hiểm Y tế kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng, danh mục thuốc mới vẫn chờ cập nhật
Dù Quỹ BHYT hàng năm kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng danh mục thuốc mới vẫn cập nhật một cách nhỏ giọt trong khi việc bổ sung thuốc mới vốn là điều tất yếu phải làm vì lợi ích của người bệnh.
Bổ sung danh mục thuốc mới là việc làm cấp thiết
Báo Lao Động đã có tuyến bài phản ánh việc đã 5 năm kể từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi điều trị, ảnh hưởng đến "túi tiền" của bệnh nhân cũng như công tác chuyên môn, điều trị, kê đơn thuốc của bác sĩ.
Theo báo cáo tại hội thảo BHYT tổ chức gần đây, người Việt đang phải tự trả hơn 40% chi phí khám chữa bệnh, gấp đôi khuyến cáo của WHO. Điều này tạo gánh nặng kinh tế cho người dân.
Trong khi đó, quỹ BHYT năm nào cũng kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng. Năm 2021 là hơn 22.000 tỉ; tổng kết dư chuyển sang năm 2022 là 58.643 tỉ đồng trong tổng kinh phí gần 110.000 tỉ đồng Chính phủ giao. Để người dân tham gia BHYT nhiều hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân đối quỹ, sớm cập nhật thêm các thuốc mới vào danh mục.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Lao Động, người bệnh và bác sĩ đều mong danh mục thuốc sớm được cập nhật.
BS.CKII Mai Đức Huy - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn TPHCM - cho biết, việc bổ sung thuốc thuộc danh mục thuốc được thanh toán BHYT là điều cần thiết vì các khuyến cáo điều trị cập nhật và thay đổi liên tục, đặc biệt là lĩnh vực chuyên khoa sâu. Đây cũng là việc tất yếu phải làm vì quyền lợi và điều tốt nhất cho người bệnh, nhưng phải đánh giá trên đầy đủ các nghiên cứu khoa học làm cơ sở.
Bác sĩ Đức Huy dẫn chứng, theo quy định để bổ sung thuốc mới vào danh mục phải có đánh giá tác động ngân sách cho kết quả việc bổ sung thuốc mới không làm tăng chi từ quỹ BHYT; nếu có tác động ngân sách gây tăng chi từ quỹ BHYT thì phải đánh giá thêm bằng chứng khoa học như: bằng chứng đánh giá công nghệ y tế (kinh tế dược), xem xét hiệu quả lâm sàng và chi phí điều trị, bổ sung thuốc so với thuốc hiện có trong danh mục thanh toán BHYT. Do đó, bác sĩ kiến nghị Bộ Y tế cần sớm thực hiện các bước này thì mới có thể cập nhật danh mục thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia khác cho biết, năm 2023 Bộ Y tế đang trong giai đoạn hoàn thiện để ban hành Hướng dẫn chuẩn bị Báo cáo đánh giá kinh tế dược nhằm ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong lĩnh vực y tế. Từ đó, có khung cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các nghiên cứu làm tiền đề bổ sung các thuốc mới vào danh mục thanh toán BHYT.
“Việc bổ sung/loại bỏ để cập nhật danh mục thuốc BHYT là một bài toán cân nhắc nhiều yếu tố về chi phí - hiệu quả điều trị, phân tích tác động ngân sách, đánh giá khía cạnh xã hội, pháp luật, đạo đức cho các nhà hoạch định chính sách/cơ quan quản lý y tế trước khi ra quyết định, vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thanh toán từ nguồn quỹ BHYT chứ không phải đơn giản là thao tác thêm/bớt thuốc khỏi danh mục” - vị chuyên gia này cho biết.
Không nên để quỹ BHYT kết dư quá nhiều
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, bà Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế - đưa ra nhiều lý do cho việc danh mục thuốc BHYT chậm cập nhật.
Bà cho hay, hằng năm vẫn có những loại thuốc mới được nghiên cứu phát minh, vì vậy sẽ có quá trình cập nhật danh mục thuốc mới vào danh mục thanh toán BHYT hiện hành. Để cập nhật được phải đánh giá hiệu quả điều trị cho người bệnh trên thuốc mới đó, vì thuốc mới đưa vào sẽ có quá trình cấp phép lần đầu, nhiều trường hợp theo dõi an toàn hiệu quả chỉ được cấp phép 3 năm thì chưa đủ điều kiện đưa vào danh mục.
Đối với những thuốc đã được đăng ký lưu hành rồi thì phải đánh giá hiệu quả điều trị, đánh giá tác động kinh tế y tế của thuốc đó so với danh mục thuốc hiện hành để xác định hiệu quả điều trị và đánh giá tác động ngân sách, lên quỹ BHYT.
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, Quỹ BHYT cho đến báo cáo gần đây nhất vẫn có kết dư và điều tốt nhất là quỹ BHYT không nên để kết dư quá nhiều.
“Như chúng ta đã biết, BHYT là loại quỹ ngắn hạn, thường xuyên được bổ sung. Vì vậy, trong việc sử dụng phải có các điều kiện để đảm bảo phần kết dư phải bằng một mức vừa đủ để tiếp tục duy trì và phát triển công việc trong giai đoạn tới. Việc để kết dư quá lớn sẽ làm ảnh hưởng đến chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh của những người đóng BHYT.
Nếu trong trường hợp có kết dư với lượng khá lớn, như trong báo cáo thời gian vừa qua, tôi cũng như nhiều ĐBQH đề nghị cần xem xét để thanh toán cho trường hợp có tham gia BHYT, đặc biệt là những người thuộc diện đặc biệt khó khăn, diện ưu tiên, diện nghèo, những gia đình có công với cách mạng…
Khi người bệnh đến khám chữa bệnh nhưng không được BHYT thanh toán trong thời gian vừa qua với lý do là bệnh viện nơi họ khám không mua được vật tư tiêu hao thuộc diện BHYT thanh toán, thì BHYT cần tìm cách thanh toán cho họ. Đặc biệt là những người bệnh có chỉ định thuốc men đúng, quy trình mua sắm rõ ràng"- Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị. (Lao động, trang 3)
2 người tử vong, 1 người nhập viện sau khi uống sữa bột: Nguy cơ do ngộ độc cấp
Liên quan vụ ngộ độc sữa ở tỉnh Tiền Giang, tối 16-10, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang điều trị cho bệnh nhân Phạm Minh Tân (55 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, phải thở máy.
Bệnh nhân có bệnh sử phức tạp, trong 2 ngày 14 và 15-10, gia đình đã có 2 người (mẹ là bà Phạm Thị Phấn, 85 tuổi và em trai Phạm Văn Yên, 45 tuổi) tử vong sau khi sử dụng một loại sữa. Đến 15-10, bệnh nhân cũng sử dụng sữa này và bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng nôn, ói, suy hô hấp, phải nhập viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ nhận định 3 người có sức khỏe tốt, sinh hoạt bình thường nhưng sau khi sử dụng loại sữa bột đều có tình trạng giống nhau là rối loạn tiêu hóa, hôn mê, co giật và 2 người đã tử vong.
Bước đầu chẩn đoán ngộ độc cấp, các bác sĩ lập tức tiến hành các biện pháp thở máy, lọc máu hấp phụ và sử dụng các loại thuốc vận mạch, dịch truyền để đào thải các chất độc ra ngoài, đảm bảo tính mạng bệnh nhân.
Sau khoảng 12 tiếng hồi sức tích cực, đến trưa 16-10, bệnh nhân đã cải thiện tri giác, tỉnh táo hơn, bắt đầu tiếp xúc được, hồi phục các tổn thương gan, thận, phổi, cơ tim… đến 16 giờ ngày 16-10, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn và có dấu hiệu hồi phục tốt.
“Kết quả hội chẩn với các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và sau khi đưa tất cả các bằng chứng, triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ bước đầu thống nhất kết luận, đây là bệnh cảnh nghi ngờ ngộ độc cấp dẫn đến tình trạng tổn thương đa tạng, suy hô hấp cấp, hôn mê. Hiện bệnh viện đang phối hợp các cơ quan chức năng tìm hiểu rõ nguyên nhân”, TS-BS Lê Quốc Hùng thông tin.
Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 14-10, bà Phạm Thị Phấn phát hiện con trai là Phạm Văn Yên (45 tuổi) chết tại nhà. Tối cùng ngày, con gái bà Phấn dự tang lễ, pha 100ml một loại sữa bột cho mẹ uống. Sau đó, bà Phấn có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn, khoảng 5 phút sau thì tử vong.
Rạng sáng 15-10, ông Phạm Minh Tân đến phụ tổ chức đám tang cho mẹ, pha 150ml cùng loại sữa bột để uống, sau đó bị nhức đầu, chóng mặt, ói, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc sữa. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Được giao tự chủ tài chính, loạt cơ sở y tế tại Quảng Nam gặp khó, nợ lương
Sau 4 tháng áp dụng cơ chế tự chủ tài chính, nhiều cơ sở y tế công tại Quảng Nam vẫn chìm trong khó khăn, có bệnh viện còn đang nợ lương người lao động (NLĐ).
Thu không đủ bù chi
Tháng 6.2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025 trong đó giao quyền tự chủ tài chính cho 32 đơn vị gồm 3 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 21 cơ sở tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Cơ chế tự chủ được triển khai nhằm mục tiêu giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước và tạo quyền chủ động cho các bệnh viện trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến hiện tại, nhiều đơn vị tự chủ đối diện với hàng loạt khó khăn khi nguồn thu không đủ bù chi.
Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh được giao tự chủ 78,9% kinh phí hoạt động. Dự toán thu năm 2023 giao hơn 21,8 tỉ đồng, trừ các khoản chi còn lại phải thu hơn 17,6 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng nhu cầu kinh phí chi lương và hoạt động thường xuyên tại đơn vị này lên đến hơn 19 tỉ đồng, nên kể cả thu đủ trong chi tiêu giao, tỉnh vẫn phải bù thêm gần 1,4 tỉ đồng.
Thực tế, đến tháng 10.2023, kể cả nguồn ngân sách Nhà nước cấp, Bệnh viện YHCT tỉnh chỉ mới thu hơn 10,7 tỉ đồng và đã chi hơn 9 tỉ đồng. Do vậy, trong 3 tháng cuối năm, đơn vị này cần đến gần 10 tỉ đồng để chi lương và chi thường xuyên.
Với việc hoạt động không hiệu quả, nguồn thu từ khám chữa bệnh giảm suất, hiện chỉ có hơn 80 bệnh nhân so với quy mô 247 giường bệnh nội trú, bệnh viện YHCT tỉnh đang nợ gần 3,3 tỉ đồng tiền lương và BHXH từ tháng 7 đến nay của 136 NLĐ.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Tam Kỳ, tình hình cũng không khả quan khi lượt khám chữa bệnh giảm sâu khiến nhân viên y tế ở đây liên tục chịu cảnh chậm lương. Với mức độ tự chủ 61%, đơn vị này luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Đầu năm 2023, Sở Y tế thống nhất phương án chuyển giao TTYT Tam Kỳ sang hệ dự phòng, nhưng hiện đề án này vẫn chưa hoàn thành.
Nhiều bất cập
Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 3 năm đại dịch COVID-19, nguồn thu của các bệnh viện đều giảm sâu, nên không phản ánh đúng tình hình thu - chi của giai đoạn này, để làm cơ sở xây dựng phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023 - 2025.
Nhóm các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, chủ yếu là các TTYT có hệ thống điều trị hiện đã sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng sau khi thông tuyến BHYT.
“Ngay khi quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT có hiệu lực, từ chỗ là đơn vị y tế ban đầu được người dân lựa chọn, TTYT Tam Kỳ ngày càng không thể cạnh tranh với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cũng như các cơ sở tư nhân trên địa bàn. Số lượng đầu thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây giảm gần 2/3 so với trước đây” - đại diện TTYT Tam Kỳ cho biết.
Đối với các bệnh viện, vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá thu viện phí chưa tính đúng, tính đủ các chi phí. Giá viện phí ở cơ sở y tế công hiện mới chỉ 4/7 yếu tố, chưa có 3 phần gồm khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này gây hạn chế phát triển bệnh viện.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn của ngành y tế hồi tháng 6.2023, ông Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc - cho biết, đơn vị này nằm trong nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên với số nhân lực gần 1.000 người.
“Ước tính mỗi năm, chúng tôi tiết kiệm chi cho Nhà nước hơn 150 tỉ đồng khi tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo quy định, chúng tôi sẽ được ngân sách hỗ trợ chi đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều thiết bị máy móc của bệnh viện đã hư, cũ chưa kể số giường bệnh thiếu, cơ sở hạ tầng xuống cấp... chúng tôi vẫn chưa được phê duyệt đầu tư, do chờ đợi phê duyệt rất lâu, dẫn đến không bắt kịp được kế hoạch phát triển” - ông Tô Mười nói.
Trước mắt, các bệnh viện mong sớm có chủ trương hoặc ban hành khung giá khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ chi phí. Ngoài ra, cần ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra công tác khám chữa bệnh BHYT. (Lao động, trang 7)
Chạy thận ở Cần Giờ không còn là giấc mơ
Từ ngày 18-10, đơn vị chạy thận nhân tạo sẽ chính thức vận hành ngay tại Bệnh viện huyện Cần Giờ (TP.HCM). Vậy là chạy thận ở Cần Giờ không còn là giấc mơ, người bệnh sẽ không phải "tha phương" cực nhọc.
Trong danh sách 16 bệnh nhân đăng ký trở về Cần Giờ chạy thận dịp này, có ba bệnh nhân đặc biệt. Họ đều đến từ Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM. Hơn ai hết, chính họ là người thấu hiểu rõ nhất sự cực nhọc khi phải "vượt sóng" vào đất liền chạy thận.
Từ câu chuyện của Huỳnh Tấn Tài
Từ cách đây hơn hai tháng, câu chuyện "gian nan hành trình đi chữa bệnh" của người dân xã đảo Thạnh An xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ. Câu chuyện gây sự chú ý, bởi nhân vật đặc biệt là Huỳnh Tấn Tài (34 tuổi) - một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên xã đảo này.
Hành trình vào đất liền chạy thận với Tài là cực hình. Từ chiều hôm trước, anh được người thân bế lên ghe vào đất liền thuê trọ. Trắng đêm, chàng trai 34 tuổi cứ thấp thỏm chờ trời sáng để kịp đón xe đò lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) chạy thận.
Cả đi lẫn về, anh mất ròng rã 25 tiếng, nếu tính ngày thì mất hai ngày. Một tuần ba lần, Tài mất đến sáu ngày đi chạy thận và chẳng khác nào hành xác với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Và có lẽ Tài chỉ là số ít gắng vượt nghịch cảnh về thời gian, khoảng cách và điều kiện kinh tế để chạy thận. Có người đã bỏ cuộc, sống chung với bệnh tật và ra đi trong giày vò của bệnh tật.
"Tôi chỉ mong sao Bệnh viện huyện Cần Giờ sớm có thể chạy thận, đó cũng là cách tốt nhất giúp bà con xã đảo đỡ mất sức, tốn tiền bạc tới lui lên thành phố như bây giờ", Tài tâm sự và lặng nhìn ra dòng sông Sài Gòn nơi có những đám lục bình trôi lững lờ mong ước.
Ông Lê Văn Dũng (54 tuổi, ngụ ấp Hòa Thạnh, Thạnh An) vui mừng nói vừa được thông báo về Bệnh viện huyện Cần Giờ chạy thận. Đây là lần đầu tiên ông được chạy thận gần nhà sau một năm suy thận điều trị tại Bệnh viện quận 8.
"Cũng vì quá xa xôi, một năm qua tôi phải thuê phòng trọ ở quận 8 duy trì chạy thận. Về Cần Giờ chạy thận, tôi được ở nhà, đỡ di chuyển mệt mỏi và ít tốn kém hơn", ông Dũng xúc động nói.
Trong số 16 người đăng ký về Cần Giờ chạy thận, Lý Tuấn Anh (24 tuổi) là bệnh nhân trẻ tuổi nhất. Ba năm phát hiện suy thận cũng là ba năm Tuấn Anh đều đặn đến Bệnh viện Nhà Bè chạy thận.
Nhà xa, di chuyển liên tục (tuần ba buổi) khiến sức khỏe chàng trai ngày càng suy kiệt. Tuấn Anh còn bảo dạo gần đây chân yếu hẳn không thể đi một mình, mẹ phải đi theo để dìu. "Em ước được về Cần Giờ chạy thận lâu lắm rồi", Tuấn Anh bộc bạch.
Niềm mong mỏi ấy của Tuấn Anh, Tấn Tài cùng nhiều người bệnh khác đã nhanh chóng "chạm" đến trái tim những người có trách nhiệm ngành y tế.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, đơn vị xung phong hỗ trợ Cần Giờ), nói: "Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, tôi đã gọi điện ngay cho bác sĩ Đoàn Văn Huệ, giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ và được trả lời nếu làm được, hãy giúp Cần Giờ. Với kinh nghiệm đã từng thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo trong khu cách ly COVID-19, tôi nhận lời ngay". Kế hoạch nhanh chóng được báo cáo xin ý kiến và được giám đốc Sở Y tế TP.HCM ủng hộ.
Tất cả vì người chạy thận
Việc hình thành được đơn vị chạy thận ở Cần Giờ nếu được đặt trong bối cảnh các bệnh viện và ngành y tế đều đứng trước "khó khăn đủ chuyện", từ nhân sự cho đến trang thiết bị, vật tư thuốc men mới thấy hết sự quý giá.
Quả thật, không phải bệnh viện nào cũng dám nhận cái khó về mình. Nói như bác sĩ Trần Văn Khanh: "Chi viện cho Cần Giờ đơn giản chỉ xuất phát từ trách nhiệm một công dân thành phố và trong phạm vi nghề nghiệp có thể". Thậm chí, suốt quá trình bắt tay vào thiết kế đơn vị chạy thận, các kỹ sư đã phải túc trực ở Cần Giờ làm xuyên lễ (2-9), tất cả vì người chạy thận.
Cho đến hôm nay, kỹ sư Võ Đình Hiếu - trưởng phòng vật tư, thiết bị y tế (Bệnh viện Lê Văn Thịnh), một trong những người được giao quán xuyến thiết kế đơn vị chạy thận ở Cần Giờ - mới thở phào, đặc biệt sau đánh giá "đáp ứng triển khai thận nhân tạo" từ đoàn thẩm định của Sở Y tế.
Để đáp ứng kịp tiến độ chạy thận trong tháng 10, từ những ngày đầu tháng 9-2023 kỹ sư Hiếu nói anh em đồng nghiệp của hai bệnh viện đều đồng tâm hiệp lực làm cả ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật. "Nếu xét cho đúng trình tự các thủ tục đấu thầu mua sắm rồi người này chờ người kia, tôi nghĩ phải cần từ sáu tháng đến một năm mới có thể hoàn thành đơn vị chạy thận. Chúng tôi đã quyết liệt làm và làm mọi cách nhanh nhất có thể để đạt mục tiêu", kỹ sư Hiếu chia sẻ. Và cũng từ sự quyết liệt ấy mà chỉ hơn một tháng đã có đơn vị chạy thận đạt tiêu chuẩn "5 sao" như lời kỹ sư Hiếu tâm sự.
Ngoài các vấn đề nêu trên, bác sĩ Trần Văn Khanh cũng nói sở dĩ đơn vị chạy thận triển khai nhanh được là do hoạt động theo mô hình vệ tinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Chẳng hạn như thay vì đấu thầu mua sắm, bệnh viện đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật và sẽ điều hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân sự từ bệnh viện xuống Cần Giờ. Theo ông, quan trọng vẫn là chủ trương, từ đó bệnh viện đã vận dụng mọi thủ tục nhanh, gọn nhất có thể và vẫn đảm bảo pháp lý. (Tuổi trẻ, trang 13)
Tổng hợp Tuấn Dũng